Đối tượng và phương pháp nghiên cứu lí luận chung về nhà nước và pháp luật

22/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Lí luận chung về nhà nước và pháp luật là ngành khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội, bao gồm hệ thống các tri thức chung, cơ bản về nhà nước và pháp luật, được hình thành và phát triển trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, có tiếp thu và phát triển tinh hoa trí tuệ của loài người về nhà nước và pháp luật, cũng như những thành tựu nghiên cứu mới của khoa học pháp lí đương đại.

1- Đối tượng nghiên cứu trong lí luận chung về nhà nước và pháp luật

Khoa học là hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện tại. Đối tượng nghiên cứu của khoa học là những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất được đặt ra mà khoa học phải giải quyết trên cơ sở phân tích thực tiễn để tìm ra chân lí khách quan. Có nhiều ngành khoa học khác nhau như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn...

Lí luận chung về nhà nước và pháp luật là ngành khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội, bao gồm hệ thống các tri thức chung, cơ bản về nhà nước và pháp luật, được hình thành và phát triển trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, có tiếp thu và phát triển tinh hoa trí tuệ của loài người về nhà nước và pháp luật, cũng như những thành tựu nghiên cứu mới của khoa học pháp lí đương đại.

Đối tượng nghiên cứu của lí luận chung về nhà nước và pháp luật là nhà nước và pháp luật - hai hiện tượng quan trọng và phức tạp nhất trong thượng tầng chính trị - pháp lí của xã hội. Tuy nhiên, nhà nước và pháp luật còn là đối tượng nghiên cứu của một số ngành khoa học xã hội như triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, chính trị học và các khoa học pháp lí khác. Vì vậy, cần xác định rõ phạm vi nghiên cứu nhà nước và pháp luật của các ngành khoa học xã hội nói trên.

[a] Triết học

Triết học là khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của thế giới và sự nhận thức thế giới. Kế thừa và phát triển những tinh hoa trí tuệ của loài người, triết học Mác - Lênin có nhiệm vụ nghiên cứu những quy luật chung nhất của quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Triết học Mác - Lênin nghiên cứu nhà nước và pháp luật cùng với những hiện tượng xã hội khác của thượng tầng chính trị - pháp lí và hạ tầng cơ sở để tìm ra quy luật phát triển của xã hội loài người nói chung, trong đó có nhà nước và pháp luật. Như vậy, triết học Mác - Lênin nghiên cứu nhà nước và pháp luật cùng với các hiện tượng xã hội khác một cách chung nhất, khái quát nhất chứ không đi sâu nghiên cứu từng vấn đề cụ thể của nhà nước và pháp luật.

[b] Kinh tế chính trị học

Kinh tế chính trị học là khoa học nghiên cứu về quan hệ sản xuất, các quy luật chi phối quá trình sản xuất, phân phối và trao đổi của cải vật chất trong xã hội con người ở các giai đoạn phát triển lịch sử khác nhau của nó. Nhà nước và pháp luật cũng là đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị học Mác - Lênin, nhưng kinh tế chính trị học Mác - Lênin chỉ nghiên cứu vai trò của nhà nước và pháp luật trong việc điều hành nền kinh tế và phân phối sản phẩm lao động xã hội chứ không đi sâu nghiên cứu các vai trò khác của nhà nước và pháp luật.

[c] Chủ nghĩa xã hội khoa học

Chủ nghĩa xã hội khoa học là khoa học nghiên cứu quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hiện thực của các dân tộc trên thế giới. Việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật của chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ diễn ra trong phạm vi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với những vấn đề cụ thể như: sự ra đời của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vai hò của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, các chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa...

[d] Chính trị học

Chính trị học là khoa học nghiên cứu quy luật hình thành và vận động của chính trị, quyền lực chính trị, cơ chế và phương thức thực hiện quyền lực chính trị, đảng chính trị và vai trò của các đảng chính trị trong cơ chế thực hiện quyền lực chính trị, hệ thống chính trị, quan hệ chính trị, lợi ích chính trị, hệ tư tưởng chính trị, ý thức chính trị... Chính trị học Mác - Lênin cũng nghiên cứu nhà nước và pháp luật trên cơ sở gắn nhà nước, pháp luật với việc thực hiện quyền lực chính trị trong xã hội. Một số vấn đề quan trọng của nhà nước và pháp luật được chính trị học Mác - Lênin đề cập như quyền lực nhà nước (một dạng của quyền lực chính trị); mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với các dạng quyền lực chính trị khác; vai trò của nhà nước, pháp luật trong việc thực hiện quyền lực chính trị; quan hệ giữa nhà nước với các đảng chính trị và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện quyền lực chính trị; vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ chính trị, các nhu cầu và lợi ích chính trị... Như vậy, việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật của chính trị học Mác - Lênin cũng trong phạm vi, giới hạn nhất định.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

Các khoa học pháp lí ở Việt Nam hiện nay được chia thành bốn nhóm chính,

Một là, các khoa học pháp lý lí luận - lịch sử, gồm: Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lí;

Hai là, các khoa học pháp lí chuyên ngành luật, như Luật hiến pháp Việt Nam, Luật hành chính, Luật hình sự, Luật dân sự, Luật lao động, Luật kinh doanh...;

Ba là, các khoa học pháp lỉ ứng dụng, như Tội phạm học, Thống kê tư pháp, Giám định pháp y, Điều tra tội phạm;

Bốn là, khoa học luật quốc tế.

Tất cả các khoa học pháp lí nêu trên đều nghiên cứu những vấn đề về nhà nước và pháp luật, nhưng mỗi khoa học pháp lí chuyên ngành có đối tượng nghiên cứu riêng. Nói cách khác, mỗi khoa học pháp lí chuyên ngành nghiên cứu mặt này hay mặt khác, khía cạnh này hoặc khía cạnh khác của vấn đề nhà nước và pháp luật chứ không nghiên cứu một cách chung nhất, khái quát nhất những vấn đề của nhà nước và pháp luật như Lí luận chung về nhà nước và pháp luật. Chẳng hạn, “Đối tượng nghiên cứu của khoa học luật hành chính là hoạt động quản lý hành chính nhà nước; những quan hệ hĩnh thành trong quá trình quản lí hành chỉnh nhà nước và việc điều chỉnh những quan hệ ấy; hệ thống các quy phạm pháp luật hành chỉnh và hiệu suất của sự tác động của chúng đối với hoạt động quản lí hành chính nhà nước”; “Khoa học luật hình sự là ngành luật học nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện các vấn đề lí luận về tội phạm và hình phạt”; “Khoa học luật dân sự nghiên cứu bản thân các quy phạm pháp luật dân sự, tính mâu thuẫn và thống nhất của nó, việc áp dụng luật dân sự trong đời sống xã hội, đưa ra những giải thích có tính khoa học các quy phạm pháp luật dân sự, tìm các lỗ hổng trong pháp luật và biện pháp khắc phục những lỗ hổng”...

Sự phân tích trên đây cho thấy, mỗi ngành khoa học đều xuất phát từ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu và đặc điểm về đối tượng nghiên cứu của riêng mình mà lựa chọn những vấn đề cụ thể của nhà nước và pháp luật để nghiên cứu, chứ không nghiên cứu tất cả những vấn đề cơ bản của nhà nước và pháp luật.

Khác với các ngành khoa học nêu trên, Lí luận chung về nhà nước và pháp luật nghiên cứu nhà nước và pháp luật một cách toàn diện nhất, khái quát nhất. Đối tượng nghiên cứu của Lí luận chung về nhà nước và pháp luật là những vấn đề cơ bản sau đây:

(i) Những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật, chẳng hạn, nguồn gốc, đặc trưng, bản chất, chức năng, bộ máy, hình thức, vai trò của nhà nước; vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị; nhà nước pháp quyền...; nguồn gốc, đặc trưng, bản chất, chức năng, hình thửc, vai trò và giá trị xã hội của pháp luật; hình thức pháp luật, cơ chế điều chỉnh pháp luật...

(ii) Những quy luật và những vấn đề có tính quy luật gắn với sự phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước và pháp luật.

(iii) Các mối quan hệ, liên hệ cơ bản, điển hình, phổ biến của nhà nước và pháp luật (như giữa nhà nước và cá nhân, nhà nước với pháp luật; nhà nước, pháp luật với các hiện tượng xã hội khác; giữa các bộ phận cấu thành nhà nước, pháp luật...).

(iv) Những nguyên tắc, quy tắc, phương pháp, hình thức về tổ chức quyền lực nhà nước; thiết lập trật tự pháp luật và pháp chế; xây dựng và thực hiện pháp luật; những công cụ và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nhà nước và pháp luật...

Từ sự trình bày ở trên có thể nhận định rằng, Lí luận chung về nhà nước và pháp luật là hệ thống tri thức về những vấn đề chung, cơ bản, quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật, về những quy luật phát sinh, tồn tại và phát triển đặc thù của nhà nước và pháp luật, về những mối liên hệ cơ bản, những nguyên tắc, phương pháp, hình thức tố chức quyền lực nhà nước, xây dựng và thực hiện pháp luật...

Xem thêm: Pháp trị tại Công ty Luật TNHH Everest

2- Cơ sở phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu của lí luận chung về nhà nước và pháp luật

[a]- Cơ sở phương pháp luận của lí luận chung về nhà nước và pháp luật

Cơ sở phương pháp luận của một ngành khoa học là lập trường xuất phát, quan điếm tiếp cận và nghiên cứu của ngành khoa học ấy. Cũng như nhiều ngành khoa học khác, cơ sở phương pháp luận của Lí luận chung về nhà nước và pháp luật là phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng xã hội cơ bản nhất, phức tạp nhất trong xã hội có giai cấp. Chúng phát sinh, tồn tại và phát triển cùng với xã hội có giai cấp và đều chịu sự chi phối của xã hội đó, trong đó trước hết và quan trọng nhất là đời sống vật chất. Do đó, phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đòi hỏi phải xem xét nhà nước và pháp luật theo hai quan điểm sau đây:

Một là, quan điểm duy vật biện chứng. Quan điểm duy vật biện chứng đòi hỏi phải nghiên cứu nhà nước và pháp luật đúng như nó có, không thêm bớt, không bịa đặt. Đồng thời, nghiên cứu nhà nước và pháp luật phải đặt chúng trong mối liên hệ chặt chẽ với đời sống vật chất của xã hội loài người; với các tổ chức xã hội, các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau trong xã hội có giai cấp; với đạo đức, tư tưởng, chính trị, tôn giáo, văn hoá, truyền thống, phong tục tập quán dân tộc... Quan điểm duy vật biện chứng còn yêu cầu phải tìm hiểu nhà nước và pháp luật trong sự phát triển và biến đổi không ngừng của chúng cùng với sự biến đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Quan điểm này cũng đòi hỏi phải gắn việc nghiên cứu nhà nước, pháp luật với nhu cầu của thực tiễn xã hội và hoạt động của nhà nước, trong đó có thực tiễn xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật.

Hai là, quan điểm duy vật lịch sử. Quan điểm khoa học này đòi hỏi phải nghiên cứu nhà nước và pháp luật gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội loài người nói chung, của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia nói riêng. Điều đó có nghĩa là phải tìm hiểu kĩ những đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể đã tác động, ảnh hưởng tới sự ra đời, tồn tại, phát triển của nhà nước và pháp luật như thế nào.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật còn phải dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước và pháp luật, đặc biệt là những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới toàn diện, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

[b] Các phương pháp nghiên cứu của lí luận chung về nhà nước và pháp luật

Phương pháp nghiên cứu là những nguyên tắc và cách thức hoạt động khoa học nhằm đạt tới chân lí khách quan dựa trên cơ sở của sự chứng minh khoa học.

Lí luận chung về nhà nước và pháp luật sử dụng các phương pháp cụ thể như phân tích và tổng hợp, tiếp cận hệ thống, trừu tượng hoá khoa học, lịch sử và logic, xã hội học, so sánh... để nghiên cứu nhà nước và pháp luật.

(i) Phương pháp phân tích và tổng hợp

Phân tích và tổng hợp là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu nhà nước và pháp luật. Phân tích là phương pháp phân chia cái toàn thể hay một vấn đề phức tạp ra thành các bộ phận, những mặt, yếu tố đơn giản hơn để nghiên cứu. Chẳng hạn, để lí giải được vấn đề nhà nước nói chung, cần tách nó ra thành những vấn đề nhỏ như nguồn gốc, bản chất, chức năng, bộ máy, hình thức, kiểu nhà nước... Tổng hợp là phương pháp liên kết, thống nhất lại những yếu tố, bộ phận đã được phân tích, vạch ra mối liên hệ giữa chúng nhằm nhận thức sự vật, hiện tượng trong một tổng thể thống nhất. Chẳng hạn, sau khi liên kết những vấn đề cụ thể của nhà nước được nghiên cứu ở trên, chúng ta có thể hiểu được nhà nước là gì; nhà nước ra đời, tồn tại và phát triển như thế nào trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội.

(ii) Phương pháp tiếp cận hệ thống

Tiếp cận hệ thống là phương pháp được sử dụng để xem xét các vấn đề về nhà nước và pháp luật theo một hệ thống có cấu trúc chặt chẽ, gồm nhiều bộ phận hợp thành, có mối quan hệ tương tác với nhau và vận động, phát triển theo những quy luật, nguyên tắc nhất định. Nhà nước và pháp luật là những hệ thống toàn vẹn với nhiều bộ phận hợp thành và mỗi bộ phận lại có thể là một hệ thống nhỏ hơn. Chẳng hạn, bộ máy nhà nước là một hệ thống lớn, trong đó mỗi loại cơ quan như lập pháp, hành pháp, tư pháp là một hệ thống nhỏ, thậm chí, mỗi cơ quan nhà nước lại được xem là một hệ thống nhỏ hơn nữa (tiểu hệ thống). Hệ thống pháp luật là một chỉnh thể, bao gồm nhiều hệ thống nhỏ hơn đó là các ngành luật, mỗi ngành luật lại bao gồm các hệ thống nhỏ hơn nữa là các chế định pháp luật, mỗi chế định pháp luật cũng có thể coi như là một tiểu hệ thống trong đó bao gồm các quy phạm pháp luật.

(iii) Phương pháp trừu tượng hoá khoa học

Trừu tượng hoá khoa học là phương pháp nghiên cứu rất quan trọng trong Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, bởi lẽ nhiệm vụ chủ yếu của khoa học này là xây dựng một hệ thống tri thức khoa học thống nhất, bao gồm các khái niệm, phạm trù, những luận điểm cơ bản về nhà nước và pháp luật. Trừu tượng hoá khoa học là phương pháp tư duy trên cơ sở tách cái chung ra khỏi cái riêng, tạm thời gạt bỏ cái riêng để giữ lấy cái chung. Trong nghiên cứu nhà nước và pháp luật, bằng phương pháp trừu tượng hoá khoa học, người ta có thể vượt qua những hiện tượng bề ngoài, những cái ngẫu nhiên, thoáng qua, bất ổn định, để đi tới cái chung mang tính tất yếu, bản chất, ổn định, tức là những vấn đề mang tính quy luật khách quan của nhà nước và pháp luật. Chẳng hạn, từ khi ra đời đến nay, trải qua nhiều thời đại lịch sử khác nhau, nhà nước luôn luôn có những hoạt động thường xuyên, chủ yếu trong lĩnh vực đối nội, đối ngoại, nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích mà giai cấp thống trị đặt ra; từ sự nghiên cứu các hoạt động quan trọng ấy người ta đã đưa ra khái niệm “chức năng của nhà nước”.

(iv) Phương pháp lịch sử và logic

Phương pháp lịch sử và logic được sử dụng trong nghiên cứu những vấn đề về nhà nước và pháp luật để xây dựng các khái niệm, phạm trù, định nghĩa và các luận điểm cơ bản thuộc hệ thống tri thức lí luận về nhà nước và pháp luật. Là một ngành khoa học lí luận có nhiệm vụ xây dựng hệ thống tri thức khoa học tổng quát với các khái niệm, phạm trù, các luận điểm cơ bản, Lí luận chung về nhà nước và pháp luật tất yếu phải kết hợp một cách hài hoà việc sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học với phương pháp lịch sử và logic.

(v) Phương pháp xã hội học

Xã hội học là phương pháp được sử dụng để thu thập những thông tin, tư liệu thực tiễn, thể hiện những quan niệm, quan điểm, cách đánh giá của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội, các cá nhân khác nhau về những hiện tượng của nhà nước và pháp luật, tạo căn cứ, cơ sở để nhận thức, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn đề của nhà nước và pháp luật, từ đó hình thành hoặc kiểm nghiệm lại những quan điểm, luận điểm, khái niệm, kết luận của Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, đề xuất và áp dụng các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước, pháp luật trong đời sống xã hội. Phương pháp xã hội học được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như theo dõi, phỏng vấn, thăm dò dư luận xã hội, phát phiếu điều tra xã hội học... Chẳng hạn, có thể thông qua các cuộc khảo sát, điều tra, phỏng vấn, thăm dò dư luận xã hội để nghiên cứu về ý thức pháp luật, văn hoá pháp luật, đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà nước và tác dụng của pháp luật, xác định nhu cầu thông tin, tư vấn pháp luật...

(vi) Phương pháp so sánh

So sánh là phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Phương pháp so sánh được sử dụng trong nghiên cứu nhà nước, pháp luật nhằm tìm ra những đặc điểm chung của các kiểu nhà nước, pháp luật và thấy được đặc điểm riêng của mỗi kiểu nhà nước, pháp luật hoặc biểu hiện đặc thù của từng nhà nước, pháp luật trong cùng một kiểu nhà nước, pháp luật. Chẳng hạn, bằng phương pháp so sánh, chúng ta nhận thấy, các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều có những đặc điểm cơ bản giống nhau, nhưng mỗi nhà nước xã hội chủ nghĩa có đặc điểm riêng về hoàn cảnh ra đời và lịch sử phát triển.

Tóm lại, khi nghiên cứu nhà nước và pháp luật cần có quan điểm, lập trường đúng đắn, khoa học, tức là phải dựa trên cơ sở phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; biết vận dụng thành thạo và kết hợp các phương pháp nghiên cứu cụ thể để luận giải những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật. Neu chỉ có quan điểm, lập trường đúng đắn, khoa học mà không sử dụng có hiệu quả các phương pháp nghiên cứu cụ thể thì không lí giải được những vấn đề đặt ra. Ngược lại, việc vận dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể mà không dựa trên cơ sở phương pháp luận khoa học thì dễ mắc sai lầm và không đạt được kết quả mong muốn.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và văn minh nhân loại, các yếu tố chính trị, kinh tể, văn hoá, xã hội có sự tương hỗ mạnh mẽ và sự xâm nhập vào nhau, làm xuất hiện nhu cầu khách quan là các khoa học phải sử dụng kết hợp hài hoà các phương pháp nghiên cứu của khoa học khác. Theo đó, trong khoa học pháp lí nói chung, Lí luận chung về nhà nước và pháp luật nói riêng, việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành ngày càng trở nên phổ biến, chẳng hạn, phương pháp chính trị - pháp lí; phương pháp kinh tế - pháp lí; phương pháp xã hội học pháp luật...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Đối tượng và phương pháp nghiên cứu lí luận chung về nhà nước và pháp luật được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Đối tượng và phương pháp nghiên cứu lí luận chung về nhà nước và pháp luật có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Đối tượng và phương pháp nghiên cứu lí luận chung về nhà nước và pháp luật

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.74095 sec| 1027.664 kb