Ngoại lệ của WTO
Nội dung bài viết
1- Các ngoại lệ chung của WTO
Mặc dù các nguyên tắc cơ bản của WTO trên đây đặt nền tảng cho hệ thống WTO, nhưng khi nghiên cứu các nguyên tắc này, chúng ta sẽ không thể hiểu một cách toàn diện, nếu không nói là sẽ có cái nhìn khá méo mó, trừ khi nhận thức rõ ràng rằng mỗi nguyên tắc này đều mang tính chất điều kiện.
Các ngoại lệ chung là những quy định quan trọng của GATT và GATS. Các ngoại lệ này được đưa vào Điều XX GATT (sau đây gọi là Điều XX), và Điều XIV GATS (sau đây gọi là Điều XIV). Điều XX quy định như sau:
Với bảo lưu rằng các biện pháp đề cập ở đây không được theo cách tạo ra công cụ phân biệt đối xử tùy tiện hay vô căn cứ giữa các nước có cùng điều kiện như nhau, hay tạo ra một sự hạn chế trá hình với thương mại quốc tế, không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản bất kì bên kí kết nào thi hành hay áp dụng các biện pháp:
(a) Cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng;
(b) Cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của con người, thực vật hoặc động vật;
(c) Cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và các quy định không trái với các điều khoản trong Hiệp định này, kể cả những quy định liên quan đến áp dụng các biện pháp hải quan, duy trì hiệu lực của chính sách độc quyền theo khoản 4
Điều II và Điều XVII, bảo hộ quyền tác giả, nhãn hiệu thương mại, và các biện pháp ngăn ngừa gian lận thương mại;
(d) Liên quan đến việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt, nếu các biện pháp này được thực hiện kết hợp với các hạn chế sản xuất và tiêu thụ nội địa;
Điều XIV bắt đầu với quy định về điều kiện áp dụng (‘chapeau’) giống hệt như Điều XX nêu trên. Về nội dung chính, Điều XIV quy định các biện pháp:
(a) Cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng và duy trì trật tự xã hội;
(b) Cần thiết để vệ sức khoẻ của con người, động vật và thực vật;
(c) Cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ luật lệ và quy định không trái với các điều khoản của Hiệp định này bao gồm các biện pháp liên quan đến:
(i) Việc ngăn ngừa các hành vi lừa đảo và gian lận hoặc để giải quyết hậu quả của việc không thanh toán hợp đồng dịch vụ;
(ii) Việc bảo vệ sự riêng tư của cá nhân liên quan đến việc xử lí và phân phối thông tin cá nhân và việc bảo mật các thông tin và tài khoản cá nhân;
(iii) An toàn;
(d) Không phù hợp với Điều XVII, miễn là những khác biệt trong đối xử là nhằm đảm bảo việc áp dụng hoặc thu một cách công bằng và hiệu quả các loại thuế trực tiếp liên quan đến các dịch vụ hoặc các nhà cung ứng dịch vụ của các thành viên khác;
(e) Không phù hợp với Điều II, miễn là sự khác biệt về đối xử là kết quả của một sự thoả thuận nhằm tránh việc đánh thuế hai lần hoặc các quy định về việc tránh đánh thuế hai lần trong bất kì một thoả thuận quốc tế nào khác ràng buộc các thành viên.
Mặc dù có những khác biệt về quy định giữa Điều XX và Điều XIV, theo Cơ quan phúc thẩm, trong vụ US-Gambling, hai điều khoản này có cùng cấu trúc, ngôn từ và chức năng, vì vậy có thể tham khảo lẫn nhau khi phân tích chúng. Cơ quan phúc thẩm, khi tái khẳng định các án lệ trước đó, cũng chỉ ra ‘phép phân tích gồm hai bước’ đối với một biện pháp mà các thành viên muốn biện minh theo quy định này, đó là:
Thứ nhất, phải xác định xem, liệu biện pháp đang xem xét có thuộc phạm vi của một trong các khoản của Điều XX về ngoại lệ chung hay không?
Thứ hai, nếu biện pháp đang xem xét đúng là đã thuộc một trong các khoản của Điều này, khi đó cần phải xem xét liệu biện pháp này có thoả mãn yêu cầu tại điều kiện áp dụng của điều khoản này hay không? Do đó, việc xem xét các điều khoản sẽ được tiến hành theo trình tự hai bước đã được Cơ quan phúc thẩm nêu ra như trên. Nhưng trước khi thực hiện điều này, cần phải đưa ra một số nhận định về mục đích của hai điều khoản này và mối quan hệ giữa các biện pháp và các mục tiêu được nêu trong bốn khoản nhỏ.
Mục đích của các ngoại lệ chung là cho phép các thành viên áp dụng các biện pháp nhằm theo đuổi các mục tiêu chính sách được xem là ‘hợp lệ’ và ‘quan trọng.’ Cụm từ ‘không một điều khoản nào trong Hiệp định này’ trong đoạn viết về điều kiện áp dụng ngoại lệ, cho thấy các ngoại lệ được áp dụng đối với tất cả các nghĩa vụ được quy định trong GATT và GATS. Mặt khác, Ban hội thẩm trong vụ US-Section 337 đã chỉ ra rằng các ngoại lệ có ‘hạn chế và ‘có điều kiện’. Điều này có nghĩa là một thành viên chỉ có thể biện minh cho các biện pháp không phù hợp với GATT hoặc không phù hợp với GATT hoặc GATS bằng việc viện dẫn một trong các mục tiêu chính sách nêu ra các tiểu khoản của Điều XX và Điều XIV.
Cần phải lưu ý rằng các phần có liên quan của Điều XX và Điều XIV nêu trên đều bao gồm ba tiểu khoản về ngoại lệ chung bắt đầu bằng từ ‘cần thiết’ và một tiểu khoản bắt đầu bằng từ ‘liên quan đến’. Từ này cho thấy một mức độ liên quan giữa biện pháp và mục tiêu đề ra. Cơ quan phúc thẩm trong vụ Korea-Various Measures on Beef lần đầu tiên đã xem xét ý nghĩa của từ ‘cần thiết’ trong quy định về ngoại lệ chung. Theo Cơ quan phúc thẩm, để có thể được xem là ‘cần thiết’, một biện pháp không cần phải là một biện pháp không thể thiếu để đạt được mục tiêu đề ra, cũng như không cần phải là sự đối phó không thể tránh khỏi cho vấn đề đặt ra. Mặc khác, tiêu chuẩn này sẽ không được thoả mãn, nếu như có các biện pháp khác mà bên bị đơn có thể áp dụng được một cách hợp lí, không trái với Hiệp định WTO, mà vẫn có thể đạt được mục tiêu giống như biện pháp đang xem xét.
Đối với từ ‘liên quan đến’, Cơ quan phúc thẩm trong vụ US-Gasoline kết luận rằng không cần thiết phải có ‘cùng loại hoặc mức độ liên quan hoặc quan hệ giữa các biện pháp đang xem xét và lợi ích hoặc chính sách mà nước đó mong muốn thúc đẩy hoặc thực hiện’ như từ ‘cần thiết’. Trong vụ này, Cơ quan phúc thẩm đã chấp nhận rằng một biện pháp được coi là ‘liên quan’ đến mục tiêu, nếu nó ‘chủ yếu hướng đến’ mục tiêu đó. Tuy nhiên, Cơ quan phúc thẩm cũng kết luận rằng phải ‘một mối quan hệ thực chất’ giữa biện pháp đang xem xét và mục tiêu mong muốn đạt được, và rằng một biện pháp chỉ liên quan một cách ‘tình cờ hoặc không chủ đích’ sẽ không thoả mãn phép thử. Tiếp theo, từng mục tiêu chính sách được nêu trong các điều XX và XIV sẽ lần lượt được xem xét.
[a] Tiểu khoản (a): Đạo đức công cộng
Khái niệm ‘đạo đức công cộng’ là khái niệm có bản chất khá khó hiểu, bao gồm một loạt các biện pháp có thể trùng lặp với các biện pháp được quy định trong các tiểu khoản khác. Mặc dù có phạm vi có thể khá rộng, ngoại lệ về đạo đức công cộng chưa bao giờ được viện dẫn trong thời kì GATT 1947. Trong án lệ của WTO, cho đến nay đã có hai vụ việc trong đó ngoại lệ này được viện dẫn. Vụ đầu tiên là US-Gambling, và vụ thứ hai là China- Publications and Audiovisual Products.
Trong vụ US-Gambling, các biện pháp gây ra tranh cãi là các biện pháp hạn chế việc cung ứng dịch vụ đánh bạc từ xa thông qua mạng Internet vào Hoa Kỳ. Ban hội thẩm, sau khi ghi nhận các khó khăn trong việc xác định phạm vi chính xác của ‘đạo đức công cộng’, lưu ý rằng tiền lệ án của Cơ quan phúc thẩm và các ngoại lệ chung khác cho thấy các thành viên cần có một mức độ tự do nhất định trong việc xác định xem đạo đức công cộng có nghĩa như thế nào trong xã hội của mình.
Ban hội thẩm sau đó đã dựa vào định nghĩa của ‘công cộng’ và ‘đạo đức’ theo từ điển và kết luận rằng cụm từ ‘đạo đức công cộng’ có nghĩa là ‘tiêu chuẩn về các hành vi đúng hoặc sai được duy trì bởi hoặc thay mặt cho một cộng đồng hoặc quốc gia.’ Cơ quan phúc thẩm đã không thay đổi định nghĩa này, mặc dù điều này cũng không bị bên nguyên đơn phản đối một cách công khai.
Trong vụ thứ hai mà ‘đạo đức công cộng’ được viện dẫn, biện pháp được xem xét trong vụ việc đó là biện pháp hạn chế năng lực của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc nhập khẩu và phân phối các ấn phẩm và sản phẩm nghe nhìn nước ngoài; đồng thời áp đặt các tiêu chuẩn kiểm định về nội dung đối với các sản phẩm nước ngoài nghiêm ngặt hơn so với các sản phẩm nội địa tương tự. Mặc dù Trung Quốc lập luận rằng các biện pháp của nước này là nhằm bảo vệ đạo đức công cộng, Hoa Kỳ cũng không phản đối điều này. Kết quả là, cả Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đều mặc nhiên cho rằng các nội dung bị cấm mà các biện pháp nhằm vào có thể làm ảnh hưởng đến đạo đức công cộng của Trung Quốc. Khi đưa ra nhận định như vậy, Ban hội thẩm đã xác nhận cách tiếp cận đối với từng nước, cho rằng ‘nội dung và phạm vi của “đạo đức công cộng” có thể thay đổi theo từng thành viên, bởi vì chúng bị ảnh hưởng bởi các giá trị xã hội, văn hoá, đạo đức và tôn giáo của từng thành viên’.
Có một sự khác biệt quan trọng giữa Điều XX(a) GATT và Điều XIV(a) GATS, đó là Điều XIV(a) GATS bao gồm các biện pháp nhằm ‘duy trì trật tự công cộng’ bên cạnh các ngoại lệ chung về ‘đạo đức công cộng’. Trong chú thích 5 cho Điều XIV GATS, điều này đã được làm rõ hơn như sau: ‘Ngoại lệ về trật tự công cộng có thể được viện dẫn chỉ khi có một mối đe doạ thực chất và đủ nghiêm trọng đối với một trong những lợi ích cơ bản của xã hội’.
Trong vụ US-Gambling, Ban hội thẩm kết luận rằng nghĩa theo từ điển của từ ‘trật tự’, theo chú thích 5 của Điều XIV(a) GATS và khái niệm ‘trật tự công cộng’ trong luật dân sự, ‘trật tự công cộng’ có nghĩa là ‘việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của một xã hội, được thể hiện trong luật và chính sách công’. Cách tiếp cận này đã được Cơ quan phúc thẩm đồng ý.
[b] Tiểu khoản (b): Cuộc sống và sức khoẻ của người, động vật hoặc thực vật
Tiểu khoản (b) của Điều XX GATT bao gồm các biện pháp được đưa ra nhằm bảo vệ ‘cuộc sống và sức khoẻ của người, động vật và thực vật’. Đây là một phép thử tương đối dễ thoả mãn, vì bất kì biện pháp nào nhằm mục đích giảm ô nhiễm không khí, loại bỏ các nguy cơ gây ung thư hoặc bảo vệ đời sống hoang dã hoàn toàn có thể rơi vào phạm vi của tiểu khoản này.
Tuy nhiên, trong vụ China-Raw Materials, Ban hội thẩm đã ngầm hiểu rằng: một biện pháp được coi là bị điều chỉnh bởi Điều XX(b) phải được thiết kế một cách rõ ràng là nhằm bảo vệ sức khoẻ, và nếu chỉ là một sự liên quan giữa tác động của biện pháp và mục tiêu đề ra, thì điều này là không đủ.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khoẻ, các biện pháp được viện dẫn theo Điều XX(b), cũng có thể được xem xét theo Hiệp định SPS, vì Hiệp định này cũng áp dụng cho các biện pháp nhằm bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật khỏi một số rủi ro nhất định. Hiệp định này, như được nêu trong Lời mở đầu, nhằm ‘soạn thảo các quy tắc để áp dụng các điều khoản của GATT 1994 liên quan đến việc sử dụng các biện pháp kiểm dịch’, cụ thể là Điều XX(b) GATT.
[c] Tiểu khoản (d) Điều XX GATT và tiểu khoản (c) Điều XIV GATS: Ngăn ngừa các hành vi lừa đảo
Tiểu khoản (d) tương đối phức tạp hơn các tiểu khoản (a) và (b), do nó liên quan đến các biện pháp nhằm đảm bảo việc tuân thủ luật lệ và các quy định (không trái với GATT và GATS), trong khi các tiểu khoản (a) và (b) quy định các mục tiêu chính sách cụ thể. Tiểu khoản (d) của Điều XX GATT và tiểu khoản (c) của Điều XIV GATS đều bao gồm một danh sách không đầy đủ, nhằm liệt kê một số luật lệ và quy định có thể áp dụng ngoại lệ.
Trong mối quan hệ này, cần lưu ý rằng hai danh sách này là khác nhau, thể hiện các đối tượng khác nhau trong GATT và GATS. Để xác định xem một biện pháp có thoả mãn yêu cầu của Điều XX(d) hay không, Cơ quan phúc thẩm trong vụ Korea-Various Measures on Beef đã đưa ra một phép thử gồm hai phần: ‘Thứ nhất, biện pháp đó phải là một biện pháp nhằm ‘đảm bảo việc tuân thủ’ các luật lệ hoặc quy định mà chúng không trái với các quy định của GATT 1994. Thứ hai, biện pháp đó phải ‘cần thiết’ để đảm bảo sự tuân thủ này’.
Yếu tố đầu tiên đã được Ban hội thẩm chia nhỏ hơn nữa trong vụ Canada-Wheat Exports and Grain Imports thành hai phần: (i) Biện pháp đó phải đảm bảo việc tuân thủ các luật lệ và quy định; và (ii) Các luật lệ và quy định đó không trái với GATT.
Đối với câu hỏi thứ hai, Cơ quan phúc thẩm trong vụ Mexico-Taxes on Soft Drinks lưu ý rằng ‘các luật lệ và quy định’ được hiểu là các luật và quy định pháp luật trong nước, và không bao gồm các nghĩa vụ theo luật quốc tế.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest
[d] Tiểu khoản (g) Điều XX GATT: Bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt
Ngoại lệ liên quan đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt chỉ có trong Điều XX GATT và không có một tiểu khoản tương tự trong GATS. Điều XX(g) đưa ra hai điều kiện để viện dẫn biện pháp này: Một là, biện pháp này phải liên quan đến ‘việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt’; và hai là, ‘biện pháp này phải được thực hiện một cách hiệu quả cùng với các hạn chế sản xuất và tiêu dùng nội địa’.
Trong án lệ của WTO, cụm từ ‘các tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt’ đã được giải thích theo nghĩa rộng, không chỉ giới hạn ở các khoáng sản và các tài nguyên phi sinh vật, mà còn bao gồm cả ‘không khí trong lành’ và ‘động vật hoang dã’.
Liên quan đến điều kiện thứ hai, Cơ quan phúc thẩm trong vụ US- Gasoline đã giải thích cụm từ ‘được thực hiện một cách hiệu quả cùng với các hạn chế sản xuất và tiêu dùng nội địa’ nghĩa là đòi hỏi phải có ‘một sự công bằng trong việc áp đặt các hạn chế, dưới danh nghĩa là bảo tồn, đối với sản xuất và tiêu thụ các tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị cạn kiệt’. Cơ quan phúc thẩm cho rằng việc yêu cầu một sự đối xử giống hệt giữa các sản phẩm nội địa và nhập khẩu sẽ làm cho Điều XX(g), vốn dĩ không phù hợp với Điều III GATT (về NT), mất đi chức năng của nó với tư cách là một ngoại lệ. Mặt khác, Cơ quan phúc thẩm cũng thừa nhận rằng một biện pháp rõ ràng sẽ không thoả mãn yêu cầu của Điều XX(g), nếu không có một hạn chế nào được áp đặt đối với việc sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm nội địa tương tự.
Như đã nêu trên, sau khi cho rằng một biện pháp rơi vào phạm vi điều chỉnh của một trong các tiểu khoản của Điều XX và Điều XIV, điều kiện áp dụng của điều khoản này cần phải được xem xét để xác định xem liệu biện pháp đó có thoả mãn các yêu cầu của ngoại lệ chung hay không. Điều kiện áp dụng của Điều XX và Điều XIV bao gồm hai yêu cầu quan trọng, đó là: (i) Không được ‘phân biệt đối xử tuỳ tiện và vô căn cứ’ trong việc áp dụng biện pháp; và (ii) Biện pháp đó không phải là sự ‘hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế’. Nói cách khác, điều này liên quan đến cách thức mà biện pháp được áp dụng. Cơ quan phúc thẩm trong vụ US-Gasoline, trong một đoạn quan trọng đã giải thích mối quan hệ của việc cấm ‘hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế’ và hai quy định cấm khác trong đoạn về điều kiện áp dụng ngoại lệ, cụ thể là ‘phân biệt đối xử tuỳ tiện’ và ‘phân biệt đối xử vô căn cứ’.
Do đó, ‘phân biệt đối xử tuỳ tiện’, ‘phân biệt đối xử vô căn cứ’, và ‘hạn chế trá hình’ đối với thương mại quốc tế có thể được xem xét cùng với nhau; cụm từ này sẽ giúp làm sáng tỏ cụm từ kia. Rõ ràng ‘hạn chế trá hình’ bao gồm sự đối xử phân biệt trá hình trong thương mại quốc tế, và những hạn chế hoặc phân biệt đối xử bị che giấu hoặc không thông báo không phải là nghĩa đầy đủ của cụm từ ‘hạn chế trá hình’. Chúng tôi cho rằng ‘hạn chế trá hình’, dù cụm từ này có bao gồm thêm bất cứ điều gì đi nữa, có thể được hiểu một cách chính xác là bao gồm các hạn chế cấu thành phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ trong thương mại quốc tế, được che đậy bằng một biện pháp mà về hình thức thì đáp ứng các điều kiện của một ngoại lệ được nêu trong Điều XX... Yếu tố cơ bản đã được tìm thấy trong mục tiêu và đối tượng của việc tránh lạm dụng hoặc sử dụng một cách bất hợp pháp các ngoại lệ đối với các quy định thực chất trong Điều XX.
Liên quan đến điều kiện thứ nhất - không ‘phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ’, vụ việc quan trọng nhất là vụ US-Shrimp. Trong vụ này, biện pháp của Hoa Kỳ, được xem như chịu sự điều chỉnh của Điều XX(g), được kết luận là cấu thành một sự phân biệt đối xử ‘tuỳ tiện’ và ‘vô căn cứ’. Biện pháp của Hoa Kỳ được xem là ‘phân biệt đối xử vô căn cứ’, bởi vì biện pháp này yêu cầu các nước khác phải áp dụng ‘về cơ bản một chương trình điều chỉnh toàn diện tương tự’ như chương trình mà Hoa Kỳ đang áp dụng một cách thiếu linh hoạt, không tính đến các điều kiện khác nhau ở các nước khác nhau. Thêm vào đó, Cơ quan phúc thẩm cũng kết luận rằng biện pháp được áp dụng theo cách ‘phân biệt đối xử tuỳ tiện’, bởi vì quy trình chứng nhận để các nước có thể nhập khẩu tôm vào Hoa Kỳ không minh bạch, và các bên nguyên đơn đã bị Hoa Kỳ từ chối áp dụng nguyên tắc tuân thủ đúng các thủ tục (‘due process’).
Trong vụ Brazil-Retreated Tyres, Cơ quan phúc thẩm đã phân tích một cách chi tiết hơn lập luận của mình trong vụ US-Shrimp. Theo Cơ quan phúc thẩm, việc áp dụng một biện pháp phân biệt đối xử sẽ là ‘tuỳ tiện hoặc vô căn cứ’, khi ‘việc phân biệt đối xử không có mối liên quan hợp lí nào với mục tiêu’ trong tiểu khoản của Điều XX, ‘hoặc đi ngược lại với mục tiêu đó’.
Đối với điều kiện thứ hai - ‘hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế’, án lệ trong các vụ việc trước đây của GATT đã khẳng định rằng một sự hạn chế có thể là ‘trá hình’, nếu như nó không được thông báo một cách rộng rãi. Một số yếu tố khác cũng có thể cho thấy sự trá hình.
Ví dụ, trong khuôn khổ của Hiệp định SPS, Cơ quan phúc thẩm trong vụ Australia- Salmon kết luận rằng các biện pháp của Úc hạn chế việc nhập khẩu cá hồi từ Ca-na-đa cấu thành ‘một sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế’, bởi vì một loạt các ‘dấu hiệu cảnh báo’ và ‘các yếu tố bổ sung’, kể cả việc các biện pháp được áp dụng mà không dựa trên yêu cầu về đánh giá rủi ro theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Hiệp định SPS. Mặc dù yêu cầu đánh giá rủi ro không được quy định trong Điều XX GATT, nhưng cách tiếp cận của Cơ quan phúc thẩm trong vụ này đã có vai trò quan trọng trong việc chỉ ra khả năng sử dụng tổng hợp các dấu hiệu, nhằm chứng minh sự thiếu cơ sở trong việc áp dụng một biện pháp, và hỗ trợ trong việc xác định xem liệu có sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế hay không. Mặt khác, theo Ban hội thẩm trong vụ EC-Asbestos, nếu chỉ có một thực tế là biện pháp này có tác động bảo hộ các nhà sản xuất nội địa, thì điều này không đủ để chứng minh rằng biện pháp này là trá hình.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
2- Ngoại lệ về an ninh của WTO
Bên cạnh các ngoại lệ chung, Điều XXI GATT và Điều XIVbis GATS quy định các ngoại lệ mà các thành viên có thể viện dẫn để biện minh cho các hành động của mình liên quan đến các lợi ích an ninh thiết yếu. Điều XXI GATT quy định như sau:
Không một điều khoản nào trong Hiệp định này có thể được hiểu là:
(a) Yêu cầu một bên kí kết đưa ra hoặc tiết lộ bất kì thông tin nào mà bên kí kết này cho rằng đi ngược lại với các lợi ích an ninh thiết yếu; hoặc
(b) Ngăn không cho bất kì bên kí kết nào thực hiện các biện pháp mà bên kí kết này cho rằng cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của mình
(i) Liên quan đến nguyên liệu phân hạch hạt nhân hoặc các nguyên
liệu sản sinh ra chúng;
(ii) Liên quan đến việc mua bán vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự và việc buôn bán các hàng hoá và nguyên liệu khác trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm mục đích trang bị cho quân đội;
(iii) Thực hiện trong thời gian chiến tranh hoặc các thời điểm khẩn cấp trong quan hệ quốc tế; hoặc
(c) Ngăn không cho bất kì bên kí kết nào thực hiện các hành động theo nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Các ngoại lệ về an ninh có thể có chức năng tương tự như ngoại lệ chung, khi chúng cho phép các thành viên biện minh các biện pháp hạn chế thương mại của mình dựa vào các lí do phi thương mại. Tuy nhiên, về mặt ngôn từ, giữa các khoản của hai loại ngoại lệ, vẫn có những sự khác biệt nhất định và những khác biệt này có thể có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, các ngoại lệ an ninh không có đoạn đầu ghi điều kiện áp dụng. Điều này có thể được hiểu là các ngoại lệ an ninh không chịu sự điều chỉnh của việc cấm phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc vô căn cứ. Thứ hai, các thành viên chỉ cần phải xem xét rằng các lợi ích an ninh thiết yếu của mình là có liên quan, để có thể viện dẫn ngoại lệ về an ninh. Do đó, có ý kiến cho rằng
Điều XXI GATT, đặc biệt là khoản (b), trao cho một thành viên rất nhiều tự do trong việc áp dụng các biện pháp an ninh quốc gia. Trong trường hợp này, cần phải duy trì một mức độ ‘rà soát pháp lí’ nhất định; nếu không, điều khoản này rất dễ bị lạm dụng mà không được đền bù.
Trong thời kì GATT 1947, đã có một số vụ việc trong đó Điều XXI GATT có thể được viện dẫn. Vụ US-Export Restrictions (Czechoslovakia) [1949] là vụ việc đầu tiên và duy nhất trong đó ngoại lệ về an ninh được viện dẫn một cách thành công.
Hoa Kỳ đã viện dẫn Điều XXI GATT 1947 để biện minh cho việc áp dụng quy chế giấy phép xuất khẩu mà Tiệp Khắc cho là đã được thực hiện trái với Điều I GATT 1947. Tại cuộc họp mà các bên kí kết đã bỏ phiếu cho rằng Hoa Kỳ đã thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình, đại diện của Anh tuyên bố rằng: ‘Hành động của Hoa Kỳ là hợp lí, bởi vì mỗi quốc gia cần phải có biện pháp cuối cùng mà quốc gia này có thể sử dụng liên quan đến an ninh của chính quốc gia mình’. Tuy nhiên, trong vụ việc gây nhiều tranh cãi US-Trade Measures Affecting Nicaragua, Ban hội thẩm, sau khi kết luận rằng không thể xác định được tính hợp pháp của việc Hoa Kỳ viện dẫn Điều XXI GATT 1947 do những quy định về thẩm quyền, đã đặt ra một câu hỏi:
Nếu chúng ta thừa nhận rằng việc giải thích Điều XXI hoàn toàn phụ thuộc vào bên kí kết viện dẫn điều này, thì làm sao các bên kí kết có thể đảm bảo rằng ngoại lệ chung đối với mọi nghĩa vụ trong Hiệp định không bị viện dẫn một cách thái quá hoặc nhằm những mục đích không phải là mục đích được nêu ra trong điều khoản này?
Cả Điều XXI GATT và XIV GATS đều chưa được viện dẫn trong bất kì vụ việc nào trong thời kì WTO và câu hỏi trên vẫn còn để ngỏ.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Ngoại lệ của WTO được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Ngoại lệ của WTO có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm