Cách trình bày quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật
1- Quy phạm pháp luật có thể được trình bày trực tiếp trong điều của văn bản quy phạm pháp luật
Để đảm bảo tính logíc, chặt chẽ đòi hỏi các điều của văn bản quy phạm pháp luật (gọi chung là điều luật) phải được trình bày theo một kết cấu là: Nếu một tổ chức hay cá nhân nào đó ở vào những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) nhất định nào đó (giả định), thì được phép, không được hay buộc phải thực hiện những hành vi nhất định (quy định); nếu không có thể sẽ bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhất định (chế tài).
Tuy nhiên, kĩ thuật xây dựng pháp luật đòi hỏi và cho phép các điều luật có thể được trình bày ngắn gọn, tránh trùng lặp, nhưng vẫn bảo đảm được sự lôgic, chặt chẽ, chính xác trong việc thể hiện nội dung của quy phạm pháp luật nên việc trình bày quy phạm pháp luật trong các điều của nguồn pháp luật rất đa dạng. Sau đây là một số cách thức cơ bản trình bày quy phạm pháp luật trong các điều luật:
Một quy phạm pháp luật có thể được trình bày trực tiếp trong một điều luật. Đây là cách trình bày phổ biến của các quy phạm pháp luật.
Cũng có thể trình bày nhiều quy phạm pháp luật trong cùng một điều luật. Cách thức này thường dùng để trình bày các quy phạm pháp luật có nội dung tương tự như nhau, cùng liên quan đến một vấn đề, do vậy việc trình bày như thế sẽ tiện lợi cho việc so sánh và nhận thức nội dung các quy phạm pháp luật đó.
Trật tự trình bày các bộ phận của quy phạm pháp luật trong điều của văn bản quy phạm pháp luật có thể thay đổi chứ không nhất thiết cứ phải trình bày đầu tiên là giả định rồi sau mới tới quy định hoặc chế tài... của quy phạm.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest
2- Quy phạm pháp luật có thể được trình bày theo cách viện dẫn đến điều cụ thể nào đó của văn bản quy phạm pháp luật
Với cách trình bày này có thể trình bày một quy phạm pháp luật trong nhiều điều luật khác nhau, nghĩa là, một bộ phận nào đó của quy phạm pháp luật có thể được viện dẫn (giới thiệu) đến các điều, khoản cụ thể khác trong cùng văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc trong văn bản quy phạm pháp luật khác.
Cũng có trường hợp quy phạm pháp luật không được trình bày đầy đủ, một bộ phận nào đó của quy phạm pháp luật được viện dẫn (giới thiệu) đến các nguồn pháp luật khác nhưng không nêu cụ thể điều của văn bản quy phạm pháp luật nào. Chẳng hạn, tổ chức, cá nhân nào vi phạm những quy định sau đây... thì bị xử lí theo pháp luật. Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật này đã không được viện dẫn đến một địa chỉ cụ thể mà chỉ nói rất chung chung là bị xử lí theo pháp luật.
Mặc dù các quy phạm pháp luật được trình bày rất đa dạng trong các loại nguồn pháp luật khác nhau nhưng chúng đều thể hiện một mô hình chung là: “nếu... thì... còn nếu khác thì...”. Việc tiếp cận quy phạm pháp luật theo mô hình này sẽ giúp cho việc nhận thức và thực hiện các quy phạm pháp luật một cách chính xác và đầy đủ.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
3- Phân loại quy phạm pháp luật
Có rất nhiều loại quy phạm pháp luật và cũng có rất nhiều cách để phân chia chúng. Sau đây là một số cách phân loại quy phạm pháp luật:
- Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh pháp luật có thể phân chia các quy phạm pháp luật thành các nhóm lớn tương ứng là các ngành luật: Quy phạm pháp luật hành chính, quy phạm pháp luật dân sự... Với cách tiếp cận này còn có thể chia các quy phạm pháp luật thành những nhóm nhỏ hơn ngành luật như phân ngành luật, chế định pháp luật...
- Phụ thuộc vào hình thức mệnh lệnh nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật dứt khoát, quy phạm pháp luật không dứt khoát và quy phạm pháp luật hướng dẫn.
- Quy phạm pháp luật dứt khoát là quy phạm trong đó bộ phận quy định chỉ nêu ra một cách xử sự rõ ràng, chặt chẽ;
- Quy phạm pháp luật không dứt khoát là quy phạm trong đó bộ phận quy định nêu ra nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể lựa chọn cho mình một cách xử sự từ những cách đã nêu;
- Quy phạm pháp luật hướng dẫn là quy phạm trong đó bộ phận quy định của quy phạm thường đưa ra những lời khuyên nhủ, hướng dẫn các chủ thể tự giải quyết một số công việc nhất định.
- Phụ thuộc vào cách thức xử sự nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật bắt buộc, quy phạm pháp luật cấm và quy phạm pháp luật cho phép.
+ Quy phạm pháp luật bắt buộc có bộ phận quy định buộc chủ thể phải thực hiện một số hành vi nhất định.
+ Quy phạm pháp luật cấm có bộ phận quy định cấm chủ thể không được thực hiện một số hành vi nhất định.
+ Quy phạm pháp luật cho phép có bộ phận quy định cho phép chủ thể có thể tự xử sự theo những cách thức nhất định (thường là những quy định về quyền và tự do của các chủ thể pháp luật).
- Căn cứ vào nội dung, tác dụng của quy phạm pháp luật có thể chia các quy phạm pháp luật thành quy phạm nội dung và quy phạm hình thức (thủ tục): (i) Quy phạm pháp luật nội dung là những quy phạm xác định các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm của các chủ thể pháp luật; (ii) Quy phạm pháp luật hình thức (thủ tục) là những quy phạm xác định trình tự, thủ tục để các chủ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp ỉí của mình hay tiến hành áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc xảy ra trong thực tế.
- Căn cứ vào tính chất của lĩnh vực quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh (chủ thể và lợi ích mà pháp luật bảo vệ) có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật công pháp và quy phạm pháp luật tư pháp: (i) Quy phạm pháp luật công pháp là quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với tư nhân, liên quan đến lợi ích chung của nhà nước và xã hội; (ii) Quy phạm pháp luật tư pháp là quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa các tư nhân với nhau, liên quan đến lợi ích riêng tư của tư nhân.
(Nguồn tham khảo: Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thuế - kế toán của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Cách trình bày quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Cách trình bày quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, Email: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm