Khái niệm pháp luật về trung gian thanh toán

23/02/2023
Ứng Mỹ Ly
Ứng Mỹ Ly
Sự điều chỉnh của pháp luật đối với quan hệ thanh toán qua trung gian thanh toán tạo môi trường và chuẩn mực pháp lí đảm bảo cho các quan hệ thanh toán được thực hiện trong vòng trật tự phù hợp với lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán chủ yếu là thanh toán không dùng tiền mặt nên có vai trò to lớn. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không những phục vụ cho quá trình tái sản xuất xã hội mà việc thanh toán này có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của xã hội. Mặt khác, thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện cho các trung gian thực hiện được các dịch vụ trả tiền với khối lượng lớn một cách nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, thông .qua việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng có điều kiện tập trung được lượng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế làm nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

Không giống như thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, việc thanh toán không dùng tiền mặt liên quan tới việc phải chấp nhận các rủi ro trong thanh toán như chứng từ dùng để thanh toán không hợp lệ hoặc do bên thanh toán không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (số dư trên tài khoản không đủ để thanh toán...). Hiện tượng mất khả năng thanh toán và rủi ro trong thanh toán không chỉ xảy ra ở các bên thanh toán mà có thể xảy ra ở các tổ chức đóng vai trò trung gian thanh toán. Do đó, pháp luật cần phải quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể tham gia quan hệ thanh toán qua trung gian thanh toán vừa để bảo vệ quyền lợi cho chính họ, vừa bảo đảm sự vận hành an toàn của nền kinh tế.

Sự điều chỉnh của pháp luật đối với quan hệ thanh toán qua trung gian thanh toán tạo môi trường và chuẩn mực pháp lí đảm bảo cho các quan hệ thanh toán được thực hiện trong vòng trật tự phù hợp với lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội.

Việc Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ thanh toán qua trung gian tạo thành một bộ phận pháp luật trong pháp luật về ngân hàng. Pháp luật về thanh toán qua trung gian là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các trung gian thanh toán thực hiện hoạt động dịch vụ thanh toán và các quy phạm pháp luật quy định hình thức, phương thức thanh toán qua trung gian thanh toán, các quy phạm pháp luật quy định các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dịch vụ thanh toán. Cụ thể, pháp luật về trung gian thanh toán gồm các nhóm quy phạm pháp luật sau:

1- Nhóm I: Các quy phạm pháp luật quy định các chủ thể tham gia quan hệ dịch vụ thanh toán

Theo quy định của pháp luật, chủ thể tham gia quan hệ dịch vụ thanh toán gồm: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.

Chủ tài khoản thanh toán là người đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản là cá nhân, chủ tài khoản là cá nhân; chủ tài khoản của tổ chức là người đại diện theo pháp luật hay đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản. 

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bao gồm:

- Ngân hàng Nhà nước;

- Ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Ngân hàng);

- Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

- Các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo nguyên tắc chung, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đúng, kịp thời các uỷ nhiệm của khách hàng đồng thời giúp người trả tiền và người nhận tiền thực hiện việc giám sát các điều kiện thanh toán đã được thoả thuận. Trong số các trung gian thực hiện dịch vụ thanh toán thì Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước là hai chủ thể cung cấp các dịch vụ thanh toán không thuần túy mang tính chất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cung cấp các dịch vụ thanh toán, tổ chức thanh toán giữa các ngân hàng (thanh toán liên ngân hàng) với tư cách là cơ quan quản lí nhà nước và là ngân hàng trung ương nhằm thực hiện chức năng quản lí nhà nước đối với hệ thống các trung gian thanh toán, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lí, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia, thực hiện việc quản lí các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Kho bạc Nhà nước với chức năng chủ yếu là quản lí quỹ ngân sách nhà nước, cung cấp các dịch vụ thanh toán nhằm mục đích phân phối và sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước thực hiện các giao dịch thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế và dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện việc cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên. Tổ chức tài chính vi mô cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền cho khách hàng tài chính vi mô. Người sử dụng dịch vụ thanh toán là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chi trả hoặc thụ hưởng các khoản thanh toán gọi là chủ thể các bên thanh toán, bao gồm: Người trả tiền là người mua hàng, người nhận dịch vụ, người đóng thuế, người trả nợ hoặc người chuyển nhượng quyền sở hữu một khoản tiền. Khi thanh toán qua trung gian thanh toán, người trả tiền phải chấp hành những thủ tục theo các quy định của pháp luật về thanh toán qua các trung gian thanh toán như: trình tự, thủ tục lập và nộp các chứng từ thanh toán vào các trung gian thanh toán, xác định những điều kiện chi trả tiền của mình và những điều kiện ấy phải phù hợp với những cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, người trả tiền có quyền khước từ hoặc khiếu nại về số tiền đã trả nếu các chủ thể khác vi phạm những cam kết hay những quy định của pháp luật. Người nhận tiền (người thụ hưởng thanh toán) là người được hưởng một khoản tiền do đã giao hàng hay cung ứng dịch vụ hoặc do luật định hoặc do thiện chí của người khác.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

2- Nhóm II: Các quy phạm pháp luật quy định về chứng từ thanh toán, hình thức, phương tiện thanh toán và trật tự cung ứng các phương tiện thanh toán

Chứng từ thanh toán là loại chứng từ kế toán ngân hàng dùng làm căn cứ để thực hiện dịch vụ thanh toán.

Chứng từ thanh toán là cơ sở để thực hiện giao dịch thanh toán. Chứng từ thanh toán có thể được lập dưới hình thức chứng từ giấy, chứng từ điện tử hoặc các hình thức khác. Loại chứng từ, các yếu tố của chứng từ, việc lập, kiểm Soát, luân chuyển, bảo quản lưu trữ chứng từ, trách nhiệm của người sử dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan đến chứng từ thanh toán. Chứng từ sử dụng trong thanh toán phải được lập, ký, kiểm soát, luân chuyển, quản lí và bảo quản theo đúng chế độ về chế độ chứng từ kế toán ngân hàng. Chứng từ sử dụng trong thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy cách, mẫu biểu, in ấn, phát hành và sử dụng. Chứng từ sử dụng trong thanh toán qua ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô do ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô quy định quy cách, mẫu biểu, in ấn, phát hành và hướng dẫn thực hiện đảm bảo phù hợp với quy trình thanh toán đối với từng loại dịch vụ theo quy định của pháp luật Ngân hàng về dịch vụ thanh toán và các quy định của pháp luật liên quan.

Để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện hoạt động thanh toán đòi hỏi phải có nhiều loại chứng từ thanh toán, trong đó các lệnh thu và lệnh chi có vai trò quan trọng nhất.Lệnh thu (do bên thụ hưởng lập), lệnh chi (do bên chi trả lập) là uỷ nhiệm thanh toán đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (tổ chức quản lí tài khoản) để thực hiện việc thanh toán. Lệnh thu, lệnh chi phải lập trên mẫu in sẵn do các trung gian thanh toán cung cấp. Ngoài ra, để thực hiện việc thanh toán qua trung gian thanh toán, các bên thanh toán còn phải cung cấp các chứng từ thanh toán khác tuỳ theo yêu cầu của hình thức thanh toán mà các bên áp dụng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các phương tiện thanh toán bao gồm:

(i) Tiền mặt: Là tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, dùng làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.

(ii) Séc: Là lệnh trả tiền của chủ tài khoản, được lập theo quy định của pháp luật, yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trích một số tiền từ tài khoản thanh toán của mình để trả cho người thụ hưởng và có tên ghi trên séc hoặc trả cho người cầm séc.

(iii) Uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi: Là phương tiện thanh toán mà người trả tiền lập lệnh thanh toán theo mẫu do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định, gửi cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mình mở tài khoản yêu cầu tổ chức đó trích một số tiền nhất định trên tài khoản của mình để trả cho người thụ hưởng. Uỷ nhiệm thu hoặc nhờ thu: Là phương tiện thanh toán mà người thụ hưởng lập lệnh thanh toán theo mẫu do tồ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định gửi cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán uỷ thác thu hộ mình một số tiền nhất định.

(iv) Thẻ ngân hàng: Là phương tiện thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hành và cấp cho người sử dụng dịch vụ thanh toán để sử dụng theo hợp đồng kí kết giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vu thanh toán.

(v) Các phương tiện thanh toán khác như hối phiếu, lệnh phiếu... theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tuỳ theo việc sử dụng loại phương tiện thanh toán, pháp luật có các quy định cụ thể về trật tự cung ứng phương tiện thanh toán. Ví dụ: đối với việc cung ứng phương tiện thanh toán bằng tiền mặt, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ đáp ứng đầy đủ kịp thời các yêu cầu gửi và rút tiền mặt của người sử dụng dịch vụ thanh toán trong phạm vi số dư trên tài khoản và hạn mức thấu chi đã thoả thuận của chủ tài khoản phù hợp với quy định của pháp luật. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được thoả thuận với người sử dụng dịch vụ thanh toán về việc báo trước khi rút tiền mặt số lượng lớn.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

3- Nhóm III: Các quy phạm pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ thanh toán

Quan hệ thanh toán qua trung gian về bản chất là quan hệ pháp luật. Trong trường hợp quan hệ dịch vụ thanh toán phát sinh phù hợp với yêu cầu của pháp luật thì các quyền, nghĩa vụ của các bên được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Các quyền và nghĩa vụ này được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và các văn bản thoả thuận giữa các bên. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, do hệ thống ngân hàng được tổ chức theo mô hình ngân hàng một cấp nên hoạt động thanh toán qua ngân hàng bị chi phối bởi phương thức quản lí nhà nước. Đến nay, các văn bản pháp luật về thanh toán qua trung gian đã từng bước được hoàn thiện và xác định quan hệ thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán là quan hệ dịch vụ. Do đó, trong quan hệ dịch vụ thanh toán, các bên bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ.

Trong lĩnh vực thanh toán qua trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia với hai tư cách là cơ quan quản lí nhà nước về hoạt động thanh toán và là chủ thể cung ứng các dịch vụ thanh toán. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lí nhà nước thì quan hệ xã hội giữa các bên là quan hệ quản lí nhà nước.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái niệm pháp luật về trung gian thanh toán được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái niệm pháp luật về trung gian thanh toán có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm pháp luật về trung gian thanh toán

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.17301 sec| 992.203 kb