Quyền sở hữu công nghiệp? Điều kiện bảo hộ?
Quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ra đời cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nền thương mại tự do trên thế giới. Đây là quyền đối với các thành quả lao động sáng tạo trí tuệ của con người trong lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh và thương mại. Tuy nhiên nhiều người hiện nay vẫn chưa hiểu rõ về nhóm quyền này cũng như các điều kiện để được bảo hộ. Hiểu được vấn đề trên, Luật Everest xin thông tin đến bạn đọc nội dung kiến thức về quyền sở hữu công nghiệp qua bài viết dưới đây.
Thế nào là quyền sở hữu công nghiệp
Dưới góc độ khách quan, đây là tổng hợp quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáng tạo, sử dụng, định đoạt, bảo vệ các sản phẩm trí tuệ, thành quả đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Dưới góc độ chủ quan, đây là quyền dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo hộ đối với các đối tượng quyền SHCN.
Dưới góc độ pháp lý, tại khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ có định nghĩa: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Xem thêm: Dịch vụ trợ lý pháp lý
Đối tượng sở hữu công nghiệp và điều kiện bảo hộ
Về đối tượng của quyền SHCN
Theo luật sở hữu trí tuệ, quyền SHCN có đối tượng gồm:
- Sáng chế, là giải pháp kĩ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
- Kiểu dáng công nghiệp, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết tinh giá trị sáng tạo thẩm mĩ và đáp ứng các điều kiện được pháp luật quy định để được bảo hộ độc quyền sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định.
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp, là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả cá mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.
- Nhãn hiệu, là các dấu hiệu được lựa chọn, sử dụng của các chủ thể thương mại để thực hiện chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, cung cấp từ các nguồn khác nhau.
- Tên thương mại, là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
- Chỉ dẫn địa lý, là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
- Bí mật kinh doanh, là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Điều kiện bảo hộ sáng chế
Theo quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ, sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế khi đáp ứng được ba điều kiện là:
- Có tính mới,
- Có trình độ sáng tạo,
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đối với giải pháp hữu ích phải không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng hai điều kiện là có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi đáp ứng được các điều kiện:
- Có tính mới,
- Có tính sáng tạo và
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Ngoài ra luật còn quy định về các đối tượng không được bảo hộ theo kiể dáng công nghiệp gồm: Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kĩ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có; Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp; Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp
Luật sở hữu trí tuệ quy định hai điều kiện để thiết kế bố trí mạch tịch hợp được bảo hộ là:
- Có tính nguyên gốc, được xác định qua nội dung: Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả và chưa được những người snasg tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra nó.
- Có tính mới thương mại, tính mới này được quy định cụ thể tại Điều 71 Luật SHTT với hai trường hợp: Chưa được khai thác thương mại bất kì nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng kí. Và nếu đơn đăng kí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng kí hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kì nơi nào trên thế giới.
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu
Một dấu hiệu muốn trở thành nhãn hiệu phải thỏa mãn các điều kiện:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
- Không thuộc các trường hợp koại trừ (dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu).
Điều kiện bảo hộ tên thương mại
Luật quy định điều kiện để tên thương mại được bảo hộ là có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Cụ thể xét theo những tiêu chí sau:
- Tên thương mại phải có chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp được biết đến rộng rãi qua sử dụng
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh
- Không trùng hoặc tương tự gây nhầm với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện theo Điều 79 Luật SHTT. Cụ thể:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lí của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý có quyết định.
Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý
Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh
Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh dưới góc độ một đối tượng sở hữu công nghiệp được luật sở hữu trí tuệ quy định trong tập hợp ba yêu cầu:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được, khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó,
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
- Các điều kiện này phải đồng thời được đáp ứng thì một thông tin nào đó mới được bảo hộ như bí mật kinh doanh.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm