Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia

25/03/2023
Trương Hoàng Hà
Trương Hoàng Hà
Văn bản quan trọng nhất về trách nhiệm quốc gia là một văn bản không ràng buộc, đính kèm theo một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc - Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001 (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts, viết tắt là: ARSIWA). ARSIWA do Uỷ ban Luật Quốc tế (ILC) dự thảo, thông qua năm 2001.

1- Định nghĩa trách nhiệm pháp lý của Quốc gia

Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là hệ quả pháp lý phát sinh khi quốc gia có hành vi sai phạm quốc tế (gọi tắt là trách nhiệm quốc gia – state responsibility). Nguồn của luật quốc tế điều chỉnh trách nhiệm quốc gia là tập quán quốc tế; cho đến nay không có bất kỳ điều ước quốc tế chung nào được ký kết trong ngành luật này. 

Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001 (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – viết tắt là ARSIWA) về nguyên tắc chỉ nên được xem là ý kiến học giả hoặc luật mềm, nhưng nhiều điều khoản trong ARSIWA đã từng được các toà án quốc tế công nhận là phản ánh tập quán quốc tế.

Điều 1 ARSIWA quy định rằng: “Mỗi hành vi sai phạm quốc tế của một Quốc gia đều làm phát sinh trách nhiệm quốc tế đối với Quốc gia đó”. Quy định này đã được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng như một quy định hay nguyên tắc pháp lý quốc tế từ rất lâu (như Toà PCIJ) cho đến hiện nay. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

2- Cấu thành hành vi sai phạm quốc tế

Điều 2 ARSIWA quy định hành vi sai phạm quốc tế (internationally wrongful acts) của một quốc là là hành vi “bao gồm hành động và không hành động (a) được quy cho quốc gia đó theo luật pháp quốc tế và (b) cấu thành một vi phạm nghĩa vụ của quốc gia đó”. Hành vi của quốc gia có thể là hành động (thực hiện việc gì đó trái với quy định của luật quốc tế) hoặc không hành động (không thực hiện việc gì đó mà luật quốc tế bắt buộc thực hiện). 

Một điểm cần lưu ý là ARSIWA quy trách nhiệm cho quốc gia một cách khách quan và không cần chứng minh yếu tố lỗi (fault). Nói cách khác yếu tố lỗi không phải là một cấu thành của hành vi sai phạm quốc tế – đây là điểm khác với nội luật Việt Nam.

(a) Hành vi của một quốc gia

Hành vi này nhất định phải được quy cho quốc gia, nói cách khác, đây phải là hành vi của quốc gia chứ không phải hành vi của cá nhân hay tổ chức nào đó. 

Cụ thể, ARSIWA quy định các hành vi của các cơ quan, tổ chức sẽ được quy cho quốc gia nếu các hành vi đó là:

(i) Hành vi của cơ quan nhà nước của quốc gia đó, bất kể cơ quan này thực thi chức năng lập pháp, hành pháp hay tư pháp hay bất kỳ chức năng hay có vị trí gì trong cơ cấu tổ chức nhà nước quốc gia đó. Cơ quan nhà nước bao gồm cả cơ quan trung ương và cơ quan ở địa phương. Cơ quan nhà nước có thể là bất kỳ người nào hoặc thực thể được xác định theo nội luật của quốc gia đó (Điều 4 ARSIWA).

(ii) Hành vi của người hay thực thể không phải là cơ quan nhà nước nhưng được luật pháp quốc gia giao thực thi quyền lực nhà nước (governmental authority) (Điều 5 ARSIWA). 

(iii) Hành vi của cơ quan, tổ chức của một quốc gia nhưng cho quốc gia khác sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của quốc gia khác đó. Hành vi được quy cho quốc gia sử dụng nếu cơ quan, tổ chức đó thực hiện hành vi trong phạm vi thực thi quyền lực nhà nước của quốc gia sử dụng (Điều 6 ARSIWA).

(iv) Hành vi của cơ quan nhà nước hay người, thực thể thực thi quyền lực nhà nước ở các Điều 4, 5 và 6 cũng được quy cho quốc gia kể cả khi hành vi đó vượt thẩm quyền (ultra vires) mà quốc gia đó cho phép (Điều 7 ARSIWA).

(v) Hành vi của một người hay nhóm người theo hướng dẫn, chỉ đạo hay dưới sự kiểm soát của một quốc gia cũng được quy cho quốc gia đó. 

(vi) Hành vi của một người hay nhóm người không được luật pháp quốc gia đó cho phép nhưng vẫn thực thi quyền lực nhà nước do hoàn cảnh yêu cầu và không có cơ quan, tổ chức hay nhân viên nhà nước nào tại thời điểm đó thực thi quyền lực nhà nước. (Điều 9)

(vii) Hành vi của các nhóm nổi dậy, các phong trào thành lập chính phủ mới hay thành công hình thành một quốc gia mới từ lãnh thổ của quốc gia cũ cũng được quy cho quốc gia mới đó (Điều 10).

Các hành vi khác được quốc gia công nhận là hành vi của mình (Điều 11).

(b) Vi phạm nghĩa vụ quốc tế

Hành vi sai phạm quốc tế phải là hành vi của quốc gia vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ của quốc gia thực hiện hành vi theo luật pháp quốc tế. Nghĩa vụ đó phải đang có hiệu lực với quốc gia đó tại thời điểm có hành vi liên quan, và bất kể nguồn gốc hay tính chất của nghĩa vụ đó là nghĩa vụ theo điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật, hành vi pháp lý đơn phương hay các nghĩa vụ từ những nguồn khác và jus cogens. Lưu ý rằng trách nhiệm pháp lý của quốc gia phát sinh từ hành vi sai phạm quốc tế chứ không phải hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế, mặc dù vi phạm nghĩa vụ quốc tế là yếu tố cốt lõi. Kể cả khi xác định có hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý nhưng không thể quy định hành vi đó cho quốc gia thì cũng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế cho quốc gia đó.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

(c) Các hình thức chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế

Khi có hành vi sai phạm quốc tế, quốc gia phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, là hệ quả của hành vi sai phạm quốc tế. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia có nội dung chính là ba nghĩa vụ phát sinh theo luật pháp quốc tế áp đặt lên cho quốc gia có hành vi sai phạm: (1) nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bị vi phạm, (2) nghĩa vụ chấm dứt hành vi vi phạm và không được tái phạm, và (3) nghĩa vụ khắc phục hậu quả cho thiệt hại gây ra.

Nghĩa vụ khắc phục hậu quả phải được thực hiện đầy đủ (full reparation) cho tất cả thiệt hại phát sinh, bao gồm thiệt hại vật chất và tinh thần.Khi xem xét hình thức và nội dung khắc phục hậu quả trong một vụ việc cụ thể, cần xem xét đến liệu quốc gia bị thiệt hại hay cá nhân, tổ chức liên quan có đóng góp vào thiệt hại gây ra bằng hành vi cô hay hay vô ý của mình hay không. Nói cách khác, nếu quốc gia chịu thiệt hại có hành động hoặc không hành động một cách cố ý hay vô ý làm cho thiệt hạn tăng lên thì có thể là yếu tố để giảm mức độ khắc phục hậu quả. Điều này khá tương tự như nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm trong pháp luật dân sự Việt Nam.

Hình thức khắc phục hậu quả có thể bao gồm một hoặc kết hợp của khôi phục nguyên trạng (restitution), bồi thường thiệt hại (compensation) và trách nhiệm phi vật chất (satisfication).

(i) Khôi phục nguyên trạng được áp dụng trong phạm vi khả thi và gánh nặng cho bên sai phạm không vượt quá mức bồi thường nếu áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, quốc gia sai phạm sẽ không bị buộc phải khôi phục nguyên trạng nếu chứng minh là việc này không khả thi và bồi thường thiệt hại sẽ có lợi hơn cho bên sai phạm.

(ii) Bồi thường thiệt hại có lẻ là hình thức chịu trách nhiệm pháp lý phổ biến nhất,[22] yêu cầu phải bao quát tất cả các thiệt hại có thể quy thành giá trị tài chính, bao gồm cả tiền lãi phát sinh.

(iii) Trách nhiệm phi vật chất áp dụng cho các thiệt hại không thể khắc phục bằng khôi phục nguyên trạng và bồi thường, có thể là việc thừa nhận vi phạm, tuyên bố lấy làm tiếc, xin lỗi chính thức hoặc các hình thức khác.

(d) Các hoàn cảnh loại trừ tính chất sai phạm

Về nguyên tắc mọi vi phạm nghĩa vụ pháp lý được quy cho quốc gia đều cấu thành hành vi sai phạm quốc tế và kéo theo trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, như gần như mọi quy định pháp lý, nguyên tắc trên có ngoại lệ. Các hoàn cảnh sau đây nếu được xác lập có thể loại trừ tính chất sai phạm của hành vi vi phạm và qua đó không phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia vi phạm (Điều 20 – 26):

(i) Có sự đồng ý của quốc gia chịu thiệt hại;

(ii) Là hành vi tự vệ hợp pháp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc;

(iii) Là biện pháp đối kháng (countermeasures) đối với hành vi sai phạm quốc tế của quốc gia khác (xem mục 6 bên dưới về điều kiện và giới hạn của biện pháp đối kháng);

(iv) Trong hoàn cảnh bất khả kháng (force majeure) do sự xuất hiện của các hiện tượng không thể phản kháng hoặc các sự kiện không thể dự kiến trước, vượt quá sự kiểm soát của quốc gia vi phạm, khiến cho việc thực thi nghĩa vụ là không thể;

(v) Thực hiện trong hoàn cảnh nguy hiểm (distress) để cứu sinh mạng của những người vi phạm hoặc những người khác mà người vi phạm có trách nhiệm mà không có bất kỳ cách nào khác ngoài thực hiện hành vi vi phạm;

(vi) Do tính cấp thiết (necessity) khi việc vi phạm nghĩa vụ là cách duy nhất để quốc gia vi phạm bảo vệ lợi ích thiết yếu chống lại một nguy cơ nghiêm trọng nhãn tiền và đồng thời, hành vi vi phạm không gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích thiết yếu của quốc gia khác mà quốc gia vi phạm có nghĩa vụ phải thực hiện;

Là hành vi tuân thủ quy phạm jus cogens.

(Nguồn bài viết: ILC, Draft Articles on State Responsibility 2001, Article 1, in trong Yearbook of International Law Commission, 2001, vol. II, Part Two, tr. 55. [gọi tắt là DARSIWA] và Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001 [ARSIWA])

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest 

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.41521 sec| 978.945 kb