Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

23/04/2023
Trương Hoàng Hà
Trương Hoàng Hà
Trọng tài là một thiết chế tài phán tư, không nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp của quốc gia nên đã trở thành một xu thế được thương nhân lựa chọn, vì đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt là, việc chọn luật áp dụng tại trọng tài luôn khách quan, độc lập, không bị ràng buộc bởi pháp luật quốc gia như Tòa án.

1- Thẩm quyền giải quyết theo vụ việc

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp sau đây:

(i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
(ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và
(iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Đối với nhóm các vụ việc thứ (i), trái với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 quy định cụ thể các loại “hoạt động thương mại” theo hình thức liệt kê, Luật trọng tài thương mại năm 2010 không hề có quy định nào giải thích khái niệm “hoạt động thương mại”. Vì vậy, khi vận dụng luật, ta phải căn cứ vào quy định pháp luật có quan hệ gần nhất là Luật Thương mại năm 2005, khoản 1 Điều 3 của luật này quy định “hoạt động thương mại” gồm các “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Như vậy, có thể thấy phạm vi của hoạt động thương mại rất rộng. Bên cạnh những hoạt động đã được liệt kê cụ thể trong luật thì bất kỳ hoạt động nào khác chỉ cần thỏa mãn điều kiện nhằm “mục đích sinh lợi” cũng được coi là hoạt động thương mại và tranh chấp phát sinh từ các hoạt động này có thể được trọng tài giải quyết. Ví dụ về một số hoạt động thương mại cụ thể như phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li - xăng; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ. Một số quan hệ không nhằm mục đích sinh lợi và do đó không thuộc thẩm quyền của trọng tài như giao dịch tặng cho, mượn tài sản, thừa kế, hôn nhân gia đình. Những quan hệ này khi xảy ra tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án và các bên dù muốn cũng không có quyền yêu cầu trọng tài giải quyết.

Đối với nhóm các vụ việc thứ (ii), đây là trường hợp đặc biệt mà trọng tài có thẩm quyền ngay cả khi tranh chấp không phát sinh từ một hoạt động thương mại, với điều kiện là một trong các bên “có hoạt động thương mại”. Tuy nhiên, Luật không giải thích rõ khái niệm “bên có hoạt động thương mại” là thế nào và liệu bên đó phải thực hiện hoạt động thương mại một cách thường xuyên hay chỉ cần thực hiện hoạt động thương mại trong giao dịch xảy ra tranh chấp. Về vấn đề này, Luật thương mại quy định hai nhóm đối tượng có thể được coi là có hoạt động thương mại, gồm (1) thương nhân và (2) tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến thương mại. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại). Tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến thương mại tuy không được định nghĩa cụ thể nhưng có thể hiều là gồm tổ chức, cá nhân không phải thương nhân nhưng vẫn tham gia hoạt động thương mại, ví dụ như những cá nhân hoạt động thương mại độc lập không phải đăng ký kinh doanh (buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến, dịch vụ đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh, v.v. ) hoặc những tổ chức đặc biệt được lập ra để quản lý hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp như các ban quản lý dự án.

Đối với nhóm các vụ việc thứ (iii), đây là trường hợp dự liệu trước của luật. Nếu một tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại, cũng không có bên nào có hoạt động thương mại, tuy nhiên pháp luật chuyên ngành quy định phải giải quyết bằng trọng tài thì áp dụng trường hợp này.

2- Thẩm quyền theo yêu cầu của các bên - thoả thuận trọng tài

Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định rõ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Như vậy, thỏa thuận giữa các bên tranh chấp là điều kiện tiên quyết để làm phát sinh thẩm quyền của trọng tài. Quy định này khác với tố tụng Tòa án, theo đó khi xảy ra tranh chấp thì bất kỳ bên nào cũng có quyền yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết mà không cần được bên kia đồng ý vì thẩm quyền của Tòa án là đương nhiên. Nhưng với trọng tài thì không phải như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thì trọng tài tuyệt nhiên không có thẩm quyền gì. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là một khi các bên đã đồng ý giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Tòa án không còn thẩm quyền nữa và phải từ chối thụ lý vụ án khi một bên khởi kiện tại tòa, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được (Điều 6 Luật trọng tài thương mại).

Một trường hợp đặc biệt phát sinh trong quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Điều 17 Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định kể cả khi hợp đồng mẫu do nhà cung cấp soạn sẵn ghi nhận điều khoản trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp (dù người tiêu dùng đã mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ theo hợp đồng mẫu). Không những thế, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận. Đây là trường hợp hãn hữu mà trong đó luật không ghi nhận thỏa thuận ban đầu giữa các bên và trao hẳn cho một bên (người tiêu dùng) toàn quyền quyết định phương thức tố tụng phù hợp. Quy định này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng, là bên yếu thế hơn trong giao dịch, bởi họ khó hoặc thậm chí không có khả năng đàm phán, sửa đổi các điều khoản hơp đồng mẫu của nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nên rất khó khẳng định họ đã được quyền “thỏa thuận” điều khoản trọng tài một cách bình đẳng hay chưa. Do đó, luật đảm bảo là nếu người tiêu dùng thực sự cũng muốn chọn trọng tài thì họ có thể xác nhận lại mong muốn của mình khi tranh chấp xảy ra. Trường hợp họ không muốn chọn trọng tài nhưng đã buộc phải ký hợp đồng theo mẫu định sẵn thì khi có tranh chấp, họ có thể thay đổi lại quyết định của mình và chọn Tòa án.

3- Thẩm quyền theo lãnh thổ

Khác với Tòa án, thẩm quyền của trọng tài không bị giới hạn theo lãnh thổ. Chẳng hạn một trung tâm trọng tài đóng trụ sở ở Hà Nội thì không có nghĩa là trung tâm này chỉ được giải quyết các vụ việc trên địa bàn Hà Nội. Các bên có thể lựa chọn bất kỳ tổ chức hoặc hội đồng trọng tài nào mình thấy phù hợp, dù là của Việt Nam hay nước ngoài, dù nằm ở tỉnh của bên nguyên hay bên bị hoặc bất kỳ tỉnh nào khác, để giải quyết tranh chấp cho mình. Địa điểm diễn ra tố tụng trọng tài cũng hoàn toàn do các bên lựa chọn và có thể nằm ở bất kỳ đâu dù là trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quy định này rõ ràng khác với Tòa án. Tòa án chỉ được xử lý các vụ việc trong thẩm quyền lãnh thổ của mình và mọi thủ tục phải diễn ra tại trụ sở tòa nơi thụ lý vụ án. Các bên được lựa chọn Tòa án, nhưng chỉ trong một số trường hợp rất hãn hữu. Như vậy, có thể thấy về mặt lãnh thổ thì trọng tài linh động hơn Tòa án rất nhiều.

4- Một số điểm lưu ý về của thỏa thuận trọng tài:

Thứ nhất, thời điểm lập thỏa thuận trọng tài: Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Khi giao dịch với nhau các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng là trường hợp xảy ra tranh chấp sẽ đưa ra trọng tài giải quyết. Tuy nhiên, điều này không phải là bắt buộc. Có thể lúc đầu các bên thỏa thuận Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc không thỏa thuận nhưng khi xảy ra tranh chấp, các bên thỏa thuận lại trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp thì trọng tài vẫn có thẩm quyền. Ngoài ra, nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì một bên không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận đó. Ví dụ, bên đó không thể nói rằng mình không muốn thực hiện theo thỏa thuận trọng tài nữa và khởi kiện ra tòa. Tòa án sẽ phải từ chối thụ lý một yêu cầu như vậy.

Thứ hai, kế thừa thỏa thuận trọng tài: Thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực kể cả khi một trong các bên của thỏa thuận không còn tồn tại hoặc không còn khả năng tham gia giao dịch. Nếu một bên là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó. Tương tự, nếu một bên là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức nào tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó. Quy định này áp dụng trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Thứ ba, hình thức thỏa thuận trọng tài: Thỏa thuận trọng tài có thể được lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Tuy nhiên, lưu ý là trong bất kỳ trường hợp nào, dù thỏa thuận trọng tài có được ghi trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng thì nó vẫn tồn tại độc lập với hợp đồng. Điều đó có nghĩa là việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài. Ví dụ, trong trường hợp hợp đồng chính bị vô hiệu vì một điều khoản bất kỳ của nó trái quy định pháp luật thì thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực bình thường và trọng tài vẫn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu lý do làm hợp đồng vô hiệu cũng liên quan đến hiệu lực thỏa thuận trọng tài thì thỏa thuận trọng tài vẫn có thể vô hiệu. Ví dụ, nếu hợp đồng vô hiệu vì người ký hợp đồng chưa đủ tuổi ký hợp đồng thì thỏa thuận trọng tài cũng vô hiệu vì cùng người đó là người ký kết thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận do người chưa đủ tuổi ký thì vô hiệu.

Về mặt hình thức, thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản, gồm cả các dạng thức tương tự văn bản gồm: 

  • Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định pháp luật; 
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; 
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; 
  • Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; 
  • Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Thứ tư, thỏa thuận trọng tài vô hiệu: Thỏa thuận trọng tài bị coi là vô hiệu trong một số trường hợp sau mà khi ấy trọng tài không có thẩm quyền và phải từ chối giải quyết tranh chấp:

(i) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của trọng tài: tức là tranh chấp phát sinh từ giao dịch mà không phải hoạt động thương mại, không bên nào trong các bên có hoạt động thương mại, và cũng không có luật chuyên ngành nào quy định tranh chấp phải được giải quyết bằng trọng tài.

(ii) Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật: tức là người xác lập thỏa thuận lại không phải là một bên của giao dịch và cũng không được ủy quyền hợp pháp để xác lập thỏa thuận. Ví dụ, quan hệ giữa hai công ty nhưng người ký không phải đại diện theo pháp luật của công ty và cũng không phải người được đại diện theo pháp luật ủy quyền.

(iii) Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự:

  • Người chưa đủ 18 tuổi hoặc, trường hợp có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nêu trong hợp đồng, chưa đủ 15 tuổi, ký kết thỏa thuận mà không được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý; hoặc
  • Người bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình ký thỏa thuận; hoặc
  • Người bị Tòa án tuyên hạn chế năng lực hành vi dân sự do nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, ký thỏa thuận mà không được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý.

(iv) Hình thức trọng tài không phù hợp với quy định như đã nêu ở trên.

(v) Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu. Chú ý là nếu các bên không yêu cầu thì thỏa thuận cũng không vô hiệu.

(vi) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18183 sec| 990.93 kb