Khái niệm, đặc điểm và phân loại hoạt động thương mại
1- Khái niệm hoạt động thương mại
Theo nghĩa rộng, hoạt động thương mại là mọi hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh. “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận“ (khoản 21 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020). Hoạt động kinh doanh thực hiện trong các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa và dịch vụ.
Như vậy, hoạt động thương mại bao gồm không chỉ các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà còn là các hoạt động đầu tư kinh doanh dưới các hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, được điều chỉnh bằng không chỉ Luật Thương mại 2005 mà còn bằng Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Chứng khoán 2019 và các luật chuyên ngành khác.
- Theo nghĩa hẹp thì “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác“ (khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005)
Hoạt động thương mại được định nghĩa theo Luật Thương mại năm 2005 tập trung vào các hoạt động kinh doanh trong 2 khâu lưu thông và dịch vụ và bao gồm 2 lĩnh vực chủ yếu là mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
-
Mua bán hàng hoá (Thương mại hàng hóa) là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận (khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005)
-
Cung ứng dịch vụ (Thương mại dịch vụ) là hoạt động thương mại, theo đó một bên (gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận (khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005)
Đối với hoạt động mua bán hàng hóa, có những thương nhân chuyên kinh doanh mua bán hàng hóa và có những thương nhân đồng thời là nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ. Vì vậy, pháp luật thương mại cũng có một số nội dung liên quan đến quá trình đầu tư sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ như tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ.
Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
2- Đặc điểm của hoạt động thương mại
Là một trong những hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại có những đặc điểm sau đây:
Về chủ thể: Hoạt động thương mại là quan hệ giữa các thương nhân hoặc ít nhất một bên là thương nhân, người thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại có tính chất nghề nghiệp
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (Điều 6 Luật Thương mại năm 2005).
Ngoài ra, tham gia vào các hoạt động thương mại còn có các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (không phải là thương nhân theo Luật Thương mại)
Mục đích của người thực hiện hoạt động thương mại: Lợi nhuận
Nội dung của hoạt động thương mại: Tập trung nghiên cứu 2 nhóm hoạt động cơ bản là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ (thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ) được điều chỉnh bằng Luật Thương mại năm 2005. Ngoài ra, các hình thức đầu tư khác nhằm tìm kiếm lợi nhuận cũng là những hoạt động thương mại được điều chỉnh bằng các luật chuyên ngành.
Xem thêm: Đăng ký bản quyền tác giả
3- Phân loại hoạt động thương mại
[a] Phân loại theo nội dung của hoạt động thương mại
- Hoạt động mua bán hàng hóa
- Hoạt động dịch vụ thương mại
[b] Phân loại theo tính chất của hoạt động thương mại
Hoạt động thương mại có thể chia thành: Hoạt động thương mại không có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài (thương mại quốc tế).
Ngoài ra, còn có những hoạt động thương mại đặc thù mà pháp luật có thêm những quy định cho hoạt động này.
- Hoạt động thương mại không có yếu tố nước ngoài
Mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp liên quan mua bán hàng hóa, dịch vụ thương mại thông qua hệ thống chợ, siêu thị, cơ sở giao dịch của các doanh nghiệp, hợp tác xã; Mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (Luật thương mại); Giao dịch, mua bán chứng khoán trên thị trường giao dịch chứng khoán (Luật chứng khoán); Các hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản qua Sàn giao dịch bất động sản (Luật kinh doanh bất động sản), các dịch vụ chuyên ngành.
- Hoạt động thương mại hàng hóa đặc thù
-
Hoạt động thương mại hàng hóa biên giới
-
Mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
-
Quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
4- Hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2015):
“Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.
-
Hoạt động ngoại thương là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
Bài viết Khái niệm, đặc điểm và phân loại hoạt động thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
Bài viết Khái niệm, đặc điểm và phân loại hoạt động thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024-66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm