Các vấn đề về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

08/09/2022
Các vấn đề về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan luôn là một vấn đề hot. Vậy hành vi như nào được xem là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan?

Xã hội ngày càng phát triển, tình trạng xâm phạm bản quyền ngày càng diễn ra phổ biến với nhiều hình thức khác nhau. Chính vì vậy các vấn đề về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan luôn là một vấn đề hot. Vậy hành vi như nào được xem là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan? Pháp luật có những quy định gì để bảo hộ cá quyền này? Hãy cùng Luật Everest tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Cơ sở và căn cứ xác định hành vi xâm phạm

Để xem xét một hành vi có xâm phạm quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ) hay không, cần xem xét đến phạm vi bảo hộ của hai quyền này. Theo đó, phạm vi bảo hộ được xác định dựa trên các yếu tố:

  • Đối tượng bảo hộ
  • Phạm vi (không gian), thời gian bảo hộ
  • Nội dung bảo hộ.

Theo pháp luật Việt Nam, xác định hành vi xâm phạm quyền này dựa trên những căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP như sau:

  • Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ QTG, QLQ.
  • Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
  • Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể QTG, QLQ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng theo quy định tại các điều 25, 26, 32, 33 Luật sở hữu trí tuệ.
  • Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Xem thêm: dịch vụ thư ký pháp lý

Các dạng hành vi xâm phạm

Tại Điều 28, Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ đã có quy định về hành vi xâm phạm QTG, QLQ. Qua đó có thể chia thành ba nhóm hành vi xâm phạm chính như sau:

Nhóm 1. Các hành vi xâm phạm quyền nhân thân

Các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả bao gồm: Mạo danh tác giả; Công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả/đồng tác giả; Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của QLQ gồm: Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng; Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn…

Nhóm 2. Các hành vi xâm phạm quyền tài sản

Với quyền tài sản của chủ sở hữu QTG, các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm trực tiếp:

  • Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
  • Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu QTG.
  • Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu QTG đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp ngoại lệ là chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
  • Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu QTG, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ.
  • Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu QTG.
  • Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kĩ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu.
  • Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Làm và bán các tác phẩm mà chữ kỹ của tác giả bị giả mạo.
  • Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu QTG.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp

Với quyền tài sản của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát song, những hành vi sau được coi là xâm phạm gồm:

  • Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
  • Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
  • Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có sơ sở để biết thông tin quản lí quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu QLQ.
  • Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

Nhóm 3. Các hành vi xâm phạm đến các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan

Đây là nhóm các hành vi nhắm đến những biện pháp công nghệ mà tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi, chương trình phát sóng sử dụng để bảo vệ quyền của mình. Có thể kể đến một số hành vi như:

  • Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó sẽ: Làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu QTG thực hiện nhằm bảo vệ QTG đối với tác phẩm của mình. Hoặc giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
  • Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu QTG, quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền của mình.
  • Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lí quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm, đối tượng của quyền liên quan.

Xem thêm: Dịch vụ trợ lý pháp lý

Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo điều ước quốc tế

Chính vì sự xâm phạm quyền tác giả quyền liên quan không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước mà còn ở nước ngoài. Pháp luật quốc gia không thể bảo hộ ở phạm vi ngoài lãnh thổ. Nên một trong các phương pháp hiệu quả nhất để bảo hộ các quyền này là xây dựng các điều ước quốc tế đa phương, song phương.

Trong đó phải kể đến một số điều ước quốc tế mang tính hiệu quả, được áp dụng nhiều như:

  • Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật 1886;
  • Hiệp định TRIPs năm 1994 về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ;
  • Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng;
  • Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép bất hợp pháp các bản ghi âm của họ;
  • Công ước Brussels năm 1974 về việc phân phối các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh;….

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Các vấn đề về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.47209 sec| 967.43 kb