Nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO

28/02/2023
Nguyễn Xuân Thịnh
Nguyễn Xuân Thịnh
Nguyên tắc không phân biệt đối xử là cốt lõi của luật WTO và được thể hiện trong tất cả các văn kiện chính của WTO (như GATT 1994, GATS, Hiệp định TRIPS...). Trong luật WTO có hai nguyên tắc về chống phân biệt đối xử, đó là MFN và NT. Nhìn chung, hai nguyên tắc này áp dụng trên cơ sở ‘xuất xứ quốc gia hoặc nơi đến’ của một hàng hóa hay dịch vụ, hoặc trên cơ sở ‘quốc tịch’ của người cung cấp dịch vụ. Nghĩa vụ đối xử MFN, hay còn gọi là nguyên tắc MFN, là quy tắc quan trọng nhất trong luật WTO và nếu thiếu nó thì hệ thống thương mại đa phương không thể tồn tại.

1- Đối xử tối huệ quốc theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

Nguyên tắc MFN - nguyên tắc tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá được quy định trong khoản 1 Điều 1 của GATT như sau:

"Với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào nhằm vào hay có liên hệ tới nhập khẩu và xuất khẩu hoặc đánh vào các khoản chuyển khoản để thanh toán hàng xuất nhập khẩu, hay phương thức đánh thuế hoặc áp dụng phụ thu nêu trên, hay với mọi luật lệ hay thủ tục trong xuất nhập khẩu và liên quan tới mọi nội dung đã được nêu tại khoản 2 và khoản 4 của Điều III, mọi lợi thế, ưu đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kì bên kí kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kì một nước nào khác sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên kí kết khác ngay lập tức và vô điều kiện.".

Cũng giống như các nghĩa vụ không phân biệt đối xử nói chung, mục đích chính của nghĩa vụ đối xử MFN là bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội trong việc nhập khẩu hay xuất khẩu hàng hoá đến và đi từ các thành viên WTO. 

Dù không có các từ ‘về mặt pháp luật’ (‘de jure’) và ‘trên thực tế’ (‘de facto’) trong lời văn, nhưng khoản 1 Điều I GATT được coi là áp dụng cả đối với phân biệt đối xử ‘về mặt pháp luật’ và ‘trên thực tế’. Nói cách khác, điều khoản này không chỉ cấm các biện pháp có tính chất phân biệt đối xử ngay khi nhìn vào văn bản luật, quy định hay chính sách, mà còn cấm cả các biện pháp nhìn bề ngoài thì là trung lập (không phân biệt đối xử), nhưng khi áp dụng trên thực tế thì lại dẫn đến sự phân biệt đối xử. 

Để xác định xem liệu một biện pháp cụ thể có là phân biệt đối xử hay không, khoản 1 Điều I GATT đưa ra một quy trình kiểm tra gồm ba bước, đó là ba câu hỏi: (i) Liệu biện pháp gây tranh cãi có tạo ra một ‘lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ’ gì về mặt thương mại không? (ii) Liệu sản phẩm liên quan có phải là ‘sản phẩm tương tự’ không? và (iii) Liệu lợi thế được tạo ra có được trao cho ‘tất cả các sản phẩm tương tự ngay lập tức và vô điều kiện’ hay không?

Đối với câu hỏi thứ nhất, khoản 1 Điều I được thừa nhận là có phạm vi áp dụng rộng. Thực tế, nhiều biện pháp không được nêu tên cụ thể tại khoản 1 Điều I có thể được coi là nằm trong biện pháp này hay biện pháp khác nêu tại khoản 1 Điều I.

Mặt khác, dù khoản 1 Điều I có phạm vi áp dụng rộng, điều đó không có nghĩa là phạm vi đó là không có hạn chế. Ví dụ, Ban hội thẩm (Panel) trong vụ EC-Commercial Vessels lưu ý rằng do các biện pháp theo khoản 8(b) Điều III (về trợ cấp cho sản phẩm nội địa) không thuộc phạm vi áp dụng của khoản 2 và khoản 4 Điều III, mà lại được nêu tại khoản 1 Điều I, các biện pháp này cũng sẽ không thuộc phạm vi áp dụng của khoản 1 Điều I. 

Thuật ngữ ‘sản phẩm tương tự’ xuất hiện trong một số điều khoản của GATT, trong đó có khoản 1 Điều I. Việc hai sản phẩm có là ‘tương tự’ hay không là một vấn đề cốt yếu cho việc xác định xem có sự phân biệt đối xử theo khoản 1 Điều I hay không. Tuy nhiên, GATT không định nghĩa ‘sản phẩm tương tự’ là gì. Có ít án lệ về ‘sản phẩm tương tự’ nêu tại khoản 1 Điều I GATT hơn so với số lượng các án lệ về ‘sản phẩm tương tự’ nêu tại Điều III (xem nội dung tiếp theo dưới đây).  Việc sử dụng từ điển để định nghĩa tính từ ‘tương tự’ cũng không có tác dụng gì,  vì ‘nghĩa trong từ điển để ngỏ, không trả lời nhiều câu hỏi cần phải được giải thích’.  Nhìn chung, khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ được hiểu không giống nhau trong những bối cảnh khác nhau mà nó được sử dụng. Trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II, Cơ quan phúc thẩm nhận xét về khái niệm này bằng việc so sánh nó như chiếc đàn ác-coóc-đê-ông như sau:

Chiếc đàn ác-coóc-đê-ông của ‘tính tương tự’ dãn ra và co lại tại những vị trí khác nhau khi các điều khoản khác nhau của Hiệp định WTO được áp dụng. Độ rộng của đàn ác-coóc-đê-ông tại một vị trí cụ thể phải được xác định theo điều khoản cụ thể mà thuật ngữ ‘tương tự’ được viện dẫn, cũng như theo bối cảnh và hoàn cảnh của vụ việc cụ thể mà điều khoản đó được áp dụng. 

Như vậy hai sản phẩm có thể là ‘tương tự’ theo điều khoản này nhưng lại ‘khác nhau’ theo điều khoản khác của GATT. Kinh nghiệm cho thấy, Ban hội thẩm của WTO khi xem xét liệu các sản phẩm có là ‘tương tự’ hay không thì cần xem xét: (i) Đặc điểm của sản phẩm; (ii) Người sử dụng cuối cùng; (iii) Quy định thuế quan của các thành viên khác.  Bossche cũng đề xuất rằng Ban hội thẩm của WTO cũng có thể cân nhắc đến thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng khi quyết định tính ‘tương tự’ của các sản phẩm. 

Cuối cùng, khoản 1 Điều I GATT đòi hỏi rằng thành viên WTO, nếu đã dành bất kì ưu đãi nào cho sản phẩm nhập khẩu từ thành viên khác, thì cũng sẽ phải dành ưu đãi đó ‘ngay lập tức và vô điều kiện’ cho sản phẩm nhập khẩu từ các thành viên khác nữa của WTO. Điều này có nghĩa là khi một thành viên WTO đã dành ưu đãi cho sản phẩm nhập khẩu từ một thành viên khác, thì thành viên đó không thể sử dụng ưu đãi đó để mặc cả và đòi hỏi ưu đãi hay nhượng bộ từ các thành viên WTO khác thì mới cho các thành viên WTO khác đó hưởng ưu đãi.    Án lệ điển hình liên quan đến vấn đề này là vụ Belgium- Family Allowances, khi Ban hội thẩm cho rằng luật của Bỉ quy định về việc miễn thuế cho các sản phẩm được mua từ những nước có hệ thống trợ cấp gia đình giống như Bỉ: ... Dẫn đến một sự phân biệt đối xử giữa các nước có hệ thống trợ cấp gia đình này và các nước có hệ thống trợ cấp gia đình khác, hay thậm chí không có hệ thống trợ cấp tương tự và đặt ra điều kiện cho việc miễn thuế.’

Mặt khác, việc thuật ngữ ‘vô điều kiện’ có cho phép phân biệt đối xử giữa các sản phẩm dựa trên xuất xứ của sản phẩm hay không, vẫn là vấn đề đang được Cơ quan phúc thẩm xem xét. Trong vụ Canada-Autos [2000], Ban hội thẩm cho rằng thuật ngữ ‘vô điều kiện’ loại trừ việc áp đặt các điều kiện, nếu các điều kiện này không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm trên cơ sở xuất xứ của chúng,  trong khi đó Ban hội thẩm trong vụ EC-Tariff Preferences lại ủng hộ cách tiếp cận hẹp hơn đối với nghĩa của thuật ngữ ‘vô điều kiện’. Ban hội thẩm trong vụ EC-Tariff Preferences tuyên bố rằng họ không thấy có lí do gì để không giải thích thuật ngữ này theo nghĩa thông thường của nó - được hiểu theo khoản 1 Điều I, nghĩa là ‘không bị hạn chế hay chịu bất kì một điều kiện gì’. Tuy nhiên, Ban hội thẩm trong vụ Colombia-Ports of Entry lại ủng hộ cách tiếp cận của vụ Canada- Autos  và điều này tiếp tục được Ban hội thẩm tái khẳng định trong vụ US- Poultry China. 

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest.

2- Đối xử Tối huệ quốc theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)

Khoản 1 Điều II GATS nghiêm cấm việc phân biệt đối xử giữa các dịch vụ tương tự hay nhà cung ứng dịch vụ tương tự từ những thành viên khác nhau như sau:

"Đối với bất kì biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, mỗi thành viên phải dành ngay lập tức và vô điều kiện cho dịch vụ và các nhà cung ứng dịch vụ của bất kì thành viên nào khác, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà thành viên đó dành cho dịch vụ và các nhà cung ứng dịch vụ tương tự của bất kì thành viên nào khác.".

Cũng giống như khoản 1 Điều I GATT, mục đích cơ bản của khoản 1 Điều II GATS là bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cho các dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ của tất cả các thành viên WTO. Khoản 1 Điều II của GATS được bổ sung bằng một số quy định khác về MFN hoặc tương tự như MFN trong GATS, bao gồm Điều VII (về công nhận); Điều VIII (về độc quyền và nhà cung ứng dịch vụ độc quyền); Điều X (về các quy tắc tương lai liên quan đến các biện pháp tự vệ khẩn cấp); Điều XII (về các biện pháp liên quan đến cán cân thanh toán); Điều XVI (về tiếp cận thị trường); và Điều XXI về (sửa đổi biểu cam kết).

Tương tự khoản 1 Điều I GATT, khoản 1 Điều II GATS áp dụng đối với cả hành vi phân biệt đối xử ‘theo pháp luật’ (‘de jure’) và ‘trên thực tế’ (‘de facto’) như Cơ quan phúc thẩm đã khẳng định trong vụ EC-Bananas III. 

Phép thử về việc tuân thủ nghĩa vụ đối xử MFN quy định tại khoản 1 Điều II GATS, cũng giống như khoản 1 Điều I GATT, bao gồm ba bước. Cụ thể hơn, đó là cần phải trả lời ba câu hỏi sau: (i) Liệu biện pháp được nói đến có chịu sự điều chỉnh của GATS không? (ii) Liệu các dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ có ‘tương tự’ không? và (iii) Liệu một sự đối xử kém thuận lợi hơn có xảy ra đối với các dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ của của một thành viên hay không?

Như được chỉ ra tại khoản 1 Điều I GATS, để trả lời câu hỏi thứ nhất, cần xác định: Liệu biện pháp đang xem xét có phải (i) Là một biện pháp của một thành viên hay không? và (ii) Là biện pháp tác động đến thương mại dịch vụ hay không?

‘Một biện pháp của một thành viên’ là một khái niệm rộng và theo khoản 3 Điều I GATS, bao trùm tất cả các biện pháp: (i) Do các chính quyền và cơ quan ở trung ương, cấp vùng và địa phương thực hiện; và (ii) Thậm chí do cả các cơ quan phi chính phủ thực hiện những thẩm quyền do chính quyền hay cơ quan ở trung ương, cấp vùng và địa phương trao.

Để xác định xem liệu một biện pháp có phải là biện pháp ‘tác động đến thương mại dịch vụ’ hay không, Cơ quan phúc thẩm trong vụ Canada- Autos đã tuyên bố rằng cần xem xét hai vấn đề,  đó là: (i) Liệu có tồn tại ‘thương mại dịch vụ’ theo nghĩa của khoản 2 Điều I hay không? và (ii) Liệu biện pháp gây tranh cãi có ‘tác động’ đến hoạt động thương mại dịch vụ đó như quy định của khoản 1 Điều I hay không?

Khoản 2 Điều I GATS sẽ được thảo luận cụ thể hơn ở Mục 4 của chương này. Ở đây, chỉ cần nói ngắn gọn là khái niệm ‘thương mại dịch vụ’ là rất rộng. Như vậy, câu hỏi còn lại là biện pháp nào gây tác động đến thương mại dịch vụ? Cơ quan phúc thẩm trong vụ EC-Bananas III đã giải thích thuật ngữ ‘gây tác động’ như sau: ‘... [V]iệc sử dụng thuật ngữ ‘gây tác động’ (‘affecting’) thể hiện ý định của người soạn thảo là dành cho GATS một phạm vi áp dụng rộng. Theo nghĩa thông thường, từ ‘gây tác động’ ngụ ý rằng một biện pháp có ‘một tác động đối với’, điều này cho thấy một phạm vi áp dụng rất rộng’.

Việc giải thích như vậy được củng cố bằng kết luận của các Ban hội thẩm trước đây, theo đó ‘gây tác động’ trong bối cảnh Điều III GATT là rộng hơn so với phạm vi áp dụng của thuật ngữ ‘điều chỉnh’ (‘regulating’ hay ‘governing’). 

Để một biện pháp có thể gây tác động đến thương mại dịch vụ, không cần thiết là biện pháp đó phải điều chỉnh việc cung ứng dịch vụ. Như Ban hội thẩm trong vụ EC-Bananas III đã chỉ ra, một biện pháp quy định một vấn đề khác vẫn có thể gây tác động đến thương mại dịch vụ, do đó chịu sự điều chỉnh của GATS. 

Về câu hỏi liên quan đến ‘dịch vụ hoặc nhà cung ứng dịch vụ tương tự’, lưu ý là chỉ có định nghĩa về ‘nhà cung ứng dịch vụ’ được nêu ra tại Điều XXVIII(g), theo đó ‘nhà cung ứng dịch vụ’ là ‘bất kì người nào cung ứng dịch vụ’, kể cả thể nhân hay pháp nhân cũng như các nhà cung ứng dịch vụ thông qua các hình thức hiện diện thương mại. Trong khi GATS không đưa ra định nghĩa nào về ‘dịch vụ’, khoản 3(b) Điều I tuyên bố rằng: ‘dịch vụ’ bao gồm ‘bất kì loại dịch vụ nào ở trong bất kì lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung ứng để thực hiện quyền lực của chính phủ.’ GATS, cũng giống như GATT, không định nghĩa về tính ‘tương tự’ liên quan đến ‘dịch vụ’ và ‘nhà cung ứng dịch vụ’. Nhưng khác với GATT, cho đến nay vẫn chưa có án lệ nào liên quan đến GATS giúp làm sáng tỏ khái niệm khó xác định này. Tuy nhiên, Bossche đề xuất ba tiêu chí sau đây nên được áp dụng để xác định ‘tính tương tự’ của ‘dịch vụ’ và ‘nhà cung ứng dịch vụ’: 

- Các đặc điểm của dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ;

- Việc phân loại hay mô tả dịch vụ trong hệ thống Phân loại các sản phẩm trung tâm (‘CPC’) của Liên hợp quốc; và

- Thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng đối với dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ.

Bossche cũng nhận định rất đúng rằng hai nhà cung ứng dịch vụ, khi cùng đưa ra một dịch vụ tương tự, không nhất thiết là ‘nhà cung ứng dịch vụ tương tự’, vì các yếu tố như quy mô, tài sản, việc sử dụng công nghệ cũng như kinh nghiệm... cần phải được tính đến. 

Câu hỏi cuối cùng liên quan đến đối xử MFN theo khoản 1 Điều II GATS là: Liệu các dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ của các thành viên khác có chịu ‘sự đối xử kém thuận lợi hơn’ sự đối xử đã dành cho ‘dịch vụ tương tự’ hay ‘nhà cung ứng dịch vụ tương tự’ của một thành viên hay không? GATS không định nghĩa ‘sự đối xử kém thuận lợi hơn’ trong bối cảnh của điều khoản liên quan đến MFN nhưng lại có nêu trong bối cảnh của NT (Điều XVII - sẽ được trình bày dưới đây). Tuy nhiên, Cơ quan phúc thẩm trong vụ EC-Bananas III lưu ý rằng khi giải thích khoản 1 Điều II, đặc biệt là khái niệm ‘đối xử không kém thuận lợi hơn’, không nên mặc định rằng những chỉ dẫn của Điều XVII cũng áp dụng đối với Điều II.  Mặc khác, dù không có những ngôn từ tương đương trong khoản 1 Điều II, Cơ quan phúc thẩm trong chính vụ việc đó cũng cho rằng khái niệm ‘đối xử không kém thuận lợi hơn’ trong khoản 1 Điều II và Điều XVII GATS cần được giải thích là áp dụng đối với cả việc phân biệt đối xử ‘theo pháp luật’ (‘de jure’) và ‘trên thực tế’ (‘de facto’). 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Nguyên tắc đối xử quốc gia trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

NT được quy định tại Điều III GATT và điều này có phạm vi áp dụng chung. Nhìn chung, nghĩa vụ NT cấm một thành viên WTO hành động sự phân biệt đối xử đối với các sản phẩm nước ngoài để tạo thuận lợi cho sản phẩm nội địa. Ngoài ra NT còn có hai đặc điểm có tính chất chung khác nữa. Thứ nhất, giống như Điều I, Điều III cũng áp dụng đối với cả phân biệt đối xử ‘theo pháp luật’ lẫn phân biệt đối xử ‘trên thực tế’. Thứ hai, Điều III chỉ áp dụng đối với những biện pháp trong nội địa, không phải là các biện pháp tại cửa khẩu. 

Khoản 1 Điều III quy định mục đích chung của NT như sau:

"Các bên kí kết thừa nhận rằng không được phép áp dụng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như pháp luật, hay quy tắc hay yêu cầu gây tác động tới việc bán hàng, chào hàng, mua hàng, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa, cùng với các quy tắc định lượng trong nước theo đó yêu cầu phải pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng hoặc tỉ trọng xác định, đối với các sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất nội địa.".

Điều khoản nói trên chỉ ra mục tiêu đầu tiên và quan trọng của nghĩa vụ NT,  mục tiêu này cũng được thừa nhận rõ ràng trong nhiều báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, đó là chống chủ nghĩa bảo hộ.  Bên cạnh khoản 1, các khoản 2 và 4 quy định thêm về nghĩa vụ chung (khác với các khoản khác chỉ quy định về các biện pháp cụ thể) và sẽ được thảo luận tiếp theo.
Khoản 2 về NT liên quan đến ‘thuế nội địa’ điều chỉnh hai loại sản phẩm, đó là ‘sản phẩm tương tự’ và ‘sản phẩm có thể thay thế hoặc cạnh tranh trực tiếp’. Loại sản phẩm đầu tiên được quy định tại câu đầu tiên của khoản 2 sẽ được xem xét trước. Câu đầu tiên của khoản 2 Điều III GATT có nội dung sau: ‘Hàng nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên kí kết nào sẽ không phải chịu, dù trực tiếp hay gián tiếp, các khoản thuế hay các khoản thu nội địa thuộc bất cứ loại nào vượt quá mức chúng được áp dụng, dù trực tiếp hay gián tiếp, với sản phẩm nội địa tương tự’.

Điều khoản trên đặt ra phép thử hai bước về việc tuân thủ NT đối với việc áp thuế nội địa đối với các sản phẩm ‘tương tự’. Như Cơ quan phúc thẩm trong vụ Canada-Periodicals đã chỉ ra:

Có hai câu hỏi cần được trả lời để có thể xác định xem khoản 2 Điều III của GATT có bị vi phạm hay không: (a) Liệu sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa có phải là các sản phẩm tương tự hay không? và (b) Liệu sản phẩm tương tự có bị đánh thuế vượt quá so với sản phẩm nội địa không? Nếu câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên là khẳng định, thì khoản 2 Điều III, câu đầu tiên, đã bị vi phạm. 

Cũng giống như khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ trong MFN, khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ trong NT không được định nghĩa trong GATT. Tuy nhiên, khác với MFN, NT có số lượng các án lệ phong phú hơn nhiều. Rất nhiều báo cáo của Ban hội thẩm (từ thời GATT 1947) và của Cơ quan phúc thẩm đã làm sáng tỏ khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ được ghi trong câu đầu tiên của khoản 2 Điều III.

Án lệ đầu tiên mà khoản 2 Điều III được xác định là bị vi phạm chính là vụ Japan-Alcoholic Beverages [1987], một vụ việc từ thời GATT 1947. Vụ này liên quan đến biện pháp thuế nội địa, theo đó các sản phẩm đồ uống có cồn được phân loại theo nồng độ cồn và các đặc tính khác. Khi xem xét ‘tính tương tự’ của sản phẩm, Ban hội thẩm đã trích dẫn Báo cáo của Nhóm công tác về ‘Điều chỉnh thuế tại biên giới’,  trong đó có kết luận rằng vấn đề nảy sinh từ việc giải thích thuật ngữ sản phẩm ‘tương tự’ hay ‘giống nhau’ cần được xem xét trên cơ sở từng vụ việc cụ thể, thông qua việc sử dụng ba tiêu chí, đó là: (i) Người sử dụng cuối cùng của sản phẩm tại thị trường; (ii) Thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng - tiêu chí có thể được đánh giá không giống nhau ở từng nước; (iii) Đặc tính, bản chất và chất lượng của sản phẩm.

Điều thú vị là gần 10 năm sau, trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II, Cơ quan phúc thẩm khẳng định tính đúng đắn của cách tiếp cận trong Báo cáo năm 1970 về điều chỉnh thuế tại biên giới trong việc xác định ‘tính tương tự’.  Cách tiếp cận này được hầu hết các Ban hội thẩm áp dụng trong các vụ việc có liên quan đến khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ từ sau năm 1970, tiếp tục là cách tiếp cận chủ chốt trong việc xác định ‘tính tương tự’ được quy định tại câu đầu tiên, khoản 2 Điều III.

Tuy nhiên, có hai điểm nữa cần lưu ý. Thứ nhất, Cơ quan phúc thẩm trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II, khi ủng hộ cách tiếp cận trong Báo cáo năm 1970, lưu ý rằng phạm vi của ‘sản phẩm tương tự’ được quy định trong câu đầu tiên của khoản 2 Điều III GATT 1947 cần được duy trì ở phạm vi hẹp. Thứ hai, ba tiêu chí được liệt kê trong Báo cáo của Nhóm công tác về ‘Điều chỉnh thuế tại biên giới’ không bao gồm việc phân loại thuế quan của sản phẩm liên quan. Tuy nhiên, như Cơ quan phúc thẩm thừa nhận trong vụ Japan- Alcoholic Beverages II, việc phân loại thống nhất tên gọi thuế quan, do dựa trên hệ thống hài hoà hóa thuế quan, chứ không phải dựa trên cam kết ràng buộc thuế quan, nên có thể giúp ích cho việc xác định ‘tính tương tự’. 

Đối với bước thứ hai trong phép thử về nghĩa vụ NT đối với thuế nội địa, cụ thể là về việc ‘thuế được áp quá mức’ so với thuế nội địa được áp đối với sản phẩm nội địa ‘tương tự’, Cơ quan phúc thẩm, trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II, đã đặt ra tiêu chí chặt chẽ. Theo quan điểm của Cơ quan phúc thẩm, ‘.. [t]hậm chí một sự “vượt quá” ở mức nhỏ nhất cũng là “quá mức”, và việc cấm các loại thuế có tính chất phân biệt đối xử theo câu thứ nhất, khoản 2 Điều III GATT 1994 không phụ thuộc vào “phép thử tác động thương mại”, cũng như không bị hạn chế bởi tiêu chuẩn về mức tối thiểu’. 

Như đã nêu ở trên, câu thứ hai của khoản 2 Điều III GATT quy định về NT trong trường hợp thuế nội địa áp vào ‘sản phẩm có thể thay thế hay cạnh tranh trực tiếp’. Câu này có nội dung sau: ‘Hơn nữa, không một bên kí kết nào sẽ áp các loại thuế hay khoản thu khác trong nội địa đối với hàng nội địa hoặc hàng nhập khẩu trái với các nguyên tắc đã nêu tại khoản 1’.

Cần nhắc lại rằng nguyên tắc nêu trong khoản 1 Điều III là để tránh bảo hộ.

Câu thứ hai, khoản 2 Điều III GATT được giải thích là điều chỉnh một ‘loại sản phẩm rộng hơn’ các sản phẩm được quy định trong câu đầu tiên.  Hơn nữa, câu này cũng có những phép thử khác liên quan đến việc tuân thủ nghĩa vụ nêu tại đó.

Trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II, Cơ quan phúc thẩm tuyên bố rằng:

Không giống như câu thứ nhất của khoản 2 Điều III, ngôn ngữ của câu thứ hai khoản 2 Điều III viện dẫn cụ thể đến khoản 1 Điều III. Ý nghĩa của sự khác biệt là ở chỗ: trong khi khoản 1 Điều III có vai trò ngầm trong việc giải quyết hai vấn đề cần phải được xem xét khi áp dụng câu thứ nhất, thì nó có lại vai trò rõ ràng như là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt cần phải được giải quyết cùng với hai vấn đề khác nổi lên khi áp dụng câu thứ hai. Cân nhắc đầy đủ đến nghĩa của lời văn cũng như bối cảnh của nó, có ba vấn đề riêng biệt cần được giải quyết để xác định xem liệu một biện pháp thuế nội địa có tuân thủ câu thứ hai khoản 2 Điều III hay không. Ba vấn đề này là:

1. Liệu sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa có phải là "các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế", và những sản phẩm này hiện có đang cạnh tranh với nhau hay không?

2. Liệu có phải sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa trực tiếp cạnh tranh hoặc có thể thay thế nhau ‘không được áp thuế tương tự nhau’ hay không? và

3. Liệu việc áp thuế không tương tự nhau cho các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa trực tiếp cạnh tranh hoặc có thể thay thế nhau nhằm ‘.. [t]ạo ra sự bảo hộ sản xuất nội địa’ hay không?

Một lần nữa, đây là ba vấn đề tách biệt. Nguyên đơn cần phải chứng minh riêng từng vấn đề cho Ban hội thẩm thấy rằng một thành viên của WTO đã áp dụng một biện pháp thuế không phù hợp với câu thứ hai của khoản 2 Điều III. 

Như vậy, bài kiểm tra việc tuân thủ NT đối với việc áp thuế nội địa theo câu thứ hai, khoản 2 Điều III GATT bao gồm ba bước. Bước thứ nhất, cần phải xác định xem liệu các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa có phải là các ‘sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay có thể thay thế được’ hay không? Cũng giống như ‘sản phẩm tương tự’, bản thân nó là một tập con của ‘các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế’,  việc xác định loại ‘sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế’ theo câu thứ hai, khoản 2 Điều III cần được tiến hành ‘trên cơ sở từng vụ việc cụ thể, có tính đến tất cả các yếu tố liên quan’.  Hơn nữa, việc nhìn vào sự cạnh tranh trên thị trường liên quan như là một trong những biện pháp để xác định các loại hình sản phẩm có thể được coi là ‘sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay có thể thay thế’ không phải là không phù hợp.  Cơ quan phúc thẩm giải thích rằng các sản phẩm được coi là ‘cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế’, khi mà chúng có thể hoán đổi cho nhau hoặc khi chúng đưa ra được các cách thức khác để đáp ứng nhu cầu hay thị hiếu cụ thể.  Cuối cùng, trong vụ Japan-Alcoholic Beverage II, Cơ quan phúc thẩm cũng đồng ý với quan điểm của Ban hội thẩm rằng:

‘Tiêu chí quyết định để xác định xem hai sản phẩm có phải là cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế nhau hay không - là liệu chúng có cùng chung mục tiêu sử dụng hay không? và một trong những cách thức để xem xét việc này là xem xét mức độ linh hoạt của sản phẩm thay thế.’ 

Sau khi xác định các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế, bước thứ hai là xác định xem các sản phẩm có được ‘áp thuế tương tự’ hay không? Trong vụ Japan-Alcoholic Beverage II, Cơ quan phúc thẩm cho rằng cụm từ này không có nghĩa giống như cụm từ ‘quá mức’, nếu không thì ‘sản phẩm tương tự’ và ‘sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay có thể thay thế’ sẽ chỉ là cùng một loại.  Cơ quan phúc thẩm cũng đồng ý với Ban hội thẩm rằng mức độ áp thuế chênh lệch phải lớn hơn mức tối thiểu (‘de minimis’) để được coi là ‘không được áp thuế tương tự’, và liệu mức độ áp thuế chênh lệch cụ thể đó có phải là tối thiểu (‘de minimis’) hay không, thì phải xác định trên cơ sở từng vụ việc cụ thể. 

Bước cuối cùng trong phép thử NT theo khoản 2 Điều III sẽ chỉ được tiến hành khi xác định được rằng ‘sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay có thể thay thế’ không được ‘áp thuế tương tự’.  Trong trường hợp có sự áp thuế khác nhau, thì cần phải xác định xem liệu việc áp thuế có nhằm ‘tạo ra sự bảo hộ’ hay không? Theo Cơ quan phúc thẩm trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II, đây là câu hỏi đòi hỏi phải có sự phân tích tổng thể và khách quan về cấu trúc cũng như việc áp dụng biện pháp gây tranh cãi liên quan đến sản phẩm nội địa và so sánh với sản phẩm nhập khẩu.  Cơ quan phúc thẩm cũng cho rằng: ‘... [C]ó thể xem xét một cách khách quan các tiêu chuẩn làm nền tảng cho một biện pháp thuế cụ thể, cơ cấu cũng như việc áp dụng nó để có thể xác định xem liệu biện pháp đó có được áp dụng theo cách tạo ra sự bảo hộ cho sản phẩm nội địa hay không.’ 

Trong vụ Chile-Alcohol, việc xem xét như vậy rõ ràng là tương đồng với việc đặt câu hỏi xem liệu việc phân loại như vậy có thể được hiểu theo mục đích phi bảo hộ hay không, nếu nhìn một cách khách quan vào cơ cấu thuế. Như vậy, bằng việc từ bỏ việc tìm hiểu ý định chủ quan của cơ quan lập pháp, Cơ quan phúc thẩm trong vụ này đã ủng hộ việc xem xét vấn đề bảo hộ từ mục đích điều chỉnh, mục đích có thể được xác định từ những đặc điểm khách quan của cơ chế điều chỉnh đó.

Ba phép thử mà Cơ quan phúc thẩm nêu trong vụ Japan-Alcoholic Beverages II đã được các Ban hội thẩm tuân theo và cũng được hoàn chỉnh bởi Cơ quan phúc thẩm trong các án lệ khác có liên quan đến thuế nội địa hay các biện pháp điều chỉnh khác. Nhưng những phép thử này không dễ thực hiện. Ví dụ, trong vụ Canada-Periodicals, Ban hội thẩm cho rằng ‘tạp chí định kì có quảng cáo tách rời’ (‘split-run periodicals’) và ‘tạp chí định kì nội địa không có quảng cáo tách rời’ là các sản phẩm ‘tương tự’, nhưng Cơ quan phúc thẩm lại cho rằng đây không phải là các sản phẩm ‘tương tự’. mà là các sản phẩm ‘cạnh tranh trực tiếp hay có thể thay thế’.

Bên cạnh nghĩa vụ NT đối với các biện pháp tài chính nêu tại khoản 2 Điều III nêu trên, GATT cũng quy định nghĩa vụ NT đối với các biện pháp phi tài chính tại khoản 4 Điều III. Khoản 4 Điều III GATT quy định:

"Sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên kí kết nào vào lãnh thổ của bất cứ một bên kí kết khác sẽ được hưởng đối xử không kém phần thuận lợi hơn sự đối xử dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội địa về mặt luật pháp, quy tắc và các quy định gây tác động đến bán hàng, chào hàng, mua hàng, vận tải, phân phối hoặc sử dụng hàng trên thị trường nội địa.".

Theo ý kiến của Cơ quan phúc thẩm trong vụ Korea-Various Measures, để xác định xem có sự vi phạm điều khoản nói trên hay không, cần phải chứng minh được ba yếu tố: (i) Biện pháp bị khiếu kiện là ‘luật, quy định hay yêu cầu’ gây tác động đến việc bán hàng, chào hàng, mua hàng, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu trên thị trường nội địa; (ii) Sản phẩm nhập khẩu là ‘tương tự’ với sản phẩm nội địa được bán trong thị trường nội địa; và (iii) Sản phẩm nhập khẩu chịu sự đối xử kém thuận lợi hơn sản phẩm tương tự nội địa. 

Yếu tố thứ nhất là phạm vi của nghĩa vụ. Trong những án lệ ban đầu, các Ban hội thẩm đã giải thích phạm vi nghĩa vụ này theo nghĩa rộng, cho rằng hành vi của chính phủ không nhất thiết phải dưới hình thức quy định mang tính bắt buộc để bị coi là nằm trong phạm vi của khoản 4 Điều III, mà chỉ cần là hành vi đó có tác động đến hành vi của đối tượng tư nhân bị điều chỉnh.  Tương tự, thuật ngữ ‘gây tác động’ (‘affecting’) cũng được giải thích theo nghĩa rộng. 

Yếu tố thứ hai lại tiếp tục là khái niệm ‘tính tương tự’. Vụ việc đầu tiên mà Cơ quan phúc thẩm giải quyết một tranh chấp liên quan đến khoản 4 Điều III GATT là vụ Asbestos. Cho đến thời điểm đó, Cơ quan phúc thẩm đã hình thành cách tiếp cận với khái niệm ‘tính tương tự’ quy định trong câu thứ nhất của khoản 2 Điều III.  Nhưng trong báo cáo của mình, Cơ quan phúc thẩm trước hết lưu ý rằng khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ trong câu đầu tiên của khoản 2 Điều III đã được giải thích theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên, Cơ quan phúc thẩm giải thích rằng cách giải thích theo nghĩa hẹp này là do việc tồn tại câu thứ hai của khoản 2 Điều III, trong khi đó khoản 4 Điều III không có câu thứ hai tương ứng.  Xét từ sự khác nhau về ngôn ngữ giữa các khoản 2 và 4 Điều III, Cơ quan phúc thẩm kết luận rằng: ‘“chiếc đàn accordeon” của “tính tương tự” được kéo theo hướng khác trong khoản 4 Điều III’.  Cơ quan phúc thẩm cũng lưu ý thêm rằng nghĩa của ‘sản phẩm tương tự’ trong khoản 4 Điều III phải được xác định theo nguyên tắc chống bảo hộ nêu tại khoản 1 Điều III. Do việc bảo hộ chỉ tồn tại trong mối quan hệ cạnh tranh, nên Cơ quan phúc thẩm đi đến kết luận rằng việc xác định liệu các sản phẩm nhập khẩu và nội địa có phải là ‘sản phẩm tương tự’ theo khoản 4 Điều III hay không, thực chất chính là việc xác định tính chất và mức độ của mối quan hệ cạnh tranh giữa các sản phẩm này.  Liên từ ‘và’ chỉ ra rằng việc phân tích kinh tế đơn thuần của độ co giãn của cầu theo giá chéo đối với sản phẩm được xem xét sẽ là không đủ để xác định ‘tính tương tự’.  Thay vào đó, ‘tính tương tự’ cần được xem xét cả định tính lẫn định lượng. Dù khó có thể chỉ ra một cách trừu tượng tính chất và mức độ của mối quan hệ cạnh tranh cần phải đạt được để các sản phẩm được coi là ‘tương tự’, nhưng vẫn có thể nói rằng khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ tại khoản 4 Điều III là tương đối rộng và chắc chắn rộng hơn khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ được giải thích theo nghĩa hẹp tại khoản 2 Điều III.  Nhưng Cơ quan phúc thẩm cũng kết luận rằng dù phạm vi của khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ tại khoản 4 Điều III là rộng, nó cũng không thể rộng hơn phạm vi tổng hợp của hai khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ và ‘sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế’ tại câu thứ nhất và câu thứ hai của khoản 2 Điều III gộp lại.  Việc xác định ‘tính tương tự’ tại khoản 4 Điều III cuối cùng vẫn phải được tiến hành trên cơ sở từng vụ việc cụ thể.  Cơ quan phúc thẩm trong vụ EC-Asbestos tiếp tục viện dẫn các tiêu chuẩn nêu trong Báo cáo của Nhóm công tác về ‘Điều chỉnh thuế tại biên giới’,  nhưng cũng bổ sung rằng đây chỉ ‘đơn giản là những công cụ hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ phân loại và xem xét các bằng chứng liên quan’.  Cơ quan phúc thẩm cũng nhấn mạnh rằng những tiêu chuẩn này ‘không phải là tiêu chuẩn quy định trong văn bản điều ước và cũng không phải là tiêu chuẩn duy nhất để xác định tính chất pháp lí của sản phẩm’. 

Sau khi mối quan hệ cạnh tranh được xác lập với tính chất và mức độ có liên quan đến khoản 4 Điều III, yếu tố cuối cùng trong việc phân tích sẽ được tính đến. Chỉ khi việc đối xử khác nhau giữa những sản phẩm ‘tương tự’ dẫn đến ‘sự đối xử kém thuận lợi hơn’ của nhóm các sản phẩm nhập khẩu trong quan hệ với nhóm sản phẩm nội địa tương tự, thì khoản 4 Điều III mới bị vi phạm. Trong vụ EC-Asbestos, Cơ quan phúc thẩm không đưa ra kết luận nào về việc ‘đối xử kém thuận lợi hơn’, vì nó đã bảo lưu kết luận của Ban hội thẩm theo đó sản phẩm là ‘tương tự’. Tuy nhiên, Cơ quan phúc thẩm đã tuyên bố về cách tiếp cận đối với khái niệm ‘đối xử kém thuận lợi hơn’ trong một đoạn rất quan trọng. Cơ quan phúc thẩm lưu ý rằng:

Khái niệm ‘đối xử kém thuận lợi hơn’ thể hiện nguyên tắc chung, tại khoản 1 Điều III, theo đó quy tắc nội địa ‘không được phép áp dụng... theo hướng tạo ra sự bảo hộ sản xuất nội địa’. Nếu có sự ‘đối xử kém thuận lợi hơn’ đối với một nhóm các sản phẩm nhập khẩu ‘tương tự’, thì cũng có nghĩa là có ‘sự bảo hộ’ đối với nhóm các sản phẩm nội địa ‘tương tự’. 

Cơ quan phúc thẩm thực chất tuyên bố rằng ngay cả khi các sản phẩm ở trong mối quan hệ cạnh tranh gần gũi đến mức được coi là ‘tương tự’, các thành viên của một nhóm các sản phẩm ‘tương tự’ có thể vẫn được phân biệt khi điều chỉnh, với điều kiện là việc này không dẫn đến sự đối xử kém thuận lợi hơn, một việc được hiểu là đồng nghĩa với việc bảo hộ sản xuất nội địa.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest.

4- Nguyên tắc đối xử quốc gia trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)

NT được quy định tại khoản 1 Điều XVII GATS với lời văn như sau:

"Trong những lĩnh vực được nêu trong Danh mục cam kết và tùy thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định trong Danh mục đó, liên quan tới tất cả các biện pháp có tác động đến việc cung ứng dịch vụ, mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ của bất kì thành viên nào khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà thành viên đó dành cho dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ của mình.".

Như vậy, khác với nghĩa vụ NT trong GATT, một nghĩa vụ được áp dụng đối với tất cả hoạt động thương mại, nghĩa vụ NT đối với thương mại dịch vụ không có tính chất áp dụng chung mà chỉ áp dụng trong chừng mực mà thành viên WTO công khai cam kết trao ‘NT’ đối với lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Những cam kết về NT như vậy được nêu ra trong Danh mục cam kết cụ thể về dịch vụ của thành viên và thường có đi kèm với một số điều kiện, hạn chế hoặc ngoại lệ. Ban thư kí WTO đã xác định 5 hạn chế phổ biến đối với việc áp dụng NT trong lĩnh vực dịch vụ như sau: 

- Quốc tịch hoặc yêu cầu về cư trú đối với ban điều hành công ty cung ứng dịch vụ;

- Yêu cầu về việc đầu tư một lượng nhất định bằng nội tệ;

- Hạn chế việc các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài được mua đất;

- Trợ cấp đặc biệt hoặc ưu đãi thuế chỉ dành cho các nhà cung ứng dịch vụ nội địa;

- Các yêu cầu về tài chính khác nhau cũng như giới hạn hoạt động đặc biệt áp dụng riêng đối với hoạt động của các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài.

Sau khi một thành viên WTO đã cam kết trao NT, thành viên đó phải trao cho dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ của bất kì thành viên nào khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà họ đã dành cho dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ của mình. Ban hội thẩm trong vụ EC-Banana III chỉ ra ba yếu tố cần chứng minh để xác định có sự vi phạm nghĩa vụ NT theo Điều XVII GATS. Những yếu tố này là: (i) Biện pháp mà thành viên áp dụng gây tác động đến thương mại dịch vụ; (ii) ‘Dịch vụ tương tự’ hoặc ‘nhà cung ứng dịch vụ tương tự’; và (iii) Việc đối xử không kém thuận lợi hơn. Do hai yếu tố đầu tiên, ‘biện pháp gây tác động đến thương mại dịch vụ’ và ‘dịch vụ tương tự’ và ‘nhà cung ứng dịch vụ tương tự’ đã được thảo luận ở trên trong mục về nghĩa vụ đối xử MFN theo Điều II GATS, ở đây chỉ tiếp tục xem xét yếu tố thứ ba và là yếu tố cuối cùng, đó là ‘sự đối xử không kém thuận lợi hơn’.

Các khoản 2 và 3 Điều XVII GATS làm rõ yêu cầu về ‘sự đối xử không kém thuận lợi hơn’ như sau:

2. Một thành viên có thể đáp ứng những yêu cầu quy định tại khoản 1 bằng cách dành cho dịch vụ hoặc nhà cung ứng dịch vụ của bất kì một thành viên nào khác một sự đối xử tương tự về hình thức hoặc sự đối xử khác biệt về hình thức mà thành viên đó dành cho dịch vụ hoặc nhà cung ứng dịch vụ của mình.

3. Sự đối xử tương tự hoặc khác biệt về hình thức được coi là kém thuận lợi hơn, nếu nó làm thay đổi điều kiện cạnh tranh có lợi cho dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ của thành viên đó so với dịch vụ hoặc nhà cung ứng dịch vụ tương tự của bất kì thành viên nào khác.”.

Khoản 3 rõ ràng cho thấy rằng thậm chí ngay cả khi đưa ra sự đối xử về mặt hình thức là giống hoàn toàn nhau giữa một bên là dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài và bên kia là dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ nội địa, thì một thành viên vẫn có thể bị coi là vi phạm nghĩa vụ NT, nếu những điều kiện về cạnh tranh được thay đổi theo hướng có lợi hơn cho các dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ nội địa. Mặt khác, nếu một thành viên dành cho dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài và nội địa sự đối xử về hình thức là khác nhau, thì cũng không có nghĩa là đã chắc chắn vi phạm nghĩa vụ NT, nếu như thành viên đó không thay đổi điều kiện thị trường theo hướng có lợi cho dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ nội địa.

Trong vụ EC-Bananas III (Điều 21.5-Ecuador), Ban hội thẩm thấy rằng một số biện pháp nhất định của EC trên thực tế dành cho nhà cung ứng dịch vụ của Ê-cu-a-đo điều kiện cạnh tranh kém thuận lợi hơn so với các nhà cung ứng dịch vụ tương tự của EC. 

Ở khía cạnh này, cần lưu ý là chú thích 10 của Điều XVII quy định: ‘Các cam kết cụ thể được đưa ra theo Điều này sẽ không được giải thích theo hướng yêu cầu một thành viên phải bù đắp cho những bất lợi cạnh tranh vốn có, những bất lợi bắt nguồn từ tính chất quốc tế của những dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ liên quan’.

Tuy nhiên, Ban hội thẩm, trong vụ Canada-Autos, nhấn mạnh phạm vi hạn chế của điều khoản nói trên như sau:

Chú thích 10 của Điều XVII chỉ miễn trừ cho các thành viên khỏi nghĩa vụ bù đắp những bất lợi do tính chất quốc tế trong việc áp dụng quy định về đối xử quốc gia; nó không đưa ra bình phong cho các hành vi có thể thay đổi điều kiện cạnh tranh chống lại các dịch vụ hay nhà cung ứng dịch vụ vốn đã có những bất lợi do tính chất quốc tế của mình.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết Nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết Nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.63253 sec| 1127.352 kb