Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
1- Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)
Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi là ‘CISG’) do Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (‘UNCITRAL’) soạn thảo và được thông qua tại Viên năm 1980. CISG được soạn thảo trên cơ sở nỗ lực xây dựng luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế, dựa trên hai công ước đã có trước đó:
[i] Công ước liên quan đến Luật thống nhất về giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Uniform Law on the Formation of Contracts for the International Sales ‘ULF’), và:
[ii] Công ước liên quan đến Luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế (Uniform Law on the International Sales of Goods - ‘ULIS’) đều được thông qua ở La Hay năm 1964. Tuy nhiên, hai công ước này không được sử dụng rộng rãi. Ngày nay, CISG đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu và được xem là công ước thành công nhất góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế. Kể từ khi CISG có hiệu lực vào ngày 1/1/1988, đến thời điểm ngày 1/8/2011, UNCITRAL báo cáo số lượng thành viên của CISG đã tăng lên 77 nước.
CISG bao gồm 101 điều khoản và được chia thành 4 phần:
- Phần I (từ Điều 1 đến Điều 13) quy định về phạm vi áp dụng Công ước và các điều khoản chung;
- Phần II (từ Điều 14 đến Điều 24) quy định về giao kết hợp đồng;
- Phần III (từ Điều 25 đến Điều 88) bao gồm các quy định thực chất điều chỉnh hợp đồng mua bán, trong đó quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, và các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng;
- Phần IV (từ Điều 89 đến Điều 101) quy định việc phê chuẩn và hiệu lực của Công ước, bao gồm cả quy định về bảo lưu Công ước.
Quy định bảo lưu Công ước rất quan trọng, vì một nước, khi quyết định có thông qua CISG hay không, luôn xem xét các quy định về bảo lưu. Các nước phê chuẩn Công ước có thể lựa chọn 3 cách sau để bảo lưu việc áp dụng Công ước: Thứ nhất, việc bảo lưu áp dụng Công ước có thể ngăn cấm việc áp dụng CISG.
Ví dụ, CISG có thể không được áp dụng trên toàn lãnh thổ của một nhà nước liên bang (Điều 93); CISG có thể không áp dụng giữa các nước đã có sự thỏa thuận có đi có lại về việc này; CISG không thể áp dụng khoản 1(b) Điều 1 mà chỉ áp dụng khoản 1(a) Điều 1. Thứ hai, việc bảo lưu nhằm hạn chế áp dụng CISG như quy định tại Điều 92, theo đó Phần II hoặc Phần III của Công ước được loại trừ. Điều này chứng tỏ CISG là một ‘công ước kép’, bao gồm cả ULF (điều chỉnh việc giao kết hợp đồng) và ULIS (quy phạm thực chất). Thứ ba, việc bảo lưu làm thay đổi nội dung của CISG. Ví dụ, bảo lưu việc áp dụng Điều 11, theo đó hợp đồng phải được giao kết bằng hình thức viết.
CISG thể hiện một số nội dung chính như sau: (1) Tiêu chí xác định một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG; (2) Phạm vi áp dụng CISG; (3) Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; (4) Nghĩa vụ của bên bán và bên mua; và (5) Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
[a] Tiêu chí xác định một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG
Điều 1 của CISG quy định về ‘trụ sở kinh doanh của các bên tham gia hợp đồng’ như là tiêu chí để xác định một hợp đồng là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, theo đó một hợp đồng được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nếu các bên tham gia ký kết hợp đồng có trụ sở kinh doanh tại các nước khác nhau, khi mà các nước này là thành viên của CISG, hoặc khi mà quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một nước thành viên của CISG. Như vậy, yếu tố quốc tịch hay tính chất thương mại hay dân sự của các bên trong hợp đồng không ảnh hưởng đến việc xác định ‘tính quốc tế’ của hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của CISG.
[b] Phạm vi áp dụng CISG
(i) CISG được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất, nếu có điều khoản chọn luật áp dụng dẫn chiếu tới CISG, thì CISG sẽ được áp dụng. Nếu cơ quan tài phán tôn trọng quyền tự do hợp đồng của các bên, thì các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể tự do lựa chọn CISG là luật điều chỉnh hợp đồng mua bán của họ.
Thứ hai, nếu các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận rõ ràng hoặc thỏa thuận ngầm về việc coi luật áp dụng cho hợp đồng là CISG, thì lúc đó CISG sẽ được áp dụng theo khoản 1 Điều 1.
Theo khoản 1(a) Điều 1, nếu không có quy phạm tư pháp quốc tế nào được áp dụng, thì CISG sẽ được áp dụng. Theo khoản 1(b) Điều 1, nếu các quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến luật của một nước ký kết, thì luật áp dụng sẽ là CISG.
(ii) CISG không được áp dụng trong ba trường hợp sau đây:
Thứ nhất, không được áp dụng CISG để điều chỉnh một số giao dịch nhất định theo quy định của Điều 2, từ (a) đến (d) - mua bán hàng tiêu dùng, hàng bán đấu giá, hoặc nhằm thực thi pháp luật hoặc quyền lực khác theo luật, và mua bán chứng khoán.
Thứ hai, không được áp dụng CISG để điều chỉnh một số giao dịch liên quan đến một số hàng hóa nhất định theo quy định tại Điều 2 từ (e) đến (f) và Điều 3 - tàu thuỷ, máy bay, điện, bất động sản; và các hợp đồng trong đó phần lớn nghĩa vụ của bên cung ứng hàng hóa là cung ứng lao động hoặc thực hiện các dịch vụ khác.
Thứ ba, không áp dụng CISG để điều chỉnh một số vấn đề quy định tại Điều 4 và Điều 5 - tính hiệu lực của hợp đồng, sự tác động có thể phát sinh từ hợp đồng đối với quyền sở hữu hàng hóa đối tượng của hợp đồng mua bán, trách nhiệm của người bán đối với thiệt hại mà hàng hóa gây ra cho bất kỳ người nào.
Xem thêm: Đăng ký bản quyền tác giả
[c] Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Theo CISG, hợp đồng mua bán quốc tế được giao kết ‘khi chấp nhận chào hàng có hiệu lực phù hợp với các quy định của Công ước. Điều này có nghĩa là CISG chấp nhận mô hình cổ điển về trao đổi chào hàng và chấp nhận chào hàng, và không đòi hỏi thêm các yếu tố khác như hình thức hợp đồng, hay sự ‘cân nhắc lợi ích’ (‘consideration’).
(i) Chào hàng
Một chào hàng là sự thể hiện rõ ràng ý chí của người chào hàng (muốn tự ràng buộc mình), được gửi đến cho một hay nhiều người xác định. Một lời đề nghị không được gửi đến cho một hay nhiều người xác định, chỉ có thể được coi là chào hàng, nếu điều này đã được biểu thị rõ ràng bởi người đưa ra chào hàng. CISG không yêu cầu nhất thiết phải ấn định giá cả thì hợp đồng mới có hiệu lực.
Một chào hàng được coi là đủ chính xác, khi bao gồm các điều khoản ấn định giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Việc gửi bảng giá, ca-ta-lô và đặt quảng cáo, cũng như các việc tương tự khác, về nguyên tắc, không phải là chào hàng. Chào hàng có hiệu lực khi nó tới nơi người được chào hàng. Chào hàng, dù là loại chào hàng không thể bị huỷ (‘irrevocable’), sẽ mất hiệu lực khi người chào hàng nhận được thông báo về việc từ chối chào hàng.
Theo khoản 2 Điều 15, người chào hàng vẫn có thể thu hồi chào hàng, nếu thông báo thu hồi chào hàng đến được người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng. Điều này được áp dụng đối với cả chào hàng không thể bị huỷ. Hơn nữa, người chào hàng vẫn có thể huỷ chào hàng sau khi chào hàng đã đến người được chào hàng, nhưng trước khi bên được chào hàng chấp nhận lời chào hàng.
Quy định về việc huỷ chào hàng xuất hiện như một sự thoả hiệp sau các cuộc thảo luận dai dẳng giữa đại diện của các hệ thống common law và civil law. Việc huỷ chào hàng, về cơ bản, không có gì khác so với quy định vốn có của hệ thống common law. Không thể huỷ chào hàng, nếu đó là chào hàng không thể bị huỷ (được thể hiện một cách rõ ràng hay ẩn ý), hoặc nếu bên được chào hàng đã tiến hành hoạt động theo chào hàng.
(ii) Chấp nhận chào hàng
Bằng việc chấp nhận chào hàng, người được chào hàng thể hiện sự đồng ý của mình đối với chào hàng. Ngay khi người chào hàng nhận được sự đồng ý đối với chào hàng, thì chấp nhận chào hàng sẽ có hiệu lực và hợp đồng được giao kết. Các hành vi của người chấp nhận chào hàng, ví dụ như giao hàng hay thanh toán tiền, có thể biểu lộ sự chấp nhận chào hàng gián tiếp. Điều này có thể xảy ra khi chào hàng đã thể hiện rõ là cho phép việc chấp nhận chào hàng như vậy, hoặc việc chấp nhận chào hàng gián tiếp đã trở thành tập quán, hoặc điều đó phù hợp với tập quán thương mại.
Hợp đồng sau đó sẽ có hiệu lực tại thời điểm chấp nhận chào hàng gián tiếp. Tuy nhiên, sự im lặng hoặc không hành động tự nó không được coi là chấp nhận chào hàng. Một chấp nhận chào hàng thông thường sẽ không có hiệu lực, nếu chấp nhận chào hàng đó không đến được người chào hàng trong một khoảng thời gian hợp lý, hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Chấp nhận chào hàng có thể được rút lại, nếu việc rút lại chấp nhận chào hàng đến người chào hàng cùng lúc, hoặc trước khi chấp nhận chào hàng có hiệu lực.
Nếu chấp nhận chào hàng đến muộn, người chào hàng có thể chấp nhận điều này, nhưng phải thông báo cho người được chào hàng trong thời gian sớm nhất có thể. Ngược lại, nếu chấp nhận chào hàng đến muộn (ví dụ điển hình như các vấn đề về giao hàng, bưu chính đình công...), nhưng lẽ ra là đến kịp trong điều kiện bình thường, thì người chào hàng ngay lập tức phải thông báo cho người được chào hàng, nếu người chào hàng không chấp nhận điều này.
Một chấp nhận chào hàng làm thay đổi chào hàng ban đầu, thông thường sẽ là ‘chào hàng ngược’, ‘chào hàng đối’, ‘chào hàng mới’ hay ‘hoàn giá chào’ (‘counter-offer’), nếu những thay đổi/sửa đổi đó là cơ bản. Sau đó, ‘chào hàng mới’ này phải được người chào hàng ban đầu chấp nhận.
Xem thêm: Thỏa thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động
[d] Nghĩa vụ của bên mua và bên bán
Về nguyên tắc, nghĩa vụ của bên mua và bên bán được xác định theo hợp đồng và theo CISG, với tư cách luật áp dụng cho hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 9, các bên bị ràng buộc bởi bất kỳ tập quán nào mà họ đã thỏa thuận, hoặc bởi bất kỳ thói quen nào mà họ đã thiết lập. Do đó, bên mua và bên bán phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng, theo CISG, và các thói quen và tập quán. Theo CISG, bên mua và bên bán phải tuân theo các nghĩa vụ sau:
(i) Nghĩa vụ của bên bán
- Bên bán phải giao hàng phù hợp và không phụ thuộc vào bên thứ ba
Giao hàng là sự bàn giao thực tế hàng hóa cho bên mua. Nếu không có thỏa thuận nào về nơi giao hàng, thì bên bán, về nguyên tắc, phải giao hàng tại nơi bên bán có địa điểm/trụ sở kinh doanh tại thời điểm giao kết hợp đồng. Bên bán phải giao hàng vào ngày đã được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc được hiểu ngầm trong hợp đồng. Nếu ngày giao hàng không được ấn định, thì nguyên tắc về sự hợp lý sẽ được áp dụng.
Hàng hóa được giao phải phù hợp. Tính phù hợp của hàng hóa được hiểu là hàng hóa phải đúng chất lượng, số lượng và mô tả ghi trong hợp đồng và được đóng gói theo cách thức đã được yêu cầu rõ ràng trong hợp đồng, hoặc như khi bán hàng mẫu.
Thêm vào đó, bên bán phải giao những hàng hóa không bị phụ thuộc vào bất cứ quyền hạn hay khiếu nại nào của bên thứ ba, trừ trường hợp người mua đồng ý nhận loại hàng bị phụ thuộc vào quyền hạn và khiếu nại như vậy. Bên bán phải bảo vệ bên mua không chỉ để chống lại những khiếu nại đủ căn cứ, mà còn cả những khiếu nại thiếu căn cứ. Bên mua phải thông báo cho bên bán trong một khoảng thời gian hợp lý về sự tồn tại của bất kỳ quyền hạn hay khiếu nại nào, trừ khi bên bán đã biết về điều đó. CISG có quy định riêng đối với hàng hóa là đối tượng khiếu nại liên quan đến IPRs.
- Bên bán phải giao các tài liệu, chứng từ liên quan đến hàng hóa được giao.
(ii) Nghĩa vụ của bên mua
- Bên mua phải nhận hàng: Việc nhận hàng có quan hệ chặt chẽ với việc chuyển giao rủi ro. Bên mua phải làm tất cả mọi việc để việc giao hàng có thể diễn ra. Do đó, bên mua, nếu cần thiết, phải thông báo cho bên bán địa điểm giao hàng cụ thể. Bên mua phải thật sự sở hữu hàng hóa. Về nguyên tắc, rủi ro được chuyển giao tại nơi giao nhận hàng. Nếu bên mua không nhận hàng, thì sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng. Điều này có thể sẽ khiến bên mua phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào xảy ra đối với hàng hóa. Vấn đề chuyển giao rủi ro được quy định tại các điều từ Điều 66 đến Điều 70. Chuyển giao rủi ro liên quan đến hợp đồng, bao gồm vận tải, được quy định tại Điều 67; nếu liên quan đến hàng hóa quá cảnh, thì xem quy định tại Điều 68.
- Bên mua phải thanh toán tiền hàng: Thanh toán tiền hàng là nghĩa vụ chính của bên mua. Nghĩa vụ thanh toán bao gồm 4 yếu tố chính: Xác định giá hàng; Nơi thanh toán; Thời điểm thanh toán; và Phương thức thanh toán. Các yếu tố này thông thường đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng, các yếu tố này có thể vẫn có những sự mơ hồ, khó hiểu. Trong trường hợp đó, các quy định bổ sung của CISG sẽ được áp dụng. Vì vậy, trừ khi hợp đồng quy định khác đi, bên mua phải thanh toán tại trụ sở kinh doanh của bên bán hoặc tại nơi giao hàng, mà không cần phải thông báo khi nào hàng hóa hoặc tài liệu, chứng từ thuộc quyền kiểm soát của bên mua. Thủ tục thanh toán cũng là trách nhiệm của bên mua.
[đ] Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nếu một bên vi phạm hợp đồng, bên kia có thể áp dụng các biện pháp khắc phục đã được thống nhất trong hợp đồng, hoặc đã được quy định trong CISG. Cần phải ghi nhớ rằng việc áp dụng các biện pháp khắc phục trong CISG phụ thuộc vào việc liệu đã xảy ra vi phạm hợp đồng hay chưa. Tiếc rằng, CISG lại không định nghĩa thế nào là vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, vi phạm hợp đồng có thể được hiểu thông qua hệ thống các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng theo quy định của CISG và khoản 1 Điều 79, theo đó ‘vi phạm hợp đồng’ bao gồm tất cả các hình thức thực hiện không đúng, cũng như hoàn toàn không thực hiện hợp đồng. Nghĩa vụ theo hợp đồng có thể hoặc là được xác định rõ ràng trong CISG (ví dụ: Giao hàng đúng thời gian, đúng địa điểm và giao đúng hàng, v.v..), hoặc là được thiết lập và xác định bởi các bên.
Bên cạnh đó, để lựa chọn biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng, việc biết được liệu một vi phạm có được coi là ‘vi phạm hợp đồng cơ bản’ hay không, rất quan trọng. Một vi phạm hợp đồng cơ bản bao gồm hai yếu tố: (i) Phải có sự thiệt hại đáng kể, làm cho bên chịu thiệt hại mất đi những gì anh ta có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng; (ii) Có thể tiên liệu được hậu quả của vi phạm. Do đó, việc của bên vi phạm là phải chứng minh được rằng anh ta, hay bất kỳ người nào có lí trí bình thường, không thể tiên liệu được hậu quả, khi ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự.
(i) Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng được áp dụng bởi bên mua:
Nếu bên bán không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình, bên mua có thể, tùy hoàn cảnh cụ thể, áp dụng một số biện pháp khắc phục như sau:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng;
- Gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ;
- Tuyên bố huỷ hợp đồng, yêu cầu được thông báo theo Điều 26;
- Giảm giá;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục đối với việc chỉ giao hàng từng phần, hoặc giao hàng không phù hợp;
- Bồi thường thiệt hại.
Trước khi áp dụng các biện pháp khắc phục nêu trên, bên mua cũng có thể gia hạn cho bên bán để bên bán thực hiện nghĩa vụ của mình. Khi nhận thấy rõ ràng rằng bên bán sẽ không hoàn thành các nghĩa vụ của mình, bên mua có thể tạm ngừng hoặc huỷ hợp đồng, kể cả đó là vi phạm cơ bản ban đầu. Số tiền bồi thường thiệt hại được xác định trên cơ sở mức độ thiệt hại, bao gồm cả lợi nhuận bị mất.
Cần phải lưu ý rằng trong trường hợp liên quan đến giao hàng không phù hợp/giao hàng sai, bên mua phải kiểm tra hàng hóa và thông báo về việc hàng không phù hợp trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu bên mua không thực hiện điều này, thì bên mua sẽ bị mất hoàn toàn quyền áp dụng các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng.
(ii) Biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng được áp dụng bởi bên bán
Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng được áp dụng bởi bên bán cũng giống như bởi bên mua: Bên bán cũng có thể yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng, tuyên bố huỷ hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại. Bên bán cũng có thể cho bên mua thêm thời gian thực hiện nghĩa vụ của mình. Cũng giống như bên mua, bên bán có thể ngừng thực hiện các nghĩa vụ của mình hoặc huỷ hợp đồng, nếu nhận thấy rõ ràng rằng bên mua sẽ không thực hiện các nghĩa vụ của mình.
CISG quy định các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng tương đương cho cả bên mua và bên bán. Hơn nữa, sự miễn trừ cũng áp dụng đối với cả hai bên. Điều này có nghĩa là bên mua hoặc bên bán không phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu việc đó là do có sự cản trở nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên mua hoặc bên bán, làm cho họ không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Sự cản trở này được hiểu là bất khả kháng, và không thực hiện được nghĩa vụ do hành động thiếu sót của bên kia. Hơn nữa, cả bên mua và bên bán đều phải cố gắng hạn chế thiệt hại cho đối tác kinh doanh của mình.
Nhìn chung, qua các điều khoản của CISG, có thể thấy rằng CISG dường như là một trong những minh chứng thành công nhất về việc thống nhất luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Xem thêm: Mẫu hợp đồng hôn nhân chi tiết
2- Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC)
Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (viết tắt là ‘PICC’) là một công cụ quan trọng khác của luật thương mại quốc tế, có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
Mục 1 dưới đây sẽ làm rõ hơn các nguyên tắc trên là gì và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của chúng đối với luật hợp đồng quốc tế nói chung. Mục B sẽ nghiên cứu phạm vi áp dụng của các nguyên tắc này đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
[a] Khái quát về PICC
UNIDROIT là tổ chức liên chính phủ, trụ sở tại Rô-ma (Ý), hoạt động như tên gọi của nó - hài hoà hoá pháp luật. Cùng với các sáng kiến khác, UNIDROIT giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra những cố gắng ban đầu nhằm hài hoà hoá pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Trong thời gian gần đây, PICC là một trong những thành quả nổi bật của UNIDROIT. Đề án được bắt đầu vào năm 1971. Bản dự thảo đầu tiên được soạn thảo công phu bởi ba luật sư danh tiếng trong lĩnh vực luật so sánh - Giáo sư R. Đa-vít (thuộc hệ thống civil law), Giáo sư C. Schmithoff (thuộc hệ thống common law), và Giáo sư T. Popescu (thuộc hệ thống luật xã hội chủ nghĩa).
Năm 1980, một Nhóm công tác đã tiếp tục công việc một cách hiệu quả và thành thạo dưới sự chủ trì của Giáo sư J. Bonell (Ý). Qua nhiều năm, các thành viên của Nhóm cũng thay đổi, tuy nhiên mối quan tâm hàng đầu luôn được đặt ra là cố gắng đảm bảo tính đại diện của các hệ thống luật pháp cơ bản trên toàn thế giới. Từ giai đoạn thứ hai của đề án, các quan sát viên đã được mời tham dự các cuộc họp, nhằm hướng đến lợi ích từ hoạt động phản biện của các tổ chức như Hội nghị La Hay, UNCTAD, Hiệp hội luật sư quốc tế (‘IBA’), ICC và các tổ chức trọng tài khác.
PICC là sự pháp điển hoá luật hợp đồng nói chung, mà chính các quy định này (còn được gọi là ‘black letter rules’ - ‘quy định cơ bản’) sẽ được bình luận và minh họa. Điểm cơ bản là Bộ nguyên tắc này không phải là dự thảo cho một công ước quốc tế trong tương lai, như CISG (xem nội dung ở trên). Bộ nguyên tắc này được coi như một công cụ ‘luật mềm’, không mang bất kỳ giá trị quy phạm nào - tương tự như INCOTERMS được soạn thảo bởi ICC. PICC được xuất bản đơn giản như một cuốn sách và bất kỳ ai quan tâm cũng có thể sử dụng các nội dung trong cuốn sách đó.
Những trường hợp có thể áp dụng và bản chất của PICC được đề cập trong Lời nói đầu:
Bộ nguyên tắc đưa ra các quy tắc chung dưới đây cho hợp đồng thương mại quốc tế.
Bộ nguyên tắc này được áp dụng khi các bên thỏa thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bằng Bộ nguyên tắc này.
Bộ nguyên tắc này có thể được áp dụng khi các bên thỏa thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bởi các nguyên tắc chung của pháp luật, ‘lex mercatoria’ hoặc cách diễn đạt tương tự như vậy.
Bộ nguyên tắc này có thể được áp dụng khi các bên không chọn luật điều chỉnh hợp đồng của họ.
Bộ nguyên tắc này có thể được sử dụng để bổ sung hoặc giải thích các văn bản luật quốc tế thống nhất.
Bộ nguyên tắc này có thể được sử dụng để bổ sung hoặc giải thích cho luật trong nước.
Bộ nguyên tắc này có thể được sử dụng làm mẫu cho các nhà làm luật quốc gia và quốc tế.
Sau khi xuất bản bản lần đầu tiên vào năm 1994, PICC đã nhanh chóng trở thành nguồn tham khảo chính. Trong giới hàn lâm, PICC cũng không hề bị thờ ơ mà ngày càng được quan tâm. Phải thừa nhận ở nhiều góc độ rằng, hầu hết các mục đích được đề cập trong Lời nói đầu đều đã đạt được.
Mặc dù việc thu thập dữ liệu chính xác về vấn đề này không phải dễ dàng, nhưng thực tế đã diễn ra việc các bên trong hợp đồng quốc tế lựa chọn PICC như là luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng của họ. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về việc các bên có nên hay không nên lựa chọn các quy phạm ‘luật mềm’ để thay thế cho việc áp dụng các quy phạm của hệ thống pháp luật quốc gia, khi sử dụng chúng với tư cách là luật áp dụng cho hợp đồng của họ.
Trong bất kỳ trường hợp nào, PICC cũng giữ vai trò quan trọng khi mà các bên quyết định rằng hợp đồng của họ sẽ chịu sự điều chỉnh của lex mercatoria hay tập quán thương mại quốc tế. Nhiều phán quyết, cơ bản là của tổ chức trọng tài chứ không phải các toà trong nước, đều nhắc đến PICC nhằm chứng minh cho nội dung của công thức chung này. Thực tiễn cũng cho thấy sự dẫn chiếu thường xuyên đến PICC còn nhằm để hỗ trợ cho phán quyết được đưa ra trên cơ sở luật quốc gia hoặc luật quốc tế.
Mặt khác, hiện nay PICC còn giữ vị trí hàng đầu trong số các động cơ thúc đẩy quá trình cải cách lập pháp đã và sẽ diễn ra ở một số nước, như Pháp, Đức, Nga, Lít-va, Ét-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Trong tổ chức OHADA của 16 nước châu Phi, theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng, bản dự thảo Đạo luật thống nhất về luật hợp đồng đã lấy PICC làm mẫu.
Hiện nay, một số hợp đồng mẫu được ICC cũng như Trung tâm thương mại quốc tế của WTO xây dựng cũng đưa ra lời khuyên cho các bên nên dẫn chiếu đến PICC để điều chỉnh những vấn đề chưa được đề cập trong hợp đồng mẫu.
Bản đầu tiên của PICC được xuất bản vào năm 1994. Bản thứ hai được xuất bản vào năm 2004 và đã bổ sung một số chương mới về quyền đại diện, quyền của bên thứ ba (set-off), nhượng quyền, chuyển giao nghĩa vụ, chuyển giao hợp đồng và thời hiệu. Bản thứ ba xuất bản vào năm 2010 đã mang đến sự đổi mới cơ bản trong các vấn đề về hiệu lực, bồi thường, điều kiện và hợp đồng nhiều bên.
PICC 2010 bao gồm 211 điều (trong khi đó chỉ có 120 điều ở bản năm 1994 và 185 điều ở bản năm 2004). Sau Lời nói đầu là 11 chương, bao gồm: (i) Điều khoản chung; (ii) Giao kết hợp đồng và quyền đại diện; (iii) Hiệu lực; (iv) Giải thích hợp đồng; (v) Nội dung, quyền của bên thứ ba và các điều kiện của hợp đồng; (vi) Thực hiện hợp đồng; (vii) Không thực hiện hợp đồng; (viii) Thực hiện bù nghĩa vụ (Set-off); (ix) Nhượng quyền, chuyển giao nghĩa vụ và chuyển giao hợp đồng; (x) Thời hiệu; (xi) Hợp đồng nhiều bên.
Những giá trị tương ứng của common law và civil law đối với việc thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phát triển là đối tượng của nhiều tranh cãi nảy lửa, được khơi mào trong các báo cáo Doing Business của Ngân hàng thế giới. Về khía cạnh này, PICC là một ‘sản phẩm’ độc đáo, ra đời từ sự hội tụ của nhiều nguồn cảm hứng đa dạng - phản ánh thành phần mang tính đại diện toàn cầu của Nhóm công tác. CISG, bản thân nó là sản phẩm của những cuộc tranh luận giữa đại diện của các hệ thống luật pháp khác nhau, cũng trở thành hình mẫu cho một số điều khoản trong PICC (xem nội dung dưới đây).
Điểm cuối cùng trong phần giới thiệu ngắn gọn này về PICC: Nhóm công tác thường xuyên quan tâm đến các nhu cầu và kì vọng của những nhà thực hành luật trong lĩnh vực hợp đồng quốc tế. PICC dành sự chú ý đặc biệt dành cho các điều khoản bị từ chối trong hoạt động pháp điển hoá quốc gia nói chung, nhưng lại xuất hiện vô cùng thường xuyên trong các hợp đồng thực tế.[89] Ví dụ: các điều từ Điều 2.1.2 đến Điều 2.1.22 của phần Giao kết hợp đồng,[90] cũng như các điều khoản về trở ngại (từ Điều 6.2.1. đến 6.2.3) và sự kiện bất khả kháng (Điều 7.1.7). Sự quan tâm rõ ràng đó đã góp phần giúp PICC trở thành nguồn tham khảo hấp dẫn đối với các bên tham gia hoạt động thương mại quốc tế.
Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
[b] PICC và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
PICC có thể giữ vai trò gì liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? Cụ thể, các nguyên tắc này có mối quan hệ thế nào tới các công cụ chuyên sâu hơn, như INCOTERMS và CISG, mà cả hai đều liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế?
Không giống như hai văn bản trên, PICC không được soạn thảo để điều chỉnh chuyên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. PICC là các quy phạm có thể áp dụng cho hợp đồng thương mại nói chung; chúng được xây dựng để điều chỉnh bất kỳ loại hợp đồng nào, không dành riêng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà áp dụng cho các loại hợp đồng đa dạng như hợp đồng cho thuê, hợp đồng xây dựng, hợp đồng phân phối, hợp đồng chuyển giao công nghệ hay hợp đồng cung ứng. PICC nêu rõ các quy phạm chung liên quan chủ yếu đến giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và không thực hiện hợp đồng.
Điểm khác nhau cơ bản này đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi nêu trên. PICC, một mặt, giống với INCOTERMS và CISG, mặt khác cũng chứa đựng nhiều bổ sung. Trên thực tế, cả ba văn bản trên đều bổ sung cho nhau, mỗi văn bản thể hiện ở một mức độ khác nhau về tính khái quát và tính cụ thể.
CISG xây dựng các quy phạm để điều chỉnh nhiều khía cạnh quan trọng nhất của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, như: Giao kết hợp đồng; Nghĩa vụ của bên bán (giao hàng, sự phù hợp của hàng hóa, quyền của bên thứ ba) và các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng tương ứng cho người mua; Nghĩa vụ của người mua (thanh toán tiền hàng, nhận hàng) và các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng tương ứng cho người bán; chuyển rủi ro; cũng như một số điều khoản áp dụng chung cho nghĩa vụ của cả hai bên.
INCOTERMS cũng điều chỉnh cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng các quy định trong INCOTERMS chỉ điều chỉnh một vài vấn đề cụ thể, cơ bản là giao hàng và chuyển rủi ro, mỗi điều kiện cơ sở giao hàng đưa ra sự lựa chọn giữa những sắp xếp khác nhau, phù hợp với nhu cầu của các bên, và phụ thuộc vào bối cảnh kinh doanh của chính các bên. Một điều có thể thấy ngay rằng vấn đề chủ đạo của INCOTERMS đã được một số điều khoản của CISG điều chỉnh, đó là các vấn đề về giao hàng và chuyển rủi ro.
Tuy nhiên, các quy phạm này của CISG là các quy định chung, áp dụng cho bất kỳ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nào, trong khi đối với giao dịch mua bán cụ thể, các bên thường ưa chuộng các quy phạm cụ thể và tinh tế như INCOTERMS hơn là các quy định chung. Trong hoàn cảnh đó, việc lựa chọn một quy định theo INCOTERMS là hoàn toàn tương thích với việc áp dụng CISG, điều này đơn giản là INCOTERMS sẽ thay thế các điều khoản tương ứng của CISG (điều này được cho phép bởi Điều 6 CISG). Mặc khác, có thể thấy rằng, với tất cả các điều khoản khác giải quyết các vấn đề không được INCOTERMS điều chỉnh (giao kết hợp đồng, thanh toán tiền hàng, khắc phục vi phạm hợp đồng, v.v.), CISG vẫn có phạm vi áp dụng rộng trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Tương tự INCOTERMS nhưng ở mức độ khái quát cao hơn, PICC có thể áp dụng cho các hợp đồng mua bán kết hợp với CISG (cũng như kết hợp với INCOTERMS). CISG bao trùm nhiều lĩnh vực của quan hệ hợp đồng giữa bên mua và bên bán, tuy nhiên không phải là tất cả. Ví dụ, CISG đã tuyên bố rõ rằng nó không điều chỉnh vấn đề hiệu lực của hợp đồng (Điều 4), một vấn đề được PICC quy định chi tiết (từ Điều 3.1.1 đến Điều 3.3.2).
Có nhiều vấn đề khác CISG không điều chỉnh, vì các vấn đề đó không phải vấn đề riêng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, như quyền đại diện, giải thích hợp đồng, các quy phạm chung về nội dung và thực hiện hợp đồng, thực hiện bù nghĩa vụ (‘set-off’), nhượng quyền, chuyển giao nghĩa vụ và chuyển giao hợp đồng, thời hiệu và hợp đồng nhiều bên. Nếu các bên muốn hưởng lợi ích từ việc được áp dụng một bộ các quy tắc điều chỉnh hợp đồng mua bán của mình, họ có thể thỏa thuận rằng, ngoài CISG và, INCOTERMS, hợp đồng của họ sẽ chịu sự điều chỉnh của PICC.
Theo nguyên tắc ‘luật riêng’ (‘lex specialis’) được ưu tiên áp dụng so với luật chung, INCOTERMS sẽ chiếm ưu thế hơn so với các quy định của CISG về giao nhận hàng hóa và chuyển rủi ro; đồng thời chính bản thân CISG sẽ chiếm ưu thế hơn so với PICC khi điều chỉnh các vấn đề như nghĩa vụ của các bên và biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng tương ứng. Tất nhiên, không có gì ngăn cản các bên làm giảm hiệu lực của điều khoản nào đó của CISG bằng việc ủng hộ các quy định của PICC (ví dụ, về vấn đề giao kết hợp đồng, hoặc về biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng nào đó).
Sự kết hợp các công cụ nói trên có thể diễn ra một cách trôi chảy, vì chính PICC cũng chịu ảnh hưởng của CISG, mà cơ bản là liên quan đến một vài điều khoản về giao kết hợp đồng (so sánh các điều từ Điều 14 đến Điều 24 của CISG, với các điều từ Điều 2.1.1 đến Điều 2.1.11 của PICC), và các biện pháp khắc phục áp dụng đối với việc không thực hiện hợp đồng (so sánh các điều từ Điều 45 đến Điều 52 và các điều từ Điều 61 đến Điều 65 của CISG, với các điều từ Điều 7.1.1 đến Điều 7.4.13 của PICC). Hai công cụ trên đạt được tính tương thích ở mức độ cao và dường như không có vấn đề gì khi kết hợp chúng với nhau.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest
3- Bộ nguyên tắc của Luật hợp đồng Châu Âu (PECL)
Bộ nguyên tắc của luật hợp đồng châu Âu (sau đây gọi là ‘PECL’) là kết quả công việc của Ủy ban Luật hợp đồng châu Âu, một tổ chức của các luật sư đến từ các quốc gia thành viên của Cộng đồng châu Âu, do Giáo sư Ô-lê Lan-đô đứng đầu. PECL đáp ứng yêu cầu của Cộng đồng châu Âu - đó là cần có nền tảng cho luật hợp đồng, nhằm tăng cường sự phát triển nhanh chóng số lượng các văn bản pháp luật của Cộng đồng châu Âu điều chỉnh các loại hợp đồng cụ thể.
PECL gồm có Phần I, Phần II và Phần III, bao gồm các quy định nền tảng về hợp đồng, giao kết hợp đồng, quyền đại diện, hiệu lực hợp đồng, giải thích hợp đồng, nội dung hợp đồng, thực hiện hợp đồng, không thực hiện hợp đồng (vi phạm) và các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng. Phần I và Phần II của PECL (từ Chương 1 đến Chương 9) được thông qua vào năm 1999, Phần III (từ Chương 10 đến Chương 17), được xem xét lại vào năm 2002, bao gồm các quy định điều chỉnh hợp đồng có nhiều bên tham gia, nhượng quyền khiếu nại, thay thế nợ mới, chuyển giao hợp đồng, thực hiện bù nghĩa vụ (‘set-off’), thời hiệu, tính bất hợp pháp, các điều kiện hợp đồng, và tư bản hoá lợi tức.
Có thể nói rằng ngày nay, PECL được xem là quy định hữu ích điều chỉnh hợp đồng mua bán quốc tế, nhưng chỉ trong mối liên hệ với các quốc gia châu Âu. Việc áp dụng PECL, nguyên tắc tự do hợp đồng, giao kết hợp đồng và các biện pháp khắc phục khi không thực hiện hợp đồng theo PECL sẽ được đề cập dưới đây.
[a] Áp dụng PECL
Cũng giống như CISG, PECL đưa ra giải pháp cho vấn đề phát sinh mà hệ thống luật hoặc các quy định của luật áp dụng không giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, PECL có thể chỉ được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có liên quan đến châu Âu.
Theo Điều 1:101, PECL sẽ được áp dụng cho những trường hợp sau:
- Các bên thỏa thuận đưa PECL vào hợp đồng, hoặc hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi các nguyên tắc PECL.
- Các bên thoả thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bởi ‘các nguyên tắc chung của pháp luật’, lex mercatoria, hoặc những quy định tương tự;
- Các bên không chọn bất kỳ hệ thống luật hay quy định pháp luật nào để điều chỉnh hợp đồng. Đồng thời, mặc dù không có điều khoản lựa chọn luật nào được quy định trong hợp đồng, nhưng phải liên quan tới châu Âu.
[b] Nguyên tắc tự do hợp đồng
Nguyên tắc tự do hợp đồng là một nguyên tắc cơ bản. Phần lớn các quy định trong PECL là những áp dụng cụ thể của nguyên tắc tự do hợp đồng.
Việc áp dụng trực tiếp nguyên tắc tự do hợp đồng được quy định tại Điều 1:102 PECL. Các bên được tự do giao kết hợp đồng và quyết định nội dung của hợp đồng, tùy thuộc vào sự thiện chí, tính công bằng và các quy định bắt buộc của PECL. Tuy nhiên, các bên có thể không áp dụng bất kỳ quy định nào của PECL, hoặc làm giảm hoặc thay đổi hiệu lực của các quy định đó, trừ khi PECL có quy định khác.
Về yêu cầu thiện chí, PECL quy định rằng, trước khi bảo lưu trách nhiệm của bên đàm phán thiếu thiện chí, PECL ghi nhận quyền tự do đàm phán của các bên, mà không có gì khác, ngoài việc thể hiện sự tự do hợp đồng ở giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng.
Điều 1:103 của PECL quy định chi tiết giới hạn của tự do hợp đồng bằng các quy định bắt buộc. Trong trường hợp luật áp dụng đã được xác định bởi quy tắc chọn luật của tòa án trước khi diễn ra tranh chấp, thì điều khoản này vẫn cho phép các bên ‘lựa chọn PECL làm luật điều chỉnh hợp đồng của họ, theo đó sẽ không phải áp dụng các quy định bắt buộc của luật quốc gia’, trừ những quy định luôn luôn được áp dụng, bất kể luật điều chỉnh là luật nào.
Do đó, việc các bên có quyền tự do áp dụng PECL cho hợp đồng có thể cho phép họ trốn tránh áp dụng một số quy phạm mệnh lệnh của luật quốc gia, những quy phạm được gọi là luật bắt buộc ‘thông thường’, sẽ đối lập với cái gọi là ‘luật áp dụng trực tiếp’ - luật được áp dụng mà không cần quan tâm đến luật nào điều chỉnh hợp đồng. Những quy định áp dụng trực tiếp là những quy định ‘mang ý nghĩa của một chính sách công cơ bản của quốc gia ban hành quy định đó, và nó phải có hiệu lực điều chỉnh hợp đồng, khi hợp đồng có mối quan hệ mật thiết với quốc gia này’.
Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, quyền tự do áp dụng PECL cho hợp đồng của các bên không có nghĩa là cho phép các bên trốn tránh việc áp dụng các quy phạm mệnh lệnh của luật quốc gia, luật siêu quốc gia hay luật quốc tế, mà những quy phạm mệnh lệnh này luôn được áp dụng cho hợp đồng, bất kể luật điều chỉnh hợp đồng là luật nào. Quyền tự do hợp đồng của các bên bị giới hạn một cách có hệ thống bởi các quy phạm mệnh lệnh cơ bản.
Tự do quyết định nội dung của hợp đồng nghĩa là tự do quy định các nghĩa vụ, nơi thực hiện nghĩa vụ, ngày thực hiện hợp đồng, hoặc đồng tiền được sử dụng để thanh toán.
PECL giữ lại nhiều khái niệm về các nguyên tắc cơ bản và bỏ đi những khái niệm không nhất quán của pháp luật các nước, về ‘trái đạo đức’, ‘tính bất hợp pháp’, ‘chính sách công’ và ‘đạo đức’.[104] Bình luận về Điều 15:102 chỉ ra rằng mặc dù PECL tạo ra một hệ thống các quy định độc lập, áp dụng cho các hợp đồng được điều chỉnh bởi PECL, song vẫn không thể bỏ qua tất cả các điều khoản của luật quốc gia hay các quy định khác của luật áp dụng cho những hợp đồng đó, cụ thể là những quy định hoặc lệnh cấm công khai hoặc hiểu ngầm, làm cho hợp đồng trở nên vô hiệu, không có hiệu lực (không có giá trị), có thể bị huỷ hoặc không thể thực hiện được trong một số hoàn cảnh nhất định. Do đó, việc tiếp tục phân biệt các quy phạm mệnh lệnh tại Điều 1:103 của PECL là cần thiết.
Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân
[c] Giao kết hợp đồng
Nên lưu ý rằng các điều kiện giao kết hợp đồng cũng được quy định trong PECL. Mặc dù không đặt tên nguyên tắc, nhưng PECL đã quy định về nguyên tắc đồng thuận, khi trước tiên nêu rõ rằng hợp đồng được giao kết nếu có sự thỏa thuận của các bên, đó là ý định chịu sự ràng buộc về mặt pháp luật và đạt được thỏa thuận đầy đủ mà ‘không cần phải có thêm bất kỳ yêu cầu nào’. Thêm vào đó, có thể nhận thấy rõ ràng rằng: ‘Một hợp đồng không cần phải giao kết hoặc chứng minh bằng văn bản, cũng không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ yêu cầu nào về hình thức.
Như đã đề cập ở trên, theo PECL, một hợp đồng được giao kết trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, việc giao kết hợp đồng được thực hiện chủ yếu thông qua trao đổi chào hàng và chấp nhận chào hàng. Một chào hàng có thể bị huỷ cho đến lúc được chấp nhận chào hàng, trừ khi chào hàng đó được xem là chào hàng cố định. Chấp nhận chào hàng không phù hợp với chào hàng được xem là ‘chào hàng mới’ (‘counter-offer’), trừ khi những thay đổi đó là không cơ bản. Đàm phán phải được tiến hành và tiếp tục trên cơ sở thiện chí.
Mặc dù rõ ràng là PECL điều chỉnh việc giao kết hợp đồng thông qua trao đổi chào hàng và chấp nhận chào hàng, PECL cũng làm rõ rằng: các quy định về giao kết hợp đồng sẽ được xem là luật áp dụng, kể cả trong trường hợp hợp đồng được giao kết theo một cách khác. Điều này gián tiếp thừa nhận rằng hợp đồng được phép giao kết theo nhiều cách khác nữa.
[d] Các biện pháp khắc phục khi không thực hiện hợp đồng
PECL quy định các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng như sau:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng;
- Giảm giá;
- Chấm dứt hợp đồng.
Biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng được giới hạn bởi một vài điều khoản. Theo PECL, biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng không được thừa nhận, nếu việc đó là bất hợp pháp hoặc bất khả thi, hoặc việc đó sẽ gây phiền toái bất hợp lí, hoặc việc đó có thể đạt được bằng các cách khác. Ngoài ra, PECL cũng mở rộng các hạn chế này để đối với biện pháp khắc phục áp dụng đối với hành vi thực hiện không đúng hợp đồng (‘defective performance’).
PECL cũng quy định biện pháp giảm giá. Biện pháp chấm dứt hợp đồng phụ thuộc vào việc vi phạm đó có phải là vi phạm cơ bản hay không, hoặc bên không thực hiện hợp đồng đã được thông báo gia hạn hợp đồng hay chưa.
Bên cạnh những biện pháp khắc phục vi phạm nêu trên, biện pháp bồi thường thiệt hại cũng được đưa ra. PECL giả định rằng thiệt hại có thể được bồi thường trên cơ sở trách nhiệm nghiêm ngặt, do đó không đòi hỏi phải chứng minh sự sơ suất/bất cẩn của bên không thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, PECL cũng tạo ra ngoại lệ cho tình huống theo đó việc thực hiện hợp đồng bị ngăn cản, do xuất hiện một sự kiện vượt quá khả năng kiểm soát của bên vi phạm.
Về vấn đề tính toán bồi thường thiệt hại, PECL quy định rằng tổng số tiền trả cho bên không vi phạm sẽ bằng số tiền mà đáng lẽ ra hợp đồng được thực hiện đúng, và phải bao gồm các chi phí phát sinh cũng như lợi nhuận bị mất.
Về mức độ của thiệt hại, PECL áp dụng tiêu chí ‘khả năng có thể tiên liệu được thiệt hại’ như là hậu quả tiềm tàng của vi phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng về vấn đề này, PECL quy định tiêu chí ‘cẩu thả hiển nhiên’ (‘gross negligence’) hoặc ‘cố ý làm sai’ (‘intentional misconduct’). Nếu hành vi của bên vi phạm là ‘cẩu thả hiển nhiên’ (‘gross negligence’) hoặc ‘cố ý làm sai’ (‘intentional misconduct’), thì việc bồi thường thiệt hại sẽ không giới hạn ở những thiệt hại có thể tiên liệu được.
Về miễn trừ trách nhiệm do có trở ngại nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên vi phạm, các biện pháp khắc phục như bồi thường thiệt hại và buộc thực hiện đúng hợp đồng sẽ không được thừa nhận. Sự miễn trừ trách nhiệm sẽ được duy trì, khi mà tác động của những trở ngại đó vẫn còn tồn tại. Tác động của những trở ngại nêu trên sẽ là điều kiện cho phép bên chịu thiệt hại được đàm phán lại, hoặc yêu cầu tòa án phán quyết chấm dứt hợp đồng.
Mặc dù có một vài điều khoản trong PECL giới hạn phạm vi áp dụng của PECL chỉ ở phạm vi Âu, nhưng PECL vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thống nhất các quy định điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trên thế giới.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm