Lý luận chung về pháp luật: Nguồn gốc và kiểu pháp luật

27/02/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, pháp luật ra đời cùng với sự ra đời của nhà nước. Những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhà nước cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật.

 

1- Nguồn gốc pháp luật

Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có nhà nước nên cũng chưa có pháp luật. Để hướng dẫn cách xử sự cho con người, xã hội nguyên thủy sử dụng phong tục tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo... Các quy tắc ứng xử này hình thành một cách tự phát trong cộng đồng trên cơ sở điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội cụ thể lúc bấy giờ.

Khi điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi, trong xã hội xuất hiện các quan hệ xã hội mới, tương đối đa dạng, phức tạp mà các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán... không điều chỉnh hết hoặc điều chỉnh không có hiệu quả hoặc không thể điều chỉnh được. Trong điều kiện đó, nhà nước xuất hiện, để tổ chức, quản lí đời sống xã hội phức tạp đó, nhà nước từng bước làm xuất hiện một loại quy tắc ứng xử mới, đó chính là pháp luật. Thông qua nhà nước, pháp luật hình thành bằng các con đường, một là, nhà nước thừa nhận các quy tắc xử sự có sẵn trong xã hội nhưng phù họp với ý chí của nhà nước, nâng chúng lên thành pháp luật; hai là, nhà nước thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trong thực tế, sử dụng làm khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác có tính tương tự; ba là, nhà nước đặt ra các quy tắc xử sự mới.

Như vậy, nguồn gốc pháp luật là khách quan, là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội. Nhà nước không sinh ra pháp luật, trong sự hình thành pháp luật, nhà nước chỉ có vai trò như người “bà đỡ”, nhà nước chỉ làm cho pháp luật “hiện diện” trong đời sống với những hình thức xác định. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest 

2- Khái niệm về kiểu của pháp luật

Kiểu pháp luật là tổng thể những đặc điểm, đặc thù của một nhóm pháp luật, qua đó phân biệt với nhóm pháp luật khác. Theo cách hiểu này, việc phân chia kiểu pháp luật thực chất là sự phân nhóm (phân loại) pháp luật. Những pháp luật thuộc cùng một kiểu là những pháp luật có cùng những đặc điểm, đặc trưng nhất định, qua đó phân biệt với kiểu (nhóm) pháp luật khác.

Tương tự như các hiện tượng khác, pháp luật có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau. Cho dù phân chia theo cách nào thì kiểu pháp luật luôn thống nhất với kiểu nhà nước. Chẳng hạn, căn cứ vào khu vực địa lí thì có thể chia pháp luật thành kiểu pháp luật phương Đông và kiểu pháp luật phương Tây; tương ứng với các thời đại trong lịch sử nhân loại, có các kiểu pháp luật là pháp luật cổ đại, pháp luật trung đại, pháp luật cận đại và pháp luật hiện đại...

Trong khoa học pháp lí nước ta, theo quan niệm truyền thống, tương ứng với mỗi hình thái kinh tế xã hội có giai cấp là một kiểu pháp luật. Theo đó có bốn kiểu pháp luật là: pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Cần lưu ý rằng, sự hình thành và phát triển của mỗi hình thái kinh tế xã hội là cả một quá trình, từ hình thái kinh tế xã hội này sang hình thái kinh tế xã hội khác đều phải trải qua một thời kì gọi là thời kì quá độ. Chính vì vậy, sự phân chia kiểu pháp luật chỉ có ý nghĩa tương đối. Trong cùng một kiểu, pháp luật ở thời kì đầu của mỗi hình thái kinh tế xã hội có thể có nhiều điểm khác biệt so với pháp luật ở thời kì sau đó. Chẳng hạn, pháp luật của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (giai đoạn từ năm 1945 - 1959), pháp luật của các quốc gia trong những thời kì mà có thể thay thế nhau một cách tuần tự, pháp luật phong kiến thay thế pháp luật chủ nô, pháp luật tư sản thay thế pháp luật phong kiến và pháp luật xã hội chủ nghĩa thay thế pháp luật tư sản. Tuy nhiên, sự thay thế kiểu pháp luật cũng có thể diễn ra không tuần tự, từ kiểu pháp luật thấp, bỏ qua kiểu pháp luật trung gian, phát triển lên kiểu pháp luật cao hơn. Đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách thấu đáo hơn.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

3- Các kiểu pháp luật trong lịch sử theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin

[a] Kiểu pháp luật chủ nô

Pháp luật chủ nô là kiểu pháp luật đầu tiên trong lịch sử, ra đời cùng với sự ra đời của nhà nước chủ nô. Kiểu pháp luật này được xây dựng trên cơ sở quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ và mâu thuẫn đối kháng gay gắt giữa chủ nô với nô lệ. Thông qua các thư tịch cổ, đặc biệt thông qua các quy định trong các bộ luật nổi tiếng còn tồn tại như Bộ luật Hammourabi của Babilon cổ đại, Luật Dracon của Hy Lạp cổ đại, Bộ luật Manou của Ân Độ cố đại và Bộ luật 12 bảng của La Mã cổ đại..., có thể thấy, pháp luật chủ nô có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, pháp luật chủ nô tạo cơ sở pháp lí cho việc củng cố và bảo vệ quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ, hợp pháp hoá chế độ bóc lột của chủ nô đối với nô lệ

Pháp luật chủ nô ghi nhận quyền tư hữu tuyệt đối và vô giới hạn của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và nô lệ, coi nô lệ chỉ là “công cụ”, là “tài sản biết nói” của chủ, chủ nô có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với nô lệ như đối với các tài sản khác, có quyền chiếm đoạt toàn bộ kết quả lao động, có quyền đánh đập, chửi mắng, mua, bán, tặng, cho thậm chí giết chết nô lệ, khi chủ nô chết, nô lệ có thể bị chôn theo chủ, kể cả chôn sống. Giá của nô lệ rất rẻ mạt, chẳng hạn ở Trung Quốc, năm nô lệ mới đổi được một con ngựa và một cuộn tơ. Mọi biểu hiện chống đối chủ nô, giúp nô lệ bỏ trốn, xâm phạm sở hữu của chủ nô, kể cả những trường hợp trộm cắp vặt đều bị trừng phạt nghiêm khắc bằng những hình phạt hết sức dã man như cắt tai, xẻo mũi, chặt chân tay, giết chết.

Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định nhiều biện pháp để biến người tự do thành nô lệ. Chẳng hạn, pháp luật thừa nhận chế độ cho vay nặng lãi, nếu con nợ không có khả năng trả nợ khi đến hạn thì chủ nợ có thể bắt bản thân con nợ hoặc vợ con của họ làm nô lệ. Ngoài ra, những người phạm tội cũng có thể bị bắt làm nô lệ thay cho việc áp dụng các hình phạt khác.

Thứ hai, pháp luật chủ nô quy định một hệ thống hình phạt và cách thi hành hình phạt hết sức dã man, tàn bạo

Để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp chủ nô thông qua nhà nước ban hành các quy định pháp luật hết sức dã man. Các tội dù nặng hay nhẹ đều bị áp dụng các hình phạt có tính chất nhục hình với mục đích làm cho tội nhân đau đớn về mặt thể xác, sợ hãi về mặt tinh thần để họ không dám chống đối. Hình phạt tử hình được quy định và áp dụng khá phổ biến với cách thi hành hình phạt rất dã man, tàn bạo như tùng xẻo, treo cổ, cho vào vạc dầu sôi, thiêu sống hay chôn sống... Những hình phạt khác cũng rất dã man như chặt tay, chặt chân, cắt lưỡi, thích chữ lên mặt... Điều này làm cho pháp luật chủ nô trở thành kiểu pháp luật vô nhân đạo nhất trong lịch sử.

Thứ ba, pháp luật chủ nô ghi nhận và củng cố tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và trong gia đình

Theo quy định của pháp luật chủ nô, quan hệ giữa chủ nô với nô lệ là quan hệ bất bình đẳng tuyệt đối, chủ nô có toàn quyền, nô lệ chỉ có nghĩa vụ. Ở nhiều nước, pháp luật chủ nô còn ghi nhận tình trạng bất bình đẳng giữa các đẳng cấp trong xã hội thông qua việc phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp với những quyền, nghĩa vụ pháp lí khác nhau. Pháp luật chủ nô còn ghi nhận và củng cố tình trạng bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, bảo vệ sự thống trị tuyệt đối của người chồng, người cha trong gia đình. Chẳng hạn, Bộ luật Manou quy định người vợ là do được người chồng mua về, tất cả của hồi môn của vợ trở thành sở hữu của chồng. Bộ luật 12 bảng của La Mã thừa nhận tài sản của gia đình do người chồng quản lí, con gái lấy chồng phải phụ thuộc vào chồng, người cha có quyền bán con làm nô lệ...

Thứ tư, pháp luật chủ nô có tính tản mạn, thiếu thống nhất

Do trình độ phát triển của xã hội thấp, nhận thức của con người còn hạn chế nên các nhà lập pháp không xác định được rõ quan hệ xã hội nào thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật, quan hệ nào thuộc đối tượng điều chỉnh của các tín điều tôn giáo... Vì thế, nhiều tư tưởng tôn giáo được thể chế hoá thành pháp luật, nhiều tín điều tôn giáo được thừa nhận, nâng lên thành pháp luật. Pháp luật chủ nô chưa có sự phân chia thành từng lĩnh vực hay từng ngành luật một cách rõ ràng, các bộ luật trong thời gian này đều là những bộ luật tổng hợp, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nhiều lĩnh vực như dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, tố tụng... Các biện pháp cưỡng chế được quy định trong các bộ luật này đều là hình phạt.

[b] Kiểu pháp luật phong kiến

Khác với pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến được xây dựng trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân của địa chủ, quý tộc phong kiến về tư liệu sản xuất chủ yếu là ruộng đất và sự bóc lột nông dân thông qua chế độ tô, thuế. Pháp luật phong kiến có đặc điểm sau:

Một là, pháp luật phong kiến xác lập và bảo vệ trật tự đẳng cấp đồng thời thừa nhận và bảo vệ những đặc quyền của các đẳng cấp trên trong xã hội

Pháp luật phong kiến thiết lập và bảo vệ trật tự đẳng cấp trong xã hội thông qua việc phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp khác nhau, thậm chí trong mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng cũng đều có sự phân biệt về thứ bậc, phẩm trật rõ rệt. Giai cấp thống trị được chia thành nhiều đẳng cấp với tước vị quý tộc, địa vị xã hội khác nhau như vương, công, hầu, bá, tử, nam. Pháp luật quy định chế độ thế tập, tập ấm, tập tước trong các đẳng cấp đó. Pháp luật trói buộc người nông dân vào các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp thống trị. Pháp luật bảo vệ chế độ tư hữu về ruộng đất và chế độ bóc lột địa tô, bảo vệ sự thống trị về chính trị và tư tưởng của giai cấp địa chủ phong kiến và tăng lữ.

Hai là, pháp luật phong kiến dung túng cho việc sử dụng bạo lực và sự tuỳ tiện của những kẻ có quyền lực trong xã hội

Pháp luật chủ nô được hình thành chủ yếu bằng con đường thừa nhận các phong tục tập quán, quy tắc đạo đức và tín điều tôn giáo trong xã hội. Điều này thể hiện khá rõ qua các quy định trong Bộ luật Hammourabi, Luật Dracon, Luật 12 bảng của La Mã, Bộ luật Manou... Trong khi đó, tôn giáo, tín ngưỡng giai đoạn này khá phức tạp, trong xã hội có nhiều loại tôn giáo khác nhau, phong tục tập quán cũng rất khác nhau giữa các vùng, miền, địa phương... làm cho pháp luật chủ nô có tính tản mạn, không thống nhất.

Ba là, pháp luật phong kiến thiếu thống nhất và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo, đạo đức phong kiến

Có thể khẳng định trong thời kì tồn tại của chế độ phong kiến, các tôn giáo lớn trên thế giới như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo... phát huy ảnh hưởng đến mức tối đa trong xã hội, vì thế, pháp luật phong kiến có nhiều quy định là sự thừa nhận và bảo vệ các tín điều tôn giáo, ở châu Âu, Kinh Thánh giữ địa vị thống trị trong xã hội và có vị trí cao hơn pháp luật, nó được đọc trịnh trọng trong các phiên toà xét xử các vụ tội phạm. Ở các nước Hồi giáo, Kinh Koran có hiệu lực trong đời sống xã hội cao hơn pháp luật. Nhiều quy định của pháp luật phong kiến là sự thể chế hoá các quan niệm đạo đức phong kiến và là sự thừa nhận các quy tắc đạo đức phong kiến. Ở Việt Nam, Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định về nghi thức tế lễ của nhà vua, về thủ tục cưới hỏi, ma chay, để tang người thân, quy định về sự tam tòng của người phụ nữ theo quan niệm của Nho giáo...

Tương tự như pháp luật chủ nô, trong pháp luật phong kiến chưa có sự phân định rõ ràng giữa các lĩnh vực pháp luật, do đó, hầu hết các bộ luật phong kiến đều là những bộ luật tổng hợp điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, biện pháp trừng phạt của nhà nước đối với các chủ thể vi phạm cũng chủ yếu là hình phạt.

[c] Kiểu pháp luật tư sản

Sau khi ra đời, một mặt nhà nước tư sản tiếp tục sử dụng những quy định còn phù hợp trong pháp luật phong kiến, mặt khác, nhà nước nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp luật mới cho mình. Pháp luật tư sản được xây dựng trên cơ sở kinh tế là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ sở xã hội là quan hệ giữa nhà tư bản với người công nhân làm thuê, cơ sở tư tưởng là hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Pháp luật tư sản thể hiện các đặc điểm sau:

Thứ nhất, pháp luật tư sản ghi nhận và bảo vệ chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa

Trong pháp luật tư sản, chế định quyền sở hữu tài sản là một trong những chế định trung tâm và quan trọng nhất. Hiến pháp và pháp luật tư sản đều thừa nhận quyền sở hữu tài sản là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chẳng hạn, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp quy định: “Không ai có thể mất quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm trừ trường hợp có sự cần thiết của xã hội mà luật đã quy định với điều kiện là bồi thường trước và công bằng”. Hoặc Điều 29 Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản quy định: “Quyền tư hữu có tính cách bất khả xâm phạm. Quyền tư hữu được định nghĩa bởi pháp luật cho phù hợp với lợi ích công cộng. Có thế truất quyền tư hữu vì lí do công ích sau khi bồi thường xác đáng cho sở hữu chủ”. Hiến pháp Mỹ, Phần Lan... cũng có những điều khoản với nội dung tương tự. Theo các quy định trên thì quyền sở hữu của chủ sở hữu chỉ bị hạn chế bởi một lí do duy nhất là vì lợi ích công cộng, việc xâm hại đến quyền sở hữu vì bất cứ lí do gì ngoài lí do trên đều là bất hợp pháp và đều bị trừng phạt nghiêm khắc.

Chế định quyền sở hữu trong pháp luật tư sản có sự kế thừa nhưng phát triển và hoàn thiện hơn nhiều so với chế định này trong các kiểu pháp luật trước. Pháp luật quy định cách hiểu về khái niệm quyền sở hữu, quy định nội dung quyền sở hữu, cơ sở xác định quyền sở hữu, việc chuyển giao quyền sở hữu, pháp luật thừa nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tài sản khác nhau trong xã hội. Điều dễ nhận thấy là, mặc dù hiện tại người lao động đã có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, pháp luật cũng bảo vệ quyền sở hữu cho tất cả mọi chủ thể, song thực tế cho thấy, chế định này vẫn chủ yếu bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản vì phần lớn tài sản quốc gia nằm trong tay giai cấp tư sản.

Thứ hai, pháp luật tư sản bảo vệ sự thống trị về chính trị và tư tưởng của giai cấp tư sản trong xã hội

Mặc dù về mặt pháp lí, pháp luật tư sản thừa nhận một số quyền tự do chính trị cho công dân như quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện của nhà nước, quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do báo chí..tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chỉ giai cấp tư sản mới có đủ điều kiện và khả năng thực hiện được đầy đủ các quyền đó. Theo quy định của pháp luật, các công dân nghèo cũng có thể ứng cử vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, song trong thực tế, họ hầu như không có cơ hội trúng cử vào các chức vụ đó vì muốn đắc cử, các ứng cử viên phải nhận được sự ủng hộ và sự tài trợ lớn về tài chính mới có đủ khả năng vận động tranh cử, điều mà những người nghèo khó có thể đạt được.

Pháp luật tư sản bảo vệ hệ tư tưởng tư sản bằng cách tạo điều kiện cho việc tuyên truyền, phổ biến tư tưởng và lối sống tư sản, ngăn chặn, hạn chế và đàn áp việc tuyên truyền cho những tư tưởng cộng sản và những tư tưởng trái với tư tưởng, lối sống tư sản.

Thứ ba, pháp luật tư sản có tính dân chủ, nó thừa nhận quyền tự do và bình đắng về mặt pháp lí cho công dân

Pháp luật tư sản được xây dựng dựa trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, tự do và dân chủ. Đây là điểm tiến bộ vượt bậc của pháp luật tư sản so với các kiểu pháp luật trước đó. Tự do, bình đẳng, bác ái là những khẩu hiệu được giai cấp tư sản sử dụng đế tập hợp lực lượng tiến hành cách mạng tư sản. Sau khi nhà nước tư sản ra đời, các khẩu hiệu này đã trở thành các nguyên tắc của pháp luật tư sản. Cùng với sự ra đời của pháp luật tư sản, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quyền con người, quyền tự do cá nhân, quyền công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Nếu như pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến công khai thừa nhận và bảo vệ sự bất bình đẳng trong xã hội thì pháp luật tư sản khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Giữa nhà tư bản với người công nhân làm thuê, giữa người giàu với người nghèo, giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều bình đẳng với nhau về mặt pháp lí. Theo quy định của pháp luật, nhà tư bản và người công nhân làm thuê đều tự do bày tỏ ý chí khi kí kết hợp đồng lao động, không bên nào có quyền áp đặt ý chí cho bên nào. Pháp luật tư sản thừa nhận quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, điều đó thể hiện qua nhiều quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của nhà nước tư sản.

Không chỉ thừa nhận quyền bình đẳng về mặt pháp lí giữa các công dân với nhau, pháp luật tư sản còn thừa nhận quyền bình đẳng giữa công dân với nhà nước thông qua việc thừa nhận các quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp và pháp luật. Điều đó có nghĩa là trong quan hệ với công dân, nhà nước không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ, trong đó quyền của công dân là nghĩa vụ của nhà nước và ngược lại. Việc thừa nhận này đã làm cho khái niệm công dân trong pháp luật tư sản khác hoàn toàn với khái niệm thần dân trong pháp luật phong kiến vì theo pháp luật tư sản, công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ một cách rộng rãi các quyền tự do trong các lĩnh vực của đời sống như tự do kinh doanh, tự do hội họp, lập hội, mít tinh, biểu tình.... Công dân có thể tham gia vào việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, giám sát hoạt động của các nhân viên và cơ quan nhà nước... Còn thần dân trong pháp luật phong kiến chỉ là những người tuyệt đối thần phục nhà nước, chỉ có nghĩa vụ mà không được thừa nhận bất cứ một quyền tự do dân chủ nào. Có thể khẳng định, chế định công dân trong pháp luật tư sản khá phát triển với đặc trưng là việc thừa nhận các quyền tự do dân chủ cho công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, tự do cá nhân. Đây là chế định thể hiện tập trung giá trị dân chủ và nhân đạo của pháp luật tư sản. Tuy nhiên, việc tôn trọng và thực hiện chế định này trong thực tế rất khác nhau giữa các nhà nước tư sản và giữa các giai đoạn phát triển của nhà nước tư bản chủ nghĩa.

Thứ tư, pháp luật tư sản nhân đạo hơn các kiểu pháp luật trước

Tính nhân đạo của pháp luật tư sản thể hiện ở chỗ nó không còn quy định những hình phạt và cách thi hành hình phạt dã man, tàn bạo như trong các kiểu pháp luật trước. Hình phạt tử hình đã thu hẹp đáng kể, thậm chí hiện nay, nhiều nước đã bỏ hình phạt này. Những nước còn giữ hình phạt tử hình thì cách thi hành hình phạt cũng không nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người vi phạm cũng như cho những người khác. Nếu trong pháp luật chủ nô và phong kiến, pháp luật hình sự giữ vị trí then chốt thì trong pháp luật tư sản hiện nay, pháp luật dân sự giữ vai trò hàng đầu và hợp đồng trở thành chế định trung tâm của ngành luật này.

Pháp luật tư sản hiện đại có các quy định khá đầy đủ, chi tiết về chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc cho công dân; về mức lương tối thiểu, thời gian lao động, thời gian nghỉ ngơi, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; về chế độ thuế thu nhập lũy tiến; về bảo vệ môi trường sống, chống các căn bệnh thế kỉ, viện trợ nhân đạo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

[d] Kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa

Khác hoàn toàn với các kiểu pháp luật trước, pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở kinh tế là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, cơ sở xã hội là liên minh giữa giai cấp công nhân và các giai cấp, tầng lóp nhân dân lao động khác, cơ sở tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, kiểu pháp luật này có các đặc điểm cơ bản sau:

Một là, pháp luật xã hội chủ nghĩa là kiểu pháp luật tiến bộ nhất

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, pháp luật xã hội chủ nghĩa là kiểu pháp luật tiến bộ nhất. Pháp luật ghi nhận và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và những người lao động khác trong xã hội, là công cụ bảo vệ chính quyền của nhân dân lao động. Pháp luật xã hội chủ nghĩa hướng tới việc triệt tiêu những lợi ích cực đoan của bộ phận thiểu số đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, xóa bỏ mọi áp bức bất công, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng con người một cách hoàn toàn. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là công cụ xác lập và bảo vệ nền dân chủ, đảm bảo công bằng trong xã hội, hướng tới việc xây dựng một xã hội mà mọi người đều tự do và bình đẳng với nhau về mọi mặt. Pháp luật xã hội chủ nghĩa được bảo đảm thực hiện chủ yếu bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và động viên để tạo ra tính tự giác cho các thành viên trong xã hội.

Hai là, pháp luật xã hội chủ nghĩa là sự thế chế hoá các đường lối chủ trương, chính sách của đảng của giai cấp công nhân

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội là đảng tiên phong của giai cấp công nhân, người bộ máy nhà nước mới, giai cấp công nhân và nhân dân lao động khẩn trương xây dựng hệ thống pháp luật mới để bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố và bảo vệ chính quyền của nhân dân, tổ chức và quản lí các mặt của đời sống xã hội nhằm mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Ba là, pháp luật xã hội chủ nghĩa có phạm vi điều chỉnh khá rộng rãi và ngày càng hoàn thiện hơn

Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội phát triển ở trình độ cao, dựa trên cơ sở quan hệ sản xuất tiên tiến và lực lượng sản xuất hiện đại, vì thế, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, gian khổ của tất cả các lực lượng xã hội. Để xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, pháp luật có vai trò rất quan trọng. Pháp luật là công cụ quan trọng và có hiệu quả nhất để nhà nước tổ chức và quản lí các mặt của đời sống xã hội, vì thế, phạm vi điều chỉnh của pháp luật xã hội chủ nghĩa khá rộng, pháp luật tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, giáo dục, khoa học, kĩ thuật, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Bốn là, pháp luật xã hội chủ nghĩa vừa phản ánh các chuẩn mực đạo đức xã hội chủ nghĩa vừa góp phần xây dựng và bảo vệ nền đạo đức đó

Bất kì hệ thống pháp luật nào cũng được xây dựng dựa trên cơ sở một nền tảng đạo đức nhất định. Đạo đức xã hội chủ nghĩa bao gồm những quan niệm, quy tắc đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những quan niệm đạo đức của giai cấp công nhân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của đông đảo giai cấp công nhân và những người lao động khác. Mục tiêu, lí tưởng của đảng là giải phóng cho giai cấp công nhân và những người lao động khác, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để đạt được mục tiêu, lí tưởng của mình, đảng phải nắm quyền lãnh đạo nhà nước để thông qua nhà nước thể chế hoá đường lối, chính sách của đảng thành pháp luật. Chính vì vậy, đường lối, chính sách của đảng luôn giữ vai trò chỉ đạo đối với pháp luật, chỉ đạo phương hướng xây dựng pháp luật, chỉ đạo nội dung của pháp luật và cách thức tổ chức thực hiện pháp luật trong thực tế.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Nguồn gốc của pháp luật và các kiểu pháp luật được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Nguồn gốc của pháp luật và các kiểu pháp luật có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Lý luận chung về pháp luật: Nguồn gốc và kiểu pháp luật

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.21979 sec| 1058.07 kb