Hệ thống các quy chế của tổ chức tín dụng

22/02/2023
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010: Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

I- QUY CHẾ THÀNH LẬP VÀ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010: Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

1- Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng, giấy phép hoạt động ngân hàng

Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Do tính phức tạp của nghiệp vụ kinh doanh của tổ chức tín dụng và sự cần thiết phải bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng nên ở các nước, các quy định của pháp luật về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động áp dụng đối với các tổ chức tín dụng chặt chẽ hơn so với các quy định áp dụng đối với các loại doanh nghiệp khác, ở nước ta Luật các tổ chức tín dụng quy định các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng gồm có:

a. Đối với tổ chức tín dụng

Thứ nhất, có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

Bất kỳ tổ chức kinh tế nào muốn kinh doanh đều cần phải có vốn. Trong kinh doanh tiền tệ vốn không chỉ là cơ sở để thực hiện kinh doanh, trang trải chi phí, bù đắp tổn thất rủi ro trong kinh doanh mà vốn còn là thước đo lòng tin của khách hàng đối với tổ chức tín dụng. Mức vốn tự có của tổ chức tín dụng là cơ sở quan trọng để xác định mức huy động vốn, khả năng cho vay vốn và là căn cứ để tính các tỷ lệ an toàn trong các hoạt động của tổ chức tín dụng. Điều 19 Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Chính phủ quy định mức vốn pháp định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định.

Thứ hai, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng nhà nước quy định;

Kinh doanh tiền tệ là nghề kinh doanh đòi hỏi người kinh doanh phải có uy tín cao. Uy tín và khả năng tài chính của người sáng lập ra tổ chức tín dụng có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chính tổ chức tín dụng đó. Do đó, quy định của pháp luật về điều kiện uy tín và năng lực tài chính của thành viên sáng lập là cần thiết.

Thứ ba, Người quản lí, người điều hành, thành viên ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định

Người quản lí là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại trong kinh doanh của tổ chức kinh tế. Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng là hoạt động phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro, cho nên đòi hỏi người quản trị, điều hành phải có trình độ chuyên môn cao. Đây là điều kiện đảm bảo cho hoạt động của tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế tình trạng phá sản trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Pháp luật có quy định cụ thể về tiêu chuẩn để trở thành thành viên hội đồng quản trị, người điều hành trong mỗi loại hình tổ chức tín dụng. Đồng thời, pháp luật cũng quy định những trường hợp không được làm thành viên hội đồng quản trị, người điều hành, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng.

Thứ tư, có điều lệ phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Điều lệ của tổ chức tín dụng chính sự là sự cụ thể hoá các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng. Điều lệ xác định cụ thể mục tiêu, phương hướng, phạm vi, nội dung hoạt động, cách thức tổ chức bộ máy quản lý, chế độ tài chính... của tổ chức tín dụng.

Nội dung của điều lệ của tổ chức tín dụng có giá trị pháp lý rất quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Khoản 3, Điều 31 Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức tín dụng phải được đăng ký tại Ngân hàng nhà nước trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông qua

Thứ năm, có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Đây cũng là điều kiện cần thiết đảm bảo cho tổ chức tín dụng ra đời, hoạt động có hiệu quả. Bởi vì, tổ chức tín dụng ra đời, hoạt động có hiệu quả thÌ trước hết tổ chức đó phải có phương án kinh doanh cụ thể, có cơ sở khoa học và thực tiễn, xác định được.hiệu quả và những lợi ích kinh tế mà nó sẽ mang lại.

b. Đối với tổ chức tín dụng liên doanh, tể chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép khỉ có đủ các điều kiện nêu trên còn phải có thêm các điều kiện sau:

- Tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

- Hoạt động dự kiến xin phép thực hiện tại Việt Nam phải là hoạt động mà tổ chức tín dụng nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

- Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có hoạt động lành mạnh, đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản có, tình hình tài chính, các tỉ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng nhà nước;

- Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có văn bản cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành, hoạt động cho tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm các tổ chức này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của Luật các tổ chức tín dụng;

- Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài.

c. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép khi có các điều kiện tương tự tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, còn phải có thêm điều kiện:

- Ngân hàng nước ngoài phải có văn bản bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm duy trì giá trị thực của vốn được cấp không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của Luật các tổ chức tín dụng.

d. Đối với Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được cấp giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;

- Quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng đặt trụ sở chính cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Điều kiện cấp giấy phép đối với ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng nhà nước quy định.

2- Thủ tục xin cấp giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động

Tổ chức tín dụng muốn được cấp giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động phải lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định của Ngân hàng nhà nước .

Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng nhà nước phải nghiên cứu, thẩm tra, đối chiếu với những điều kiện đã quy định để cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép cho những tổ chức có yêu cầu.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép cho văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ngân hàng nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lí do.

3- Trách nhiệm của tổ chức tín dụng kể từ khỉ được cấp giấy phép

Tổ chức được cấp giấy phép phải nộp một khoản lệ phí cấp giấy phép theo quy định, phải sử dụng đúng tên và hoạt động đúng nội dung ghi trong giấy phép, không được tẩy xóa, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép.

Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi thực hiện các thủ tục thay đổi một trong những nội dung sau thì phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

- Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng; tên, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp. Việc thay đổi mức vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng nhà nước.

- Tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng;

- Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;

- Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại;.

- Tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 01 ngày làm việc, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng;

- Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài.

Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng nhà nước ra quyết định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoặc có văn bản chấp thuận thay đổi. Trường hợp từ chối, Ngân hàng nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận thay đổi thực hiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước.

Khi được chấp thuận thay đổi một hoặc một số nội dung quy định trên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải: Sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức tín dụng phù hợp với thay đổi đã được chấp thuận và đăng ký điều lệ đã sửa đổi, bổ sung tại Ngân hàng nhà nước; thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thay đổi khác, phải công bố nội dung thay đổi (đối với nội dung phải công bố thông tin hoạt động) trên các phương tiện thông tin của Ngân hàng nhà nước và một tờ báo ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được Ngân hàng nhà nước chấp thuận.

4- Điều kiện khai trương hoạt động

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được cấp giấy phép phải tiến hành khai trương hoạt động trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép và chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động.

Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Đã đăng ký điều lệ tại Ngân hàng nhà nước;

- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có đủ vốn điều lệ, vốn được cấp, có kho tiền đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước, có trụ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn tài sản và phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;

- Có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lí, quy mô hoạt động;

- Có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy chế nội bộ về quản lý rủi ro; quy chế về quản lý mạng lưới;

- Vốn điều lệ, vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong toả không hưởng lãi mở tại Ngân hàng nhà nước ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ, vốn được cấp được giải toả khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;

- Đã công bố thông tin hoạt động trên phương tiện thông tin của Ngân hàng nhà nước và trên một tờ báo ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động các thông tin: Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; số, ngày cấp giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và các hoạt động kinh doanh được phép thực hiện; vốn điều lệ hoặc vốn được cấp; người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng, tổng giám đốc (giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trưởng văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; danh sách, tỷ lệ góp vốn tương ứng của cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của tổ chức tín dụng; ngày dự kiến khai trương hoạt động.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép phải thông báo cho Ngân hàng nhà nước về các điều kiện khai trương hoạt động ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động; Ngân hàng nhà nước đình chỉ việc khai trương hoạt động khi không đủ các điều kiện theo quy định trên.

5- Thu hồi giấy phép                       

Tổ chức đã được cấp giấy phép có thể bị Ngân hàng nhà nước thu hồi giấy phép đã cấp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp giấy phép;

- Tổ chức tín dụng bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

- Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng trong trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng bị giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức đó đặt trụ sở chính thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép đã cấp trong các trường hợp trên. Quyết định thu hồi giấy phép được Ngân hàng nhà nước công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức bị thu hồi giấy phép phải chấm dứt ngay các hoạt động kinh doanh kể từ ngày Quyết định thu hồi giấy phép của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực thi hành.

II- QUY CHẾ KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT 

1- Khái niệm

Kiểm soát đặc biệt là biện pháp quản lý nhà nước do Ngân hàng nhà nước việt Nam áp dụng đối với tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nếu để tổ chức tín dụng bị phá sản thì hậu quả xấu sẽ xảy ra ảnh hưởng lớn đối với hệ thống tổ chức tín dụng, đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngoài các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro khác, nhà nước cần phải áp dụng cơ chế kiểm soát để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng phá sản tổ chức tín dụng. Khoản 1 Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng có quy định: "Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán".

Mục đích của chế độ kiểm soát đặc biệt trước hết là nhằm giúp đỡ cho tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn về thanh toán, chi trả vượt qua được khó khăn tài chính đó, bảo vệ sự an toàn cho tổ chức tín dụng và cho cả hệ thống tổ chức tín dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng khi có nguy cơ mất khả năng chi trả cho khách hàng của mình phải báo cáo ngày với Ngân hàng nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục. Ngân hàng nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán để đặt tổ chức tín dụng đó vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

2- Đối tượng bị đặt trong tĩnh trạng kiểm soát đặc biệt

Đối tượng bị kiểm soát đặc biệt là những tổ chức tín dụng có một trong các dấu hiệu sau:

- Có nguy cơ mất khả năng chi trả; (khả năng chi trả của tổ chức tín dụng được xác định bằng tỉ lệ giữa tài sản "Có" có thể thanh toán ngay so với các loại tài sản "Nợ" phải thanh toán tại thời điểm nhất định của tổ chức tín dụng).

- Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán;

- Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ. và các quỹ dự trữ ghi trọng báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

- Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng nhà nước;

- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỉ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng nhà nước trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

3- Trình tự tiến hành kiểm soát đặc biệt

Khi một tổ chức tín dụng phải đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt thì Thống đốc Ngân hàng nhà nước ra quyết định đặt tổ chức tín dụng đó vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Quyết định này ghi rõ tên tổ chức tín dụng, lí do, thời hạn kiểm soát đặc biệt, họ tên những thành viên được Thống đốc Ngân hàng nhà nước cử làm nhiệm vụ kiểm soát và nhiệm vụ cụ thể của ban kiểm soát đặc biệt. Quyết định này được Ngân hàng nhà nước thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan hữu quan trên địa bàn để phối hợp thực hiện. Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Ban kiểm soát đặc biệt được thành lập sẽ thực hiện nhiệm vụ trong khi tiến hành kiểm soát, ban kiểm soát có thẩm quyền sau:

- Chỉ đạo hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động;

- Chỉ đạo và giám sát việc triển khai các giải pháp được nêu trong phương án củng cố đã được ban kiểm soát đặc biệt thông qua;

- Báo cáo Ngân hàng nhà nước về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện phương án củng cố tổ chức tín dụng;

- Được quyền đình chỉ những hoạt động không phù hợp với phương án củng cố đã được thông qua các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng có thể gây phương hại đến lợi ích của người gửi tiền;

- Có quyền tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng của các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) nếu xét thấy cần thiết;

- Có quyền yêu cầu người quản trị, người điều hành miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm, không chấp hành phương án củng cố đã được thông qua;

- Kiến nghị Ngân hàng nhà nước quyết định gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hoặc chấm dứt cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, thanh lý, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, tiếp quản, sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng;

- Yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Ban kiểm soát đặc biệt chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong quá trình thực hiện kiểm soát đặc biệt.

Đối với tổ chức tín dụng khi đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng đó có trách nhiệm sau đây:

- Xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng trình ban kiểm soát đặc biệt thông qua và tổ chức triển khai thực hiện phương án đó;

- Tiếp tục quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp bị ban kiểm soát đặc biệt đình chỉ, tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng;

- Chấp hành yêu cầu của ban kiểm soát đặc biệt liên quan đến tổ chức, quản trị, kiểm soát, điều hành tổ chức tín dụng trong phạm vi quyền hạn của ban kiểm soát đặc biệt;

- Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

- Ngân hàng nhà nước quyết định xử lý kiến nghị của ban kiểm soát đặc biệt về gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hoặc chấm dứt cho vay đặc biệt, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, thanh lý, thu hồi giấy phép hoạt động, tiếp quản, sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng;

- Ngân hàng nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.

- Ngân hàng nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng nhà nước hoặc khi Ngân hàng nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Việc góp vốn, mua cổ phần này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Trường hợp cần thiết được Ngân hàng nhà nước chấp thuận, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt ở các tổ chức tín dụng khác hoặc ở Ngân hàng nhà nước. Khoản vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng hoặc được chuyển đổi thành phần vốn góp, vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng liên quan.

Việc kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng nhà nước quyết định kết thúc trong các trường hợp sau:

- Hoạt động của tổ chức tín dụng trở lại bình thường;

- Trong quá trình kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào một tổ chức tín dụng khác;

- Tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán. Trường hợp này Ngân hàng nhà nước có văn bản chấm dứt việc áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán gửi toà án.

Quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt được thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

III- QUY CHẾ PHÁP LÝ VỀ TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN, THANH LÝ, PHONG TỎA VỐN TÀI SẢN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG.

Tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể trong các trường hợp:

- Tự nguyện xin giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

- Khi hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

- Bị thu hồi giấy phép.

Phá sản tổ chức tín dụng: Sau khi Ngân hàng nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Khi giải thể, tổ chức tín dụng phải tiến hành thanh lý tài sản dưới sự giám sát của Ngân hàng nhà nước và theo trình tự, thủ tục thanh lý tài sản do Ngân hàng nhà nước quy định. Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản tổ chức tín dụng, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và yêu cầu tổ chức tín, dụng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng bị thanh lý có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản.

Trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Ngân hàng nhà nước phong tỏa một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.          ’

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

 

0 bình luận, đánh giá về Hệ thống các quy chế của tổ chức tín dụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.76579 sec| 1091.141 kb