Phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2024 và 2013

19/05/2024
Lý Thông
Lý Thông
Căn cứ vào mục đích sử dụng đất đai, Luật Đất đai năm 2024 và Luật Đất đai năm 2013 đều phân loại đất đai thành nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.

1- Phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2024

Theo Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 phân loại đất thành 3 nhóm đất [1] nhóm đất nông nghiệp [2] nhóm đất phi nông nghiệp và [3]  nhóm đất chưa sử dụng.

Theo đó, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

  1. Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;

  2. Đất trồng cây lâu năm;

  3. Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;

  4. Đất nuôi trồng thủy sản;

  5. Đất chăn nuôi tập trung;

  6. Đất làm muối;

  7. Đất nông nghiệp khác.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest

Tiếp đó là nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

  1. Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

  2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

  3. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);

  4. Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;

  5. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;

  6. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;

  7. Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);

  8. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;

  9. Đất có mặt nước chuyên dùng;

  10. Đất phi nông nghiệp khác.

Cuối cùng, nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư thu hồi đất của Công ty Luật TNHH Everest

2- Phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013

Căn cứ theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất đai cũng phân loại thành 3 nhóm đất [1] nhóm đất nông nghiệp [2] nhóm đất phi nông nghiệp và [3]  nhóm đất chưa sử dụng.

Đầu tiên, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

  1. Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

  2. Đất trồng cây lâu năm;

  3. Đất rừng sản xuất;

  4. Đất rừng phòng hộ;

  5. Đất rừng đặc dụng;

  6. Đất nuôi trồng thủy sản;

  7. Đất làm muối;

  8. Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest

Thứ hai là nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

  1. Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

  2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

  3. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

  4. Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

  5. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

  6. Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;

  7. Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

  8. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

  9. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

  10. Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

Cuối cùng là nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.

Xem thêm: Hướng dẫn về hợp đồng dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest

3- Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 so với 2013 về phân loại đất

So với quy định về phân loại đất tại Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có những thay đổi sau:

Một là không liệt kê các loại đất thuộc đất nông nghiệp khác, các loại đất thuộc đất phi nông nghiệp khác và đất công trình giao thông.

Hai là sửa đổi định nghĩa nhóm đất chưa sử dụng từ “nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng” thành “nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê”; sửa đổi đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp thành đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác; sửa đổi đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng thành đất có mặt nước chuyên dùng.

Ba là gộp đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thành đất lâm nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Bốn là thêm đất chăn nuôi tập trung thuộc nhóm đất nông nghiệp; đất xây dựng môi trường, khí tượng thủy văn thuộc đất xây dựng công trình sự nghiệp (nhóm đất phi nông nghiệp); bổ sung đất công trình cấp nước, thoát nước, đất công trình phòng, chống thiên tai, di sản thiên nhiên vào đất sử dụng cho mục đích công cộng.

Năm là lược bỏ đất khu chế xuất, đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đổ gốm khỏi đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2024 và 2013 được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2024 và 2013 có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2024 và 2013

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.59348 sec| 979.977 kb