Các hiệp định hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc

15/03/2023
Bùi Quang Long
Bùi Quang Long
Đến thời điểm năm 2012, hai nước đã ký kết trên 50 hiệp định thương mại, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước, trong đó có các hiệp định tạo hành lang pháp lý cơ bản cho quan hệ thương mại hai nước, như Hiệp định thương mại; Hiệp định mua bán hàng hóa tại vùng biên giới; Hiệp định hợp tác du lịch... Trong các năm tiếp theo, Việt Nam - Trung Quốc xác định các lĩnh vực hợp tác trọng điểm: Nông nghiệp và nghề cá; Giao thông-vận tải; Năng lượng; Khoáng sản; Công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ; Dịch vụ và Hợp tác ‘Hai hành lang, một vành đai kinh tế'.

1- Tổng quan về quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc giao lưu thương mại giữa các quốc gia diễn ra vô cùng sôi nổi, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Kể từ năm 1991, khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ cho đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã có những phát triển vượt bậc. Hai nước đã mở lại đường hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và người giữa hai nước, đồng thời mở 7 cặp cửa khẩu cấp quốc gia trong vùng biên giới giữa hai nước. Từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết với nhau những hiệp định thương mại để điều chỉnh hoạt động này. 

Kể từ khi khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế năm 1979, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) luôn theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại, sản xuất hướng về xuất khẩu, đạt tăng trưởng cao và xóa đói giảm nghèo. Nền kinh tế của Trung Quốc, từ một nước nông nghiệp, đã nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế sản xuất hàng hóa năng động nhất, đang dần dần trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với tổng giá trị xuất nhập khẩu là 2,97 nghìn tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 1,58 nghìn tỷ và nhập khẩu là 1,39 nghìn tỉ. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, xét trên cả tiêu chí GDP danh nghĩa (tổng sản phẩm quốc nội) và PPP (ngang giá sức mua).

Theo IMF, GDP danh nghĩa/đầu người và PPP/đầu người của Trung Quốc năm 2011 được xếp hạng tương ứng đứng thứ 90 và 91. Tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Trung Quốc giai đoạn 2001- 2010 đạt 10,5%, và dự đoán trong giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt 9,5%. Trong giai đoạn 2007-2011, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tương đương với tổng mức tăng trưởng của tất cả các nước G7 cộng lại. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 2,85 nghìn tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2010. Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 1,6 nghìn tỷ USD chứng khoán Hoa Kỳ. Bằng việc nắm giữ 1,16 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, Trung Quốc đang là chủ nợ công nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ. Trung Quốc là nước tiếp nhận FDI lớn thứ ba thế giới, thu hút 106 tỷ USD năm 2010. Với tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài 52,2 tỷ USD năm 2008, Trung Quốc được xếp hạng là nước đầu tư lớn thứ 6 trên thế giới. Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO năm 2001. Thương mại quốc tế tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc.

Tương tự, Việt Nam bắt đầu tiến hành ‘Đổi mới’ từ năm 1986, với sự chuyển đổi từng bước từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Nhờ cải cách kinh tế, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 8% trong giai đoạn 1990-1997 và 7% trong giai đoạn 2000-2005, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kể cả trong thời ký thế giới phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối những năm 2000, tăng trưởng vẫn rất mạnh mẽ và giữ ở mức 6,8% năm 2010. Theo IMF, năm 2010, GDP danh nghĩa của Việt Nam đạt 103,574 tỷ USD và GDP danh nghĩa/đầu người đạt 1.173 USD. Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO ngày 11/01/2007. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất của châu Á. Các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, các nước ASEAN, Hoa Kỳ và EU.

Kể từ năm 1991, khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ cho đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã có những phát triển vượt bậc. Hai nước đã mở lại đường hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và người giữa hai nước, đồng thời mở 7 cặp cửa khẩu cấp quốc gia trong vùng biên giới giữa hai nước. Từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Sau chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/2007 của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, các dự án trong khuôn khổ hợp tác ‘hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa hai nước được xúc tiến thực hiện.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

(a) Thương mại hàng hoá Việt Nam - Trung Quốc

Thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu được thực hiện theo hai phương thức: Thương mại chính ngạch và thương mại biên giới.

- Thương mại chính ngạch:

Năm 1991, tổng kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 32 triệu USD. Trong thời gian gần đây, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh, năm 2011 đạt khoảng 30 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, Việt Nam luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Do đó, từng bước cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu mà cả hai bên cùng đang hướng tới.

Bảng 4.3.2: Số liệu thương mại Việt Nam-Trung Quốc

(Đơn vị tính: triệu USD)

Năm

Tổng XNK

Tăng trưởng (%)

VN XK

VN NK

2000

2.957

132,9

1.534

1.423

2001

3.047

3,04

1.418

1.629

2002

3.654

19,9

1.495

2.158

2003

4.870

33,3

1.747

3.120

2004

7.191

47,6

2.735

4.456

2005

8.739,9

21,52

2.961

5.778,9

2006

9.950

21,4

2.490

7.460

2007

15.858

51,9

3.356

12.502

2008

19.464

28,8

4.343

15.122

2009

21.048

8,1

4.747

16.301

2010

27.328

29,8

7.309

20.019

6 tháng đầu năm 2011

15.699

 

4.588

11.111

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng, gồm 4 nhóm hàng chính: (i) Hàng nhiên, nguyên liệu: Dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu (cây làm thuốc)...; (ii) Hàng nông sản: Lương thực (gạo, sắn khô), rau củ quả (đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới như: Chuối, xoài, chôm chôm, thanh long.), chè, hạt điều; (iii) Hàng thuỷ sản: Thuỷ sản tươi sống, thuỷ sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản như: rắn, rùa, ba ba tự nhiên hoặc được nuôi thả; (iv) Hàng tiêu dùng: Hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo.41, trong khi đó Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến (xăng dầu, máy móc thiết bị, phụ tùng ô-tô, phân bón, dược phẩm.).

Do nhu cầu của Việt Nam về nhập khẩu các loại hàng hóa từ Trung Quốc còn rất lớn và cùng với việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định ACFTA, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam tăng ở mức độ nhất định và các giải pháp hạn chế nhập siêu chưa thể phát huy tốt hiệu quả, thì tình hình nhập siêu từ Trung Quốc giai đoạn 2007-2015 sẽ chưa thể có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng việc tăng nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là điều kiện để tăng xuất khẩu ở thị trường khác.

- Thương mại biên giới:

Nói chung, thương mại biên giới được hiểu là sự dịch chuyển hàng hoá và dịch vụ qua biên giới quốc tế trên bộ giữa các quốc gia. Như vậy, thương mại biên giới là một phần của hoạt động thương mại quốc tế thông thường giữa các nước. Tuy nhiên, thương mại biên giới có tác động kinh tế-xã hội và chính trị sâu sắc hơn nhiều so với hoạt động thương mại thông thường diễn ra ở các cảng biển và cảng hàng không.

Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên bộ chạy qua 2 tỉnh của Trung Quốc và 6 tỉnh của Việt Nam. Hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) có điều kiện địa lý đặc biệt thuận lợi để phát triển kinh tế- thương mại với Việt Nam. Có thể nói thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam-Trung Quốc.

Kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế năm 1979, Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế các vùng biên giới, coi thương mại biên giới là ‘khâu đột phá’, nhằm khai thác lợi thế so sánh của các vùng này với các nước láng giềng. Hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây nằm trong vành đai kinh tế ‘đại Tây Nam’ của Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Tây Tạng và Quảng Tây, trong đó Quảng Tây được xem là ‘hành lang’ ra biển cho toàn bộ vùng Tây Nam Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2006-2011, tốc độ tăng trưởng thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc trung bình 29%/năm, góp phần quan trọng vào thương mại hai chiều giữa hai nước. Tổng thương mại biên giới hai nước đạt 2,8 tỷ USD năm 2006, trên 7,1 tỷ USD năm 2010 và trên 6,3 tỷ USD năm 2011.

Nhìn chung, thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc phát triển có tác động quan trọng làm thay đổi diện mạo nghèo nàn của khu vực biên giới, mở rộng thương mại quốc tế, nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới hai nước. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại biên giới giữa hai nước cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự quản lý và những điều chỉnh kịp thời bằng chính sách và các quy định pháp luật của cả hai nước nhằm ổn định và phát triển các hoạt động thương mại khá đặc thù này, vì lợi ích của cả hai nước và tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế, nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc đều đã trở thành thành viên chính thức của WTO và cùng tham gia vào Hiệp định ACFTA. Cần xây dựng một chiến lược dài hạn và hiệu quả nhằm phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của cả hai nước.

Xem thêmDịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

(b) Thương mại dịch vụ Việt Nam - Trung Quốc

Hợp tác du lịch Việt Nam-Trung Quốc cũng là điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Hiệp định hợp tác du lịch hai nước ngày 8/4/1994 đã tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng gia tăng. Từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc luôn đứng đầu và vượt xa nước đứng thứ hai trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam đông nhất. Số người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc cũng ngày một tăng.

Thương mại dịch vụ dự đoán sẽ phát triển nhanh. Thương mại dịch vụ giai đoạn 2007-2015 sẽ phát triển mạnh hơn so với thương mại hàng hoá. Trong số các lĩnh vực dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải, kho ngoại quan và cảng biển sẽ phát triển rất nhanh, đặc biệt là sau 2010. Dự báo, hàng quá cảnh của Trung Quốc qua cảng Hải Phòng có thể sẽ lên tới 1 triệu tấn vào năm 2010 và 5 triệu tấn vào năm 2015.

(c) Quan hệ đầu tư Việt Nam - Trung Quốc 

Tính đến tháng 7/2011, Trung Quốc có 805 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD, đứng thứ 14 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Dự án lớn nhất của Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay là dự án thép Fuco tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD. Ngoài ra, còn một số dự án lớn khác như Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt-Trung, vốn đầu tư 175 triệu USD; khu công nghiệp An Dương (Hải Phòng), vốn đầu tư 175 triệu USD. Tính đến năm 2011, Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Trung Quốc, với tổng vốn đăng ký 13 triệu USD. Những con số này cho thấy đầu tư hai chiều Việt-Trung còn thấp so với tiềm năng, lợi thế và mong muốn của cả hai nước. Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và đầu tư), các dự án đầu tư của Trung Quốc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân, chưa có nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế lớn.

Quan hệ đầu tư Việt Nam-Trung Quốc có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, khác với quan hệ xuất nhập khẩu giữa hai nước là quan hệ hai chiều, quan hệ đầu tư chủ yếu chỉ có một chiều từ phía Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi vì so với Việt Nam, Trung Quốc là nước có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Việt Nam đầu tư vào Trung Quốc không đáng kể, chỉ tập trung tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.

Thứ hai, số lượng và tốc độ đầu tư đạt mức trung bình. Cho đến nay, Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Thứ ba, các chỉ tiêu chất lượng của đầu tư chưa cao.

Thứ tư, bên cạnh việc đầu tư theo hình thức FDI, Trung Quốc còn viện trợ phát triển cho Việt Nam theo các dự án ODA.

Thứ năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã góp phần nhất định vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, xét cả về tiềm năng lẫn sự phát triển mọi mặt của quan hệ hai bên, lượng đầu tư như vậy chưa tương xứng với tiềm năng của thương mại hai nước, đặc biệt là của phía Trung Quốc.

Trung Quốc đã là ‘thành viên của câu lạc bộ nghìn tỷ đô-la GDP’, dự trữ ngoại tệ 2,85 nghìn tỷ USD tính đến cuối năm 2010, đầu tư trên phạm vi thế giới đạt 52,2 tỷ USD năm 2008 và được xếp hạng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của thế giới.45 Tuy nhiên, con số về đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm qua chưa tương xứng với vị thế địa-kinh tế của Việt Nam - nước được coi là cầu nối thị trường Trung Quốc khổng lồ đầy tiềm năng với Đông Nam Á.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

2- Khái quát về các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc

Đến thời điểm năm 2012, hai nước đã ký kết trên 50 hiệp định, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước, trong đó có các hiệp định tạo hành lang pháp lý cơ bản cho quan hệ thương mại hai nước, như Hiệp định thương mại; Hiệp định mua bán hàng hóa tại vùng biên giới; Hiệp định hợp tác du lịch; Hiệp định về thành lập Uỷ ban hợp tác kinh tế; Hiệp định thanh toán; các hiệp định về giao thông, vận tải đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Từ tháng 2/2002, Trung Quốc đã dành cho Việt Nam đối xử MFN về thuế suất đối với hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Trong quan hệ hợp tác thương mại song phương, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết một số hiệp định điều chỉnh quan hệ thương mại biên giới, như: Hiệp định mậu dịch Việt Nam-Trung Quốc 1991; Hiệp định về mua bán hàng hoá ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc 1998; Hiệp định về lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật Việt Nam - Trung Quốc 2007...

Hai nước đã nhất trí tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại thông qua việc ký kết ‘Quy hoạch phát triển - 05 năm hợp tác kinh tế-thương mại giai đoạn 2012-2016’ vào ngày 15/10/2011. Quy hoạch này sẽ tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch là tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Trung, đồng thời làm phong phú thêm nội dung hợp tác, tạo ra phương thức hợp tác mới; nghiên cứu những biện pháp nhằm giảm mức độ mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai nước. Theo thoả thuận được ký kết, hai bên xác định 07 lĩnh vực hợp tác trọng điểm, bao gồm: (i) Nông nghiệp và nghề cá; (ii) Giao thông-vận tải; (iii) Năng lượng; (iv) Khoáng sản; (v) Công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ; (vi) Dịch vụ; và (vii) Hợp tác ‘Hai hành lang, một vành đai kinh tế.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

3- Pháp luật trong nước của Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến quan hệ thương mại song phương giữa hai nước

Thứ nhất, cần lưu ý pháp luật điều chỉnh chung quan hệ thương mại giữa hai nước, như: Luật ngoại thương của Trung Quốc, Nghị định số 12/2006/NĐ- CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

Thứ hai, về pháp luật điều chỉnh thương mại biên giới giữa hai nước.

Trên cơ sở Hiệp định về mua bán hàng hoá ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc 1998, mỗi nước đều ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc với các mục tiêu cơ bản như sau:

  • Thúc đẩy hợp tác thương mại ở vùng biên giới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi;
  • Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hoá ở vùng biên giới phát triển lành mạnh, liên tục, ổn định và có biện pháp tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại;
  • Tạo điều kiện thuận lợi  cho các hoạt động xúc tiến thương mại,
  • Thúc đẩy mua bán hàng hoá ở vùng biên giới giữa hai nước;
  • Hoạt động mua bán hàng hoá ở vùng biên giới phải được tiến hành trên cơ sở phù hợp với các cam kết của hai nước và pháp luật của mỗi nước.

Thứ ba, hệ thống thương mại biên giới của Trung Quốc chịu sự quản lý kết hợp của cả trung ương và địa phương. Mặc dù chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc quản lý thương mại biên giới nhưng cũng phải tuân thủ sự quản lý thống nhất của trung ương, vì thương mại biên giới cũng là bộ phận của ngoại thương Trung Quốc. Thương mại biên giới đã trở thành sức mạnh kinh tế chủ đạo và đóng vai trò cơ bản trong việc thực hiện mục tiêu của nhà nước Trung Quốc - là ‘tăng cường sức sống cho vùng biên giới, xây dựng xã hội phong lưu, mang lại lợi ích cho nhân dân và ổn định đất nước’. Cơ sở pháp lý chủ yếu của chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc là Luật về khu tự trị dân tộc thiểu số và Luật ngoại thương. Điều 42 của Luật ngoại thương Trung Quốc quy định: Nhà nước áp dụng các biện pháp linh hoạt và tạo thuận lợi cho thương mại giữa các thị xã ở các vùng biên giới và các thị xã của các nước láng giềng, cũng như thương mại của cư dân biên giới.

Quan hệ thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc được đặc trưng bởi các thoả thuận thương mại quy mô nhỏ và linh hoạt.

Thứ tư, theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 30/08/2007 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt-Trung đến năm 2020, Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chính sách và văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ thương mại diễn ra ở khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Hành lang pháp luật thông thoáng mà Việt Nam xây dựng đã tạo thuận lợi và thúc đẩy các hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc phát triển.

Các vấn đề pháp luật về thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau của Việt Nam, trong đó chủ yếu phải kể đến một số văn bản như:

  • Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;
  • Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;
  • Quyết định số 44/QĐ-BTC ngày 29/8/2006 của Bộ tài chính về việc ban hành tờ khai hải quan dùng cho phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ;
  • Công văn số 1244/TCHQ-GSQL của Tổng cục hải quan ngày 27/2/2007 về thủ tục hải quan đối với hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới;
  • Công văn số 4848/TCHQ-GSQL của Tổng cục hải quan ngày 23/8/2007 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa qua cửa khẩu biên giới đường bộ;
  • Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/06/2004 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước nói chung cũng như các quan hệ thương mại biên giới nói riêng không thể không chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ của Việt Nam, sau khi Việt Nam gia nhập WTO và cả hai nước đã cùng tham gia vào Hiệp định ACFTA. Trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước chủ yếu dựa vào quan hệ song phương.

Hiện nay, các quan hệ đó còn phải được tiến hành trên cơ sở các cam kết chặt chẽ trong khuôn khổ WTO và các liên kết khu vực. Do vậy, Việt Nam cũng như Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách và pháp luật về thương mại của mình nhằm thực hiện các nguyên tắc cơ bản của pháp luật thương mại quốc tế (như các nguyên tắc MFN, NT, mở cửa thị trường, thương mại công bằng và minh bạch hoá) đối với tất cả các hoạt động thương mại, không phân biệt là hoạt động đó diễn ra ở đâu, biên giới hay trong nội địa, không phân biệt đối tác là ai, bạn hàng Trung Quốc hay bạn hàng đến từ các nước thành viên WTO khác.

Tiềm năng phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là rất lớn. Với sự cố gắng chung của cả hai nước, mối quan hệ đó sẽ không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp hơn với phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’, nhằm hướng tới việc đưa hai nước trở thành ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’. Trong xu hướng phát triển chung đó, hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu và hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, chính trị giữa hai nước.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Các hiệp định hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam Và Trung Quốc được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Các hiệp định hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam Và Trung Quốc có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Các hiệp định hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.31038 sec| 1079.969 kb