Khái niệm và các loại tổ chức tín dụng

22/02/2023
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Khi nền sản xuất hàng hoá hình thành, phát triển thì tiền tệ xuất hiện và nghề kinh doanh tiền tệ cũng ra đời. Sự phát triển của nghề kinh doanh tiền tệ dẫn đến sự xuất hiện những tổ chức chuyên thực hiện các hoạt động thu nhận các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội và sử dụng để cấp tín dụng, làm các dịch vụ tiền tệ khác, người ta gọi chúng là các tổ chức tín dụng. Ngày nay, các tổ chức tín dụng với nhiều loại hình, tên gọi khác nhau, nghiệp vụ kinh doanh ngày càng đa dạng.

I- KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG

1- Khái niệm tổ chức tín dụng

Khi nền sản xuất hàng hoá hình thành, phát triển thì tiền tệ xuất hiện và nghề kinh doanh tiền tệ cũng ra đời. Sự phát triển của nghề kinh doanh tiền tệ dẫn đến sự xuất hiện những tổ chức chuyên thực hiện các hoạt động thu nhận các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội và sử dụng để cấp tín dụng, làm các dịch vụ tiền tệ khác, người ta gọi chúng là các tổ chức tín dụng. Ngày nay, các tổ chức tín dụng với nhiều loại hình, tên gọi khác nhau, nghiệp vụ kinh doanh ngày càng đa dạng.

Hoạt động tín dụng là hoạt động mang tính nghề nghiệp của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, đối với tổ chức tín dụng kinh doanh đa năng tổng hợp ngoài các hoạt động nghiệp vụ truyền thống còn thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh không truyền thống khác như kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm v.v.. ở nước ta, khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16/6/2010 quy định: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vĩ mô và quỹ tín dụng nhân dân

Xét về bản chất thì tổ chức tín dụng là doanh nghiệp. Tuy vậy, tổ chức tín dụng có những đặc điểm riêng mà dựa vào đó có thể nhận biết, phân biệt chúng với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Thứ nhất, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp có đối tượng kinh doanh trực tiếp là tiền tệ.

Thứ hai, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là hoạt động ngân hàng. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt doanh nghiệp là tổ chức tín dụng với các loại hình doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Nội dung kinh doanh chủ yếu của tổ chức tín dụng là kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Đặc điểm này có ý nghĩa quyết định đến cơ chế điều chỉnh của pháp luật đối với việc tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng. Bởi vì, hoạt động ngân hàng do các tổ chức tín dụng thực hiện phần lớn là hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao do tính kéo dài của các quan hệ kinh doanh. Những tác động tích cực và tiêu cực của hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng thường có tính phản ứng dây chuyền. Chẳng hạn, một tổ chức tín dụng cho vay không thu hồi được vốn có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Những người gửi tiền khác có thể do tâm lý hoang mang mà đồng loạt đến các tổ chức tín dụng rút tiền gửi, đẩy các tổ chức tín dụng vào tình trạng thiếu khả năng chi trả...

Thứ ba, tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng.

Ngày nay ở các quốc gia, các nhà nước đều giao cho ngân hàng trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng và các hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế. Chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước là dấu hiệu để nhận dạng tổ chức kinh tế là tổ chức tín dụng. Bởi vì, theo phân cấp quản lí nhà nước, các tổ chức kinh tế kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề khác chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước khác. Chẳng hạn, công ty chứng khoán chịu sự quản lý nhà nước của Uỷ ban chứng khoán nhà nước, các tổ chức kinh doanh thương nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của Bộ công thương v.v..

Do tính đặc thù của hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng nên Nhà nước có các quy định áp dụng riêng cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất sở hữu của từng tổ chức tín dụng cụ thể mà các bộ phận pháp luật khác có liên quan được áp dụng. Ví dụ. Tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về ngân hàng vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp công ty cổ phần.

Thông thường đạo luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng ở các nước quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ví dụ:

- Điều 2 Luật ngân hàng thương mại của Trung Quốc năm 1995 quy định: Ngân hàng thương mại được thành lập theo Luật ngân hàng thương mại và Luật công ty của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng của Việt Nam năm 2010 quy định: “Việc thành lập, tổ chức và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của chỉ nhảnh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động... thì áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

2- Phân loại tổ chức tín dụng

Các tổ chức tín dụng được thành lập và tồn tại theo các hình thức pháp lý do pháp luật quy định. Mỗi loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo từng phương thức có đặc trưng riêng và thực hiện hoạt động kinh doanh theo phạm vi được pháp luật quy định.

Căn cứ vào nội dung, phạm vi hoạt động, tổ chức tín dụng được chia thành các loại sau'. Tổ chức tín dụng là ngân hàng; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Khoản 2 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng”.

Như vậy, đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng, pháp luật nước ta không hạn chế phạm vi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng. Quy định cho phép các tổ chức tín dụng là ngân hàng có quyền rộng rãi trong việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng của pháp luật nước ta tương đồng với quy định của pháp luật ở nhiều nước. Ví dụ'. Điều 3 Luật ngân hàng thương mại năm 1995 của Trung Quốc nêu các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng và quy định ngân hàng thương mại có thể thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động kinh doanh ngân hàng. Khoản 1 Điều 11 Luật ngân hàng Ba Lan năm 1989 cũng có quy định tương tự Luật của Việt Nam và Luật của Trung Quốc.

Hiện nay, ở các nước mô hình ngân hàng áp dụng phổ biến gồm các loại: Ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng địa ốc, ngân hàng hợp tác, ngân hàng chính sách.

- Ngân hàng thương mại là ngân hàng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

- Ngân hàng đầu tư là ngân hàng thương mại nhưng chuyên thực hiện nghiệp vụ tín dụng trung và dài hạn. Nguồn vốn cho vay của ngân hàng đầu tư là vốn tự có, các quỹ dự trữ, các khoản tiền gửi dài hạn, hoặc vốn huy động bằng phát hành trái phiếu. Ngân hàng đầu tư không được nhận các loại tiền gửi ngắn hạn. Ngoài ra, ngân hàng đầu tư còn thực hiện các nghiệp vụ tài chính, dịch vụ có liên quan đến đầu tư như tham gia mua cổ phiếu của các công ty hoặc thành lập các công ty cổ phần, sau đó bán lại cổ phiếu hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp.

- Ngân hàng tiết kiệm là tổ chức tín dụng chuyên huy động tiền gửi tiết kiệm của cá nhân và sử dụng nguồn vốn vay để mua chứng khoán, cho vay sản xuất tiêu dùng dựa trên cơ sở thế chấp, cầm cố tài sản.

- Ngân hàng địa ốc là ngân hàng chuyên cho vay dài hạn, có đảm bảo bằng bất động sản, vốn cho vay chủ yếu là vốn tự có và vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu. Loại ngân hàng này chủ yếu cho vay kinh doanh bất động sản như các công trình công nghiệp, nhà ở...

- Ngân hàng hợp tác là ngân hàng do các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập để hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống, lợi nhuận không phải là mục tiêu chính. Do đó, ngân hàng hợp tác cho vay chủ yếu là các thành viên trong tổ chức mình, việc cho người không phải là thành viên vay là rất hạn chế.

- Ngân hàng chính sách là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao như phục vụ cho việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội của nhà nước.

Ở Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng quy định các loại hình ngân hàng: “Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân

hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã”

- Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

- Ngân hàng chính sách là ngân hàng do Chính phủ thành lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế" xã hội của Nhà nước.

- Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hoà vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

- Công ty tài chính: Công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhưng không được nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

- Công ty cho thuê tài chính là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng..

Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Căn cứ vào hình thức tổ chức, tổ chức tín dụng dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hợp tác xã cụ thể:

- Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.

- Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

II- CÁC LOẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

1- Ngân hàng thương mại

Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung do Nhà nước nắm độc quyền sở hữu hệ thống ngân hàng một cấp nên trên thực tế ở nước ta không tồn tại các ngân hàng thương mại với tư cách là tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng khác. Với sự ra đời của Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990, các loại hình ngân hàng thương mại mới được thừa nhận về mặt pháp lý.

Hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận là dấu hiệu cơ bản để phân biệt ngân hàng thương mại với các loại ngân hàng khác.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng: “Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận”.

Về bản chất, ngân hàng thương mại là loại doanh nghiệp đặc thù. Tính đặc thù của ngân hàng thương mại thể hiện ở chỗ, đối tượng tác nghiệp là tiền tệ.

Căn cứ vào phạm vi kinh doanh trong các lĩnh vực kinh tế- kỹ thuật mà ngân hàng thương mại hoạt động, có thể phân chia chúng làm hai loại: Ngân hàng chuyên doanh và ngân hàng kinh doanh đa năng, tổng hợp.

Ngân hàng thương mại chuyên doanh là ngân hàng thương mại chỉ kinh doanh ngân hàng trong từng lĩnh vực, từng loại đối tượng khách hàng cụ thể. Ví dụ: Ngân hàng chuyên phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu (ngân hàng xuất nhập khẩu), ngân hàng chuyên kinh doanh bất động sản (ngân hàng bất động sản, ngân hàng địa ốc) V.V..

Ngân hàng thương mại kinh doanh tổng hợp là ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh Ngân hàng không bị giới hạn bởi lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật và loại khách hàng.

Ngân hàng thương mại kinh doanh tổng hợp và ngoài lĩnh vực kinh doanh ngân hàng còn được trực tiếp kinh doanh trong các lĩnh vực khác gọi là ngân hàng đa năng. Mô hình ngân hàng thương mại đa năng được áp dụng ở nhiều nước châu Âu. Ví dụ: ở Cộng hoà Liên bang Đức, các ngân hàng thương mại có thể trực tiếp kinh doanh chứng khoán mà không phải thành lập công ty trực thuộc để kinh doanh.

Ở Việt Nam hiện nay có các loại hình ngân hàng thương mại sau:

- Ngân hàng thương mại nhà nước là ngân hàng thương mại do Nhà nước thành lập, thuộc sở hữu nhà nước. Hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước là vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, do các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng nên còn được Nhà nước giao nhiệm vụ góp phần thực hiện các chính sách kinh tế của Nhà nước. Sự lồng ghép mục tiêu lợi nhuận và thực hiện các chính sách kinh tế của Nhà nước đối với hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước thể hiện rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu (Nhà nước) với loại hình ngân hàng thương mại này. Việc Nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại nhà nước nhiệm vụ góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế của Nhà nước xuất phát từ quyền chủ sở hữu của Nhà nước mà không phải từ cơ sở quyền lực của Nhà nước.

- Ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng thương mại được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần.

Theo quy định của pháp luật ở nhiều nước, để thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, tổ chức, cá nhân tham gia thành lập ngân hàng cổ phần (sáng lập viên) phải thoả mãn các điều kiện về năng lực chuyên môn, năng lực tài chính V.V.. Ở nước ta, Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990 quy định: Ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng thương mại được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, trong đó một cá nhân hoặc một tổ chức không được sở hữu số cổ phần của ngân hàng quá tỉ lệ do Ngân hàng nhà nước quy định. Theo quy định trên đây thì Nhà nước chỉ hạn chế mức góp vốn của một tổ chức hoặc một cá nhân vào ngân hàng thương mại cổ phần mà không giới hạn loại tổ chức, cá nhân nào có thể tham gia thành lập ngân hàng thương mại cổ phần.

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, tổ chức tín dụng cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, (trừ trường hợp: Sở hữu cổ phần theo quy định để xử lí tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hoá; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật các tổ chức tín dụng).

Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ sở hữu theo quy định trên bao gồm cả phần vốn uỷ thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

- Ngân hàng liên doanh là ngân hàng được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh, bằng vốn góp của bên Việt Nam (gồm một hoặc nhiều ngân hàng Việt Nam) và bên nước ngoài (gồm một hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài).

Ngân hàng liên doanh là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam, hoạt động theo giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng nhà nước cấp và theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngân hàng liên doanh thuộc loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. vốn góp để thành lập ngân hàng liên doanh do các bên thỏa thuận nhượng phần vốn góp của bên nước ngoài không quá 50% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh.

Thời hạn hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng liên doanh được ghi trong giấy phép.

- Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997, Nhà nước chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn để thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 15/06/2004 cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn vào kinh doanh ngân hàng không phân biệt hình thức tổ chức tín dụng là ngân hàng hay phi ngân hàng. Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là một trong các loại hình tổ chức tín dụng được hiện diện thương mại tại Việt Nam.

- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, hoạt động theo giấy phép mở chi nhánh và pháp luật Việt Nam, được ngân hàng mở chi nhánh bảo đảm chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

Khi thực hiện các giao dịch tại Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có tư cách của chủ thể độc lập mà theo chế độ uỷ quyền của ngân hàng nước ngoài (chủ yếu thực hiện theo chế độ uỷ quyền thường xuyên). Trong trường hợp một ngân hàng nước ngoài mở nhiều chi nhánh tại Việt Nam thì các chi nhánh này là những đơn vị được tổ chức độc lập với nhau, phụ thuộc ngân hàng nước ngoài và được ngân hàng nước ngoài cấp vốn hoạt động.

2- Ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác

Ngân hàng chính sách là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, được Nhà nước thành lập để thực hiện các chính sách kinh tế xã hội liên quan đến hoạt động ngân hàng như chính sách nhà ở, chính sách xoá đói giảm nghèo v.v..

Hoạt động của ngân hàng chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để duy trì các hoạt động.

Ngân hàng phát triển là loại hình ngân hàng có chức năng cung ứng vốn tín dụng cho các dự án đầu tư.

Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hoà vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.

Xét về bản chất, ngân hàng hợp tác xã thuộc loại hình tổ chức tín dụng hợp tác. Tuy vậy, ngân hàng hợp tác khác với tổ chức tín dụng hợp tác khác ở chỗ, ngân hàng hợp tác không bị hạn chế thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng.

3- Quỹ tín dụng nhân dân

Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã đề thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Quỹ tín dụng nhân dân là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống. Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân phải bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy để phát triển.

Về bản chất, quỹ tín dụng nhân dân thuộc loại hình tổ chức tín dụng hợp tác xã. Quỹ tín dụng nhân dân là loại 'hình tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả ở hai nước điển hình là Canada và Cộng hoà liên bang Đức.

4- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng

a. Công ty tài chính

Công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thực hiện hoạt động kinh doanh ngân hàng theo giấy phép nhưng không được nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Công ty tài chính được thành lập và hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau:

- Công ty tài chính nhà nước là công ty tài chính do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh.

- Công ty tài chính cổ phần là công ty tài chính do các tổ chức và cá nhân cùng góp vốn theo quy định của pháp luật, được thành lập dưới hình thức Công ty cổ phần.

- Công ty tài chính trực thuộc của tổ chức tín dụng là công ty tài chính do tổ chức tín dụng thành lập bằng vốn tự có của mình và làm chủ sở hữu theo quy định của pháp luật, hạch toán độc lập và có tư cách pháp nhân.

- Công ty tài chính liên doanh là công ty tài chính được thành lập bằng vốn góp giữa bên Việt Nam gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam và bên nước ngoài gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài, trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

- Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài là công ty tài chính được thành lập bằng vốn của một hoặc của nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam

5- Công ty cho thuê tài chính

Công ty cho thuê tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thực hiện hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê với bên thuê.

Đặc trưng của công ty cho thuê tài chính so với các tổ chức khác kinh doanh cho thuê tài sản ở hai dấu hiệu cơ bản sau:

Thứ nhất, hợp đồng cho thuê mà công ty cho thuê tài chính ký với khách hàng là hợp đồng không thể huỷ ngang. Mặc dù đối tượng chuyển giao trong hợp đồng cho thuê tài chính có thể có đặc tính kỹ thuật như trong các hợp đồng cho thuê tài sản khác nhưng tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

Thứ hai, công ty cho thuê tài chính là doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở giấy phép do Ngân hàng nhà nước cấp và chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước. Hoạt động cho thuê của công ty cho thuê tài chính thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngân hàng.

​​​​​​​6- Tổ chức tài chính vi mô

Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tổ chức tài chính vi mô được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngân hàng nhà nước quy định việc tham gia góp vốn thành lập tổ chức tài chính vi mô của tổ chức, cá nhân nước ngoài; số lượng thành viên góp vốn; tỉ lệ sở hữu vốn góp, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài vào tổ chức tài chính vi mô; giới hạn về cơ cấu tổ chức mạng lưới, địa bàn hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm và các loại tổ chức tín dụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17571 sec| 1074.969 kb