Nội dung, giao kết và hiệu lực của hợp đồng tín dụng

23/02/2023
Nội dung của hợp đồng tín dụng là tổng thể những điều khoản do các bên có đủ tư cách chủ thể cam kết với nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và phù hợp với pháp luật, về lí thuyết, nội dung của hợp đồng tín dụng (các điều khoản của hợp đồng) phải do các bên tự định đoạt trên nguyên tắc tự do ý chí và thống nhất ý chí, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội; là quá trình mang tính chất kỹ thuật nghiệp vụ - pháp lí do các bên thực hiện theo trình tự luật định cũng như các khía cạnh mà hiệu lực của hiệu lực hợp đồng tín dụng phát sinh theo pháp luật

1- Nội dung của hợp đồng tín dụng

Nội dung của hợp đồng tín dụng là tổng thể những điều khoản do các bên có đủ tư cách chủ thể cam kết với nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và phù hợp với pháp luật, về lí thuyết, nội dung của hợp đồng tín dụng (các điều khoản của hợp đồng) phải do các bên tự định đoạt trên nguyên tắc tự do ý chí và thống nhất ý chí, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Theo quy định tại Điều 17 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-NHNN ngày 22/05/2014 về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, nội dung của hợp đồng tín dụng bao gồm các điều khoản cơ bản sau đây:

- Điều khoản về điều kiện vay vốn: Khi thỏa thuận điều khoản này, các bên cần ghi rõ trong hợp. đồng tín dụng những tiêu chuẩn cụ thể mà bên vay phải thoả mãn thì hợp đồng tín dụng mới có hiệu lực. Chẳng hạn, bên vay phải có năng lực chủ thể, có tình hình tài chính lành mạnh hay phải có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc có bảo lãnh của người thứ ba...

- Điều khoản về đối tượng hợp đồng: Trong điều khoản này, các bên phải thoả thuận về số tiền vay, lãi suất cho vay, tổng số tiền phải trả khi hợp đồng tín dụng đáo hạn.

- Điều khoản về thời hạn sử dụng vốn vay. Các bên phải ghi rõ trong hợp đồng tín dụng về ngày, tháng, năm trả tiền, hoặc phải trả tiền sau bao lâu kể từ ngày ký hợp đồng. Nếu có thể gia hạn hợp đồng thì các bên cũng dự liệu trước về khả năng này trong hợp đồng tín dụng, còn thời gian gia hạn sẽ tiến hành thỏa thuận sau trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng (nếu thấy cần thiết).

- Điều khoản về phương thức thanh toán tiền vay: Đây là một điều khoản rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến việc thu hồi vốn và lãi cho vay. Vì thế, các bên phải thỏa thuận rõ rằng số tiền vay sẽ được hoàn trả dần hàng tháng (trả góp) hay là trả toàn bộ một lần khi hợp đồng vay đáo hạn. Nếu khoản vay được thỏa thuận thanh toán theo từng kỳ hạn thì các bên cũng có thể dự liệu trước về khả năng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho phù hợp với khả năng tài chính của bên vay khi trả nợ.

- Điều khoản về mục đích sử dụng tiền vay: Trong điều khoản này, các bên cần ghi rõ vốn vay sẽ được sử dụng vào mục đích gì (ví dụ, mua vật tư hàng hoá để kinh doanh hay mua hàng hoá để tiêu dùng...). Việc thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng tín dụng được xem như giải pháp đảm bảo sự an toàn về vốn cho người đầu tư là các tổ chức tín dụng, nhằm tránh trường hợp bên vay sử dụng vốn một cách tuỳ tiện vào các mục đích phiêu lưu, mạo hiểm. Mặt khác, để bảo đảm lợi ích của cả hai bên và đảm bảo cho đồng vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả, pháp luật cũng cho phép trong thời gian sử dụng vốn, các bên có quyền thỏa thuận lại về mục đích sử dụng vốn vay mỗi khi xét thấy thời cơ và điều kiện sử dụng vốn đã thay đổi.

- Điều khoản về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng: Đây là điều khoản mang tính chất thường lệ, theo đó các bên có quyền thỏa thuận về biện pháp giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng, hòa giải, hoặc lựa chọn cơ quan tài phán sẽ giải quyết tranh chấp cho mình. Nếu trong hợp đồng tín dụng không ghi điều khoản này, có nghĩa là các bên không thoả thuận thì việc xác định thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng đó sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2- Giao kết hợp đồng tín dụng

Giao kết hợp đồng tín dụng là quá trình mang tính chất kỹ thuật nghiệp vụ - pháp lí do các bên thực hiện theo trình tự luật định. Việc giao kết hợp đồng tín dụng được thực hiện theo trình tự sau đây:

- Đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng: Đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng là hành vi pháp lí do một bên thực hiện dưới hình thức văn bản chính thức gửi cho bên kia, với nội dung thể hiện ý chí mong muốn được giao kết hợp đồng tín dụng. Thông thường, bên đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn và văn bản đề nghị chính là đơn xin vay, được gửi kèm theo các giấy tờ tài liệu chứng minh tư cách chủ thể và khả năng tài chính hay phương án sử dụng vốn vay. Các tài liệu này do bên vay gửi cho tổ chức tín dụng để xem xét, thẩm định và được coi như bằng chứng đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng. Thực tiễn giao kết hợp đồng tín dụng ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, có nhiều trường hợp bên chủ động đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng lại chính là tổ chức tín dụng chứ không phải khách hàng. Phương thức này được một số tổ chức tín dụng chủ động thực hiện nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tín dụng.

Những tổ chức tín dụng đã từng đi tiên phong trong việc lựa chọn phương thức này chính là các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trong trường hợp này, văn bản đề nghị là thư chào mời được tổ chức tín dụng gửi cho các tổ chức, cá nhân có khả năng tài chính mạnh, có uy tín trên thương trường và có nhu cầu vay vốn thường xuyên (gọi là những khách hàng tiềm năng) mà tổ chức tín dụng lựa chọn là bên đối tác. Trong thư chào mời, bên đề nghị (tổ chức tín dụng) thường đưa ra những điều kiện có tính chất tổng quát nhất kèm theo những ước khoản cụ thể để cho bên kia xem xét chấp nhận. Tuy nhiên, do thư chào mời có thể không nhất thiết phải là văn bản dự thảo hợp đồng (vì bên gửi thư chào mời đã lưu ý rằng thư chào mời đó không phải là dự thảo hợp đồng nhằm tránh các rủi ro pháp lí cho phía họ) nên trong thực tế, nếu bên tiếp nhận thư chào mời có hành vi chấp nhận toàn bộ nội dung của thư chào mời đó thì không vì thế mà hợp đồng tín dụng được coi là đã hình thành.

- Thẩm định hồ sơ tín dụng: Thẩm định hồ sơ tín dụng là tất cả những hành vi mang tính nghiệp vụ-pháp lí do tổ chức tín dụng thực hiện nhằm xác định mức độ thỏa mãn các điều kiện vay vốn đối với bên vay, trên cơ sở đó mà quyết định cho vay hay không. Trong thực tế giao dịch ngân hàng, việc thẩm định hồ sơ tín dụng thường do các nhân viên chuyên trách của tổ chức tín dụng thực hiện và kết thúc bằng việc lập báo cáo thẩm định hồ sơ tín dụng. Báo cáo này được trình lên cho người quản lí có thẩm quyền của tổ chức tín dụng quyết định về việc có cho vay hay không. Do tính đặc biệt quan trọng của giai đoạn này trong cả quá trình từ cho vay đến thu nợ nên pháp luật đòi hỏi bên cho vay là tổ chức tín dụng phải triệt để tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính độc lập, phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới giữa khâu thẩm định và khâu quyết định cho vay. Sau khi đã thẩm định hồ sơ tín dụng của khách hàng, bên cho vay có toàn quyền quyết định việc chấp nhận hoặc từ chối cho vay, dựa vào kết quả thẩm định, phân tích và điều tra tín dụng đối với khách hàng. Trong trường hợp từ chối cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản và phải nêu rõ lí do từ chối cho vay. Việc từ chối cho vay không có căn cứ xác đáng có thể là lí do để khách hàng thực hiện hành vi đối kháng với tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng là hành vi pháp lí do bên nhận đề nghị (thông thường là tổ chức tín dụng) thực hiện dưới hình thức văn bản chính thức gửi cho bên kia (bên gửi đề nghị hợp đồng) với nội dung thể hiện sự đồng ý giao kết hợp đồng tín dụng. Trên phương diện lí thuyết, việc một bên chấp nhận vô điều kiện văn bản đề nghị hợp đồng của bên kia có thể làm phát sinh hợp đồng giữa họ với nhau, nếu trong văn bản đề nghị đã hội đủ các điều khoản cốt yếu của chủng loại hợp đồng mà họ mong muốn ký kết. Tuy nhiên, do hợp đồng tín dụng vốn có ảnh hưởng sâu sắc và mang tính dây chuyền đối với hệ thống tín dụng và cả đối với nền kinh tế trong một quốc gia nên các luật gia cho rằng việc giao kết hợp đồng tín dụng cần phải được thực hiện hết sức cẩn trọng và có suy xét, cân nhắc, tính toán một cách kỹ lưỡng và thấu đáo. Quan niệm này là cơ sở để pháp luật dự liệu những quy tắc riêng dành cho thủ tục ký kết hợp đồng tín dụng, theo đó hành vi chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng chỉ có giá trị như một lời tuyên bố đồng ý ký kết hợp đồng chứ không thể thay thế cho việc giao kết hợp đồng chính thức giữa các bên. Điều này có nghĩa rằng việc giao kết hợp đồng tín dụng chỉ được xem là hoàn thành sau khi các bên đã trải qua giai đoạn thương lượng, đàm phán trực tiếp các điều khoản của hợp đồng và người đại diện có thẩm quyền của các bên đã trực tiếp ký tên vào văn bản hợp đồng tín dụng.

- Đàm phán các điều khoản của hợp đồng tín dụng: Đây là giai đoạn cuối cùng, cũng là giai đoạn trọng tâm của quá trình giao kết hợp đồng tín dụng. Trong giai đoạn này, các bên gặp nhau để đàm phán các điều khoản của hợp đồng tín dụng. Giai đoạn này được coi là kết thúc khi đại diện của các bên đã chính thức ký tên vào văn bản hợp đồng tín dụng.

3- Hiệu lực của hợp đồng tín dụng

Vấn đề hiệu lực của hợp đồng tín dụng có thể được xem xét ở ba khía cạnh sau đây:

a) Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng tín dụng

Dựa trên các quy định chung về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng tín dụng với tư cách là loại hình giao dịch dân sự đặc thù chỉ có hiệu lực khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Chủ thể tham gia hợp đồng tín dụng phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự: Đối với chủ thể của hợp đồng tín dụng là tổ chức thì người đại diện cho tổ chức đó cũng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.

- Có sự đồng thuận ý chí giữa các bên cam kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và tự do ý chí: Một hợp đồng tín dụng được coi là không có sự đồng thuận và tự do ý chí khi sự thoả thuận đó giữa các bên bị các khiếm khuyết như sự nhầm lẫn; sự lừa dối, lường gạt hoặc sự ép buộc, cưỡng bức trong khi giao kết hợp đồng. Trên nguyên tắc, không phải mọi sự nhầm lẫn, lừa dối, lừa gạt hoặc cưỡng bức, ép buộc của một bên đối với bên kia đều dẫn đến hậu quả làm cho hợp đồng tín dụng vô hiệu mà các khuyết tật này phải có ảnh hưởng mang tính quyết định đến ý chí giao kết hợp đồng của các bên thì mới được coi là sự kiện pháp lí làm cho hợp đồng tín dụng vô hiệu.

- Mục đích và nội dung của hợp đồng tín dụng không trái pháp luật và đạo đức xã hội: Tính hợp pháp về mục đích tham gia giao dịch thể hiện ở chỗ, mục đích cho vay và mục đích đi vay của các bên chủ thể hợp đồng nhất thiết phải được thể hiện rõ ràng trong nội dung của hợp đồng và các mục đích này không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tính hợp pháp về nội dung của hợp đồng tín dụng thể hiện ở chỗ, các điều khoản của hợp đồng tín dụng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.
Riêng đối với hình thức của hợp đồng tín dụng, việc ký kết hợp đồng phải theo hình thức mà pháp luật ngân hàng quy định. Đối với hợp đồng tín dụng, do tính chất rủi ro cao cho quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng này nên pháp luật ngân hàng đòi hỏi hình thức của hợp đồng tín dụng phải được xem là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Tính hợp pháp về hình thức của hợp đồng tín dụng thể hiện ở chỗ hợp đồng tín dụng phải được ký kết bằng văn bản hay tài liệu giao dịch hợp thức và có giá trị chứng cứ chứng minh nội dung cam kết của các bên.

b) Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tín dụng

Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tín dụng là điểm mốc thời gian mà kể từ lúc đó quyền và nghĩa vụ pháp lí của các bên tham gia hợp đồng tín dụng bắt đầu phát sinh. Trên thực tế, pháp luật của từng nước có những quy định rất khác nhau về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tín dụng, tuỳ thuộc vào quan niệm của nhà làm luật coi hợp đồng tín dụng là hợp đồng thực tế hay hợp đồng ưng thuận. Chẳng hạn như ở Cộng hoà Pháp, do nhà làm luật quan niệm hợp đồng tín dụng là loại hợp đồng thực tế nên họ cho rằng thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tín dụng chính là thời điểm bên cho vay chuyển giao số tiền vay (đối tượng hợp đồng) cho bên vay. Với quan điểm này, việc chuyển giao tiền vay của người cho vay sang cho người vay không phải là nghĩa vụ pháp lí trong hợp đồng tín dụng mà bên cho vay phải thực hiện. Vì thế, nếu bên cho vay đã hứa sẽ cho vay mà sau đó lại không chuyển giao tiền vay (với tư cách là đối tượng hợp đồng) thì do đó hợp đồng tín dụng vẫn chưa hình thành và người hứa cho vay tiền cũng không phải gánh chịu một chế tài nào cả.

Còn ở Việt Nam, do nhà làm luật quan niệm hợp đồng tín dụng thuộc loại hợp đồng ưng thuận nên pháp luật quy định thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tín dụng chính là thời điểm các bên đã thoả thuận xong các điều khoản của hợp đồng và bên sau cùng đã ký tên, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng tín dụng. Theo quy định này, việc chuyển giao tiền vay (giải ngân) là nghĩa vụ hợp đồng của bên cho vay và nếu họ không thực hiện đúng nghĩa vụ này mà lại gây thiệt hại tính được thành tiền cho bên vay thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt vi phạm hợp đồng và chịu cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

c) Sự vô hiệu của hợp đồng tín dụng và các hậu quả pháp lí của sự vô hiệu

Trong khoa học pháp lí, người ta thừa nhận nguyên tắc có tính tổng quát là hợp đồng tín dụng đương nhiên vô hiệu (vô hiệu tuyệt đối) hoặc có thể bị coi là vô hiệu (vô hiệu tương đối) khi giao dịch đó không thoả mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực do luật định. Trong thực tế, do mức độ vi phạm các điều kiện có hiệu lực có thể khác nhau nên sự vô hiệu của hợp đồng tín dụng cũng cần phải được xem xét ở những mức độ khác nhau (bao gồm trường hợp vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối) để từ đó xác định mức độ đối xử của Nhà nước đối với từng trường hợp vô hiệu cụ thể.
Hợp đồng tín dụng bị coi là vô hiệu tuyệt đối khi mục đích, nội dung và hình thức của hợp đồng vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội và phương hại đến lợi ích chung. Khi đó, bất kì ai quan tâm (chứ không chỉ là các bên ký kết hợp đồng) đều có quyền yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng tín dụng vô hiệu và thời hạn thực hiện quyền yêu cầu này là không hạn chế.Trong trường hợp vô hiệu tuyệt đối của hợp đồng tín dụng, các hậu quả pháp lí xảy ra cho sự vô hiệu này là: hợp đồng không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm kí kết; các bên phải phục hồi tình trạng ban đầu như trước khi ký kết hợp đồng.

Hợp đồng tín dụng bị coi là vô hiệu tương đối khi chủ thể tham gia hợp đồng không có năng lực hành vi dân sự hoặc hợp đồng được ký kết không có sự tự nguyện và đồng thuận giữa các bên ký kết hoặc hình thức của hợp đồng tuy không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng hợp đồng đã được các bên thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Đối với trường họp này, do việc ký kết hợp đồng tín dụng chỉ phương hại đến lợi ích riêng của các bên ký kết chứ không vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc không phương hại đến trật tự công, lợi ích công nên Nhà nước cần phải tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, bằng cách chỉ tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng khi nhận được yêu cầu của các bên hoặc của một bên có quyền lợi bị phương hại hoặc tạo cơ hội cho các bên tự khắc phục các vi phạm dẫn đến nguy cơ hợp đồng bị vô hiệu.

Với trường hợp này, chỉ khi nào đã hết thời hạn cho phép để khắc phục các vi phạm đó nhưng các bên không thể khắc phục được thì khi đó, theo yêu cầu của bên có quyền lợi bị phương hại, Toà án mới chính thức tuyên bố hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, về nguyên tắc, bên có lỗi trong việc tạo ra nguy cơ vô hiệu của hợp đồng tín dụng sẽ không có quyền đưa ra yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng tín dụng. Quy định này nhằm tránh nguy cơ “trục lợi” của một bên từ việc ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng. Điều này có nghĩa là chỉ bên không có lỗi hoặc bên có quyền lợi bị vi phạm mới có quyền đưa ra yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng tín dụng vô hiệu. Theo quy định hiện hành, thời hạn thực hiện quyền yêu cầu đối với trường hợp vô hiệu tương đối của giao dịch dân sự là hai năm, kể từ ngày giao dịch được xác lập. Sau khi toà án đã tuyên bố hợp đồng tín dụng bị vô hiệu theo yêu cầu của các bên, hậu quả pháp lí xảy ra cũng giống như đối với hợp đồng tín dụng bị vô hiệu tuyệt đối, nghĩa là việc ký kết hợp đồng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lí cho các bên và chính các bên sẽ phải tự thu xếp hoàn trả lại cho nhau tất cả những gì đã nhận, đúng như tình trạng lúc ban đầu khi hợp đồng tín dụng chưa được ký kết.

Ngoài ra, trong quá trình cầm giữ tài sản nếu người cầm giữ có hành vi gây thiệt hại cho tài sản của bên kia với lỗi xác định thì họ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại vật chất đã xảy ra cho bên bị thiệt hại. Trong trường hợp hợp đồng tín dụng bị vô hiệu mà những thiệt hại xảy ra cho mỗi bên là do lỗi của người đó thì chính họ sẽ phải tự gánh chịu các hậu quả thiệt hại đó chứ không thể yêu cầu bên kia bồi thường.

0 bình luận, đánh giá về Nội dung, giao kết và hiệu lực của hợp đồng tín dụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.27685 sec| 1007.453 kb