Hệ thống pháp luật quốc gia

28/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng
Mỗi quốc gia thường ban hành rất nhiều các quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quy định pháp luật được ban hành không tồn tại độc lập và biệt lập, mà giữa chúng luôn có mối liên hệ ràng buộc, tác động qua lại với nhau trong quá trình điều chỉnh quan hệ xã hội. Nghiên cứu hệ thống quy phạm pháp luật sẽ không thể đầy đủ, toàn diện nếu không xem xét hệ thống nguồn pháp luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật, bởi các quy phạm pháp luật được chứa đựng, thể hiện, tồn tại trong các nguồn pháp luật.
-

Nội dung bài viết

1- Hệ thống quy phạm pháp luật

Hệ thống quy phạm pháp luật (còn gọi là hệ thống cấu trúc của pháp luật) là tổng thể các quy định pháp luật, có sự liên kết, gẳn bó thống nhất nội tại với nhau trong một chỉnh thế thống nhất, được phân định thành các bộ phận như quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật...

Mỗi quốc gia thường ban hành rất nhiều các quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quy định pháp luật được ban hành không tồn tại độc lập và biệt lập, mà giữa chúng luôn có mối liên hệ ràng buộc, tác động qua lại với nhau trong quá trình điều chỉnh quan hệ xã hội. Các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh rất đa dạng về chủng loại và tính chất nên giữa các quy định pháp luật điều chỉnh chúng cũng có rất nhiều sự liên kết và quan hệ với nhau ở nhiều phạm vi và mức độ khác nhau. Các tập họp lớn nhỏ do các quy định pháp luật tạo ra như quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật... cũng có sự liên hệ, tác động qua lại với nhau. Do vậy, các thành tố của hệ thống quy phạm pháp luật rất đa dạng với rất nhiều phạm vi liên kết và mức độ liên kết khác nhau, chúng luôn có sự thống nhất, ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Việc xem xét hệ thống quy phạm pháp luật không chỉ cho phép thấy được những thuộc tính của pháp luật, sự thống nhất nội tại, sự liên hệ ràng buộc, các mối quan hệ chặt chẽ giữa các quy phạm pháp luật... mà còn có điều kiện đánh giá về tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp... của chúng. Ngoài ra lí luận về hệ thống quy phạm pháp luật còn giúp cho việc nghiên cứu, hệ thống hoá pháp luật, sắp xếp một cách khoa học, lôgíc các quy định pháp luật, phát hiện kịp thời những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, những thiếu sót của pháp luật để loại bỏ những quy định không còn phù họp, kịp thời bổ sung những quy định mới, nhằm tạo ra được những quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật và hệ thống quy phạm pháp luật hoàn thiện hơn.

Hệ thống quy phạm pháp luật gồm các thành tố cơ bản là: Quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật. Ngoài ra còn có các thành tố khác như phân ngành luật (lớn hơn chế định pháp luật nhưng nhỏ hơn ngành luật), tổ họp các ngành luật (lớn hơn ngành luật nhưng nhỏ hơn hệ thống quy phạm pháp luật)... Với mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều căn cứ khác nhau mà có sự phân định (xác định) các bộ phận của hệ thống quy phạm pháp luật khác nhau.

[a] Quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và được nhà nước bảo đảm thực hiện. Quy phạm pháp luật là một hệ thống nhỏ, được cấu tạo từ các bộ phận như giả định, quy định, chế tài pháp luật...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

[b] Chế định pháp luật

Chế định pháp luật là tập họp (hệ thống) bao gồm một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Tính chất chung của mỗi nhóm quan hệ xã hội đòi hỏi phải có những nhóm quy phạm pháp luật tương ứng để điều chỉnh. Việc xác định đúng tính chất nhóm của quan hệ xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành chế định pháp luật.

Tồn tại chế định pháp luật của ngành luật (gồm nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực, liên quan đến cùng một ngành luật. Chẳng hạn, chế định công dân trong ngành luật hiến pháp), song cũng có chế định pháp luật liên ngành luật (gồm nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau. Chẳng hạn, chế định hợp đồng liên quan đến cả ngành luật dân sự, ngành luật thưong mại và luật lao động...).

[c] Ngành luật

Ngành luật là tập hợp (hệ thống) bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội (những quan hệ xã hội có chung tính chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội) bằng những phương pháp nhất định. Mỗi ngành luật thường có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của riêng mình. Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là những quan hệ xã hội phát sinh liên quan tới việc kết hôn giữa nam và nữ được tách ra khỏi đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự tạo nên ngành luật hôn nhân và gia đình.

Phương pháp điều chỉnh pháp luật là những cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội. Phương pháp điều chỉnh của ngành luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh và ý muốn chủ quan của những người trực tiếp ban hành pháp luật thông qua sự nhận thức, ý thức của họ về lợi ích nhà nước, của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, việc sử dụng cách thức nào để điều chỉnh một dạng quan hệ xã hội nào đó là phụ thuộc vào nội dung, tính chất của quan hệ xã hội đó và ý chí của người ban hành pháp luật.

Các cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội có thể là: cấm (cấm tiến hành một số hoạt động nhất định); bắt buộc (buộc phải thực hiện một số hoạt động nhất định); cho phép (được phép thực hiện một số hoạt động trong những phạm vi nhất định).

Các ngành luật khác nhau có những phương pháp điều chỉnh khác nhau. Các phương pháp điều chỉnh khác nhau ở chỗ chúng quy định: Chủ thể tham gia và trật tự hình thành quan hệ pháp luật khác nhau; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia khác nhau; các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác nhau...

Thông thường, các phương pháp điều chỉnh pháp luật có thể chia thành hai loại đặc trưng là phương pháp mệnh lệnh và phương pháp tự định đoạt (thoả thuận). Phương pháp mệnh lệnh dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà trong đó có một bên tham gia là nhà nước (thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Chẳng hạn, các quan hệ pháp luật hành chính, hình sự... Phương pháp tự định đoạt thường dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà các bên tham gia có địa vị pháp lí bình đẳng với nhau như quan hệ pháp luật dân sự...

[d] Tố hợp các ngành luật

Việc phân định hệ thống quy phạm pháp luật thành tổ hợp các ngành luật ở các quốc gia khác nhau thường khác nhau.

Ở một số quốc gia căn cứ vào chủ thể và lợi ích mà pháp luật bảo vệ trong hệ thống quy phạm pháp luật có sự phân định thành công pháp và tư pháp. Việc phân định này được thực hiện nhiều ở các nước châu Âu lục địa.

- Công pháp: Công pháp bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, những quan hệ liên quan tới việc bảo vệ lợi ích xã hội (lợi ích công) nói chung. Trong công pháp thường sử dụng phương pháp điều chỉnh mang tính mệnh lệnh, đơn phương thế hiện quan hệ quyền lực và phục tùng. Công pháp có các ngành luật đặc trưng như luật hiến pháp, luật hành chính, luật tài chính công, luật ngân hàng, luật hình sự...

- Tư pháp: Tư pháp bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa tư nhân với tư nhân, liên quan tới bảo vệ lợi ích riêng của từng cá nhân với các phương pháp điều chỉnh đặc trưng là thoả thuận, bình quyền và các bên tự do thể hiện ý chí của mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí. Tư pháp có các ngành luật đặc trưng như luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật thương mại...

Trong hệ thống quy phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa, ngoài việc phân định thành các ngành luật còn phân định thành các tổ hợp pháp luật như pháp luật hình sự, pháp luật dân sự... (Trong tổ hợp pháp luật gồm quy phạm pháp luật của một số ngành luật gần gũi, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội). Chẳng hạn, pháp luật hình sự gồm quy phạm pháp luật hình sự, quy phạm pháp luật tố tụng hình sự... liên kết với nhau thành một tập hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực hình sự; pháp luật dân sự gồm quy phạm pháp luật dân sự, quy phạm pháp luật tố tụng dân sự... liên kết với nhau thành một tập họp để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực dân sự...

Một số học giả căn cứ vào tác dụng của các quy phạm pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội còn phân định hệ thống quy phạm pháp luật thành luật nội dung (luật vật chất) và luật hình thức (luật thủ tục).

- Luật nội dung (luật vật chất): Luật nội dung gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Luật nội dung thường bao gồm các quy phạm pháp luật hiến pháp, hành chính, dân sự, hình sự... Đây là nền tảng của hệ thống quy phạm pháp luật, chúng thường xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lí của các tổ chức và cá nhân, cũng như các điều kiện để thực hiện chúng...

- Luật hình thức (luật thủ tục): Luật hình thức gồm các quy phạm pháp luật xác định cơ chế, quy trình, trình tự, thủ tục để thực hiện các quy phạm pháp luật nội dung. Luật hình thức thường gồm các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính... Quy phạm pháp luật hình thức thường liên quan đến việc giải quyết các vụ việc tại các cơ quan nhà nước, tại toà án, việc truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với chủ thể vi phạm pháp luật... Có thể nói, việc phân định các bộ phận cấu thành hệ thống quy phạm pháp luật chỉ mang tính chất tương đối, nó có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào sự phát triển, thay đổi của các quan hệ xã hội và quan điểm của các nhà khoa học pháp lí ở mỗi quốc gia cũng như trên thế giới.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

2- Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia

Nghiên cứu hệ thống quy phạm pháp luật sẽ không thể đầy đủ, toàn diện nếu không xem xét hệ thống nguồn pháp luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật, bởi các quy phạm pháp luật được chứa đựng, thể hiện, tồn tại trong các nguồn pháp luật. Mỗi quốc gia thường sử dụng nhiều nguồn pháp luật khác nhau như văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp, tiền lệ pháp, điều ước quốc tế...

Giữa các nguồn pháp luật của quốc gia, đặc biệt là nguồn văn bản quy phạm pháp luật luôn có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau về nội dung cũng như về thứ bậc hiệu lực pháp luật và chúng được tập hợp, sắp xếp thành hệ thống (còn gọi là hệ thống pháp luật thực định). Hệ thống nguồn pháp luật được xem là tập họp tất cả các nguồn pháp luật, quan trọng hơn cả là các loại văn bản quy phạm pháp luật có moi liên hệ mật thiết với nhau, được sắp xếp một cách thống nhất, phù hợp với nhau vừa theo tính chất của các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh, vừa theo trật tự thang bậc hiệu lực pháp luật của chúng.

Theo tính chất của các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh có thể tập hợp, sắp xếp các nguồn pháp luật thành các nhóm điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có chung tính chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội và thường gọi là nguồn của ngành luật. Tuy nhiên, do một số nguồn pháp luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên việc phân định này thường không triệt để và gặp nhiều khó khăn, nhiều khi không thể thực hiện được.

Theo trật tự thứ bậc hiệu lực pháp luật thì các nguồn pháp luật được sắp xếp thành tòa tháp với trật tự nguồn pháp luật có hiệu lực pháp luật cao nhất (Hiến pháp) ở trên cùng, tiếp đến là các nguồn pháp luật khác (văn bản luật thông thường), rồi đến các nguồn pháp luật và văn bản dưới luật (phụ thuộc thẩm quyền và vị trí của các cơ quan đã ban hành ra chúng).

Giữa các nguồn pháp luật luồn có mối liên hệ, ràng buộc theo cả chiều ngang và chiều dọc, nhất là các văn bản cùng quy định về một vấn đề không được phép chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Các nguồn pháp luật có hiệu lực pháp luật thấp không được trái với các nguồn pháp luật có hiệu lực pháp luật cao. Nếu các nguồn pháp luật có hiệu lực pháp luật khác nhau quy định về cùng một vấn đề mà mâu thuẫn nhau thì thực hiện theo nguồn pháp luật có hiệu lực pháp luật cao hơn hoặc theo thứ tự ưu tiên đối với loại nguồn đó.

Có thể nói mối quan hệ giữa hệ thống quy phạm pháp luật và hệ thống nguồn pháp luật là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Mặc dù có sự liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng hệ thống quy phạm pháp luật và hệ thống nguồn pháp luật không đồng nhất với nhau. Điều này thể hiện ở chỗ:

(i) Xem xét hệ thống quy phạm pháp luật là xem xét cấu trúc bên trong của pháp luật, biểu hiện ở việc phân định các quy định pháp luật, còn xem xét hệ thống nguồn pháp luật là xem xét trật tự của các nguồn pháp luật và mối liên hệ giữa chúng.

(ii) Trong hệ thống nguồn pháp luật ngoài việc chứa đựng các quy phạm pháp luật còn có thể chứa cả những nội dung không phải là quy phạm pháp luật như lời nói đầu, các nguyên tắc pháp luật...

(iii) Cấu tạo của hệ thống quy phạm pháp luật không trùng với cấu tạo của hệ thống nguồn pháp luật.

(iv) Hệ thống quy phạm pháp luật có tính khách quan, còn hệ thống nguồn pháp luật mang nhiều yếu tố chủ quan, phụ thuộc ý chí của chủ thể ban hành pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Hệ thống pháp luật quốc gia được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Hệ thống pháp luật quốc gia có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66  527 527, E-mail: info@everest. org.vn. 

0 bình luận, đánh giá về Hệ thống pháp luật quốc gia

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.55933 sec| 1012.68 kb