Giao dịch thương mại quốc tế và các giao dịch có liên quan

28/02/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Thương mại quốc tế tức là việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ (hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình) giữa các quốc gia, tuân theo nguyên tắc trao đổi ngang giá nhằm đưa lại lợi ích cho các bên. Đối với phần lớn các nước, nó tương đương với một tỷ lệ lớn trong GDP.

1- Lịch sử phát triển của các giao dịch thương mại quốc tế

Các giao dịch thương mại quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế không phải là hiện tượng mới. Các nhà sử học cho rằng, ngay từ thời cổ xưa, khi con người sống theo bộ lạc, họ đã biết trao đổi hàng hoá với nhau. Các khu chợ có thể đã xuất hiện ở khu vực giáp ranh giữa các lãnh thổ của các bộ lạc. Mạng lưới thương mại quốc tế đầu tiên mà các nhà khảo cổ biết đến xuất hiện vào khoảng 3.500 năm trước Công nguyên, tại khu vực Lưỡng Hà cổ đại (lãnh thổ I-ran và I-rắc hiện nay). Ngoài ra, còn phải kể đến mạng lưới thương mại quốc tế xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng thời kì 1000-2000 năm trước Công nguyên, được gọi là ‘Con đường tơ lụa’.

Trước khi xuất hiện kỉ nguyên văn minh Hy Lạp, vùng Địa Trung Hải là một trung tâm thương mại quốc tế được tổ chức rất thành công bởi người Phê-ni-xi. Các thành bang Hy Lạp bắt đầu cạnh tranh với người Phê-ni-xi từ khoảng năm 800 trước Công nguyên bằng việc phát triển hệ thống thương mại cùng với nền văn minh rực rỡ của họ. Cuộc chinh phục của A-lếc-xan-đơ Đại Đế đã tạo ra những con đường thương mại kéo dài đến tận châu Á và Địa Trung Hải. Tiếp đó, người La Mã đã xây dựng đế chế thương mại hùng mạnh hơn hướng về phía Anh quốc và Bắc Âu ngày nay.

Thương mại quốc tế ở châu Âu thời kì tiền Trung cổ đã trải qua giai đoạn suy thoái sau sự suy tàn của Đế chế La Mã. Sau đó, trong suốt thời kì Trung cổ, truyền thống thương mại quốc tế được các thương nhân Ả rập tiếp tục phát triển. Họ xây dựng những mạng lưới thương mại rộng khắp quanh khu vực Vịnh Pếc-xích, châu Phi, Ấn Độ, và cả Đông Nam Á. Trong thời kì này, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Ấn Độ, Ma-lai-xi-a và Đông Nam Á cũng phát triển.

Chợ họp theo mùa bắt đầu xuất hiện ở các đô thị châu Âu thời Trung cổ. Đây là nơi các thương nhân mang hàng hoá từ nhiều nước đến bán. Kể từ thời kì này, các vua chúa, chẳng hạn như vị vua xứ Lông-bác-đi (Ý) thế kỉ XI, đã có chính sách đánh thuế buôn bán ở chợ và áp thuế quan đối với hàng hoá được vận chuyển đến các chợ.

Vào cuối thời kì Trung cổ, các mạng lưới thương mại ở tầm khu vực đã rất phát triển ở châu Âu, ví dụ, ở những khu vực như vùng ven biển Địa Trung Hải, Vơ-ni-dơ, Phờ-lô-ren-xơ, Giơ-noa hay Bắc Phi. Ở Bắc Âu, vào giữa thế kỉ XIV, khoảng 80 đô thị cùng với các thương nhân đã thiết lập liên kết chính trị mềm dẻo mang tên Liên minh Han-xi-tic, với các luật lệ thương mại chung và đầy đủ sức mạnh quân sự, chính trị để đương đầu với cả vua chúa lẫn cướp biển. Trong thời kì này, các vua chúa cũng bắt đầu kí kết các điều ước nhằm bảo vệ các lợi ích thương mại đồng thời áp dụng chính sách thuế quan thuận lợi cho các thương nhân.

Vào cuối thế kỉ XV, sự kiện Cri-xtốp Cô-lông phát kiến ra châu Mỹ cùng với các tiến bộ của khoa học-kĩ thuật và hàng hải đã mở ra kỉ nguyên chinh phục thương mại thế giới của người châu Âu. Thời kì này, các nước châu Âu đã thiết lập mạng lưới thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của các thuộc địa là cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất thành phẩm tại chính quốc ở châu Âu, sau đó các thuộc địa sẽ nhập khẩu hàng hoá được sản xuất từ chính quốc.

Một trật tự kinh tế quốc tế mới bắt đầu xuất hiện khi Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp kết thúc. Tại Hội nghị Brét-tơn Út năm 1944, các tổ chức kinh tế toàn cầu - Quỹ tiền tệ quốc tế (viết tắt là ‘IMF’) và Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (viết tắt là ‘IBRD’) đã ra đời. Một tổ chức thương mại toàn cầu cũng đã xuất hiện tại Hội nghị La Ha-ba-na năm 1948 - Tổ chức thương mại quốc tế (viết tắt là ‘ITO’), nhưng tổ chức này đã không thể tồn tại được và bị thay thế bằng cơ chế điều chỉnh thương mại hàng hoá quốc tế ‘tạm thời’ - Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1947 (viết tắt là ‘GATT 1947’). Hiệp định ‘tạm thời’ này đã điều chỉnh thương mại hàng hoá toàn cầu trong suốt gần 50 năm, cho đến khi Tổ chức thương mại thế giới (viết tắt là ‘WTO’) ra đời năm 1995.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hệ thống thương mại toàn cầu liên tục phát triển trong suốt hơn 65 năm qua và giờ đây đang đứng giữa ngã tư đường. WTO sẽ đi về đâu cùng với các cam kết toàn cầu về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề đầu tư quốc tế...? Để đối phó với sự không hiệu quả của các cam kết tự do hoá thương mại toàn cầu, việc thành lập các liên kết kinh tế khu vực đã trở nên hợp lý trong chính sách kinh tế đối ngoại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các mô hình liên kết kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (viết tắt là ‘EU’), Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (viết tắt là ‘NAFTA’), Khu vực thương mại tự do ASEAN (viết tắt là ‘AFTA’) đã trở thành những chủ đề quen thuộc trong các tài liệu về luật thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại song phương cũng sẽ có vai trò quan trọng.

Xem thêmDịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

2- Sự phân biệt tương đối giữa lĩnh vực thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của quốc gia và các thực thể công và lĩnh vực thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của thương nhân

(a) Thương mại quốc tế (International Trade) và chính sách thương mại

Vì sao các quốc gia tiến hành hoạt động thương mại với nhau?

Có hai nguyên nhân chính được đưa ra nhằm giải thích tại sao các quốc gia tiến hành hoạt động thương mại với nhau, đó là: (a) Nguyên nhân kinh tế; và (b) Nguyên nhân chính trị.

- Nguyên nhân kinh tế:

Thương mại tự do không phải là ý tưởng mới. Nó đã xuất hiện trong nhiều học thuyết kinh tế từ thế kỉ XV-XVIII ở châu Âu, như các học thuyết về chủ nghĩa trọng thương, học thuyết về lợi thế tuyệt đối của A-đam Xơ-mít, hay học thuyết về lợi thế so sánh của Đa-vít Ri-các-đô.

Theo A-đam Xơ-mít... Người thợ may không nên đóng giày cho chính mình, mà nên mua giày của người thợ đóng giày. Người thợ đóng giày cũng không nên tự may quần áo cho mình, mà nên mua quần áo của người thợ may... Điều gì là sự khôn ngoan trong cách ứng xử của từng gia đình, thì cũng nên làm như vậy đối với một vương quốc. Nếu một quốc gia nước ngoài có thể cung cấp cho chúng ta hàng hoá rẻ hơn của chúng ta, thì nên mua các hàng hoá đó, chúng ta sẽ có lợi. 

Quan điểm của A-đam Xơ-mít về ‘chuyên môn hoá’ và ‘lợi thế tuyệt đối’ trong thương mại quốc tế như đã nêu trên được Đa-vít Ri-các-đô tiếp tục phát triển. Ông đã xây dựng học thuyết về ‘lợi thế so sánh’ trong tác phẩm ‘Những nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khoá’ xuất bản năm 1817. Lợi thế so sánh là khái niệm trung tâm của học thuyết về thương mại quốc tế, cho rằng quốc gia nên tập trung sản xuất và xuất khẩu những hàng hoá mà mình có ưu thế hơn, đồng thời nhập khẩu những hàng hoá mà mình không có ưu thế trong tương quan so sánh với các quốc gia khác. Đây là học thuyết làm nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng về kinh tế của mỗi quốc gia thông qua thương mại quốc tế.

Học thuyết này đề cao sự chuyên môn hoá sản xuất của quốc gia dựa trên những lợi thế như nguồn nguyên liệu thô dồi dào, đất đai màu mỡ, lao động có tay nghề, tích lũy tư bản. Học thuyết về lợi thế so sánh là lời giải cho câu hỏi vì sao các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển (viết tắt là ‘DCs’) có thể và trên thực tế đều được hưởng lợi từ thương mại quốc tế. Theo học thuyết này, ngay cả những nước nghèo nhất và không có bất cứ lợi thế tuyệt đối nào cũng có thể hưởng lợi từ thương mại quốc tế, nhờ những lợi thế tương đối của mình. Có lẽ cũng không quá lời nếu nói rằng Đa-vít Ri-các-đô chính là vị ‘kiến trúc sư’ của WTO ngày nay. Các nhà kinh tế học của thế kỉ XIX-XX sau đó đã nỗ lực hoàn thiện các mô hình của Đa-vít Ri-các-đô và cho ra đời các mô hình như Heckscher-Ohlin, Pôn Sa-mu-en-xơn, Giô-dép Xti-gơ-lít.

Các nhà kinh tế học qua các thời đại đều hiểu rõ rằng, người dân của một nước sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu với khối lượng càng lớn càng tốt để đổi lấy những gì họ đã xuất khẩu, hoặc tương tự, họ sẽ phải xuất khẩu càng ít càng tốt để chi cho nhập khẩu với khối lượng nhỏ. Việc mở cửa cho thương mại và đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng theo nhiều cách, đó là:  Khuyến khích nền kinh tế phát triển theo hướng chuyên môn hoá sản xuất những sản phẩm họ có lợi thế so sánh so với các nền kinh tế khác; Mở rộng thị trường đến những nơi mà các nhà sản xuất nội địa có thể tiếp cận; Phổ biến các công nghệ và ý tưởng mới, làm tăng năng lực sản xuất của người lao động và các nhà quản lý nội địa; Việc loại bỏ thuế nhập khẩu sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm giá rẻ hơn, làm tăng sức mua và mức sống của người tiêu dùng, đồng thời giúp các nhà sản xuất tiếp cận sản phẩm đầu vào giá rẻ hơn, làm giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh. 

Ở không ít nước, tự do hoá thương mại và tốc độ tăng trưởng nhanh được đánh giá là góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, ví dụ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. 

Xem thêmDịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest 

- Nguyên nhân chính trị

Có câu nói: ‘Nếu không phải là hàng hoá vượt qua biên giới thì sẽ là binh lính’.  Trong thực tế, bảo hộ thương mại thường là nguồn gốc của xung đột. Năm 1947, các đại điện đến từ 23 nước đã họp tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) để đàm phán về GATT, nhằm giảm thuế nhập khẩu theo nguyên tắc không phân biệt đối xử và tôn trọng pháp luật, bởi vì tất cả các nước đều hiểu rõ rằng chính sách bảo hộ ‘lợi mình hại người’ (hay có thể được dịch là ‘nghèo hoá nước láng giềng’) (‘beggar-thy-neighbour’) của những năm 30 thực sự là thảm họa kinh tế của nhân loại, thậm chí có thể nói đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Vì vậy, thương mại quốc tế đã trở thành một trong những chính sách ngoại giao quan trọng của hầu hết các quốc gia ngày nay. Triết lí của vấn đề là: nếu các nước có quan hệ thương mại với nhau, thì nguy cơ chiến tranh và xung đột vũ trang giữa họ sẽ giảm.

Đối với rất nhiều nước DCs, sức mạnh kinh tế là nhân tố quyết định sự tồn tại và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Họ nhận thức rõ ràng tác động của thương mại quốc tế đối với chính sách thương mại quốc gia. Bên cạnh đó, thương mại quốc tế cũng là công cụ rất quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của các quốc gia.

Theo những người ủng hộ thương mại quốc tế, thương mại tự do giữa các quốc gia được xem như chìa khoá của tăng trưởng kinh tế, hoà bình và cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, triết lí của thương mại tự do cũng vấp phải sự phản đối.

Vì sao các quốc gia hạn chế thương mại quốc tế?

Có nhiều nguyên nhân, cả về kinh tế và chính trị, khiến các quốc gia quyết định áp dụng những biện pháp hạn chế thương mại quốc tế. Có những học giả cho rằng: ‘Thương mại tự do không phải là một giải pháp tối ưu về mặt kinh tế. Chủ nghĩa bảo hộ và thực hành thương mại không công bằng được xem là đem lại những lợi ích kinh tế lớn hơn cho một quốc gia’. 

Ngay từ thế kỉ XV, các nhà kinh tế học đã tư vấn rằng các quốc gia nên thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế phù hợp với lợi ích của mình và dựa trên lợi thế so sánh, tuy nhiên các chính khách không phải lúc nào cũng đánh giá cao lời khuyên này. Họ có nhiều lí do để theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại.  Lí do thứ nhất là bảo vệ ‘an ninh quốc gia’ và thực hiện chính sách ‘tự cung tự cấp’. Đây là lập luận của Chính phủ Hoa Kỳ khi bảo hộ ngành công nghiệp thép và các sản phẩm nông nghiệp. Hoa Kỳ cần có một ngành công nghiệp thép nội địa hùng mạnh vì mục đích quốc phòng. Lí do thứ hai là cần bảo hộ ‘ngành kinh tế non trẻ’. Đôi khi các quốc gia cần bảo hộ các ngành sản xuất trong nước và việc làm, trong đó có những ‘ngành kinh tế non trẻ’, trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, dịch vụ của nước ngoài hoặc các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài. Nếu một ngành kinh tế tiềm năng của quốc gia được bảo hộ khi nó còn ‘non trẻ’, thì nó sẽ có năng lực cạnh tranh bình đẳng trên thị trường thế giới. Lí do thứ ba là chính sách ‘lợi mình hại người’ (‘beggar-thy-neighbour’) (như đã nói ở trên).

Thực tế cho thấy, chính sách thương mại quốc tế mang tính dân tộc chủ nghĩa này có thể dẫn tới nhiều khả năng trả đũa lẫn nhau giữa các nước. Bên cạnh đó, các vấn đề như đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của người tiêu dùng, môi trường, bản sắc văn hoá và các giá trị xã hội khác cũng là lí do của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Chính phủ các nước có thể chịu ảnh hưởng từ áp lực của các nhóm lợi ích khác nhau, hoặc lợi ích quốc gia, và họ có thể quyết định thực hiện chính sách bảo hộ dưới nhiều hình thức đa dạng và tinh vi, nếu điều đó là cần thiết. Các quyết định bảo hộ thương mại, trong khá nhiều trường hợp, là sự lựa chọn chính trị khôn ngoan đối với chính phủ của cả các nước phát triển và các DCS.

[b] Sự lựa chọn của các quốc gia là gì?

Câu trả lời phụ thuộc vào từng trường hợp. Các quốc gia nên lựa chọn con đường thương mại quốc tế hay chính sách cô lập? Bảo hộ thương mại hay tự do hoá thương mại? Ngày nay, quyết định của các quốc gia thường nghiêng về thương mại quốc tế, và sự lựa chọn này dựa trên logic về chính trị hơn là logic về kinh tế. Cũng như các điều ước quốc tế khác, cả chính sách đối nội (bị tác động bởi sức ép chính trị) và chính sách đối ngoại (trên cơ sở thoả hiệp) của các quốc gia đều tác động đến quá trình đàm phán và kết quả cuối cùng của một điều ước thương mại quốc tế.

Luật thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của quốc gia và các thực thể công (International Trade Law) là gì?

Hiểu đơn giản, đó là pháp luật điều chỉnh thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của quốc gia và các thực thể công. Nhưng thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của quốc gia và các thực thể công (International Trade) là gì? Ngoài quốc gia và các tổ chức kinh tế quốc tế là các chủ thể chủ yếu, thì ai có thể tham gia vào các quan hệ thương mại quốc tế này? Các quy định về thương mại quốc tế là gì?

- Thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của quốc gia và các thực thể công (International Trade):

Về cơ bản, thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của quốc gia và các thực thể công (International Trade) được hiểu là các quan hệ quốc tế ở cấp độ chính sách thương mại, ví dụ, chính sách thuế quan và phi thuế quan, chính sách thương mại tấn công hoặc phòng vệ, chính sách hội nhập kinh tế... của một quốc gia; hoặc sự lựa chọn hội nhập ở cấp độ toàn cầu, khu vực, song phương hoặc đơn phương trong hợp tác thương mại; hay mối quan hệ giữa việc thực hiện các cam kết thương mại quốc tế và pháp luật quốc gia. Hiện nay, vấn đề đối xử thương mại dành cho các DCs đang là một trong những mối quan tâm của thương mại quốc tế. Như vậy, chính sách thương mại sẽ được thể hiện rất rõ trong các điều ước thương mại quốc tế; và các mục tiêu kinh tế vẫn là trung tâm của bất kỳ điều ước thương mại quốc tế nào.

- Chủ thể của các quan hệ thương mại quốc tế là ai:

Chủ thể chủ yếu của các quan hệ thương mại quốc tế nêu trên là các quốc gia và các tổ chức kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, trong ‘sân chơi’ thương mại quốc tế đang xuất hiện những ‘người chơi’ mới.

Nói một cách thực tế, thì các nước lớn và các nền kinh tế lớn vẫn đang thống trị thương mại thế giới. Tuy nhiên, thương mại quốc tế cũng rất quan trọng đối với các DCs và các nước chậm phát triển (viết tắt là ‘LDCs’). Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng không còn áp đảo. Những ‘cường quốc mới nổi’ như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng chiếm vị trí ngày càng nổi bật trong quan hệ thương mại quốc tế.

Các nước này xuất hiện như những chủ thể chủ đạo trong hoạt động sản xuất hàng chế tạo và cung ứng dịch vụ trên thị trường thế giới, từ đó tạo ra xu hướng mới cho các DCs khác đi theo. Mặc dù chỉ chiếm tỉ trọng không đáng kể trong thương mại toàn cầu, nhưng về tổng thể, các LDCs lại là các nhà sản xuất lớn về hàng nguyên liệu, hàng nhiên liệu, hàng dệt may và thực phẩm. Lưu ý rằng năng lực kinh tế của các nước này không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố ổn định chính trị và chính sách thương mại.

Các tổ chức kinh tế quốc tế cũng tham gia mạnh mẽ vào các quan hệ thương mại quốc tế, trong đó phải kể đến WTO, IMF, WB, EU, ASEAN v.v.. Mặc dù WTO không phải là tổ chức quốc tế duy nhất có liên quan, nhưng nó đúng là tổ chức quốc tế lớn nhất và toàn diện nhất, điều chỉnh cả các hiệp định thương mại khu vực và song phương trong phạm vi nhất định.

Có thể thấy rõ khả năng phát triển của các liên kết kinh tế khu vực. Chủ nghĩa khu vực ở châu Á sẽ có những tác động mang ý nghĩa toàn cầu, củng cố xu hướng hình thành ba khu vực thương mại với khả năng trở thành các khối liên kết là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Sự hình thành của các khối này sẽ tác động đến khả năng đạt được những hiệp định toàn cầu trong khuôn khổ WTO trong tương lai. Các liên kết kinh tế khu vực cũng là chủ thể quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế, bên cạnh các chủ thể truyền thống là quốc gia.

Các chủ thể phi nhà nước, ví dụ, các doanh nghiệp, cũng có ảnh hưởng ngày càng tăng trong các hiệp định thương mại quốc tế vốn là ‘sân chơi’ của các quốc gia. Ví dụ, Việc Hiệp định của WTO về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (viết tắt là ‘TRIPS’) thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (viết tắt là ‘IPRs’) chặt chẽ hơn, rõ ràng là sự đáp ứng hoạt động lobby của các công ty phương Tây đang sở hữu và phát triển các IPRs, như các công ty dược phẩm, công ty kinh doanh lĩnh vực giải trí, công ty phần mềm.  Các vùng lãnh thổ (không có tư cách quốc gia) như Hồng Kông, Ma Cao, hiện nay có vị trí bình đẳng như các chủ thể khác trong quan hệ thương mại quốc tế. Hồng Kông và Ma Cao, cùng với Trung Quốc, đều là các thành viên độc lập của WTO. 

Sự đa dạng của các chủ thể tham gia ‘sân chơi’ này vừa có thể đem lại tiềm năng, vừa có thể dẫn nguy cơ đổ vỡ của hệ thống thương mại quốc tế.

- Các quy định về thương mại quốc tế:

Luật thương mại quốc tế (International trade rules) quy định ‘luật chơi’ cho ‘cuộc chơi’ thương mại quốc tế. Đó là hàng loạt những quy định đồ sộ có tính ‘quốc tế’, liên quan đến ‘thương mại’ hoặc ‘kinh tế’, và có bản chất ‘pháp luật’.

Do các quy định này phản ánh chính sách thương mại, nên chúng có liên quan chặt chẽ với các vấn đề kinh tế hơn bất cứ lĩnh vực pháp luật nào khác. Các quy định về thương mại quốc tế tập trung vào các công cụ điều chỉnh dòng thương mại, bao gồm cả các điều ước quốc tế về thương mại và một phần pháp luật nội địa điều chỉnh thương mại quốc tế.

Các hiệp định của WTO là các điều ước toàn cầu gần như đầy đủ nhất về thương mại quốc tế, là một bộ các quy định mang tính ràng buộc, liên quan đến rất nhiều vấn đề thương mại quốc tế. Ngoài các hiệp định của WTO, còn có nhiều điều ước thương mại khu vực và song phương. Các điều ước ở tất cả các cấp độ này tạo thành một hệ thống các quy tắc thương mại đa phương. Các điều ước thương mại khu vực nổi bật nhất là các điều ước liên quan đến EU, NAFTA, MERCOSUR (Thị trường chung Nam Mỹ), và Khu vực thương mại tự do ASEAN.

Trong những năm gần đây, số lượng các điều ước thương mại song phương tăng nhanh, đồng thời thể hiện vai trò rất quan trọng của chúng trong chính sách thương mại của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Từ trước đến nay, các điều ước về đầu tư quốc tế thường dưới dạng các hiệp định đầu tư song phương (viết tắt là ‘BITs’). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các quy định về đầu tư thường được đưa vào nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực, do đó cả hai vấn đề thương mại và đầu tư đều được điều chỉnh kết hợp trong cùng một hiệp định. Ví dụ, Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ 2000 (viết tắt là ‘BTA’).

Ở tầm quốc gia, các quốc gia ban hành quy định điều chỉnh sự dịch chuyển qua biên giới của hàng hoá, dịch vụ, sức lao động, tư bản, tiền tệ... đồng thời kí kết các điều ước quốc tế với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế. Nếu nhằm mục đích thúc đẩy thương mại quốc tế, thì quốc gia cần phải xây dựng môi trường pháp lí cho phép nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ và sức lao động của mình so với quốc gia khác. Ngược lại, nếu mong muốn bảo hộ các ngành kinh tế trong nước, việc làm và công nghệ, hay ngăn ngừa ‘sự chảy máu’ về vốn, thì quốc gia đó cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật theo hướng ‘phòng vệ’.

Vậy, vai trò của các quy định điều chỉnh thương mại quốc tế là gì? Làm thế nào để các quy định này mang lại lợi ích cho các quốc gia trong thương mại quốc tế? Theo Bossche, về cơ bản, có 4 lí do giải thích sự cần thiết của các quy định pháp luật thương mại quốc tế.  Thứ nhất, các quy định pháp luật này sẽ kiềm chế các nước áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, và giúp các nước tránh leo thang trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại. Thứ hai, các quy định về thương mại quốc tế sẽ đáp ứng nhu cầu của các thương nhân và nhà đầu tư về sự an toàn và tính có thể dự đoán trong thương mại quốc tế, từ đó khuyến khích thương mại và đầu tư. Thứ ba, nó giúp các quốc gia đối phó được với những thách thức của quá trình toàn cầu hoá, liên quan đến y tế, môi trường, bản sắc văn hoá và các tiêu chuẩn lao động cơ bản. Thứ tư, đó là nhu cầu đạt được một giải pháp công bằng hơn trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Xem thêmDịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

(c) Thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của thương nhân (hay các giao dịch kinh doanh quốc tế - International Business Transactions)

- Vì sao doanh nghiệp phải mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài?

Trên thực tế, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thường nhằm mục đích tăng doanh số và lợi nhuận, tạo ra thị trường mới, nâng cao vị thế của doanh nghiệp ở phạm vi quốc tế hoặc bảo đảm nguồn nguyên liệu. Trong trường hợp doanh nghiệp quyết định tiến hành kinh doanh ở tầm quốc tế, các kiến thức về pháp luật kinh doanh quốc tế và pháp luật có liên quan sẽ là rất cần thiết đối với doanh nghiệp.

Luật thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của thương nhân (hay luật kinh doanh quốc tế - International Business Law) là gì?

Đó là pháp luật điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế có sự tham gia chủ yếu của thương nhân (hay các giao dịch kinh doanh quốc tế). Cách hiểu về thuật ngữ ‘International Business Law’ không quá xa so với cách hiểu về thuật ngữ ‘International Commercial Law’.

- Các giao dịch kinh doanh quốc tế (International Business Transactions) là gì?

Có nhiều hình thức giao dịch kinh doanh quốc tế. Cách đơn giản nhất để doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh ở tầm quốc tế là thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá trực tiếp với khách hàng ở nước ngoài, nghĩa là hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc tìm kiếm khách hàng và tìm hiểu thị trường nước ngoài có thể không dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp có thể quyết định sử dụng người trung gian để giúp họ bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Có hai loại trung gian thường gặp trong hoạt động kinh doanh quốc tế, đó là đại lí và phân phối.

Doanh nghiệp có thể quyết định sản xuất sản phẩm của mình ở nước ngoài thay vì sản xuất sản phẩm đó ở trong nước rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là trường hợp doanh nghiệp quyết định chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ (viết tắt là ‘IP’) cho doanh nghiệp khác ở nước ngoài và cho phép doanh nghiệp ở nước ngoài sản xuất và bán sản phẩm của mình. Chuyển giao IPRs ở tầm quốc tế là hoạt động kinh doanh hiệu quả để doanh nghiệp có cơ hội phổ biến IPRs của mình.

Các hoạt động chuyển giao IPRs tồn tại dưới nhiều hình thức, như chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp (license), chuyển giao quyền tác giả, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại (franchising)... Một công ty dược của Hà Lan có thể chuyển giao sáng chế về loại thuốc nào đó cho một công ty sản xuất dược phẩm của Việt Nam, nghĩa là công ty dược phẩm của Việt Nam có thể sử dụng sáng chế của công ty dược phẩm Hà Lan để sản xuất ra loại thuốc đó và bán tại Việt Nam. Tương tự, một công ty điện ảnh của Hoa Kỳ có thể chuyển giao quyền tác giả bộ phim cho một công ty của Pháp, để công ty này có thể nhân bản và bán bộ phim đó trên thị trường EU. Ngoài ra, nhiều công ty như KFC, McDonald, Pizza Hut cũng rất thành công trong hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế.

Với tầm nhìn chiến lược đối với thị trường nước ngoài, doanh nghiệp có thể quyết định đầu tư trực tiếp vào thị trường đó. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (viết tắt là ‘FDI’) có thể được thực hiện dưới hình thức thành lập chi nhánh (branch), công ty con (subsidiary), liên doanh (joint-venture), thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp nước ngoài (viết tắt là ‘M&A’).

Ngoài ra, có nhiều loại giao dịch kinh doanh quốc tế khác và các giao dịch có liên quan như hoạt động logistics quốc tế, bao gồm vận tải quốc tế ; cho vay, cho thuê, giao dịch việc làm, đầu tư gián tiếp nước ngoài (viết tắt là ‘FPI’), giao dịch tài chính quốc tế (thuế, bảo hiểm quốc tế).

Xem thêmDịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

- Chủ thể của các giao dịch kinh doanh quốc tế là ai?

Có nhiều loại chủ thể khác nhau tham gia các giao dịch kinh doanh quốc tế:

(i) Chủ thể phổ biến của các giao dịch này là các thương nhân - người tiến hành hoạt động thương mại (ví dụ, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, FDI), bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp. Khái niệm ‘thương nhân’ được định nghĩa không hoàn toàn giống nhau theo luật quốc gia của các nước. Theo khoản 1 Điều 6 Luật thương mại Việt Nam 2005, ‘Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh’.

Theo Điều 1 Luật doanh nghiệp Việt Nam 2005, chủ thể của hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp danh, và các doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian gần đây, các công ty đa quốc gia (viết tắt là ‘MNCs’) ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong các giao dịch kinh doanh quốc tế. Các MNCs thể hiện vai trò trung gian dịch chuyển vốn trong quan hệ đầu tư quốc tế.

(ii) Bên cạnh đó, một số tổ chức quốc tế cũng có vai trò đáng kể đối với sự phát triển của các giao dịch kinh doanh quốc tế, như: Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (United Nations Commission on International
Trade Law - viết tắt là ‘UNCITRAL’), Ủy ban của Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (United Nations Conference on Trade and Development - viết tắt là ‘UNCTAD’), Phòng thương mại quốc tế (International Chamber of Commerce - viết tắt là ‘ICC’).

UNCITRAL hướng tới việc soạn thảo các luật mẫu, nhằm cung cấp khung pháp lí cho các nước phê chuẩn và xây dựng pháp luật nước mình tương thích với luật mẫu, sao cho phù hợp với nhu cầu của các nước. Ví dụ, Luật mẫu về thương mại điện tử. ICC cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm một mức độ hài hoà hoá pháp luật giữa các nước, thông qua việc soạn thảo các quy định để các quốc gia có thể đưa chúng vào pháp luật kinh doanh quốc tế của nước mình. Liên đoàn hiệp hội các nhà vận chuyển hàng hoá quốc tế (International Federation of Freight Forwarders Association - viết tắt là ‘FIATA’) có vai trò quan trọng trong việc hài hoà hoá pháp luật thông qua việc khuyến khích và sử dụng các mẫu chứng từ chuẩn, như vận đơn vận tải đa phương thức của FIATA.

(iii) Các quốc gia cũng tham gia vào các giao dịch kinh doanh quốc tế, nhưng với tư cách chủ thể ‘đặc biệt’ và đôi khi không ứng xử bình đẳng như các chủ thể khác, vì chủ thể này được hưởng quyền ‘miễn trừ tư pháp’.
Vậy, thế nào là quyền ‘miễn trừ tư pháp’ của quốc gia? Tại sao quốc gia lại trở thành chủ thể ‘đặc biệt’ trong các giao dịch kinh doanh quốc tế?

Theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, thẩm phán của quốc gia không thể phán quyết chống lại quốc gia khác nếu không có sự chấp thuận của quốc gia đó. Sự giải thích này xuất phát từ nguyên tắc ‘par in parem non habet juridictionem’ (‘những người ngang nhau không thể phán xét lẫn nhau’) được ghi nhận trong luật quốc tế từ thời cổ đại. Mặc dù đều công nhận quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia, nhưng các nước lại có quan điểm không thống nhất về phạm vi của quyền miễn trừ là ‘tuyệt đối’ hay ‘hạn chế’.

Về quyền miễn trừ tư pháp trong luật quốc tế, câu hỏi đặt ra là: Các quốc gia, cơ quan nhà nước, hoặc doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có thể bị kiện trước toà án dân sự của quốc gia khác hay không? và có thể thi hành án đối với tài sản của quốc gia nước ngoài ở phạm vi nào? Trong luật quốc tế thời kì ban đầu, học thuyết về quyền miễn trừ ‘tuyệt đối’ chiếm ưu thế, tuy nhiên thực tiễn cho thấy rằng rất khó áp dụng học thuyết này nếu không được sự chấp thuận của quốc gia nước ngoài. Trên thực tế, học thuyết về quyền miễn trừ ‘hạn chế’ (hay miễn trừ ‘tương đối’) được áp dụng về cơ bản.

Học thuyết về quyền miễn trừ ‘tuyệt đối’ được ủng hộ bởi nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia và học thuyết ‘Hành vi quốc gia’ (‘Act of State’ Doctrine). Học thuyết ‘Hành vi quốc gia’ xuất phát từ thực tiễn của toà án Hoa Kỳ. Học thuyết này cho rằng mỗi quốc gia có chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ của mình và những hành vi mà một quốc gia thực hiện trong lãnh thổ của mình phải được coi là hợp pháp và không thể bị toà án nước ngoài xem xét lại. Học thuyết ‘Hành vi quốc gia’ được tuyên bố trong vụ Underhill v. Hernandez [1897], trong đó Toà án Niu Y-oóc lập luận: ‘. Mỗi quốc gia có chủ quyền phải tôn trọng sự độc lập của các quốc gia có chủ quyền khác và toà án của một quốc gia sẽ không xét xử hành vi của chính phủ của một quốc gia khác được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó’. 

Năm 1964, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã áp dụng học thuyết ‘Hành vi quốc gia’ trong một vụ nổi tiếng - Banco Nacional de Cuba v. Sabbatino [1964]. Vụ việc này xảy ra khi Cu-ba tiến hành quốc hữu hoá ngành công nghiệp sản xuất đường, nắm quyền kiểm soát các nhà máy tinh chế đường và các nhà máy khác trong cuộc Cách mạng Cu-ba. Rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã bị thiệt hại do đầu tư vào các nhà máy này mà không được bồi thường sau khi Chính phủ Cu¬ba lên nắm quyền.

Mặc dù trong hoàn cảnh có rất nhiều công dân Hoa Kỳ bị thiệt hại, Toà án tối cao Hoa Kỳ vẫn bảo vệ học thuyết ‘Hành vi quốc gia’, coi hành vi của Chính phủ Cu-ba là hợp pháp và bác yêu cầu của các công dân Hoa Kỳ chống lại Cu-ba do phải chịu những thiệt hại về đầu tư. 

Bên cạnh đó, lý lẽ ủng hộ quyền miễn trừ ‘hạn chế’ cũng đã xuất hiện từ lâu trong các án lệ của toà án Bỉ, theo đó quyền miễn trừ tư pháp thường được áp dụng trong trường hợp quốc gia thực hiện hành vi mang tính chủ quyền (‘acta jure imperii’), không áp dụng trong trường hợp quốc gia thực hiện hành vi mang tính chất tư (‘acta jure gestionis’). Vào ngày 17/7/1878, lần đầu tiên toà án Bỉ từ chối quyền miễn trừ tư pháp của Chính phủ Pê-ru trong xét xử vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán phân chim, với lý do đây là hợp đồng thương mại, do đó Chính phủ Pê-ru phải chấp nhận quyền tài phán của toà thương mại Bỉ. 

Quyền miễn trừ tư pháp chỉ được áp dụng đối với cơ quan tài phán trong nước, không áp dụng đối với cơ quan tài phán quốc tế. ‘... [S]ự phân biệt giữa ‘acta jure imperii’ và ‘acta jure gestionis’... [c]ủa một quốc gia hay một chủ thể luật quốc tế khác không có ý nghĩa đối với cơ quan tài phán quốc tế công có thẩm quyền’. 

Có nhiều cách giải thích khác nhau về quyền miễn trừ ‘hạn chế’. Trong bối cảnh các quan hệ thương mại quốc tế hiện nay, việc duy trì quyền miễn trừ ‘tuyệt đối’ sẽ khiến quốc gia trở thành chủ thể có ưu thế hơn so với các chủ thể khác trong các giao dịch thương mại quốc tế. Điều này khó chấp nhận, bởi vì nó ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế.

Theo quan điểm về quyền miễn trừ ‘hạn chế’, quốc gia có thể tự hạn chế quyền miễn trừ tư pháp của mình để ứng xử như các chủ thể khác. Quan điểm này được thể hiện trong quy định pháp luật của một số quốc gia, nhất là Hoa Kỳ, và trong một số điều ước quốc tế. Đạo luật của Hoa Kỳ về quyền miễn trừ của quốc gia nước ngoài năm 1976 (Foreign Sovereign Immunities Act 1976 - viết tắt là ‘FSIA’) đã được pháp điển hoá trong Chương 97, bộ pháp điển USC 28, sửa đổi năm 2008.

- Quan điểm của Hoa Kỳ trong đạo luật này là:

Việc toà án Hoa Kỳ xác định yêu cầu của quốc gia nước ngoài về miễn trừ thẩm quyền của toà án Hoa Kỳ là nhằm phục vụ công lý và bảo vệ các quyền của quốc gia nước ngoài cũng như của các đương sự trước toà án Hoa Kỳ. Theo pháp luật quốc tế, các quốc gia không được hưởng miễn trừ thẩm quyền xét xử của toà án nước ngoài trong phạm vi các hoạt động thương mại có liên quan của họ, và các tài sản thương mại của các quốc gia nước ngoài có thể bị cưỡng chế theo bản án được tuyên chống lại họ liên quan đến các hoạt động thương mại của họ. Các yêu cầu hưởng miễn trừ của các quốc gia nước ngoài từ nay trở đi sẽ do toà án Hoa Kỳ và toà án các tiểu bang quyết định, phù hợp với các nguyên tắc quy định trong chương này. 

Chính phủ nước ngoài có thể bị kiện trước toà án Hoa Kỳ nếu mặc nhiên hoặc rõ ràng từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp; hoặc vụ kiện được tiến hành trên cơ sở hoạt động thương mại hoặc hành vi thương mại của chính phủ nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Hoa Kỳ hay trên cơ sở hành vi thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến Hoa Kỳ; hoặc liên quan đến các quyền tài sản do vi phạm pháp luật quốc tế, và tài sản đó hoặc tài sản để trao đổi với tài sản đó đang tồn tại ở Hoa Kỳ, và có liên quan đến hoạt động thương mại do chính phủ nước ngoài đó thực hiện tại Hoa Kỳ; hoặc tranh chấp liên quan đến quyền tài sản ở Hoa Kỳ có được do được kế thừa hoặc được tặng cho hoặc quyền đối với bất động sản ở Hoa Kỳ; hoặc liên quan đến các khoản bồi thường thiệt hại mà chính phủ nước ngoài đó phải chịu do thiệt hại gây ra ở Hoa Kỳ, do hành vi vi phạm pháp luật hoặc do sự cẩu thả mà chính phủ nước ngoài hoặc các nhân viên của chính phủ nước ngoài gây ra khi thực hiện công vụ...

Bên cạnh đó, quan điểm về quyền miễn trừ ‘hạn chế’ còn được ghi nhận trong Công ước Oa-sinh-tơn về Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế 1965 (viết tắt là ‘ICSID’), Đạo luật về miễn trừ quốc gia của Vương quốc Anh 1978 (United Kingdom State Immunities Act 1978), và các văn bản khác.

Quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, cho dù là ‘tuyệt đối’ hay ‘hạn chế’, cũng tạo nên tính ‘đặc biệt’ của chủ thể này trong các giao dịch kinh doanh quốc tế với các chủ thể khác.

- Các quy định điều chỉnh các giao dịch kinh doanh quốc tế là gì?

Các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia các giao dịch kinh doanh quốc tế cần phải được làm rõ và phải có tính chắc chắn. Sự thiếu tính chắc chắn về mặt pháp luật sẽ tạo cơ hội phát sinh rào cản cho hoạt động kinh doanh quốc tế.

Các quy định pháp luật này có nhiệm vụ điều chỉnh các giao dịch kinh doanh quốc tế đa dạng, ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, vận chuyển hàng hoá, hợp đồng đại lý, hợp đồng phân phối, chuyển giao IPRs quốc tế, logistics quốc tế (bao gồm cả vận tải quốc tế), thanh toán quốc tế, giao dịch liên quan đến FDI, bảo hiểm quốc tế, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế...

Do có quá nhiều hệ thống pháp luật và sự khác biệt giữa chúng, nên hoạt động hài hoà hoá pháp luật, thông qua việc soạn thảo các điều ước quốc tế, được thừa nhận rộng rãi là một giải pháp lựa chọn tốt nhất.

- Góc nhìn đa văn hoá về pháp luật kinh doanh quốc tế

Ngày nay, các công ty phân đoạn các hoạt động kinh doanh của mình ở khắp nơi trên thế giới, từ thiết kế sản phẩm, sản xuất linh kiện cho tới lắp ráp và tiếp thị, hình thành nên những chuỗi sản xuất ở phạm vi quốc tế. Ngày càng có nhiều sản phẩm thực chất cần phải gắn mác ‘Sản xuất ở toàn thế giới’ (‘Made in the World’), thay vì ‘Sản xuất ở Anh’ (‘Made in England’) hay ‘Sản xuất ở Hoa Kỳ’ (‘Made in the USA’).

Các đối tác thương mại, khách hàng, nhà cung cấp và các đồng nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế có thể đến từ nhiều xã hội khác nhau, với những quan niệm khác nhau về thương mại và các giá trị xã hội. Do đó, khi vận dụng pháp luật thương mại quốc tế cần tính đến sự hài hoà giữa các quan niệm khác nhau về thương mại quốc tế, thậm chí đôi khi phải đề cao sự khác biệt, vận dụng sự khác biệt để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.

(Tham khảo Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

Xem thêmDịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Giao dịch thương mại quốc tế và các giao dịch có liên quan được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Giao dịch thương mại quốc tế và các giao dịch có liên quan có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Giao dịch thương mại quốc tế và các giao dịch có liên quan

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.22621 sec| 1139.219 kb