Nhượng quyền thương mại: từ hàn lâm đến đường phố

30/05/2024
Ứng Mỹ Ly
Ứng Mỹ Ly
Có một sự thật mà nhiều người vẫn hay ngộ nhận về nhượng quyền: Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện việc nhượng quyền và không phải việc nhượng quyền nào cũng hoành tráng lung linh như nhau. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng xem lại những điều cơ bản nhất của nhượng quyền, tham khảo các cuộc trò chuyện với các chuyên gia xem doanh nghiệp của mình có khả năng (và có thực sự muốn) tham gia thị trường nhượng quyền hay không?

1- Điều cơ bản nhất: nhượng quyền là gì?

Chữ nhượng quyền mà chúng ta sẽ đề cập đến là nhượng quyền một mô hình kinh doanh. Nhượng quyền mô hình kinh doanh là một “quan hệ hợp tác kinh doanh” trong đó một đôi tác sẽ cho phép đối tác còn lại sử dụng bản sao một hệ thống kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công của mình để đổi lấy quyền lợi là phí cho phép sử dụng ban đầu và các phí cho phép sử dụng liên quan trong suốt thời gian hợp đồng còn hiệu lực.

Với định nghĩa trên, có hai tên gọi của hai chủ thể liên quan trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền là doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest

2- Những vấn đề cơ bản về đối tác nhận quyền

[a] Đối tác nhận quyền là gì

Đối tác nhận quyền được doanh nghiệp nhượng quyền cho phép kinh doanh một chi nhánh trong hệ thống chuỗi các chi nhánh của doanh nghiệp nhượng quyền, mang tên thương hiệu của doanh nghiệp nhượng quyền, và bằng cách sử dụng mô hình và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp nhượng quyền. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào khi đối tác nhận quyền không còn sử dụng đúng tên thương hiệu hay mô hình và phương thức kinh doanh như đã kể trên, đối tác nhận quyền có thể bị tước quyền sử dụng và có khả năng mất hết toàn bộ các khoản đã đầu tư trước đó.

[b] Phân loại đối tác nhận quyền

Đối tác nhận quyền được chia thành hai loại:

Một là, đối tác nhận quyền cấp 1 là đối tác nhận quyền độc quyền cho một vùng lãnh thổ/quốc gia, ví dụ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.

Hai là, đối tác nhận quyền cấp 2 là đối tác nhận quyền thứ cấp từ đối tác nhận quyền cấp 1. Đối tác nhận quyền cấp 2 có thể sở hữu một chi nhánh, nhiều chi nhánh, hoặc có khi là một khu vực (ví dụ Đà Nẵng, Hà Nội...).

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng cả hai tên gọi như sau:

Một là, đối tác nhận quyền cấp 1 hoặc đối tác nhận quyền độc quyền

Hai là, đối tác nhận quyền cấp 2 hay đối tác nhận quyền thứ cấp

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest

3- Lưu ý đối với doanh nghiệp nhượng quyền

Doanh nghiệp nhượng quyền chỉ nên nhượng quyền mô hình và phương thức kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công, chứng thực được là có khả năng tạo thành những bản sao thành công tương tự, có thể phát triển trong một thời gian dài trong tương lai, với nhiều chi nhánh khác nhau, tại các khu vực thị trường khác nhau, với khả năng huấn luyện nhiều người để đủ nhân lực quản lý và hoạt động các chi nhánh đó. Cần lưu ý rằng không ai nên hay cho phép mình nhượng quyền một “ý tưởng”, cho dù đó là một ý tưởng hay vờ độc đáo.

Cho dù bạn chuẩn bị kinh doanh nhượng quyền với tư cách là doanh nghiệp nhượng quyền hay đối tác nhận quyền, hay chỉ làm việc chuyên môn trong ngành nhượng quyền, các định nghĩa trên là những định nghĩa cơ bản nhất mà chúng ta cần hiểu rõ. Các định nghĩa này sẽ giúp cho doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền hợp tác thành công dựa trên nền tảng hiểu biết chung và dựa trên sự thấu hiểu vai trò, nghĩa vụ, và quyền lợi của mỗi bên. Trong nhượng quyền, quan hệ hợp tác và việc thực hiện đúng vai trò, nghĩa vụ của mỗi bên có thể nói là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo thành công cho việc hợp tác kinh doanh. Khi nảy sinh sự khác biệt giữa mong muốn và thực tế khi thực hiện vai trò và nghĩa vụ của bất kỳ bên nào, quan hệ hợp tác này sẽ phát sinh mâu thuẫn và đây chính là nguồn gốc dẫn đến sự suy yếu của toàn hệ thống.

Do đó, nếu bạn là doanh nghiệp nhượng quyền, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm không phải là tập trung bán nhiều giấy phép nhượng quyền, mà ngược lại phải đầu tư thử nghiệm để bảo đảm phương thức kinh doanh của mình thành công, mang lại lợi nhuận cho chính chi nhánh thử nghiệm của mình và sẽ mang lại lợi nhuận cho chi nhánh của nhà đầu tư trong tương lai. Ngoài ra, bạn cần đầu tư chuẩn hóa nền tảng và hệ thống kinh doanh để có thể chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh của mình cho đối tác nhận quyền. Nếu việc chuyển giao này chưa được chuẩn bị đầy đủ và hoàn tất, bạn không nên nóng vội trước những cơ hội trước mắt mà tiến hành bán nhượng quyền. 

Sự nóng vội trước những cơ hội nhỏ lẻ chính là mầm mống dẫn đến thất bại trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền và là rào cản lớn nhất cho sự phát triển bền vững của mô hình và thương hiệu sau này. Nhượng quyền là hình thức kinh doanh đòi hỏi cam kết về đầu tư, với tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Nếu bạn mất bình tĩnh chỉ vì sợ mất đi một cơ hội nhỏ trước mắt, bạn sẽ phải trả giá rất đắt cho sự phát triển bền vững về sau. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể sẽ phải trả giá bằng sự thất bại của cả mô hình, thương hiệu, hay hệ thống mà mình đã dày công xây dựng. Đến đây, tác giả khuyên bạn nên đọc lại định nghĩa về nhượng quyền và định nghĩa về vai trò, nghĩa vụ của doanh nghiệp nhượng quyền.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

4- 10 lý do phổ biến khiến doanh nghiệp nhượng quyền phá sản

Theo Tổ chức nhượng quyền thế giới, từ những năm 1990 tại Mỹ, mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp bắt đầu nhượng quyền phá sản. Con số này chiếm từ 3-5% tổng số các doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động tại thị trường này. Để có thể nhượng quyền, doanh nghiệp nhất thiết phải xây dựng nền tảng vững chắc trước khi bắt đầu kinh doanh nhượng quyền. Dưới đây là 10 lý do phổ biến nhất khiến doanh nghiệp bắt đầu nhượng quyền phá sản:

(1) Mô hình kinh doanh không mang lại hiệu quả tài chính cho đối tác nhận quyền

(2) Khả năng hoặc đội ngũ lãnh đạo thiếu năng lực

(3) Sử dụng chuyên viên tư vấn nhượng quyền không đủ kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh nhượng quyền

(4) Nền tảng hỗ trợ đối tác nhận quyền chưa tốt

(5) Hệ thống nhượng quyền không nhất quán với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị doanh nghiệp

(6) Thiếu hệ thống quản lý tài chính hiệu quả

(7) Không hoặc chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (trademarks) hoặc các tài sản sở hữu trí tuệ (IP)

(8) Chương trình huấn luyện đối tác nhận quyền chưa tốt hoặc chưa đầy đủ

(9) Cẩm nang hoạt động và quản lý quá phức tạp hoặc không đầy đủ

(10) Vội vàng và thiếu chuẩn bị trong việc phát triển thị trường mới bằng mô hình nhượng quyền

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

5- Lưu ý dành cho đối tác nhận quyền

Ngược lại, nếu bạn là đối tác nhận quyền, điều quan trọng nhất bạn cần hiểu rõ là vai trò và nghĩa vụ của bản thân trong vấn đề đầu tư và quản lý kinh doanh. Với vai trò là nhà đầu tư, đối tác nhận quyền thường hiểu rằng bản thân chỉ có nhiệm vụ đầu tư và quản lý chi nhánh nhận quyền, tất cả những vấn đề khác về quảng bá, tiếp thị, huấn luyện, xây dựng đội ngũ... đương nhiên là nhiệm vụ của doanh nghiệp nhượng quyền. Đây là hiểu lầm thường gặp và tai hại nhất trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền. Sau vấn đề lợi nhuận kinh doanh và hoàn vốn đầu tư, việc hiểu sai vai trò và nghĩa vụ của bên nhận quyền là một trong những lý do nghiêm trọng nhất dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền, và cũng là lý do khiến cho nhiều thương hiệu nhượng quyền phải tiêu tốn nhiều thời gian và công sức để giải quyết, vô hình trung cản trở việc tập trung phát triển lành mạnh của cả đôi bên. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều công ty hoặc không chọn mô hình nhượng quyền để phát triển, hoặc chuyển đổi ngược lại sang cơ chế tự sở hữu và vận hành chuỗi sau khi thương hiệu đã phát triển thành công tại nhiều thị trường.

Ví dụ cụ thể là thương hiệu Dunkin Donuts sau khi phát triển hai cửa hàng nhượng quyền thứ cấp tại Thái Lan và đánh giá được mức độ phức tạp trong quan hệ với đối tác nhận quyền, đã quyết định không tiếp tục phát triển với hình thức này. Có thể nói, mặc dù mô hình hợp tác nhượng quyền là một mô hình tiềm năng giúp doanh nghiệp nhượng quyền phát triển thương hiệu nhanh chóng bằng cách vận động nguồn tài chính và nhân lực bên ngoài, đây không phải là một mô hình dễ dàng vận hành vì nó đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư về nền tảng, quy trình, nhân sự và tổ chức để đủ khả năng hỗ trợ và quản lý quan hệ với đối tác nhân quyền. Vì vậy, để hợp tác nhận quyền thành công, các bạn nên tìm hiểu và bàn bạc với doanh nghiệp nhượng quyền thật rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên trước khi ký kết hợp đồng hợp tác.

Trong 20 năm làm việc trong ngành nhượng quyền, 90% các đối tác mà tác giả đã gặp và thương thuyêt tại nhiều nước khác nhau trên thế giới đều tập trung vào các quyền lợi tài chính mà bỏ qua các điều khoản về nghĩa vụ và quyền lợi trong vấn đề hỗ trợ quản lý hoạt động kinh doanh. Nếu có thể cam kết đầu tư tài chính và kinh doanh dài hạn, bạn không nên tiếc thời gian tìm hiểu và thảo luận thật rõ ràng với doanh nghiệp nhượng quyền về những nền tảng, kế hoạch, và công việc mình cần phải chuẩn bị để hoạt động hiệu quả trong tương lai. Điều này đôi khi quan trọng hơn cả những con số phần trăm trong phụ lục 1 của hợp đồng nhượng quyền mà hầu hết mọi người đều mở ra và tập trung đọc trước.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Nhượng quyền: Từ hàn lâm đến đường phố được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Nhượng quyền: Từ hàn lâm đến đường phố có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Nhượng quyền thương mại: từ hàn lâm đến đường phố

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.52265 sec| 980.281 kb