Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh hành chính chuyên môn trong Tòa án
Làm việc trong Tòa án nhân dân của Việt Nam có khá nhiều chức danh như: chánh án, phó chánh án, chánh tòa, phó chánh tòa, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, thẩm tra viên. Bốn chức danh đầu tiên chỉ là chức danh hành chính chuyên môn. Các chức danh còn lại được gọi là chức danh tư pháp, tức là có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới việc thực hiện chức năng xét xử. Tuy nhiên, trực tiếp chịu trách nhiệm xét xử các vụ việc thì chỉ có thẩm phán và hội thẩm.
Nếu một thẩm phán đồng thời là Chánh án thì khi ngồi trong hội đồng xét xử, thẩm phán đó mang tư cách thẩm phán chứ không phải tư cách Chánh án. Như vậy, thẩm phán và hội thẩm là hai chức danh trực tiếp tham gia hội đồng xét xử để thực hiện chức năng xét xử của tòa án. Cả hai chức danh này đều có thủ tục hình thành đặc biệt, phù hợp với yêu cầu chuyên môn đối với công việc của họ. Hai chức danh này có yêu cầu về trình độ khác nhau, có cách thức hình thành khác nhau theo “chế độ bổ nhiệm thẩm phán; bầu, cử hội thẩm"
1- Thẩm phán
Thẩm phán là chức danh xét xử chuyên nghiệp và là công chức của nhà nước. Trong hội đồng xét xử, thẩm phán được coi là chuyên gia có trình độ chuyên môn cao về pháp luật. Thấm phán đóng vai trò chính “gánh vác” chức năng xét xử của tòa án. Trong khi hội thẩm chỉ xuất hiện trong hội đồng xét xử sơ thấm thì thấm phán xuất hiện trong tất cả các hội đồng xét xử. Có thể nói, thẩm phán là sự hiện diện của nhà nước trong việc thực hiện chức năng xét xử.
Đặc điểm và yêu cầu nổi bật đối với thẩm phán là phải có trình độ chuyên môn cao về pháp luật.
Hiện tại làm việc trong hệ thống tòa án có hàng nghìn thẩm phán được chia thành 04 ngạch xếp theo phẩm cấp từ trên xuống dưới gồm: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ làm việc ở Tòa án nhân dân tối cao. Thẩm phán cao cấp có thể làm việc ở Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Thẩm phán trung cấp có thể làm việc ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án quân sự cấp quân khu và tòa án quân sự khu vực. Thẩm phán sơ cấp có thể làm việc ở Tòa án nhân dân tối cao và tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án nhân dân cấp huyện và các tòa án quân sự khu vực. Tất cả các thẩm phán của Việt Nam hiện nay đều làm việc theo nhiệm kỳ, theo đó khi bổ nhiệm lần đầu tiên thẩm phán có nhiệm kỳ 05 năm và các nhiệm kỳ tiếp theo có nhiệm kỳ 10 năm.
Tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán bao gồm tiêu chuẩn chung áp dụng đối với mọi ngạch thẩm phán và tiêu chuẩn riêng áp dụng đối với từng ngạch thẩm phán.
[a] Các tiêu chuẩn chung của Thẩm phán
Để trở thành thấm phán cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
(i) Các tiêu chuẩn về nhân thân - đạo đức: là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần bảo vệ công lí, liêm khiết, trung thực, có sức khỏe.
(ii)Các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn: có trình độ chuyên môn luật trở lên, đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử, tức là có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, có thời gian công tác thực tiễn pháp luật.
[b] Các tiêu chuẩn riêng của Thẩm phán
Đối với từng ngạch thẩm phán chủ yếu thể hiện sự khác biệt về thâm niên và năng lực, bao gồm:
(i) Đối với thẩm phán sơ cấp phải có thâm niên công tác pháp luật từ 05 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp.
(ii) Đối với thẩm phán trung cấp phải có thâm niên thẩm phán sơ cấp từ đủ 05 năm trở lên hoặc kinh nghiệm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán trung cấp.
(iii) Đối với thẩm phán cao cấp phải có thâm niên thẩm phán trung cấp từ đủ 05 năm trở lên hoặc thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao hoặc tòa án quân sự trung ương, đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán cao cấp
(iv) Đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có thâm niên thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên và có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao.
Có thể thấy, nhìn chung điều kiện trở thành thẩm phán chú trọng nhiều tới trình độ chuyên môn, cụ thể là thâm niên làm thẩm phán trước đó. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, điều kiện này không phải là tuyệt đối. Trong trường họp cần thiết có thể tuyển chọn người chưa có thâm niên thẩm phán song có thâm niên công tác pháp luật. Thậm chí trong trường họp cần thiết liên quan tới bố trí chức vụ lãnh đạo của bất kỳ tòa án nào hoặc để bổ nhiệm chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ứng viên thẩm phán thậm chí không cần có thâm niên công tác pháp luật. Như vậy, tiêu chuẩn chuyên môn không phải lúc nào cũng được đề cao, đặc biệt hiện tại khi “thời gian làm công tác pháp luật” hiện đang được giải thích rất rộng, bao gồm hầu hết các nghề nghiệp trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới pháp luật và không phải nghề nghiệp nào cũng có trình độ chuyên môn áp dụng pháp luật như nghề thẩm phán.
[c] Thủ tục hình thành chức danh thẩm phán
Thủ tục hình thành, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các thẩm phán còn lại đều do Chủ tịch nước là người bổ nhiệm cuối cùng, tuy nhiên trải qua hai quy trình riêng biệt. Đây chính là nội dung của “chế độ bổ nhiệm thẩm phán”:
(i) Để trở thành thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ứng viên phải được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia chọn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề cử lên Quốc hội. Sau khi Quốc hội phê chuẩn đề cử của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(ii) Để trở thành thẩm phán sơ cấp, trung cấp hoặc cao cấp, trước tiên ứng viên phải vượt qua kỳ thi tuyển tương ứng do Hội đồng thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp tổ chức. Sau khi đỗ kỳ thi này, ứng viên có thể được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia chọn để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán tương ứng. Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm nếu đồng ý với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tư vấn hợp đồng (Luật sư hợp đồng) của Công ty Luật TNHH Everest
2- Hội thẩm
Ở Việt Nam hiện nay có hai loại hội thẩm: hội thẩm nhân dân làm việc trong các Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh; hội thẩm quân nhân làm việc trong tòa án quân sự khu vực và tòa án quân sự cấp quân khu. Sự phân biệt giữa hai loại hội thẩm chỉ là sự phân loại theo tiêu chí tòa án mà họ phục vụ hơn là phân định giữa các ngạch cao thấp như đối với thẩm phán. Theo nguyên tắc “xét xử sơ thẩm có hội thẩm tham gia”, hội thẩm đại diện cho “cái nhìn” của xã hội trong hoạt động xét xử sơ thẩm. Do đó, khác với thẩm phán, hội thẩm không phải là người xét xử chuyên nghiệp và không là công chức nhà nước. “Tính chất xã hội” của hội thẩm cũng làm cho tiêu chuẩn và thủ tục để trở thành hội thẩm có nhiều điểm đặc biệt.
[a] Tiêu chuẩn của Hội thẩm
khác với thẩm phán, tiêu chuẩn để trở thành hội thẩm không đề cao tính chuyên môn mà đề cao uy tín trong cộng đồng dân cư bên cạnh các phẩm chất đạo đức khác, về mặt chuyên môn, hội thẩm chỉ cần có kiến thức pháp luật và có hiểu biết xã hội, không cần có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn như thẩm phán
[b] Thủ tục hình thành chức danh Hội thẩm
Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân được hình thành bằng hai cách khách nhau:
(i) Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân tương ứng với cấp tòa án sơ thấm bầu theo sự lựa chọn và giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tố quốc Việt Nam cùng cấp
(ii) Hội thẩm quân nhân của tòa án quân sự cấp quân khu do Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tống cục hoặc cấp tương đương. Hội thẩm quân nhân tòa án quân sự khu vực do Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tồng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương
Hội thẩm cũng làm việc theo nhiệm kỳ giống thẩm phán, song thời gian nhiệm kỳ có sự khác biệt. Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra mình còn Hội thẩm quân nhân có nhiệm kỳ cố định 05 năm kể từ ngày được cử.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
3- Các chức danh hành chính - chuyên môn trong Tòa án
Chức danh hành chính - chuyên môn là các chức danh hành chính có liên quan tới tổ chức công việc xét xử trong tòa án. Người nắm giữ các chức danh này đều là thẩm phán. Chức danh thấm phán cho họ tư cách ngồi trong hội đồng xét xử, còn với chức danh hành chính - chuyên môn họ có một số nhiệm vụ, quyền hạn hành chính liên quan tới tổ chức công việc xét xử trong đơn vị mà họ phụ trách.
Để phân biệt, trong tòa án Việt Nam còn có các chức danh hành chính thông thường, ví dụ Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh văn phòng. Các chức danh này thực hiện trách nhiệm hành chính thông thường, không thực hiện công tác tố chức xét xử.
[a] Chức danh hành chính - chuyên môn trong Tòa án nhân dân tối cao
Trong Tòa án nhân dân tối cao hiện nay có hai chức danh hành chính - chuyên môn là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là chức vụ đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao và cũng đồng thời đứng đầu toàn bộ hệ thống tòa án. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu theo đề cử của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội và kết thúc vào thời điểm Quốc hội bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ mới
Các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giúp việc theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nhiệm kỳ của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm
[b] Chức danh hành chính - chuyên môn trong Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện
Trong các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện đều có Chánh án là người đứng đầu tòa án. Giúp việc Chánh án là một số Phó Chánh án. Chánh án và Phó Chánh án của các tòa án đều do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, đều có nhiệm kỳ quản lý 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
Trong cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh có các tòa chuyên trách là các đơn vị hành chính - chuyên môn của tòa án. Đứng đầu các tòa chuyên trách là Chánh tòa, giúp việc có Phó Chánh tòa. Chánh tòa và Phó Chánh tòa đều do Chánh án của tòa án tương ứng bố nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
[c] Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
Như trên đã đề cập, hội đồng xét xử là thiết chế được thành lập để trực tiếp thụ lí, giải quyết một vụ án cụ thể. Thành viên hội đồng xét xử do Chánh án của tòa án tương ứng chỉ định, đứng đầu có một thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Một thẩm phán có thể đồng thời là thành viên, thậm chí chủ tọa một số hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử không phải bộ phận thường trực của tòa án. Khi vụ án được giải quyết xong thì hội đồng xét xử chấm dứt nhiệm vụ.
Như vậy, thẩm phán chủ tọa phiên tòa không phải là chức danh hành chính - chuyên môn theo nghĩa các chức danh trên đây. Chức danh này để chỉ người thẩm phán được giao nhiệm vụ chính trong việc giải quyết một vụ án cụ thể. Vị thẩm phán đó chủ trì quá trình xử lí vụ án bởi tòa án và có một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới việc tổ chức xét xử vụ án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng là người thay mặt hội đồng xét xử ký xác nhận bản án. Khi vụ án được xét xử xong thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng kết thúc nhiệm vụ.
(Nguồn tham khảo: Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam - Đại Học Luật Hà Nội, 2021 và một số nguồn khác)
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh hành chính chuyên môn trong Tòa án được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh hành chính chuyên môn trong Tòa án có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm