Pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng

23/02/2023
Giao dịch cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, chủ thể tham gia bao gồm bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên đi vay (tổ chức, cá nhân có đủ những điều kiện do luật định). Các chủ thể này khi tham gia giao dịch cho vay cần phải thỏa mãn những điều kiện nhất định theo sự dự liệu của pháp luật. Việc quy định các điều kiện chủ thể đối bên vay và bên cho vay không chỉ nhằm tạo cơ sở pháp lí cho sự đánh giá hiệu lực của hợp đồng tín dụng, mà còn góp phần nâng cao kỹ năng giao kết hợp đồng tín dụng cũng như củng cố kỷ luật hợp đồng đối với các chủ thể tham gia giao dịch cho vay.


 

I- Chủ thể tham gia giao dịch cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Trong giao dịch cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, chủ thể tham gia bao gồm bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên đi vay (tổ chức, cá nhân có đủ những điều kiện do luật định). Các chủ thể này khi tham gia giao dịch cho vay cần phải thỏa mãn những điều kiện nhất định theo sự dự liệu của pháp luật. Việc quy định các điều kiện chủ thể đối bên vay và bên cho vay không chỉ nhằm tạo cơ sở pháp lí cho sự đánh giá hiệu lực của hợp đồng tín dụng, mà còn góp phần nâng cao kỹ năng giao kết hợp đồng tín dụng cũng như củng cố kỷ luật hợp đồng đối với các chủ thể tham gia giao dịch cho vay.

1- Bên cho vay

Trong quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, bên cho vay thông thường là tổ chức tín dụng có đủ những điều kiện do pháp luật quy định. Ngoài ra, các tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng nếu được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện hoạt động tín dụng thì cũng có thể là bên cho vay và cũng phải thoả mãn các điều kiện chủ thể giống như đối với bên cho vay là tổ chức tín dụng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, một tổ chức tín dụng muốn trở thành chủ thể cho vay phải thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng nhà nước cấp.
b) Có điều lệ do Ngân hàng nhà nước chuẩn y.
c) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp pháp.
d)Có người đại diện đủ năng lực và thẩm quyền để giao kết hợp đồng tín dụng với khách hàng.

Riêng đối với các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, muốn trở thành chủ thể cho vay thì chỉ cần thoả mãn các điều kiện như có giấy phép hoạt động ngân hàng, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có người đại diện hợp pháp. Trong giấy phép hoạt động ngân hàng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của loại tổ chức này phải ghi rõ hoạt động cho vay là hoạt động ngân hàng được phép thực hiện. Việc pháp luật quy định những điều kiện này đối với bên cho vay không chỉ góp phần hạn chế, loại trừ những tổ chức tín dụng không đủ tiêu chuẩn kinh doanh trên thương trường, nhờ đó góp phần lành mạnh hoá các quan hệ tín dụng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư mà còn là căn cứ để các luật gia hay các thẩm phán, trọng tài viên tiến hành thẩm định và đánh giá một cách khách quan vấn đề hiệu lực pháp lí của hợp đồng tín dụng.

2- Bên vay

Bên vay là tổ chức, cá nhân thoả mãn các điều kiện vay vốn do pháp luật quy định và những điều kiện khác do các bên thỏa thuận. Thông thường, những điều kiện chung sẽ do pháp luật quy định và được áp dụng cho mọi khách hàng vay trong mọi trường hợp, không phân biệt họ là tổ chức hay cá nhân. Còn những điều kiện riêng sẽ do các bên tự thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và bên vay chỉ bắt buộc phải thỏa mãn những điều kiện này khi chúng được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng như điều kiện để giao kết hợp đồng tín dụng.
Theo quy định của pháp luật, mọi khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện chung sau đây:

Thứ nhất, bên vay phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.

Đối với trường hợp bên vay là tổ chức thì tổ chức đó phải có năng lực pháp luật dân sự, còn người đại diện hợp pháp cho tổ chức phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Đối với trường hợp bên vay là cá nhân thì chính cá nhân đó phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Theo quy trình nghiệp vụ cho vay, khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng, bên cho vay phải kiểm tra, xác minh điều kiện này trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu làm bằng chứng do khách hàng xuất trình như quyết định thành lập tổ chức, điều lệ của tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức (đối với người vay là tổ chức) hoặc chứng minh thư nhân dân, giấy xác nhận về hộ tịch, hộ khẩu, lí lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với người vay là cá nhân).

Thứ hai, mục đích sử dụng vốn của bên vay phải hợp pháp.

Đây cũng là điều kiện bắt buộc phải thỏa mãn đối với mọi chủ thể có nhu cầu vay vốn của tổ chức tín dụng và điều kiện này phải được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng như một điều khoản chủ yếu của hợp đồng này. Ngoài những điều kiện chung nêu trên, người vay còn có thể phải thoả mãn những điều kiện riêng khác nữa do tổ chức tín dụng yêu cầu trong từng hợp đồng tín dụng cụ thể. Những điều kiện này chỉ có tính bắt buộc phải thỏa mãn đối với bên vay khi tổ chức tín dụng yêu cầu. Theo quy định của pháp luật hiện hành,các điều kiện này bao gồm:

Một là bên vay có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết;

Hai là bên vay phải có phương án sử dụng vốn khả thi, hiệu quả;

Ba là bên vay phải có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc có bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba trên cơ sở hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh.

II- Hợp đồng tín dụng - hình thức pháp lí của quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được xác lập và thực hiện thông qua công cụ pháp lí là hợp đồng tín dụng.

1- Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng là thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (gọi là bên cho vay) với khách hàng là tổ chức, cá nhân (gọi là bên vay), theo đó tổ chức tín dụng thỏa thuận ứng trước một số tiền cho khách hàng sử dụng trong một thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi, dựa trên sự tín nhiệm. Với định nghĩa này, hợp đồng tín dụng bao gồm hai yếu tố:

- Về phương diện hình thức, sự thoả thuận giữa tổ chức tín dụng (bên cho vay) với khách hàng (bên đi vay) phải được thể hiện bằng văn bản.
- Về phương diện nội dung, bên cho vay thỏa thuận để bên vay được sử dụng một số tiền của mình trong thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả, dựa trên sự tín nhiệm.

Ngoài những đặc điểm chung của mọi loại hợp đồng, hợp đồng tín dụng còn có một số đặc trưng sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể, một bên tham gia hợp đồng tín dụng bao giờ cũng là tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện luật định với tư cách là bên cho vay. Còn chủ thể bên kia (bên vay) có thể là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác thỏa mãn những điều kiện vay vốn do pháp luật hoặc do tổ chức tín dụng quy định.

Thứ hai, đối tượng của hợp đồng tín dụng là tiền (bao gồm tiền mặt và bút tệ), về nguyên tắc, đối tượng của hợp đồng tín dụng bao giờ cũng phải là một số tiền xác định và phải được các bên thỏa thuận, ghi rõ trong văn bản hợp đồng.

Thứ ba, hợp đồng tín dụng vốn chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn cho quyền lợi của bên cho vay. Sở dĩ như vậy là vì theo cam kết trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau thời hạn nhất định. Thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro và bất trắc càng lớn và vì thế tổ chức tín dụng càng phải quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro, đồng thời phải quy định lãi suất cho vay cao hơn nhằm thu hồi đủ các chi phí bỏ ra cho việc quản lí các khoản cho vay dài hạn vốn có mức độ rủi ro cao.

Thứ tư, về cơ chế thực hiện quyền và nghĩa vụ. Trong hợp đồng tín dụng, nghĩa vụ chuyển giao tiền vay (nghĩa vụ giải ngân) của bên cho vay bao giờ cũng phải được thực hiện trước, làm cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên vay. Do đó, chỉ khi nào bên cho vay chứng minh được rằng họ đã chuyển giao tiền vay theo đúng hợp đồng tín dụng cho bên vay thì khi đó họ mới có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện các nghĩa vụ đối với mình (bao gồm các nghĩa vụ chính như sử dụng tiền vay đúng mục đích; nghĩa vụ hoàn trả tiền vay đúng hạn cả gốc và lãi...).

2- Hình thức của hợp đồng tín dụng

Theo quy định hiện hành của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, tuy không có điều khoản nào trực tiếp, quy định rằng hợp đồng tín dụng phải được ký kết bằng văn bản nhưng thực tế cho thấy các tổ chức tín dụng luôn kí kết hợp đồng tín dụng với khách hàng bằng hình thức văn bản. Sở dĩ như vậy là bởi việc ký kết hợp đồng tín dụng bằng văn bản có những ưu điểm sau đây:

Một là hợp đồng tín dụng được ký kết bằng văn bản sẽ tạo ra bằng chứng cụ thể cho việc thực hiện hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng.

Hai là việc ký kết hợp đồng tín dụng bằng văn bản thực chất là một sự công bố công khai, chính thức về mối quan hệ pháp lí giữa những người lập ước để cho người thứ ba biết rõ về việc lập ước đó mà có những phương cách xử sự hợp lí, an toàn trong trường hợp cần thiết.

Ba là việc ký kết hợp đồng tín dụng bằng văn bản mới có thể khiến cho các cơ quan có trách nhiệm của chính quyền thi hành công vụ được tốt hơn. Chẳng hạn như việc thu thuế, lệ phí, kiểm tra, thanh tra tài chính, kiểm soát hoạt động thương mại của các chủ thể kinh doanh trên thương trường.

Theo quy định hiện hành, văn bản hợp đồng tín dụng được hiểu bao gồm văn bản viết và văn bản điện tử. Hợp đồng tín dụng được xác lập thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản Các văn bản hợp đồng điện tử được coi là có giá trị pháp lí như văn bản hợp đồng viết và có giá trị chứng cứ trong quá trình giao dịch.
Việc pháp luật quy định mọi hợp đồng tín dụng phải được ký kết bằng văn bản cùng với sự chấp nhận hai hình thái vật chất nói trên của văn bản hợp đồng tín dụng có thể xem là những nỗ lực rất đáng kể của các nhà lập pháp nhằm bảo đảm sự an toàn pháp lí cho các bên tham gia hợp đồng tín dụng.

0 bình luận, đánh giá về Pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.63202 sec| 979.305 kb