Đại lý thương mại là gì?

01/08/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao

1- Khái niệm đại lý thương mại

Đại lý là một trong các hoạt động trung gian thương mại của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định.

Khái niệm đại lý thương mại được quy định cụ thể tại Điều 166 Luật Thương mại năm 2005 như sau: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao".

Bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại ly cho khách hàng để hưởng thù lao. Theo đó, bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận với nhau trên cơ sở hợp đồng.

2- Đặc điểm của đại lý thương mại

Đại lý mua bán hàng hóa có những đặc điểm như sau:

Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa phát sinh giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là bên giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là bên ủy quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là bên nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ. Theo quy định tại Điều 167 Luật Thương mại 2005, cả bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân.

Nội dung của hoạt động đại lý bao gồm việc giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý giữa bên giao đại lý và bên đại lý và giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lý với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý. Luật thương mại 2005 đã mở rộng phạm vi hoạt động đại lý sang cả đại lý dịch vụ (như đại lý bảo hiểm, đại lý hải quan, đại lý internet…) chứ không bó hẹp ở hoạt động đại lý mua bán hàng hóa như quy định tại Luật Thương mại năm 1997.

Để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý được quyền tự do lựa chọn bên thứ ba để giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ theo những quy định cụ thể trong hợp đồng đại lý. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với bên thứ ba, bên đại lý nhân danh chính mình và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng với bên thứ ba ràng buộc bên đại lý với bên thứ ba. Sau đó, bên đại lý trực tiếp thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ với bên thứ ba.

Trong đại lý mua bán hàng hóa, bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý (Điều 170 Luật Thương mại 2005). Khi thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý không phải là người mua hàng của bên giao đại lý mà chỉ là người nhận hàng để rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba. Chỉ khi hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba.

+ Quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa thương nhân giao đại lý và thương nhân làm đại lý. Hợp đồng đại lý phải được giao kết bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Giống như hợp đồng ủy thác, xét về bản chất, hợp đồng đại lý thương mại cũng là một hợp đồng dịch vụ theo quy định tại Điều 518 Bộ luật dân sự 2015 nên đối tượng của hợp đồng đại lý là công việc mua bán hàng hóa hoặc công việc cung ứng dịch vụ của bên đại lý cho bên giao đại lý.

Như vậy, xét về bản chất, hoạt động đại lý không có gì khác so với hoạt động ủy thác. Các hoạt động đại lý hay ủy thác đều được thực hiện thông qua các thương nhân trung gian, những người này bằng danh nghĩa của chính mình thực hiện việc mua bán hàng hóa cho người khác để hưởng thù lao. Nhưng xét về thực tiễn hoạt động, ủy thác và đại lý có một só điểm khác nhau:

Một là, quan hệ ủy thác có thể được thiết lập giữa thương nhân với thương nhân, giữa thương nhân với các bên liên quan trong khi quan hệ đại lý chỉ có thể được thiết lập giữa các thương nhân.

Hai là, phạm vi hoạt động đại lý thương mại rộng hơn hoạt động ủy thác. Đại lý thương mại có thể được thực hiện trong nhiều lĩnh vực của hoạt động thương mại, trong khí đó, ủy thác mua bán hàng hóa chỉ được thực hiện trong lĩnh vực mua, bán hàng hóa.

Ba là, bên đại lý được tự do lựa chọn bên thứ ba để giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng so với bên nhận ủy thác.

Bốn là, quan hệ ủy thác thường ít mang tính vụ việc, đơn lẻ còn quan hệ đại lý thường là quá trình hợp tác lâu dài giữa bên đại lý và bên giao đại lý. Vì vậy, trong quan hệ đại lý bên đại lý có sự gắn bó phụ thuộc vào bên giao đại lý đồng thời bên giao đại lý có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của bên đại lý so với quan hệ giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác.

Như vậy, hoạt động đại lý thương mại là hoạt động trung gian thương mại được thực hiện giữa các thương nhân. Hoạt động được thực hiện trong nhiều lĩnh vực của hoạt động thương mại như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (bảo hiểm, hải quan…).

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Đại lý thương mại là gì?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
4.39633 sec| 948.023 kb