Vấn đề đầu tư kinh doanh hiện nay
Theo quy định pháp luật trong Luật đầu tư năm 2020 đã quy định rất rõ các lĩnh vực mà nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư, bên cạnh đó còn có các hình thức đầu tư mà nahf đầu tư lựa chọn cho phù hợp với lĩnh vực mà họ đầu tư vào. Trong đầu tư kinh doanh thì buộc nhà đầu tư phải bỏ vốn đầu tư của mình ra mới có thể kinh doanh được. Khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh. Khái niệm đầu tư được nhìn dưới các góc độ khác nhau nhưng về mục đích chung thì vẫn nằm trong đầu tư có lợi nhuận. Cùng tìm hiểu vấn đề đầu tư kinh doanh hiện nay.
Quyền được đầu tư kinh doanh
Trong khoa học pháp lý, đầu tư là việc “nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”. Kết quả của đầu tư không chỉ là lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư mà còn có thể mang lại những lợi ích chung cho xã hội như tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế.
Theo quy định của khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2020,“nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật”.
Quy định này cho thấy:
Một là,“nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động ĐTKD trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm” là phù hợp với quyền hiến định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Mặc dù vậy, quyền tự do kinh doanh không phải là vô giới hạn mà bị hạn chế trong trường hợp “cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Hai là, “đối với ngành, nghề ĐTKD có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện ĐTKD theo quy định của pháp luật”.Điều kiện ĐTKD được hiểu là một trong những công cụ quản lý được Nhà nước sử dụng để thiết lập, duy trì trật tự trong hoạt động kinh doanh chứ không phải đặt ra để hạn chế quyền của nhà đầu tư.
Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về ngành, nghề ĐTKD có điều kiện “là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động ĐTKD trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Với tinh thần vừa thúc đẩy cải cách, mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước thì số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đã được giảm đi đáng kể.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý lao động
Quyền tự quyết định và được tiếp cận nguồn lực của nhà đầu tư kinh doanh
Khoản 2 Điều 5 Luật đầu tư quy định: “Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động ĐTKD theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật”.
Quy định “Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động ĐTKD theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”, về bản chất, đây là “sự thật hiển nhiên” phải thực hiện của nhà đầu tư khi tham gia hoạt động ĐTKD, bởi không ai có thể “lo hộ, nghĩ hộ” họ, và ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với các rủi ro, bất lợi hoặc sự vi phạm do chính mình gây ra. Tuy vậy, thực tế vẫn diễn ra tình trạng người làm chính sách “nghĩ hộ, lo hộ” cho nhà đầu tư khi đưa ra những quy định mang tính chủ quan như: “phải có phương án kinh doanh khả thi, phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in, phải có cán bộ pháp chế…”.Những quy định này đã can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, thậm chí làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy định “được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật” cũng mang tính đương nhiên và bắt buộc phải có bởi nhà đầu tư sẽ không thể hoạt động bình thường nếu thiếu đi các nhân tố thuộc về lực lượng sản xuất. Tuy vậy, các quy định về quyền được tiếp cận này của nước ta trong những thập niên qua luôn là vấn đề kém thuận lợi cho nhà đầu tư so với các nền kinh tế tương đương. Việc thiếu vốn, cần vốn và mong muốn tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng là vấn đề của đa số nhà đầu tư. Họ cần vốn để bảo đảm tiến độ dự án hoặc đầu tư với kỳ vọng vào hiệu quả cao trong tương lai của dự án đầu tư, nhưng việc tiếp cận nguồn lực này còn nhiều trở ngại.
Một vấn đề mới được bổ sung trong quy định của Luật đầu tư năm 2020 về ĐTKD là, “nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động ĐTKD nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”. Quy định này nhằm “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”. Đây cũng là quy định nghiêm ngặt, mang tính tự vệ cao của Nhà nước để hạn chế mặt trái của hoạt động ĐTKD. Quy định mới này của Việt Nam cũng phù hợp với xu thế của đầu tư quốc tế hiện nay. Cụ thể, theo Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), cơ chế sàng lọc nhà đầu tư ngày càng được coi trọng tại mỗi quốc gia. Ví dụ, “trong năm 2018, khoảng 55 nền kinh tế đã áp dụng ít nhất 112 biện pháp tác động đến đầu tư nước ngoài. Hơn một phần ba trong số các biện pháp này đưa ra các hạn chế hoặc quy định mới - con số cao nhất trong hai thập kỷ. Chúng chủ yếu phản ánh những lo ngại về an ninh quốc gia về quyền sở hữu của nước ngoài đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ cốt lõi và các tài sản kinh doanh nhạy cảm khác”.
Tìm hiểu thêm: Dịch vụ pháp lý sở hữu trí tuệ
Bảo hộ tài sản của nhà đầu tư kinh doanh
Khoản 4 Điều 5 Luật đầu tư quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư”.
Cho dù quy mô đầu tư hoặc quốc tịch nhà đầu tư khác nhau thì quy định bảo hộ quyền sở hữu về tài sản của nhà đầu tư đã trở thành thông lệ quốc tế, xuất phát từ nguyên tắc “những gì của nhà đầu tư phải thuộc về nhà đầu tư” và nó thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.Bản chất của ĐTKD là sự chi phí của cải vật chất nhằm mục đích làm tăng giá trị tài sản hay tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai. Do đó, vấn đề “bảo hộ nhà đầu tư” và “bảo hộ tài sản của nhà đầu tư” là một yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư tại mỗi quốc gia. Dựa vào chi phí cơ hội và đánh giá rủi ro về chính sách đối với nhà đầu tư để từ đó họ quyết định có ĐTKD vào một thị trường cụ thể hay không. Quy định này trở nên tối quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài thường vì nguồn nguyên liệu, nhân công giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh hơn ở nước sở tại. Muốn vậy, nước nhận đầu tư cần phải có sự cam kết quốc gia về bảo hộ tài sản đối với chủ đầu tư và đây như là một công cụ gửi tín hiệu chào đón, làm an lòng nhà đầu tư nước ngoài và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại mỗi quốc gia
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thương mại
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm