Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử

14/03/2023
Bùi Quang Long
Bùi Quang Long
Trong các hoạt động thương mại điện tử, các bên tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng khác. Điều này sẽ làm phát sinh một số rủi ro pháp lý, gây thiệt hại cho các bên khi tham gia hoạt động.

1- Khái niệm rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử

Rủi ro được Willet Allan H. định nghĩa: “Rủi ro là sự không chắc chắn về tổn thất". Rủi ro cũng được định nghĩa: “Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất”. Đặc biệt Frank H.Knight lại có một quan điểm khác về rủi ro khi coi “Rủi ro là sự không chắc chắn có thể đo lường được”.

Cho đến thời điểm hiện tại, khái niệm về rủi ro pháp lý chưa được thống nhất. Những khái niệm được đưa ra từ các nguồn tài liệu hay các tác giả rất đa dạng. Luật sư Lê Trọng Thêm nếu quan điểm về rủi ro pháp lý trong chủ đề “Kiểm soát rủi ro pháp lý của doanh nghiệp”: “Rủi ro pháp lý là một sự kiện pháp lý có thể xảy ra hoặc không xảy ra (tức là có xác suất dưới 100%) và khi xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của tổ chức”. Từ điển  Black's Law giải nghĩa rủi ro là sự mất mát, nguy hiểm hoặc khả năng gây tổn thất.

Pháp luật dân sự quy định rủi ro là những tổn thất có thể xảy ra nhưng không xuất phát từ hành vi có lỗi của bất kỳ chủ thể nào, nguyên nhân gây ra rủi ro xuất phát từ những sự kiện khách quan, bất khả kháng. Nếu những tổn thất xảy ra mà hành vi có lỗi của chủ thể xác định thì được coi là thiệt hại và chủ thể có lỗi buộc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, trong hoạt động thương mại điện tử rủi ro pháp lý thường được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Có thể hiểu, rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử là những thiệt hại hay tổn thất có thể xảy ra đối với các bên liên quan về việc thực hiện pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại điện tử. Việc phòng tránh rủi ro pháp lý trong thương mại điện tử đóng vai trò rất quan trọng với việc duy trì và phát triển hoạt động này. 

Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

2- Đặc điểm rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử

Rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, chủ thể gánh chịu những thiệt hại, tổn thất là các bên trong giao dịch thương mại điện tử, bên mua, bên bán, các chủ thể trung gian tạo cơ sở vật chất và hỗ trợ cho giao dịch điện tử có thể thực hiện (như thương nhân kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử, tổ chức chứng thực chữ ký điện tử, trung gian thanh toán trực tuyến...). Những thiệt hại, tổn thất vật chất hoặc phi vật chất có thể xảy đến với các chủ thể trong việc thực hiện, áp dụng quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử.

Thứ hai, rủi ro về thương mại điện tử bao gồm bốn nhóm cơ bản: i) Nhóm rủi ro dữ liệu; ii) Nhóm rủi ro về công nghệ; iii) Nhóm rủi ro về thủ tục quy trình giao dịch của tổ chức; iv) Nhóm rủi ro về luật pháp và các tiêu chuẩn công nghiệp. Trong đó, các rủi ro pháp lý phát sinh từ việc thực hiện pháp luật. Đó có thể là nguyên nhân các chủ thể chưa tuân thủ pháp luật (tức là vẫn thực hiện các hoạt động mà pháp luật cấm), chưa thi hành pháp luật (tức là không tiến hành các hoạt động mà pháp luật buộc phải làm) hay trong quá trình sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật gặp phải những tình huống mà quy định pháp luật chưa rõ ràng, cách hiểu nội dung các quy định pháp luật chưa thống nhất...

Thứ ba, phạm vi của rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử khá rộng. Phạm vi dàn trải trong các quan hệ pháp luật dân sự, hình sự, hành chính, lao động, thương mại đầu tư,đất đai... Rủi ro diễn ra không chỉ trong lãnh thổ một quốc gia mà có tính xuyên biên giới, liên quan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ tư, mức độ thiệt hại của rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử khó tiên lượng. Mặc dù các doanh nghiệp,người tiêu dùng, cơ quan nhà nước có thể chủ động trong việc phòng tránh hay hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro, tuy nhiên, cũng chỉ có thể dừng lại ở mức độ tương đối. Các doanh nghiệp khó có thể đoán định và đánh giá chính xác mức độ thiệt hại nếu rủi ro pháp lý có xảy ra do nó còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

3- Các rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử

Thứ nhất, rủi ro pháp lý xuất phát từ tính xuyên biên giới của hoạt động thương mại điện tử. 

Hệ thống pháp luật các quốc gia có sự khác nhau với mức độ từ ít đến nhiều. Việc xung đột pháp luật là câu chuyện tất yếu hoàn toàn có thể xảy ra trong giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Nếu trong bối cảnh giữa các quốc gia chưa có điều ước quốc tế song phương hay đa phương, tính xuyên biên giới của hoạt động thương mại điện tử lại là trở ngại cho các bên nếu phát sinh tranh chấp, xung đột. Đặc biệt, khi các bên tham gia vào hoạt động đó đều ở các quốc gia khác nhau, hệ thống pháp luật các nước tham gia có nhiều quy định trái chiều về cách thức giải quyết tranh chấp, quyền và nghĩa vụ các bên. 

Rủi ro trong việc lưu chuyển của đồng ngoại tệ và quản lý thuế suất với các doanh nghiệp hoạt động trên không gian mạng: qua hoạt động thương mại điện tử, dòng tiền đưa vào lưu thông đặt ra cho các cơ quan nhà nước quản lý những yêu cầu cao hơn, nhất là trong trường hợp nếu không có sự hợp tác của cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng. Vấn đề quản lý lưu chuyển đồng ngoại tệ không những chỉ được thực hiện theo thủ tục hành chính theo kiểu “tư duy giấy" thông thường mà để phù hợp hơn với thời đại số hóa và sự ưa chuộng công nghệ Fintech của các doanh nghiệp hiện nay, chính phủ đang dần hướng đến quản lý toàn diện bằng việc thực hiện chủ trương chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Thứ hai, rủi ro pháp lý trong bảo đảm an toàn và độ tin cậy cho các hợp đồng thương mại điện tử. An toàn và tin cậy là các yếu tố mà người tham gia giao dịch thương mại điện tử phải cân nhắc trước khi quyết định tham gia. Nếu người sử dụng cảm thấy thông tin về giao dịch của họ không được bảo đảm an toàn, có thể bị sửa đổi, có thể bị khám phá trái phép, điều này làm họ không muốn tham gia giao dịch điện tử. Trong đó, các hacker có thể sử dụng virut, chương trình theo dõi tracking cookie, spy cookie cài vào máy tính để có được thông tin của các bên tham gia giao dịch hay gửi dùng phương pháp Phishing giả mạo chủ thể để có được thông tin người dùng bằng cách yêu cầu cung cấp thêm thông tin để tăng tính bảo mật, xác minh tài khoản,... Qua việc lấy được thông tin của người dùng, chúng có thể tấn công trực diện vào giao dịch điện tử mà thường là vào bước thanh toán trực tuyến để có được nguồn tiền một cách dễ dàng hay mua bán, chuyển nhượng thông tin của người dùng cho chủ thể khác một cách bất hợp pháp. Đó chính là nguyên nhân số tiền trong tài khoản của khách hàng biến mất khó hiểu, mất bằng chứng giao dịch, mất tài khoản và các vấn đề tương tự.

Thứ ba, rủi ro trong vấn đề bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Do trong giao dịch thương mại điện tử, các chủ thể không cần gặp nhau, biết nhau nên dễ xảy ra các rủi ro và người bị thiệt thường là người tiêu dùng bởi vì họ có trường hợp cần trả tiền trước cho sản phẩm, dịch vụ mà họ mua qua mạng song lại chưa biết được chất lượng sản phẩm và việc giao hàng có diễn ra đúng như người bán đã cam kết không. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi hai chủ thể ở hai quốc gia khác nhau, chịu các luật điều chỉnh khác nhau, thẩm quyền tài phán khác nhau. Do vậy, trong quy định pháp lý cho các bên tham gia thương mại điện tử, các quốc gia đều bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, do luật pháp các nước không giống nhau nên nếu hai chủ thể thuộc hai quốc gia khác nhau thì hai bên cần thỏa thuận trước về luật sẽ áp dụng.

Nguy cơ lộ bí mật riêng tư trong giao dịch điện tử rất lớn, doanh nghiệp có thể lợi dụng nắm các bí mật riêng tư của khách hàng để lập kế hoạch kinh doanh, bán cho doanh nghiệp khác, hoặc sử dụng vào mục đích khác... Sự riêng tư là những bí mật cá nhân, không vi phạm đến luật pháp, được pháp luật bảo vệ. Thông tin bí mật cá nhân là sự đòi hỏi của một cá nhân để kiểm soát được những điều kiện theo đó thông tin cá nhân - những thông tin cho phép nhận dạng ra cá nhân đó - bị truy cập, tiết lộ và sử dụng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

4- Phòng, tránh rủi ro trong hợp đồng thương mại điện tử

(i) Kiểm soát các yếu tố liên quan đến giá trị hiệu lực của hợp đồng

Giá trị hiệu lực của hợp đồng điện tử phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: bên giao kết, các điều khoản của hợp đồng, thủ tục mở L/C (đối với hợp đồng mua bán quốc tế), kiểm tra kỹ chứng từ điện tử... Khi tiến hành giao kết hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng điện tử, cần phải xem xét, kiểm tra kỹ các yếu tố này.

(ii) Chú ý đến điều kiện bảo đảm độ an toàn của hợp đồng thương mại điện tử

Phát triển, ứng dụng công nghệ điện tử và bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử là vấn đề cần phải được xem xét đồng thời. Điều kiện để bảo đảm độ an toàn cho các giao dịch điện tử nói chung, hợp đồng điện tử nói riêng phải trên cơ sở ứng dụng công nghệ chứng thực và mã hóa tạo sự an toàn.

Thực tế cho thấy, cũng như chữ ký tay, chữ ký điện tử cũng có thể bị làm giả. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự giả mạo nhằm bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử thì cần phải nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chứng thực và mã hóa để bảo vệ dữ liệu. Công nghệ chứng thực và mã hóa tạo sự an toàn là điều kiện để chúng ta có được chữ ký điện tử với hình thức phổ biến là chữ ký số (chữ ký được sử dụng phương pháp mã hóa/mật mã để nhận dạng người khởi tạo thông điệp dữ liệu). Như vậy, việc bảo đảm tính toàn vẹn và tính xác thực của thông điệp dữ liệu cơ bản dựa vào độ an toàn của chữ ký số. Chữ ký số an toàn là chữ ký số được đăng ký và được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký công cộng chứng thực thông qua việc cấp chứng thư số. Thông qua đó, các bên giao dịch được cung cấp khóa công khai của nhau để dùng nó mở thông điệp dữ liệu và các chứng từ khác có liên quan đến hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, để cẩn thận trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên nên tìm thêm các thông tin khác, phương tiện khác để kiểm tra chữ ký điện tử, ví dụ như gọi điện trực tiếp cho người ký trước khi giao kết.

(iii) Thỏa thuận áp dụng pháp luật và cơ quan tài phán nước ngoài trong giao kết hợp đồng thương mại điện tử quốc tế

Trường hợp các bên tham gia hoạt động mua bán ở các nước khác nhau, có các giá trị xã hội và thực tiễn khác nhau, tập quán khác nhau, hệ thống pháp lý khác nhau, thì việc hình thành hợp đồng và xác định pháp luật nước nào để bảo vệ quyền lợi cho mình là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với hợp đồng được ký kết giữa các bên ở trên cùng lãnh thổ quốc gia, nhất là đối với những hợp đồng được ký kết thông qua phương tiện điện tử. Ví dụ như ở một hợp đồng mua được ký kết dưới dạng thông điệp dữ liệu (hợp đồng điện tử), pháp luật áp dụng có thể là luật của nước mà người mua đang cư ngụ, của nước mà người bán đặt trụ sở hoặc là của nước mà máy chủ được đặt.

Thông thường, đối với những hợp đồng được các bên giao kết với nội dung sơ sài, thì khi có tranh chấp, các yếu tố pháp luật, thói quen, tập quán và án lệ sẽ hỗ trợ cho các bên. Đây là cách làm việc kinh doanh giảm thiểu chi phí giao dịch được nhiều nước sử dụng, nhưng có lẽ chỉ thích hợp với các nước có điều kiện phát triển nhất định, nhất là các nước mà thói quen, tập quán thương mại đã định hình.

Do đó, trong giao kết hợp đồng điện tử, ngoài việc chú ý lựa chọn pháp luật của nước mà có thể bảo vệ được quyền lợi cho mình một cách tốt nhất, khi đàm phán, trao đổi, thỏa thuận về nội dung của hợp đồng cũng như lựa chọn luật áp dụng, các bên nên sử dụng tư vấn có chuyên môn giỏi và hiểu biết chắc chắn về ngành, hàng kinh doanh, đồng thời nắm vững luật lệ, tập quán của các nước có liên quan.

Xem thêm: Đăng ký bản quyền tác giả

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại điện tử

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.43425 sec| 991.242 kb