Khái quát sự ra đời và phát triển của chế định nguyên thủ Quốc gia

25/02/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Chế định về nguyên thủ quốc gia ở tất cả các nước đều được quy định trong văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, đó là Hiến pháp. Hiến pháp thành văn hoặc bất thành văn thường dành một chương hoặc một đạo luật quy định về trình tự bầu cử, thẩm quyền, các mối quan hệ của nguyên thủ quốc gia với các cơ quan nhà nước

1- Sự ra đời và phát triển của chế định nguyên thủ quốc gia

Trong bộ máy Sự ra đời và phát triển của chế định nguyên thủ quốc gia nhà nước có một thiết chế với những tên gọi khác nhau như: Vua, Hoàng đế, Quốc vương, Quốc trưởng, Nữ hoàng, Tổng thống, Đoàn chủ tịch, Hội đồng nhà nước, Chủ tịch nước..thiết chế này còn được gọi là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước, đại diện cho nước về đói nội và đối ngoại. Vua, Hoàng đế, Quốc vương, Quốc trưởng, Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia ở các nước theo chính thể quân chủ hoặc quân chủ lập hiến.

Tổng thống là nguyên thủ quốc gia ở các quốc gia theo chính thể cộng hòa tổng thống hoặc cộng hòa đại nghị. Đoàn Chủ tịch, Hội đồng nhà nước, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia ở các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Theo hiến pháp hiện hành, nguyên thủ quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Chủ tịch nước.

Trong lịch sử lập hiến của nhà nước tư sản, sự hình thành nguyên thủ quốc gia ở mỗi nước có những tiến trình và những đặc điểm khác nhau, nhưng có điểm chung đều bắt nguồn từ các cuộc cách mạng tư sản, với chủ trương phải lật đổ chế độ chuyên chế, xây dựng một chế độ dân chủ tư sản.

Ở những nước cuộc cách mạng tư sản giành được thắng lợi triệt để, xóa bỏ chế độ cha truyền con nối, thì ở đó chính thể quân chủ được thay thế bởi chính thể cộng hòa. Những quốc gia này, nguyên thủ quốc gia không còn là một vị vua mà thay vào đó là một vị Tổng thống được hình thành bằng con đường bầu cử.

Những nước cách mạng tư sản không đủ sức để đánh bại được giai cấp phong kiến đại diện là các vị Hoàng đế, mặc dù đã lỗi thời nhưng vẫn còn đủ mạnh, thì ở đó quyền lực nhà nước buộc phải chia sẻ giữa giai cấp tư sản thống trị và giai cấp phong kiến. Những nước này xây dựng chính thể quân chủ lập hiến, quyền lực nhà nước chủ yếu thuộc về nghị viện, quyền lực của nhà Vua bị giới hạn bởi hiến pháp.

Tuy nhiên, cũng có những nơi sự tồn tại của chế độ quân chủ đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân trong xã hội, mặc dù cuộc cách mạng tư sản đã giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng giai cấp tư sản đã không xóa bỏ ngai vàng phong kiến mà tiếp tục duy trì chế độ quân chủ, nhằm sử dụng vị thế của Vua để phục vụ cho mục đích chính trị của mình. Hình thức chính thể của những nước này là quân chủ lập hiến, nhà Vua trị vì nhưng không cai trị, quyền lực của nhà Vua chỉ mang tính hình thức và bị giới hạn bởi hiến pháp.

Đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa, bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực nhà nước thống nhất tập trung vào cơ quan đại diện quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân đó là Xô-viết tối cao, Quốc hội. Xô-viết tối cao bầu ra Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao (Liên Xô), Quốc hội bầu ra Hội đồng nhà nước (các nước Đông Âu trước đây, Việt Nam theo Hiến pháp năm 1980), những nước này chức năng nguyên thủ quốc gia được thống nhất trong các chức năng của Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao và Hội đồng nhà nước.

Do vậy, Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao, Hội đồng nhà nước được coi là nguyên thủ quốc gia tập thế. Một số nước xã hội chủ nghĩa khác, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân từ truyền thống lịch sử ở nước đó, đã có thiết chế Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia đứng đầu nhà nước, thay mặt nước thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest 

2- Vị trí pháp lý của nguyên thủ quốc gia trong các chính thể

Chế định về nguyên thủ quốc gia ở tất cả các nước đều được quy định trong văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, đó là Hiến pháp. Hiến pháp thành văn hoặc bất thành văn thường dành một chương hoặc một đạo luật quy định về trình tự bầu cử, thẩm quyền, các mối quan hệ của nguyên thủ quốc gia với các cơ quan nhà nước, về nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia ở mỗi nước có những quy định khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chính thể, truyền thống dân tộc... Chính thể là yếu tố có ảnh hưởng quyết định tới vị trí pháp lí của nguyên thủ quốc gia.

Trong chính thể quân chủ lập hiến, chức năng của nhà Vua, Nữ hoàng, Quốc vương chỉ mang tính tượng trưng, mọi hoạt động của nhà Vua, Nữ hoàng, Quốc vương chỉ nhằm mục đích chính thức hóa về mặt nhà nước các hoạt động đã rồi của Nghị viện và Chính phủ. Những mệnh lệnh của Vua, Nữ hoàng, Quốc vương phải được một bộ trưởng thuộc lĩnh vực đó ký “phó thư” thì mới có hiệu lực. Các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện về các lệnh mà họ đã ký có nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật. Việc nhà Vua, Nữ hoàng, Quốc vương yêu cầu họ ký sắc lệnh này không được coi là lí do chính đáng.

Vì vậy, trong chính thể quân chủ lập hiến, nhà Vua, Nữ hoàng, Quốc vương không phải chịu trách nhiệm bất cứ vấn đề gì, trừ tội phản quốc. Chẳng hạn, Điều 63 Hiến pháp Bỉ năm 1831 quy định: “Nhà Vua không phải chịu trách nhiệm gì, các bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhỉệm”. Hoặc Điều 64 quy định: “Không sắc lệnh nào của nhà Vua có  hiệu lực, trừ khi được một bộ trưởng ký phó thư. Và với hành động ký phó thự này bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề tương ứng"

Ở những nước theo chính thể cộng hòa tổng thống (như Mỹ, Mêhicô...) có đặc điểm Tổng thống do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra, vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp. Điều 80 Hiến pháp Mêhicô năm 1917 quy định: “Việc thỉ hành những quyền lực hành pháp tối cao của Liên bang được trao cho một người duy nhất, được gọi là “Tống thống của Liên bang Mêhicô ” Điều 81 quy định: “Tổng thống được bầu cử trực tiếp theo các quy định trong luật bầu cử”. Tổng thống thành lập nội các, bổ nhiệm thành viên nội các, nội các chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Chính chức năng đứng đầu bộ máy hành pháp đã làm cho Tổng thống - nguyên thủ quốc gia có quyền rất lớn, trong trường hợp Tổng thống và đa số Nghị viện ở cùng một đảng cầm quyền thì quyền lực nhà nước tập trung tuyệt đối vào tay Tổng thống.

Những nước theo chính thể cộng hòa đại nghị (hay còn gọi là cộng hòa nghị viện) Tổng thống được hình thành thông qua con đường Nghị viện bầu ra. Tổng thống không đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng không chịu trách nhiệm trước Tổng thống, mà chỉ chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Vị trí của Tổng thống trong các nước theo chính thể cộng hoà đại nghị, cũng giống như trong chính thể quân chủ lập hiến, nguyên thủ quốc gia không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì.

Ở những nước theo chính thể cộng hòa lưỡng tính, vừa có đặc điểm của cộng hòa tổng thống, vừa có đặc điểm của cộng hòa đại nghị, Tổng thống được bầu theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia đứng đầu nhà nước, đồng thời là người có tác động trực tiếp đến bộ máy hành pháp. Cộng hòa Pháp là một điển hình về chính thể cộng hòa lưỡng tính, theo đó Hiến pháp năm 1958 của Pháp quy định vị trí chính thể là mô hình kết hợp giữa chính thể cộng hòa tổng thống và chính thể cộng hòa đại nghị.

Tổng thống được bầu cho nhiệm kỳ 05 năm theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp (Điều 6). Với tư cách là người đứng đầu nhà nước, Tổng thống bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ tướng. Theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên khác của Chính phủ (Điều 8). Tổng thống chủ trì các phiên họp Hội đồng Bộ trưởng (Điều 9). Chính phủ Pháp chịu trách nhiệm trước Nghị viện, không chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Thủ tướng điều hành hoạt động của Chính phủ, tổ chức thực thi chính sách quốc gia do Tổng thống quyết định. Khi Thủ tướng và nội các tổ chức thực thi chính sách quốc gia yếu kém, Quốc hội Pháp sẽ chất vấn, bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

3- Vị trí pháp lý của nguyên thủ quốc gia ở các nước xã hội chủ nghĩa

Trong chính thể nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào cơ quan đại diện quyền lực nhà nước là Xô-viết tối cao ở Liên Xô (trước đây) và Quốc hội ở các nước còn lại. Xô viết tối cao Liên Xô bầu Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô - cơ quan thường trực của Xô-viết tối cao Liên Xô, Chủ tịch tập thể của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết. Thành phần Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô gồm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, một Phó Chủ tịch thứ nhất, mười lăm Phó Chủ tịch - mỗi nước Cộng hòa liên bang. 

Các nước khác, Quốc hội bầu Hội đồng nhà nước, cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, Chủ tịch tập thể của mỗi nước. Hội đồng nhà nước có Chủ tịch Hội đồng nhà nước, các Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước và các thành viên. Như vậy, các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô, Đông Âu trước đây, Cu Ba và ở Việt Nam (theo Hiến pháp năm 1980), Hiến pháp không quy định thiết chế nguyên thủ quốc gia là cá nhân. Xô-viết tối cao, Quốc hội nắm toàn bộ quyền lực nhà nước, trong đó có cả quyền “nguyên thủ quốc gia”.

Mọi chức năng của nguyên thủ quốc gia đều do Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao, Hội đồng nhà nước đảm nhiệm. Việc trao chức năng nguyên thủ quốc gia cho Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao, Hội đồng nhà nước đã thể hiện tư duy tập thể lãnh đạo trong việc tổ chức nhà nước xã hội chủ nghĩa. Vai trò nguyên thủ tập thể của Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao, Hội đồng nhà nước ở các nước xã hội chủ nghĩa có thể nói là một đặc thù so với chính thể ở các nhà nước dân chủ khác.

Những nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Hiến pháp quy định chế định nguyên thủ quốc gia cá nhân là Chủ tịch nước, nhưng vẫn trong bối cảnh tổ chức quyền lực nhà nước là tập quyền. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra và báo cáo công tác trước Quốc hội. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo công tác với Chủ tịch nước.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Sự ra đời và phát triển của chế định Nguyên thủ quốc gia được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Sự ra đời và phát triển của chế định Nguyên thủ quốc gia có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái quát sự ra đời và phát triển của chế định nguyên thủ Quốc gia

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.37129 sec| 991.406 kb