Kỹ năng của pháp chế doanh nghiệp xác định vấn đề pháp lý cần giải quyết

25/10/2022
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Xác định các vấn đề pháp lý cần giải quyết trong vụ việc là bước thứ 05 trong 08 bước cơ bản mà người làm pháp chế doanh nghiệp (luật sư nội bộ) cần thực hiện khi tiến hành tư vấn về một vụ việc nào đó. Các vấn đề pháp lý đó chính là các câu hỏi pháp lý, nhằm làm rõ các vấn đề pháp lý của một vụ việc cần tư vấn. Đây cũng là một bước quan trọng đòi hỏi người làm pháp chế doanh nghiệp cần vận dụng được những kỹ năng của mình để hoàn thiện vấn đề. Hãy cùng Công ty Luật TNHH Everest tìm hiểu về kỹ năng xác định các vấn đề pháp lý cần giải quyết của vụ việc qua bài viết dưới đây.

1- Các bước cần thực hiện khi tư vấn pháp luật của pháp chế doanh nghiệp

Khi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, người làm pháp chế doanh nghiệp, đặc biệt là người mới bắt đầu công việc cần thực hiện từng bước và triển khai công việc. Theo chúng tôi, khi thực hiện công việc tư vấn hay những công việc khác trong pháp chế doanh nghiệp doanh nghiệp, nên xử lý yêu cầu tư vấn theo 08 bước cơ bản, cụ thể như sau:

Bước 1: Xác định yêu cầu tư vấn;
Bước 2: Thu thập tài liệu, hồ sơ, thông tin để tóm tắt nội dung vụ việc;
Bước 3: Xác định quan hệ pháp luật của vụ việc;
Bước 4: Xác định các văn bản pháp luật áp dụng để tư vấn;
Bước 5: Xác định các vấn đề pháp lý cần giải quyết trong vụ việc;
Bước 6: Giải quyết các vấn đề pháp lý được xác định;
Bước 7: Xây dựng phương án pháp lý cho yêu cầu tư vấn;
Bước 8: Viết báo cáo, thư tư vấn.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A).

2- Kỹ năng xác định các vấn đề pháp lý cần giải quyết trong vụ việc

Khi đi đến bước này, nghĩa là người làm công việc pháp chế doanh nghiệp đã xác định được yêu cầu tư vấn là gì, đã xác định được nội dung chính của vụ việc ra sao, và đã xác định quan hệ pháp luật của vụ việc tư vấn và cũng như các văn bản pháp luật làm căn cứ để tư vấn.

Việc cần làm tiếp theo, ở bước này, người làm pháp chế doanh nghiệp cần phải căn cứ vào các quy định pháp luật cụ thể, lại các điều luật cụ thể, ở các văn bản pháp luật đã được xác định làm căn cứ tư vấn. Theo đó đối chiếu vào nội dung chính của vụ việc tư vấn, để xác định các vấn đề pháp lý chi tiết, theo từng yêu cầu của tất cả các quy định pháp luật làm căn cứ tư vấn. Các vấn đề pháp lý đó là các câu hỏi pháp lý, nhằm làm rõ các vấn đề pháp lý của vụ việc.

Tùy sự phức tạp của vụ việc, tùy mức độ đan xen của các quan hệ pháp luật trong vụ việc, số lượng vấn đề pháp lý phát sinh sẽ khác nhau. Chẳng hạn trong mỗi vụ việc tư vấn, có thể có một vấn đề pháp lý, cũng có thể có nhiều vấn đề pháp lý. Đối với mỗi vấn đề pháp lý, khi muốn giải quyết nó cần phải đặt nhiều câu hỏi chi tiết. Để trả lời cho từng câu hỏi chi tiết, phụ thuộc vào các quy định pháp luật điều chỉnh, có thể phải tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi nhỏ.

Tình huống pháp lý: Chúng tôi giả định tình huống như sau:

Vào tháng 01/2021, công ty đã ra quyết định kỷ luật sa thải ông B. Đến nay là tháng 03/2021, ngay sau khi nhận đơn của ông B khiếu nại đến công ty, yêu cầu công ty thu hồi quyết định. Vì ông B cho rằng, quyết định kỷ luật này trái pháp luật. Giám đốc công ty của người làm pháp chế doanh nghiệp yêu cầu, với tư cách là người làm pháp chế doanh nghiệp, hãy tư vấn cho Giám đốc công ty xem có nên thu hồi quyết định kỷ luật sa thải này hay không?

- Giải quyết tình huống này:

Người làm pháp chế doanh nghiệp tiến hành tư vấn theo các bước đã liệt kê ở trên. Đầu tiên xác định được yêu cầu tư vấn, đó là: “Tư vấn về việc thu hồi quyết định sa thải ông B”.

Người làm pháp chế doanh nghiệp cũng sẽ xác định được nội dung chính của vụ việc là hai bên đang có tranh chấp về việc sa thải trong quan hệ lao động, xác định được quan hệ pháp luật tranh chấp là quan hệ pháp luật lao động. Người làm pháp chế doanh nghiệp cũng đã xác định được các văn bản pháp luật làm căn cứ để tư vấn, trong đó có các văn bản quan trọng nhất đó là:

Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động.

Chi tiết cho ví dụ này, đối với công việc ở bước xác định vấn đề pháp lý này, người làm pháp chế doanh nghiệp phải thực hiện việc xác định các vấn đề pháp lý của vụ việc. Lúc này, chúng ta phải quay lại yêu cầu tư vấn của công ty, đó là yêu cầu tư vấn về việc thu hồi quyết định sa thải. Hiểu rõ ra là tư vấn cho công ty về việc có thu hồi quyết định sa thải hay không.

Người làm pháp chế doanh nghiệp sẽ đi vào nghiên cứu tất cả các quy định chi tiết của hai văn bản pháp luật vừa nêu, có thể thấy rằng, nếu có tranh chấp ra Tòa án, giả sử quyết định sa thải mà trái pháp luật, thì sẽ bị Tòa án hủy quyết định, buộc công ty phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ và Điều 41 của Bộ luật Lao động 2019, sẽ phát sinh hậu quả bất lợi và thiệt hại cho công ty. Nên lúc đó người làm pháp chế sẽ nghĩ ngay đến việc, nếu quyết định sa thải công ty đã ban hành không trái pháp luật, thì công ty có quyền giữ lại, nếu quyết định sa thải trái pháp luật thì công ty nên thu hồi quyết định này, để tránh hậu quả như đã trình bày.

Do đó, vấn đề pháp lý chính, quan trọng, cốt lõi cần phải đặt ra và giải quyết của vụ việc này của người làm pháp chế doanh nghiệp đó là: “Quyết định sa thải có trái pháp luật không?”.

Chúng tôi thấy cũng chỉ nên dừng lại ở việc phân tích cho yêu cầu tư vấn về việc thu hồi quyết định sa thải hay không, còn việc có ban hành quyết định sa thải mới thay thế hay không, là một yêu cầu khác, nếu xem xét ở đây, việc tìm hiểu cách làm sẽ bị loãng ra, làm bạn đọc khó khăn trong việc theo dõi tiếp. Còn trên thực tế, có thực hiện việc này không, sẽ phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, của người giao việc.

Tiếp theo sau khi đã xác định được vấn đề pháp lý chính, như chúng tôi đã trình bày ở trên, để giải quyết được vấn đề pháp lý chính, thì người làm pháp chế doanh nghiệp, trong rất nhiều trường hợp, theo các quy định chi tiết của pháp luật, phải tiếp tục đặt ra cho mình các câu hỏi chi tiết để làm rõ.

Cũng như vấn đề pháp lý chính, người làm pháp chế doanh nghiệp muốn xác định các câu hỏi chi tiết phải căn cứ vào tất cả các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết làm căn cứ tư vấn để xác định. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để xác định các vấn đề pháp lý chi tiết, cần phải tìm hiêu tất cả các quy định pháp luật có quy định về vấn đề pháp lý chính, bao gồm các quy định của luật và các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tại các nghị định, thông tư,...

Theo cách đó, người làm pháp chế doanh nghiệp phải nghiên cứu các quy định cụ thể tại các văn bản luật đã xác định, sau đó sẽ xác định được rằng, một quyết định sa thải không trái pháp luật thì quyết định này phải được ban hành với đầy đủ các điều kiện sau:

- Có căn cứ pháp luật;
- Đúng thẩm quyền;
- Đúng trình tự, thủ tục;
- Còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động và
- Nội dung của quyết định không trái quy định pháp luật, nội quy lao động.

Khi đó, các vấn đề pháp lý cần phải xác định được cho vụ việc này, với yêu cầu tư vấn cụ thể đã xác định từ trước sẽ bao gồm:

- Công ty sa thải ông B có căn cứ pháp luật không?
- Quyết định sa thải có được ban hành đúng thẩm quyền không?
- Quyết định sa thải có được ban hành đúng trình tự, thủ tục không?
- Quyết định sa thải được ban hành trong thời hạn còn thời hiệu xử lý kỷ luật không? Và
- Quyết định sa thải có nội dung nào trái quy định pháp luật, nội quy lao động không?
- Cần phải lưu ý rằng, việc xác định vấn đề pháp lý chính, cũng như xác định các câu hỏi chi tiết rất quan trọng trong quá trình tư vấn. Bởi nó sẽ quyết định việc người làm pháp chế doanh nghiệp có bị lạc hướng, hay bỏ sót các vấn đề pháp lý khi giải quyết công việc hay không. Nên việc xác định câu hỏi chi tiêt sẽ quyết định kết quả tư vấn đúng hay sai, có đây đủ và hiệu quả hay không.

Xem thêm: Dịch vụ Phòng pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (Luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest 

Bài viết Kỹ năng của pháp chế doanh nghiệp - xác định vấn đề pháp lý cần giải quyết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

Bài viết Kỹ năng của pháp chế doanh nghiệp - xác định vấn đề pháp lý cần giải quyết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hay thuê dịch vụ luật sư nội bộ, pháp chế doanh nghiệp, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của pháp chế doanh nghiệp xác định vấn đề pháp lý cần giải quyết

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.20536 sec| 967.234 kb