Hợp đồng và vai trò của một hợp đồng đối với doanh nghiệp
1- Nhận diện một hợp đồng trong công việc
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, có định nghĩa hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Căn cứ vào đó, một thỏa thuận được coi là hợp đồng khi nó đáp ứng được các tiêu chí:
(i) Sự thỏa thuận cùa hai bên trở lên và
(ii) Nội dung của thỏa thuận đó xác lập, thay dổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp, các nhân sự làm việc về hợp đồng không biết cách nhận diện như thế nào là một hợp đồng, bởi khá nhiều người không hiểu, không nắm rõ về bản chất pháp lý của hợp đồng là gì.
Chẳng hạn chúng tôi nhìn thấy thực tế có trường hợp như khi có người hỏi rằng: “Thưa anh, bên công ty em có cho công ty kia thuê cái kho nhỏ, mà hai bên không có hợp đồng, thì đâu cần xuất hóa đơn phải không?” Bất ngờ rằng đây là một câu hỏi của một cử nhân luật và đang làm pháp chế tại doanh nghiệp. Bởi vậy sự thiếu sót về kiến thức hợp đồng đang khá phổ biến.
Nhận định về tình huống của câu hỏi trên, hai công ty này đã giao kết một hợp đồng thuê với hình thức của hợp đồng là bằng lời nói. Đồng thời hai bên đã thực hiện hợp đồng, giao tài sản thuê, trả tiền thuê. Xuất hóa đơn là một nghĩa vụ theo quy định pháp luật về thuế mà bên cho thuê phải thực hiện, khi cho thuê tài sản và nhận tiền thuê. Nghĩa vụ này phát sinh khi doanh nghiệp có thu tiền thuê, dù nó có thỏa thuận trong hợp đông hay không.
Vì vậy, người làm pháp chế cần hiểu rằng, hợp đồng không chi tồn tại bằng văn bản mà còn tồn tại bằng các hình thức khác là: Lời nói hoặc hành vi cụ thể. Nội dung hợp đồng chứa quyền và nghĩa vụ của các bên, mà theo đó mỗi bên có quyền, đồng thời có nghĩa vụ theo thỏa thuận, nhưng không phải chỉ theo đúng nội dung thỏa thuận, mà khi phát sinh quan hệ hợp đồng, ngoài quyền, nghĩa vụ theo nội dung thỏa thuận, còn có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật dù các bên không có thỏa thuận ghi nhận nghĩa vụ đó hay không.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
2- Vai trò của hợp đồng đối với doanh nghiệp
Xét về tất cả các mặt liên quan đến hoạt động kinh doanh, hợp đồng có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Hiểu rõ vai trò của nó sẽ giúp cho người làm pháp chế có thề định hướng, thực hiện công việc của mình một cách tốt hơn. Do vậy, bạn đọc cần quan tâm đến vai trò của hợp đồng mà chúng tôi nêu ra dưới đây:
- Hợp đồng là cơ sở xác lập niềm tin:
Hợp đồng làm tiền đề để các bên bắt đầu hợp tác và kinh doanh với nhau. Thực tế đã thể hiện ngay mục đích đầu tiên của việc ký hợp đồng, là cơ sở xác lập niềm tin, làm cơ sở để bước vào việc hợp tác kinh doanh với nhau. Khi chưa ký kết hợp đồng, mỗi bên có thể vẫn còn tâm lý e ngại, chưa dám triển khai các công việc liên quan đến quan hệ kinh doanh của hai bên.
Chẳng hạn, khi chưa ký hợp đồng thi công xây dựng, thì nhà thầu chưa dám mua, tập kết nguyên vật liệu, chưa dám thuê nhân công, máy móc, thiết bị,... Với mục đích này, vai trò của hợp đồng là giao kèo, là kết quà của việc đã thỏa thuận với nhau, xác nhận với nhau, đã thống nhất, và sau khi ký kết thì cùng nhau tin rằng các bên tham gia ký kết hợp đồng sẽ làm đúng như đã hứa, đã cam kết. Không bên nào có thể chối bỏ những gì đã thỏa thuận.
- Hợp đồng chứa đựng nội dung công việc mà mỗi bên phải làm:
Với vai trò này, hợp đồng là nơi chứa đựng những kế hoạch kinh doanh cho quan hệ hợp tác, dự án mà hai bên muốn triển khai trong, là nơi mà mọi nhân sự liên quan đến việc thực hiện hợp đồng nhìn vào để triển khai công việc.
Cũng với ví dụ là hợp đồng thi công xây dựng ở trên, tại nội dung hợp đồng sẽ mô tả công việc của nhà thầu sẽ làm những việc gì, hạng mục công việc. nguyên vật liệu trong phụ lục,... Khi đó hợp đồng là cơ sở để đội kỹ sư của nhà thầu căn cứ vào và lập kế hoạch triển khai các hoạt động thi công. Nội dung trong hợp đồng đó cũng là cơ sở mà đội kỹ sư của bên tư vấn thực hiện hoạt động giám sát triển khai thực hiện công việc cùa nhà thầu… Như vậy, có thể kết luận rằng hợp đồng là cơ sở để lập kế hoạch kinh doanh, triển khai thực hiện công việc kinh doanh trên thực tế.
- Hợp đồng là công cụ để các bên thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận:
Bản chất pháp lý của hợp đồng là luật của các bên, nơi xác lập quyền, nghĩa vụ của các bên. Theo hợp đồng, một bên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình để bên còn lại đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Nếu không thực hiện, thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ, thì bên còn lại được quyền yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và có quyền yêu cầu bên đó chịu các chế tài, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Như vậy có thể thấy hợp đồng mang vai trò là cơ sở pháp lý để xác lập quyền, là phương tiện pháp lý để đạt được lợi nhuận và cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của một bên trước hành vi vi phạm của bên còn lại.
- Hợp đồng là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi một bên hoặc các bên tại Tòa án hoặc Trọng tài thương mại khi có tranh chấp:
Các tranh chấp về hợp đồng thường gặp: (i) - Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng, theo quy định pháp luật, và: (ii) Tranh chấp về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Trước cơ quan tài phán, các bên sẽ phải căn cứ vào hợp đồng, để viện dẫn quyền, nghĩa vụ, phục vụ cho hoạt động chứng minh, nhằm bảo vệ các yêu cầu, ý kiến của mình. Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Hội đồng Trọng tài, hay Trọng tài viên,... cũng sẽ căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng để xem xét, viện dẫn chứng cứ. Từ đó phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp, làm cơ sở để chấp nhận, hay bác bỏ yêu cầu, ý kiến của mỗi bên.
- Hợp đồng là chứng từ thanh toán trong hoạt động kế toán, thuế:
Trong thực tế điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày, bộ phận tài chính, kế toán trong công ty trình cho người có thẩm quyền để duyệt chi các khoản cần thanh toán cho đối tác, khách hàng,... Khi xem xét hồ sơ thanh toán, mà không kèm theo hợp đồng, nếu người có thẩm quyền chưa nắm chi tiết về hợp đồng, thì có thể sẽ yêu cầu người trình hô sơ thanh toán bổ sung hoặc giải trình về hợp đồng. Khi đó, bộ phận tài chính, kế toán phải bổ sung hợp đồng, để giải trình cơ sở chi thanh toán. Cơ quan thuế khi tiến hành kiểm tra về thuế đối với doanh nghiệp, khi kiểm tra hóa đơn, có xem xét, đối chiếu việc xuất hóa đơn so với hợp đồng, kiểm tra tính thực tế của hợp đồng,... Từ những viện dẫn trên cho thấy hợp đồng là một chứng từ thanh toán, là một chứng từ kế toán.
- Hợp đồng là tài liệu có thể sử dụng để chứng minh năng lực của doanh nghiệp:
Với một doanh nghiệp càng ký và thực hiện hoàn thành xong càng nhiều hợp đồng thì chứng tỏ doanh nghiệp đó làm nhiều dự án, nhiều công việc. Hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như thế nào, sẽ được thể hiện theo số lượng, quy mô, phạm vi như thể hiện trong hợp đồng. Vì thế, trong hồ sơ năng lực cùa doanh nghiệp, thường thể hiện thông tin về khách hàng, đối tác và còn trình bày thêm các hợp đồng đã ký, đã thực hiện.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
Bài viết Hợp đồng và vai trò của một hợp đồng đối với doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
Bài viết Hợp đồng và vai trò của một hợp đồng đối với doanh nghiệp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc hoặc thuê luật sư hợp đồng cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm