Pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp

23/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương
Trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm “tổ chức lại doanh nghiệp” được hiểu là hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong một doanh nghiệp hoặc giữa một số doanh nghiệp, bao gồm: chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty và chuyển đổi doanh nghiệp.

1- Khái niệm và đặc điểm của tổ chức lại doanh nghiệp

[a] Khái niệm ổ chức lại doanh nghiệp

Tổ chức là: [1] “Làm cho thành một chỉnh thể, có một cấu tạo, một cấu trúc và có những chức năng nhất định" hoặc: [2] "Làm cho thành có trật tự, có nề nếp” hoặc: [3] "Làm những gì cần thiết để tiến hành một hoạt động nào đó" (Từ điển tiếng Việt, Giáo sư Hoàng Phê, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2019). Hiểu theo nghĩa này, hoạt động “tổ chức lại” doanh nghiệp có thể diễn ra trong nội bộ một doanh nghiệp, nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, quản lý doanh nghiệp, hoặc cũng có thể là hoạt động cấu trúc lại, diễn ra giữa một số doanh nghiệp với nhau.

Trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm “tổ chức lại doanh nghiệp” được hiểu là hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong một doanh nghiệp hoặc giữa một số doanh nghiệp, bao gồm: chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty và chuyển đổi doanh nghiệp.

[b] Đặc điểm pháp lý của tổ chức lại doanh nghiệp

Tổ chức lại doanh nghiệp có các đặc điểm pháp lý cơ bản như sau:

Một là, về đối tượng tổ chức lại. Đối tượng được tổ chức lại là doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trước và sau khi diễn ra hoạt động tổ chức lại, gọi chung là doanh nghiệp được tổ chức lại.

Hai là, về nguyên tắc tổ chức lại doanh nghiệp. Hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp có thể diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, song, xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu điều chỉnh pháp luật, mỗi hình thức tổ chức lại doanh nghiệp có thể chỉ được diễn ra ở một hoặc một số loại hình doanh nghiệp nhất định. Ví dụ: Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, vấn đề chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp tư nhân không được đặt ra, do tính chất một chủ sở hữu và mỗi cá nhân chỉ được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, tổ chức lại dưới dạng chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì hoàn toàn có thể được.

Ba là, về tính chất tổ chức lại doanh nghiệp. Đây là hoạt động có thể làm thay đổi tư cách pháp lý, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể là: Ở trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp, tách doanh nghiệp, việc tổ chức lại doanh nghiệp làm hình thành doanh nghiệp mới, thậm chí có thể là doanh nghiệp khác loại hình. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp làm tăng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức lại doanh nghiệp cũng có thể làm chấm dứt tư cách pháp lý của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp bị hợp nhất, doanh nghiệp bị chuyển đổi, doanh nghiệp bị chia...

Bốn là, về hệ quả pháp lý của tổ chức lại doanh nghiệp. Hoạt động này có đặc trưng là tồn tại sự kế thừa, chuyển giao các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các doanh nghiệp tham gia tổ chức lại. Điều này làm hạn chế tối đa những tác động, ảnh hưởng không cần thiết đến các đối tác và người lao động của doanh nghiệp được tổ chức lại. Nói cách khác, tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động diễn ra giữa nội bộ các doanh nghiệp liên quan và ít ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ với đối tác do cơ chế chuyển giao quyền và nghĩa vụ pháp lý cho doanh nghiệp sau khi tổ chức lại.

Năm là, về hình thức thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp. Hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp diễn ra với các hình thức đa dạng, gồm: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi doanh nghiệp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A)

2- Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

[a] Chia doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một doanh nghiệp được chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị chia. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị chia được chuyển giao từ doanh nghiệp bị chia sang cho các doanh nghiệp mới.

Chia doanh nghiệp có bản chất từ hoạt động chia pháp nhân theo quy định của luật dân sự. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, chia doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở quyền tự do kinh doanh nên chỉ được tiến hành trên cơ sở quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp. Khác với chia pháp nhân nói chung, sẽ không có chia doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan nhà nước. Trường hợp chia doanh nghiệp nhà nước, quyết định chia doanh nghiệp không thể hiện quyền lực công mà là sự thể hiện quyền lực của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp. Pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp đều ghi nhận quyền này của chủ sở hữu - quyền quyết định số phận pháp lý của doanh nghiệp mà họ thành lập ra.

Khi quyết định việc chia doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp phải quyết định về tất cả các vấn đề liên quan, bao gồm:

(i)  Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia, tên các công ty sẽ thành lập;

(ii)  Nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty;

(iii) Phương án sử dụng lao động;

(iv) Cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập;

(v) Nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của công ty bị chia;

(vi) Thời hạn thực hiện chia công ty;

(vii) Thông qua điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc...

Về cách thức chia doanh nghiệp:

Việc chia doanh nghiệp tiến hành theo cách thức chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới. Tùy thuộc sự lựa chọn và quyết định của chủ sở hữu, có thể chia một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới. Cách thức khác có thể sử dụng để chia doanh nghiệp là chuyển toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.

Thủ tục chia doanh nghiệp được thực hiện với các bước cơ bản:

(i) Chủ sở hữu quyết định việc chia doanh nghiệp, nội dung, cách thức chia doanh nghiệp (gọi chung là phương án chia doanh nghiệp);

(ii) Thông qua điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp mới;

(iii) Thực hiện phân chia theo phương án đã quyết;

(iv) Tiến hành đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp mới và cập nhật tình trạng của doanh nghiệp bị chia trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Chia doanh nghiệp do đó có các đặc điểm cơ bản như sau:

(i) Chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc chia doanh nghiệp;

(ii) Doanh nghiệp cũ được chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới;

(iii) Doanh nghiệp cũ chấm dứt tồn tại khi doanh nghiệp mới chính thức ra đời (thời điểm là doanh nghiệp mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);

(iv) Doanh nghiệp bị chia và doanh nghiệp mới có thể là những doanh nghiệp cùng loại hình nhưng điều này là không bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý cơ sở pháp lý tại thời điểm chia doanh nghiệp, vì rằng, luật pháp hiện hành có thể chỉ quy định doanh nghiệp nào được chia và chia thành những loại nào. Các trường hợp pháp luật chưa quy định thì chưa có cơ sở pháp lý để tiến hành. Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định về chia công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, do vậy, không thể thực hiện được việc chia các doanh nghiệp này trên thực tế;

(v) Về trách nhiệm tài sản: Do có sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ doanh nghiệp bị chia, các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.

[b] Tách doanh nghiệp

Tách doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một doanh nghiệp được tách thành hai hay nhiều doanh nghiệp mà không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

Trong trường hợp tách doanh nghiệp, có ít nhất một doanh nghiệp mới ra đời, song song tồn tại và độc lập với doanh nghiệp bị tách. Tách doanh nghiệp dẫn đến việc giảm quy mô của doanh nghiệp bị tách do một bộ phận vốn, tài sản, thành viên đã được chuyển sang doanh nghiệp được tách (doanh nghiệp mới).

Tương tự như chia doanh nghiệp, tách doanh nghiệp cũng do chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định về chủ trương tách, cách thức, thời điểm tách, xử lý quyền và nghĩa vụ sau khi tách... Chủ sở hữu phải quyết định các vấn đề có liên quan như:

Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Điều này phân biệt với trường hợp tách pháp nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của điều lệ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể được tách theo cách thức tương tự như cách thức chia doanh nghiệp, tức là một phần hoặc toàn bộ vốn góp của thành viên (một, một số thành viên) cùng với tài sản tương ứng giá trị vốn góp của họ được chuyển sang cho công ty mới.

Thủ tục cơ bản để tách doanh nghiệp bao gồm các bước:

(i) Chủ sở hữu quyết định việc tách doanh nghiệp, nội dung, cách thức tách doanh nghiệp (gọi chung là phương án tách doanh nghiệp);

(i)Thông qua điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp mới;

(i) Thực hiện tách doanh nghiệp theo phương án đã phê duyệt;

(i) Tiến hành đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp mới;

(i) Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp bị tách (đăng ký giảm vốn điều lệ, thành viên...).

Tách doanh nghiệp do đó có các đặc điểm cơ bản như sau:

(i) Chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc tách doanh nghiệp;

(i) Doanh nghiệp được tách thành hai hay nhiều doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũ vẫn tiếp tục tồn tại, song có giảm về quy mô;

(i) Doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp được tách (doanh nghiệp mới) có thể là những doanh nghiệp cùng loại hình nhưng điều này là không bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, pháp luật hiện hành có thể quy định hạn chế doanh nghiệp nào được tách và tách thành những loại hình nào. Các trường hợp pháp luật chưa quy định thì chưa có cơ sở pháp lý cần thiết để tiến hành. Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ có quy định về tách công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, không có quy định về tách công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, do vậy, không thể thực hiện được việc tách các doanh nghiệp này;

(i) Về trách nhiệm tài sản: Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.

[c] Hợp nhất doanh nghiệp

Hợp nhất doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, hai hay nhiều doanh nghiệp cùng hợp lại thành một doanh nghiệp mới bằng cách chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ tài sản cho doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp cũ - doanh nghiệp bị hợp nhất.

Khác với các hình thức chia, tách doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp có tính chất tập trung kinh tế, do có hai hay nhiều doanh nghiệp cùng hợp lại thành một doanh nghiệp lớn mạnh hơn về quy mô đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế bên cạnh các quy định về doanh nghiệp và hợp đồng.

Hợp nhất được tiến hành trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa các doanh nghiệp hợp nhất về các nội dung liên quan đến tên, địa chỉ trụ sở chính của các công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất... Khi thỏa thuận hợp đồng hợp nhất, các doanh nghiệp bị hợp nhất đều chung mục tiêu là chuyển giao tài sản, quyền và nghĩa vụ tài sản để hình thành doanh nghiệp mới và sau đó cùng chấm dứt tồn tại. Điều này nói lên tính bình đẳng về vị thế của chúng và không có dấu hiệu “thôn tính” lẫn nhau.

Để tiến hành hợp nhất, các doanh nghiệp hợp nhất và chủ sở hữu của doanh nghiệp hợp nhất tiến hành các thủ tục cơ bản:

(i) Các doanh nghiệp bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất;

(ii) Chủ sở hữu doanh nghiệp bị hợp nhất thông qua chủ trương hợp nhất doanh nghiệp, thông qua hợp đồng hợp nhất, điều lệ doanh nghiệp hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp hợp nhất;

(iii)Tiến hành đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp hợp nhất;

(iv) Xoá đăng ký doanh nghiệp hoặc cập nhật tình trạng của doanh nghiệp bị hợp nhất trên cổng thông thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

Có thể thấy, hợp nhất doanh nghiệp có những đặc điểm cơ bản, như sau:

(v) Hợp nhất doanh nghiệp là quan hệ đầu tư bình đẳng giữa các doanh nghiệp hợp nhất do chủ sở hữu các doanh nghiệp bị hợp nhất quyết định;

(vi) Bản chất của hợp nhất doanh nghiệp là hoạt động tập trung kinh tế, có nhiều doanh nghiệp hợp lại thành một doanh nghiệp và chỉ có doanh nghiệp hợp nhất tồn tại sau khi hợp nhất;

(vii) Cách thức tiến hành: Ký kết hợp đồng hợp nhất;

(viii) Về trách nhiệm tài sản: Doanh nghiệp hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các doanh nghiệp bị hợp nhất, kể từ thời điểm doanh nghiệp hợp nhất đã thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp và các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại;

(ix) Về phạm vi hợp nhất: về nguyên tắc, doanh nghiệp bị hợp nhất và doanh nghiệp hợp nhất có thể là những doanh nghiệp cùng hoặc khác loại hình doanh nghiệp. Phạm vi này rộng hay hẹp tùy thuộc vào pháp luật hiện hành có hạn chế như thế nào về loại hình doanh nghiệp tham gia hợp nhất. Các trường hợp pháp luật chưa quy định thì chưa có cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện hợp nhất. Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ có quy định về hợp nhất công ty. Như vậy, các công ty tham gia hợp nhất có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, tùy thuộc vào quyết định lựa chọn của chủ sở hữu các doanh nghiệp liên quan.

Hợp nhất doanh nghiệp là hình thức tập trung kinh tế, dẫn đến khả năng chiếm lĩnh thị phần với tỷ lệ lớn của doanh nghiệp hợp nhất, có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, do đó, cần lưu ý đến các quy định của pháp luật cạnh tranh khi thực hiện hợp nhất doanh nghiệp. Ví dụ: Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: cấm các trường hợp hợp nhất doanh nghiệp mà theo đó doanh nghiệp hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan và trường hợp doanh nghiệp hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định.

[d] Sáp nhập doanh nghiệp

Sáp nhập doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một hoặc một số doanh nghiệp có thể được sáp nhập vào một doanh nghiệp khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang doanh nghiệp nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Khác với hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp có đặc trưng là có sự mất đi của doanh nghiệp bị sáp nhập nhưng vẫn tồn tại doanh nghiệp nhận sáp nhập. Mọi giá trị của doanh nghiệp bị sáp nhập được chuyển giao cho doanh nghiệp nhận sáp nhập và dẫn đến sự lớn mạnh hơn về quy mô và thị phần cho doanh nghiệp đó. Dấu hiệu “một mất một còn” này cho thấy tính chất “thôn tính” của doanh nghiệp nhận sáp nhập và sự yếu thế của doanh nghiệp bị sáp nhập, cho dù giữa các doanh nghiệp này tồn tại một hợp đồng sáp nhập.

Với pháp nhân nói chung, việc sáp nhập có thể theo sự thỏa thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quan hệ đầu tư kinh doanh, xuất phát từ quyền tự do kinh doanh được pháp luật ghi nhận, việc sáp nhập doanh nghiệp không bằng một quyết định hành chính mà sẽ do chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định và trên cơ sở này, các doanh nghiệp liên quan sẽ thỏa thuận cụ thể các quyền lợi, nghĩa vụ cụ thể khi sáp nhập doanh nghiệp.

Việc sáp nhập doanh nghiệp được tiến hành với các bước cơ bản như sau:

(i) Quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp về việc sáp nhập;

(i) Các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo điều lệ doanh nghiệp nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của doanh nghiệp bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của doanh nghiệp nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;

(i) Chủ sở hữu/đồng chủ sở hữu của các doanh nghiệp liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, điều lệ công ty nhận sáp nhập;

(i) Tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhận sáp nhập. Sau thủ tục này, các doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt tồn tại. Doanh nghiệp nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Tương tự như hợp nhất doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp cũng là hình thức tập trung kinh tế, do đó cần lưu ý đến các quy định của pháp luật cạnh tranh khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp.

Có thể khái quát các đặc điểm cơ bản của sáp nhập doanh nghiệp như sau:

(i) Sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động tập trung kinh tế, có một hoặc nhiều doanh nghiệp sáp nhập vào một doanh nghiệp khác và doanh nghiệp nhận sáp nhập này tiếp tục tồn tại và với quy mô lớn hơn;

(ii) Sáp nhập doanh nghiệp là quan hệ đầu tư có tính chất “thôn tính”, do các doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt tồn tại và chuyển giao toàn bộ giá trị sang cho doanh nghiệp nhận sáp nhập,

(iii) Sáp nhập doanh nghiệp do chủ sở hữu các doanh nghiệp liên quan quyết định;

(iv) Cách thức tiến hành: ký kết hợp đồng sáp nhập;

(v) Về trách nhiệm tài sản: Doanh nghiệp nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, về hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các doanh nghiệp bị sáp nhập, kể từ thời điểm doanh nghiệp nhận sáp nhập hoàn tất thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng là lúc các công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại.

(vi) Về phạm vi: Các doanh nghiệp tham gia sáp nhập có thể là những doanh nghiệp cùng hoặc khác loại hình doanh nghiệp. Tùy thuộc vào pháp luật hiện hành, loại hình doanh nghiệp tham gia sáp nhập có thể bị hạn chế. Các trường hợp pháp luật chưa quy định thì chưa có cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện sáp nhập. Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định về sáp nhập công ty. Như vậy, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh có thể tham gia sáp nhập, tùy thuộc vào quyết định lựa chọn của chủ sở hữu các doanh nghiệp liên quan.

[đ] Chuyển đổi doanh nghiệp

Chuyển đổi doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một doanh nghiệp thực hiện chuyển thành loại hình doanh nghiệp khác trong sự tồn tại liên tục của doanh nghiệp. Chuyển đổi doanh nghiệp có thể giữ nguyên tính chất sở hữu hoặc dẫn đến thay đổi về sở hữu trong doanh nghiệp.

Vì nhiều lý do, mục đích khác nhau, chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp để tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát triển doanh nghiệp. Khi số lượng thành viên giảm dưới mức tối thiểu hoặc tăng vượt mức tối đa, khi chủ sở hữu doanh nghiệp muốn lựa chọn một mô hình doanh nghiệp khác phù hợp hơn với ý tưởng, mục tiêu kinh doanh thì chuyển đổi doanh nghiệp là một sự lựa chọn hiệu quả.

Chuyển đổi doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản như sau:

(i) Về bản chất: Chuyển đổi doanh nghiệp là hoạt động mang tính thủ tục pháp lý, vì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường trước, trong và sau quá trình chuyển đổi.

(ii) Chủ thể quyết định việc chuyển đổi: Chủ sở hữu doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông công ty cổ phần...) là người quyết định nội dung, hình thức, thời gian chuyển đổi doanh nghiệp. Việc quyết định này tiến hành theo nguyên tắc tổ chức, quản lý doanh nghiệp được quy định trong điều lệ doanh nghiệp và trong pháp luật doanh nghiệp.

(iii) Lý do chuyển đổi: Lí do chuyển đổi có thể mang tính bắt buộc để tránh nguy cơ giải thể, cũng có thể mang tính tự nguyện nhằm triển khai định hướng phát triển công ty phù hợp với điều kiện mới của chủ đầu tư.

Pháp luật doanh nghiệp quy định một số điều kiện về chủ thể, điều kiện về đối tượng, số lượng thành viên tối thiểu, tối đa. Ví dụ như, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn tối thiểu là 02 thành viên, tối đa là 50 thành viên, cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là 03.

Khi không còn bảo đảm số lượng thành viên tối thiểu hay có số lượng thành viên vượt mức tối đa, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác hoặc tìm kiếm cách xử lý phù hợp. Nếu không thực hiện các giải pháp xử lý tình huống này, việc giải thể doanh nghiệp là bắt buộc.

Bên cạnh đó, có những trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi doanh nghiệp do muốn thay đổi định hướng phát triển kinh doanh hay hạn chế rủi ro. Ví dụ: chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để có tư cách pháp nhân và hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần để tăng cường khả năng huy động vốn...

- Hệ quả pháp lý của việc chuyển đổi doanh nghiệp:

Chuyển đổi doanh nghiệp sẽ làm thay đổi loại hình doanh nghiệp, do vậy, về thủ tục pháp lý, tất yếu sẽ phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau chuyển đổi.

Chuyển đổi doanh nghiệp có thể dẫn đến thay đổi sở hữu doanh nghiệp, nếu khi chuyển đổi doanh nghiệp xuất hiện thêm thành viên công ty hay cồ đông mới. Trường hợp này còn được gọi là chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp không có sự thay đổi về chủ sở hữu doanh nghiệp mà chỉ thay đổi về loại hình doanh nghiệp. Ví dụ: trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân làm chủ hữu.

Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp sau chuyển đổi đương nhiên kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp trước chuyển đổi.

- Phạm vi và các hình thức chuyển đổi:

Chuyển đổi doanh nghiệp được thực hiện giữa những loại hình doanh nghiệp mà pháp luật đã có quy định về thủ tục chuyển đổi. Xuất phát từ mức độ phổ biến của nhu cầu chuyển đổi cũng như mục đích, yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp, nhà nước quy định phạm vi và các hình thức chuyển đổi. Phạm vi và các hình thức chuyển đổi này được xác định theo pháp luật hiện hành và có thể thay đổi theo hướng ngày càng được mở rộng.

Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các hình thức chuyển đổi sau:

(i) Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần;

(ii) Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

(iii) Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

(iv) Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn (một hoặc nhiều thành viên).

Việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần có bản chất là chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, nhưng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Xuất phát từ bản chất của chuyển đổi doanh nghiệp là chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, pháp luật không quy định hình thức và thủ tục chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, không quy định hình thức và thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp xã hội thành doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Trong các trường hợp này, việc thay đổi sẽ thực hiện theo các quy định về đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (đăng ký thay đổi chủ sở hữu) và thủ tục công bố cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng dành cho doanh nghiệp xã hội.

Về nguyên tắc, chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác xuất phát từ mong muốn và quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chưa có quy định về thủ tục chuyển đổi đối với một loại hình doanh nghiệp nào đó (ví dụ: công ty họp hợp danh) thì việc chuyển đổi doanh nghiệp chưa thể thực hiện được.

- Về phương thức và nguyên tắc chuyển đổi:

Doanh nghiệp khi chuyển đổi có thể giữ nguyên hoặc thay đổi về quy mô vốn và thành viên. Riêng đối với doanh nghiệp tư nhân, nhằm bảo đảm trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với các nghĩa vụ tài sản trước chuyển đổi của doanh nghiệp, pháp luật quy định chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty chuyển đổi (đối với trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc phải là thành viên công ty (đối với trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên).

Về thủ tục chuyển đổi, doanh nghiệp gửi hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã đăng ký. Cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau chuyển đổi, đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Xem thêm: Tái cấu trúc doanh nghiệp là dịch vụ trọng tâm của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.43783 sec| 1084.32 kb