Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân qua các kiểu nhà nước và hiện nay

23/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Yến
Luật sư Nguyễn Thị Yến
Do bản chất, nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của mỗi kiểu nhà nước khác nhau, cho nên mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong từng kiểu nhà nước cũng có những biểu hiện khác nhau. Quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân ở Việt Nam hiện nay là quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với cá nhân, được xây dựng và thực hiện trên những nguyên tắc chính trị - pháp lý do pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện.

1- Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân qua các kiểu nhà nước

Do bản chất, nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của mỗi kiểu nhà nước khác nhau, cho nên mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong từng kiểu nhà nước cũng có những biểu hiện khác nhau.

Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, nhà nước chủ nô là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp chủ nô, do giai cấp chủ nô thiết lập và được giai cấp chủ nô sử dụng như là một công cụ có hiệu lực nhất và sắc bén nhất để đàn áp, bóc lột các cá nhân là nô lệ và những người lao động khác. Mỗi cá nhân nô lệ không được coi là con người mà chỉ là “công cụ lao động biết nói” và hoàn toàn lệ thuộc vào giai cấp chủ nô về thân thể, kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội... Bởi vậy, quan hệ giữa nhà nước chủ nô và các cá nhân nô lệ là quan hệ bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Nhà nước chủ nô chỉ có quyền đàn áp, áp bức, bóc lột cá nhân nô lệ, còn mỗi cá nhân nô lệ chỉ có nghĩa vụ đem sức lao động của mình ra để phục vụ cho chủ nô.

Trong chế độ phong kiến, thân phận của các cá nhân nông dân có khá hơn nô lệ ở chỗ họ không còn bị coi là vật sở hữu riêng của giai cấp địa chủ nữa mà đã được giải phóng về thân thể, nhưng vẫn là người bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội vào nhà nước phong kiến, vì họ không có tư liệu sản xuất trong tay. Do đó, trong quan hệ giữa nhà nước phong kiến với cá nhân nông dân vẫn chưa có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Người nông dân chỉ có nghĩa vụ phục vụ vô điều kiện cho giai cấp địa chủ và nhà nước phong kiến mà thôi.

Sang chế độ tư bản chủ nghĩa - một chế độ mà giai cấp tư sản tự cho là hoàn toàn tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, thì về mặt hình thức, giữa nhà nước tư sản với cá nhân hình như có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, vì hiến pháp tư sản đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân và quy định nghĩa vụ của nhà nước tư sản đối với các cá nhân trong xã hội. Nhưng trên thực tế, nhà nước tư sản tìm mọi cách trốn tránh các nghĩa vụ đó, hoặc hạn chế tối đa các quyền của cá nhân đã được hiến pháp tư sản ghi nhận. Bằng chứng là các luật về bầu cử của nhà nước tư sản đã đặt ra hàng loạt những điều kiện cần và đủ để công dân được đi bầu cử và tự ứng cử, như số lượng tài sản của cá nhân, trình độ học vấn, thời hạn cư trú... Đặc biệt, ở thời kỳ tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản (từ 1917 đến 1945), khi nhiều nhà nước tư sản đã chuyển thành những nhà nước độc tài phát - xít (ví dụ: ở Italia 1922, Đức 1933), thì các quyền tự do, dân chủ của công dân hoặc bị hạn chế tối đa, hoặc bị loại bỏ hoàn toàn. Vì lẽ đó, có thể khẳng định rằng trong quan hệ giữa nhà nước tư sản với cá nhân cũng không có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên.

Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với cá nhân có sự biến đổi về chất, thể hiện ở sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ của hai bên, được ghi nhận, bảo đảm thực hiện bằng pháp luật, trở thành một nguyên tắc pháp lý quan trọng tạo nên tính thống nhất hài hoà giữa quyền và nghĩa vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa và cá nhân: quyền và nghĩa vụ của bên này là nghĩa vụ và quyền của bên kia. Một khi mà nguyên tắc bình đẳng và tính thống nhất hài hoà về quyền và nghĩa vụ đó không được quán triệt và thực hiện đầy đủ thì lợi ích của một bên cũng sẽ không được đảm bảo.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest 

2- Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân ở Việt Nam hiện nay

2.1- Các nguyên tắc xây dựng và thực hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân ở Việt Nam

Quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân ở Việt Nam hiện nay là quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với cá nhân, được xây dựng và thực hiện trên những nguyên tắc chính trị - pháp lý do pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện. Các nguyên tắc đó là:

- Tôn trọng quyền con người. Quyền là một khái niệm đa diện, đa nghĩa và được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung có thể quan niệm quyền là khả năng của chủ thể được hưởng gì, được làm gì và được đòi hỏi (yêu cầu) gì. Quyền con người là khả năng tự nhiên, bẩm sinh, vốn có, không thể bị tước đoạt của con người được hưởng gì, được làm gì, được đòi hỏi (yêu cầu) ai, tổ chức nào phải làm gì đế đáp ứng lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Là giá trị được thừa nhận chung trên toàn thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789. Sau đó, quyền con người được tiếp tục ghi nhận và phát triển trong các văn bản có tính chất tuyên ngôn và mang tính pháp lý của Liên hợp quốc như Hiến chương ngày 26/6/1945, Tuyên ngôn nhân quyền ngày 10/12/1948, Công ước về các quyền dân sự và chính trị ngày 16/12/1966, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá ngày 16/12/1966... Trên cơ sở các văn bản này, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có nghĩa vụ cụ thể hoá bằng những văn bản quy phạm pháp luật của nước mình nhằm công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Hiến pháp năm 2013 tuyên bố: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14). Quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân được xây dựng và thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng quyền con người sẽ là tiền đề chính trị - pháp lý quan trọng để Nhà nước và nhân dân phấn đấu đạt được mục tiêu: tất cả từ con người, cho con người và vì con người ở nước ta.

- Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 tuyên bố: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (khoản 2 Điều 2). Việc xây dựng và thực hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân vừa nhằm bảo đảm cho Nhà nước ta luôn luôn là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vừa để khuyến khích và phát huy hết mọi tài năng của mỗi cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân (khoản 1 Điều 15 Hiến pháp năm 2013). Việc ghi nhận nguyên tắc này trong Hiến pháp năm 2013 xuất phát từ thực tế là quyền công dân và nghĩa vụ công dân là hai mặt không thể tách rời nhau, mặt này không thể tồn tại thiếu mặt kia; không thể có hai loại công dân - một loại chỉ được hưởng quyền, còn một loại chỉ phải gánh vác nghĩa vụ; quyền công dân chỉ được bảo đảm khi công dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cũng chỉ có thể diễn ra khi công dân được hưởng quyền. Quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” sẽ là điều kiện chính trị - pháp lý quan trọng để một mặt, mỗi cá nhân công dân phát huy cao độ ý thức trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và xã hội; ngăn ngừa những hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ, không nghiêm chỉnh của một số công dân; mặt khác, cũng nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của công dân và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật của công dân.

- Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm 2013). Khi thiết lập và thực hiện quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân thì cả Nhà nước và cá nhân đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nguyên tắc này. Đối với Nhà nước, khi thực thi quyền lực của mình thì phải đối xử mọi cá nhân như nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh như nhau, không có sự phân biệt đối xử; không được hiểu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo nghĩa là mọi cá nhân đều được “cào bằng” như nhau dễ dẫn tới áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, máy móc, mà phải tính tới những đặc điểm riêng về thể chất, tinh thần, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, điều kiện và môi trường sống, sinh hoạt... của từng cá nhân; xây dựng và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân tộc vì nguyên tắc mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật còn bao hàm cả sự bình đẳng giữa các dân tộc trong quan hệ với Nhà nước, có ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Đối với cá nhân, trong quá trình thực hiện pháp luật thì ai cũng đều được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ như nhau, có ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt; khi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau, không có ngoại lệ.

- Pháp chế. Nguyên tắc pháp chế trong quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân yêu cầu của Nhà nước và cá nhân đều phải thực hiện quyền trong phạm vi giới hạn cho phép của pháp luật và phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ, nghiêm chỉnh theo đúng quy định của pháp luật; nếu Nhà nước hay cá nhân sử dụng quyền không đúng đắn hoặc thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ, không nghiêm chỉnh thì đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau, không có ngoại lệ. Hiến pháp năm 2013 bảo đảm thực hiện nguyên tắc này bằng các quy định sau đây: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 8); “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4 Điều 15) và “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội” (khoản 3 Điều 15).

[b] Quan điểm và phương hướng củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân ở nước ta hiện nay

(i) Quan điểm về củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân

Một là, củng cố, tăng cường quan hệ giữa Nhà nước và cả nhân với xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nguyên tắc này xuất phát từ chỗ trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam, quyền lực nhà nước được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật nhằm ngăn ngừa tệ lạm quyền dẫn đến xâm hại quyền con người, quyền công dân, tùy tiện đặt ra các nghĩa vụ vô lý cho cá nhân, cản trở họ thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng mà pháp luật đã ghi nhận; quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối họp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp vì lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền công dân; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân, còn Nhà nước thường xuyên chăm lo lợi ích cho mọi người để họ phát huy hết tài năng, trí tuệ, phục vụ bản thân mình và xã hội; giữa Nhà nước với cá nhân có mối quan hệ bình đắng về quyền, nghĩa vụ, được bảo đảm thực hiện bằng pháp luật và cơ chế kiểm tra, giám sát của cả hai bên; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ; các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân mà Nhà nước ký kết hoặc tham gia được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh.

Hai là, gắn củng cố, tăng cường quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân với đổi mới hệ thống chính trị mà trọng tâm là dân chủ hoá các quan hệ giữa các tố chức thành viên, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc phân định rõ nhiệm vụ, chức năng giữa Đảng với Nhà nước, sao cho Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước, còn Nhà nước phát huy được hiệu lực nhưng vẫn tuân theo đường lối, chính sách của Đảng, là điều kiện chính trị quan trọng để công dân thực hiện đúng đắn và có hiệu quả quyền làm chủ Nhà nước. Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng nhưng không can thiệp vụn vặt, quá mức vào tổ chức và hoạt động của họ, còn các tổ chức chính trị - xã hội luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong hoạt động đang tạo tiền đề cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do, dân chủ.

Ba là, đặt việc củng cố, tăng cường quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách, thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Nhà nước bảo đảm cho mọi cá nhân đều có khả năng và cơ hội như nhau để phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa làm giàu cho bản thân, gia đình mình, vừa góp phần làm giàu cho xã hội. Một vấn đề xã hội cấp bách hiện nay mà Nhà nước đang giải quyết là sự phân tầng xã hội và phân hoá giàu nghèo - kết quả tất yếu của việc thực hiện nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Nếu biết đánh giá đúng nó và điều chỉnh được nó thì sẽ hạn chế được mặt tiêu cực liên quan đến bất bình đẳng xã hội và phát huy được mặt tích cực liên quan tới phân công lao động xã hội. V. I. Lênin đã nói: “kết cấu xã hội của xã hội và chính quyền có nhiều biến đổi, nếu không tìm hiểu các biến đổi này thì không thể tiến được một bước trong bất kỳ lĩnh vực và hoạt động xã hội nào") về cơ bản, sự phân tầng xã hội, phân hoá giàu nghèo hiện nay không phải là sự tước đoạt và bần cùng hoá đông đảo quần chúng nhân dân để tập trung tư liệu sản xuất và giá trị thặng dư vào tay một số ít người, làm cho họ giàu lên thêm mãi, bởi vì những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội đã thuộc về nhân dân; Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; các cá nhân công dân là người làm chủ trong xã hội; sự phân tầng xã hội, phân hoá giàu nghèo được Nhà nước điều chỉnh để hạn chế mặt tiêu cực của nó, điều hoà lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho mọi người có thể làm giàu chính đáng.

Bốn là, đặt việc củng cố, tăng cường quan hệ giữa Nhà nước với cả nhân trong bối cảnh Nhà nước thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập với thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Do nhiều nội dung của quyền con người đã vượt quá giới hạn của một quốc gia và đang đòi hỏi phải có sự phối, kết hợp và nỗ lực chung của cộng đồng thế giới, cho nên hội nhập pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế về quyền con người là xu thế tất yếu trong quan hệ quốc tế. Các điều ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước kí kết, tham gia là một đảm bảo pháp lý cho việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân trong nước và ở nước ngoài, cũng như người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống, học tập, du lịch, kinh doanh ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc hoà nhập pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế về quyền con người được thực hiện dưới ba hình thức chủ yếu là tiếp tục kí kết, tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền con người và “nội luật hoá” các điều ước đó phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta.

(ii) Phương hướng củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong bối cảnh hiện nay

Thứ nhất, đổi mới tư duy pháp lý, nhận thức đúng đắn quan hệ giữa Nhà nước, pháp luật với cả nhân. Những suy nghĩ không đúng trước đây ở một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (tự coi mình là người ban phát ân huệ, quyền lợi cho người dân) và của một số cá nhân công dân (coi cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước không phải là “của mình, do mình, vì mình”), thì nay cần và đang nhường chỗ cho một tư duy mới, lành mạnh và đúng đắn: nhà nước là tổ chức do các cá nhân công dân ủy quyền để thực thi quyền lực của họ, quyền của Nhà nước phát sinh từ quyền làm chủ của mọi cá nhân công dân, do đó, Nhà nước tất yếu phải phục vụ mọi cá nhân công dân; Nhà nước chỉ được làm những gì mà các cá nhân công dân ủy quyền thông qua hệ thống pháp luật; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải luôn tôn trọng các cá nhân công dân, lắng nghe ý kiến phê bình và chịu sự kiểm tra, giám sát của họ.

Còn các cá nhân công dân trong khi ủy quyền cho Nhà nước cũng có nghĩa vụ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan nhà nước, tham gia quản lý nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong quan hệ với cá nhân, pháp luật cũng có hai tư cách: vừa là phương tiện ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xác lập nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức và cơ chế thực hiện chúng; vừa là vũ khí hữu hiệu nhất bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Mặc dù pháp luật phản ánh ý chí nhà nước, nhưng không phải là sản phẩm chủ quan, duy ý chí của Nhà nước mà nó được xây dựng theo yêu cầu thực tế khách quan của xã hội và nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Nhà nước không phải là tổ chức thông qua pháp luật tùy hứng “ban phát”, “tặng”, “cho” các quyền cho cá nhân mà phải công nhận quyền con người, quyền công dân của cá nhân xuất phát từ sự tồn tại thực tế khách quan của các quyền ấy; không thể quy định những nghĩa vụ vượt quá khả năng thực tế thực hiện.

Tính được quy định bởi thực tiễn của pháp luật còn được thể hiện ở chỗ: khi đời sống kinh tế - xã hội biến đổi thì pháp luật cũng thay đổi theo. Do đó, Nhà nước cần nắm bắt nhanh, nhạy sự phát triển đó của xã hội để kịp thời luật pháp hoá các nhu cầu mang tính khách quan của cá nhân thành các quyền pháp lý của họ. Các quyền mới của cá nhân công dân ở Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013 như quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33), quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Điều 23), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25) và những quyền khác được sửa đổi, bổ sung, mở rộng đều là kết quả của tư duy pháp lý mới và nhận thức mới về thời cuộc, khi Việt Nam thực hiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lí của Nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa và chính sách đối ngoại hội nhập. Là đại lượng mang giá trị phổ biến, mô hình xử sự chung, chuẩn mực của sự công bằng, pháp luật được sử dụng để đánh giá hành vi đúng, sai của cá nhân và cán bộ, viên chức, đấu tranh chống lại sự xâm hại quyền con người, quyền công dân. Như vậy, trong cả hai tư cách đó, pháp luật đều là công cụ phục vụ con người, trở thành giá trị xã hội quý báu cần được nâng niu, bảo vệ và phát triển.

Thứ hai, hoàn thiện những quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Từ góc độ pháp lý, quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân được thể hiện chủ yếu trong hệ thống các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân do Hiến pháp và luật ghi nhận. Để bảo đảm nguyên tắc trách nhiệm hai chiều giữa Nhà nước và cá nhân, khi ghi nhận quyền con người, quyền công dân thì Hiến pháp và luật cũng xác lập nghĩa vụ kèm theo của Nhà nước để vừa tránh được tính tuyên ngôn của các quyền được ghi nhận, vừa nêu cao nghĩa vụ của Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với cá nhân. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, các quy phạm luật nội dung và quy phạm luật hình thức liên quan tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cá nhân cũng phải được hoàn thiện theo hướng đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi hơn nhằm tạo mọi điều kiện cho cá nhân thật sự được hưởng quyền và nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

Thứ ba, đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33), quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Điều 23), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25) và những quyền khác được sửa đổi, bổ sung, mở rộng đều là kết quả của tư duy pháp lý mới và nhận thức mới về thời cuộc, khi Việt Nam thực hiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa và chính sách đối ngoại hội nhập. Là đại lượng mang giá trị phổ biến, mô hình xử sự chung, chuẩn mực của sự công bằng, pháp luật được sử dụng để đánh giá hành vi đúng, sai của cá nhân và cán bộ, viên chức, đấu tranh chống lại sự xâm hại quyền con người, quyền công dân. Như vậy, trong cả hai tư cách đó, pháp luật đều là công cụ phục vụ con người, trở thành giá trị xã hội quý báu cần được nâng niu, bảo vệ và phát triển.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường và dân chủ hoá xã hội. Cỏ khá nhiều vấn đề cấp thiết mà Nhà nước cần giải quyết kịp thời, nhanh chóng và kiên quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng như niềm tin và đời sống của người dân, như việc làm, thu nhập, chăm sóc y tế và bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm xã hội, xóa đói giảm nghèo, học tập, khiếu kiện hành chính, công bằng và bình đẳng xã hội, nhà ở và đi lại, môi trường, quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest 

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân qua các kiểu nhà nước được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân qua các kiểu nhà nước có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân qua các kiểu nhà nước và hiện nay

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.57704 sec| 1031.672 kb