Khái niệm pháp luật về luật sư ở Việt Nam

06/03/2021
Đào Lê Nhật Hậu
Đào Lê Nhật Hậu

Trong khoa học pháp lý hiện nay, có một số quan niệm khác nhau về pháp luật về luật sư. Có quan điểm cho rằng pháp luật về luật sư là một chế định pháp luật kinh tế, thương mại, có quan điểm lại cho rằng là chế định pháp luật dân sự, quan điểm khác lại cho rằng, pháp luật về luật sư là một bộ phận của pháp luật về lĩnh vực tư pháp... cần làm sáng tỏ để đi đến nhận thức chung về bộ phận pháp luật này trong hệ thống pháp luật nước ta. 

1- Quan điểm pháp luật về luật sư là chế định pháp luật kinh tế, thương mại

Quan điểm pháp luật về luật sư là chế định pháp luật kinh tế, thương mại cho rằng, chế định pháp luật về luật sư thuộc ngành luật kinh tế, điều chỉnh các quan hệ có tính chất dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại, bởi thỏa mãn các thuộc tính về đối tượng và phương pháp điều chỉnh của ngành luật này.(xem thêm: hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì)

Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi tiến hành các giao dịch của mình với tư cách là chủ thể kinh doanh dịch vụ pháp lý. Còn Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư tồn tại với tính chất như là Hội nghề nghiệp. Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động giống như đối với doanh nghiệp, kể cả trong trường hợp luật sư hành nghề tư cách cá nhân thì thủ tục đăng ký hoạt động đối với cá nhân luật sư giống như cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác đối với nhà nước như một chủ thể kinh doanh. Chỉ có một điểm khác biệt, nếu các doanh nghiệp đăng ký tại Sở Kế hoạch - Đầu tư thì Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký tại Sở Tư pháp với mã đăng ký hoạt động giống như ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, về phương pháp điều chỉnh, có hai phương pháp đặc trưng truyền thống của ngành luật kinh tế, đó là phương pháp hành chính - kinh tế và bình đẳng thỏa thuận được điều chỉnh đối với luật sư và nghề luật sư.(tìm hiểu về: hợp đồng tặng cho)

Trong quan hệ với các cơ quan nhà nước, các cơ quan tố tụng, các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư chịu sự quản lý hành chính tư pháp của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tư pháp và của các cơ quan nhà nước hữu quan, thực hiện trách nhiệm xã hội - nghề nghiệp bắt buộc đối với các hoạt động bào chữa theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. Trong quan hệ theo chiều ngang, với khách hàng, đồng nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư được xác định là một tổ chức kinh tế - dân sự, có quyền bình đẳng, thỏa thuận trong các phương diện hoạt động của mình, giao kết các hợp đồng dịch vụ pháp lý, thỏa thuận thù lao với khách hàng trừ trường hợp thù lao trong vụ án hình sự và bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

2- Quan điểm pháp luật về luật sư là một chế định của Luật Dân sự

Có quan điểm cho rằng, pháp luật về luật sư và nghề luật sư là một chế định của Luật dân sự, bởi bản thân luật sự là một chủ thể pháp luật độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự, bản thân luật sư và tổ chức hành nghề cũng không phải là tổ chức kinh tế và không hoạt động vì mục tiêu kinh tế đơn thuần, yếu tố tự do hành nghề, bình đẳng, thỏa thuận để hướng tới bảo vệ quan hệ tài sản, bảo vệ quyền nhân thân, quyền, lợi ích hợp pháp của các “khách hàng” không phân biệt thể nhân hay pháp nhân, hoặc các cơ quan, tổ chức nhà nước và cũng không phân biệt có mục đích kinh doanh thương mại hay không? Hợp đồng dịch vụ pháp lý được điều chỉnh dựa trên nền tảng của Luật dân sự.

3- Quan điểm pháp luật về luật sư là một bộ phận của pháp luật về lĩnh vực tư pháp 

Quan điểm này cho rằng, pháp luật về luật sư gắn liền với việc thực thi quyền tư pháp của nhà nước và hệ thống Tòa án nhân dân. Pháp luật về luật sư điều chỉnh hai nhóm quan hệ chủ yếu là, thứ nhất, luật sư trực tiếp liên quan đến việc thực thi quyền tư pháp. Trong lĩnh vực này, pháp luật luật sư quy định và điều chỉnh quan hệ của luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng khi luật sư tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng theo các quy định của pháp luật tố tụng có liên quan. Thứ hai, pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ của luật sư gián tiếp liên quan đến việc thực thi quyền tư pháp. Đó là quan hệ của luật sư với khách hàng khi tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, cung cấp dịch vụ pháp lý khác, thực hiện quyền “tư pháp” theo nghĩa rộng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.(đọc thêm: mẫu hợp đồng đặt cọc mua nhà)

4- Khái niệm pháp luật về luật sư

Các quan điểm nêu trên đều có các hạt nhân hợp lý, tuy nhiên, chưa phản ánh được đầy đủ các yếu tố bản chất điều chỉnh của pháp luật về luật sư, cũng chưa bao quát được phạm vi điều chỉnh pháp luật đối với luật sư và hành nghề luật sư, bởi nếu cho rằng pháp luật về luật sư là chế định pháp luật dân sự, hay chế định pháp luật kinh tế, thương mại thì chưa bao hàm được các quy phạm pháp luật của ngành luật khác điều chỉnh hoạt động của luật sư như pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính,... Quan điểm cho rằng pháp luật về luật sư là một bộ phận của pháp luật về lĩnh vực tư pháp thì lại chưa bao hàm được các quy định pháp luật điều chỉnh về luật sư có tính chất hành chính, dân sự, dịch vụ kinh doanh, thương mại...

Từ những phân tích trên đây, dưới góc độ đối tượng và phương pháp điều chỉnh, tính chất của quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh, pháp luật về luật sư ở Việt Nam, được hiểu là tổng thể các quy phạm và chế định pháp luật thuộc nhiều ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ của luật sư với khách hàng, với các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và cơ quan, tổ chức khác, phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động nghề nghiệp luật sư, quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, được Nhà nước đảm bảo thực hiện.(tìm hiểu về: tư vấn pháp luật thừa kế)

5- Các loại nguồn của pháp luật về luật sư

Pháp luật về luật sư đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Dựa trên các tiêu chí khác nhau, pháp luật về luật sư được phân thành các loại nguồn sau đây:

(i) Dựa trên hiệu lực pháp lý của văn bản, pháp luật về luật sư được phân thành các văn bản luật và các văn bản dưới luật. Các văn bản luật bao gồm: Hiến pháp, Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính,... Các văn bản dưới luật bao gồm: Pháp lệnh Tổ chức luật sư, Pháp lệnh Luật sư, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Luật Luật sư, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành pháp luật về luật sư.

(ii) Dựa trên đối tượng điều chỉnh, pháp luật về luật sư được phân thành các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ:

Quan hệ thứ nhất, là việc nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh việc xác lập các tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục để một người trở thành luật sư, được cung cấp dịch vụ pháp lý đến quan hệ của luật sư với khách hàng, với các cơ quan, tổ chức... hình thành theo hợp đồng dịch vụ pháp lý; Pháp luật điều chỉnh quan hệ của luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan quản lý nhà nước và với tổ chức xã hội - nghề nghiệp Đoàn Luật sư, Liên Đoàn luật sư Việt Nam.

Quan hệ thứ hai, là việc nhóm quy phạm điều chỉnh quan hệ nội bộ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

(iii) Dựa trên lĩnh vực hành nghề, pháp luật về luật sư được phân thành các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tham gia tố tụng tư pháp của luật sư (tư pháp hình sự, tư pháp dân sự, hành chính...), các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư và các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động cung cấp các dịch vụ pháp lý khác của luật sư.

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết trong lĩnh vực pháp …. được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm pháp luật về luật sư ở Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.25412 sec| 966.32 kb