Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

02/03/2023
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Song hành với sự phát triển và phổ biến của công nghệ thông tin, mạng viễn thông là sự xuất hiện ngày càng phức tạp của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Bộ luật hình sự được coi là công cụ sắc bén để đấu tranh với tội phạm nói chung và với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói riêng.
-

Nội dung bài viết

1- Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285 Bộ luật hình sự)

Đây là tội danh mới được bổ sung đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu tội phạm hoá của Luật công nghệ thông tin.

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định có thể là: Sản xuất; mua bán; trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Theo đó, ba đối tượng tác động của các hành vi khách quan của tội phạm là công cụ, thiết bị và phần mềm. Các đối tượng tác động này có đặc điểm chung là có tính năng tấn công (gây thiệt hại) mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử. Trong đó, mạng máy tính là mạng kết nối các máy tính với nhau qua các thiết bị và phần mềm trong phạm vi khác nhau. Đó là mạng LAN (mạng của một đơn vị); mạng WAN (mạng của nhiều đơn vị) hoặc mạng Internet (mạng toàn cầu); mạng viễn thông được hiểu bao quát hơn mạng máy tính là mạng kết nối các thực thể khác nhau để trao đổi thông tin trong phạm vi rộng như mạng điện thoại cố định, mạng truyền hình cáp v.v. còn phương tiện điện tử được hiểu là “phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kĩ thuật sổ, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự” (Điểm 10 Điều 4 Luật giao dịch điện tử năm 2005).

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết đối tượng của hành vi mà mình thực hiện có tính năng tấn công, gây thiệt hại như Điều luật quy định.

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Hành vi khách quan được chủ thể cố ý thực hiện có đối tượng là công cụ, thiết bị hoặc phần mềm và các đối tượng này theo ý muốn chủ quan của chủ thể là “để sử dụng vào mục đích trải pháp luật”. Mục đích phạm tội theo đó là mục đích để chủ thể hoặc người khác (được cho, được tặng, được trao đổi hoặc là người mua) sử dụng các đối tượng đã nêu vào mục đích trái pháp luật.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm và phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 01 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Khi áp dụng các khung hình phạt tăng nặng, cần chú ý: Thiệt hại được quy định trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm thiệt hại trực tiếp (chi phí khắc phục hư hỏng của mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử bị tấn công) và thiệt hại gián tiếp (thiệt hại do gián đoạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử bị tấn công).

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, phương tiện điện tử.

Theo quy định này, phương tiện phạm tội ở đây là “chương trình tin học gây hại”. Đó có thể là “vi rút” (“... chương trình máy tính có khả năng lây lan, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số” (Điều 4 Luật công nghệ thông tin năm 2006) hoặc chương trình tin học gây hại khác ("... chương trình tự động hoá xử lí thông tin, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị sổ hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số” (Điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC- TANDTC ngày 10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông).

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi đưa phương tiện phạm tội trên đây thâm nhập vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử bằng cách thức bất kì. Trong đó, mạng máy tính được hiểu là hệ thống nhiều máy tính được kết nối với nhau để có thể cùng khai thác các chương trình, dữ liệu trong phạm vi nhất định - phạm vi đơn vị, địa phương, ngành, quốc gia hoặc toàn cầu (Internet); mạng viễn thông được hiểu là hệ thống các thiết bị viễn thông được kết nối với nhau để cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng; phương tiện điện tử có thể là "... thiết bị điện tử, máy tính, viễn thông, truyền dẫn, thu phát sóng vô tuyến điện và thiết bị tích hợp khác được sử dụng để sản xuất, truyền, đưa, thu thập, xử lí, lưu trữ và trao đổi thông tin số ” (Điều 4 Luật công nghệ thông tin năm 2006).

-  Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm

Hành vi được quy định trên đây cấu thành tội phạm trong các trường hợp sau:

+ Chủ thể đã thu lợi bất chính ít nhất 50 triệu đồng từ hành vi phạm tội đã thực hiện;

+ Chủ thể đã gây thiệt hại cho người khác ít nhất 50 triệu đồng từ hành vi phạm tội;

+ Chủ thể đã làm lây nhiễm ít nhất 50 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có ít nhất 50 người sử dụng hoặc

+ Chủ thể là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này và chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng chủ yếu là các dấu hiệu thiệt hại về tài sản, về mức độ lây nhiễm chương trình tin học gây hại, về tính chất quan trọng của hệ thống dữ liệu bị lây nhiễm chương trình tin học gây hại.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287 Bộ luật hinh sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là một trong các hành vi trái phép sau:

- Xoá, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử;

- Ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc

- Hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm: Hành vi được quy định trên đây cấu thành tội phạm trong các trường hợp sau:

- Chủ thể đã thu lợi bất chính ít nhất 50 triệu đồng từ hành vi phạm tội đã thực hiện;

- Chủ thể đã gây thiệt hại cho người khác ít nhất 100 triệu đồng từ hành vi phạm tội;

- Chủ thể đã làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử ít nhất 30 phút hoặc ít nhất 03 lần trong thời gian 24 giờ;

- Chủ thể đã làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức ít nhất 24 giờ hoặc

- Chủ thể là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này và chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Ngoài các dấu hiệu trên đây, điều luật còn quy định dấu hiệu “... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 Bộ luật này...”. Tuy nhiên, dấu hiệu này là không cần thiết.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng chủ yếu là các dấu hiệu thiệt hại về tài sản, về mức độ cản trở hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, về tính chất quan trọng của hệ thống dữ liệu bị tấn công.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

4- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là:

- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 BLHS) như

thông tin có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; kích động tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mĩ tục v.v..;

- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hoá những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm: Hành vi được quy định trên đây cấu thành tội phạm trong các trường hợp sau:

- Chủ thể đã thu lợi bất chính ít nhất 50 triệu đồng từ hành vi phạm tội đã thực hiện;

- Chủ thể đã gây thiệt hại cho người khác ít nhất 100 triệu đồng từ hành vi phạm tội hoặc

- Chủ thể đã gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng chủ yếu là các dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... hoặc dẫn đến biểu tình).

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

5- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi kép, bao gồm hai hành vi kế tiếp nhau. Cụ thể:

- Hành vi thứ nhất là hành vi xâm nhập trái phép vào mạng

máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Một số cách mà chủ thể có thể sử dụng để thực hiện hành vi “xâm nhập” được điều luật liệt kê có thể là: Vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác.(1) Điều luật không đòi hỏi phương thức xâm nhập cụ thể và không giới hạn ở các phương thức này.

- Hành vi thứ hai có thể là một trong các hành vi sau:

+ Chiếm quyền điều khiển: Đây là hành vi tước quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị điện tử của chủ thể hợp pháp và thiết lập quyền đó cho mình.

+ Can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử: Đây là hành vi tác động vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử theo hướng mà mình mong muốn.

+ Lấy cắp, thay đổi, huỷ hoại, làm giả dữ liệu: Đây là hành vi thu thập dữ liệu; sửa đổi, thay thế dữ liệu; làm mất dữ liệu hoặc thêm dữ liệu giả.

+ Sử dụng trái phép các dịch vụ: Đây là hành vi sử dụng dịch vụ mà không được phép.

Trong hai hành vi được quy định, hành vi thứ nhất là điều kiện cho việc thực hiện hành vi thứ hai (có thể là một trong bốn hành vi khác nhau). Theo đó, nếu hành vi “xâm nhập” không gắn với hành vi thứ hai và chủ thể cũng không có mục đích thực hiện hành vi thứ hai thì hành vi “xâm nhập” không phải là hành vi khách quan của tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và hình phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về mức độ thiệt hại, mức độ thu lợi bất chính, tính chất quan trọng của đối tượng bị xâm nhập trái phép v.v..

Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

6- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là các dạng hành vi khác nhau có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử như là phương tiện phạm tội. Các dạng hành vi này được liệt kê có thể là:

- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả;

- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng;

- Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

-  Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

- Dấu hiệu mục đích phạm tội

Mục đích của người phạm tội được quy định là mục đích chiếm đoạt hoặc mục đích thanh toán hàng hoá, dịch vụ. Khi cố ý thực hiện hành vi khách quan nêu trên, người phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản như làm giả thẻ ngân hàng để lứt tiền mặt tại máy ATM hay để thanh toán hàng hoá, dịch vụ; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của người khác nhằm chuyển tiền sang tài khoản khác để chiếm đoạt; sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của người khác để thanh toán hàng hoá, dịch vụ qua mạng v.v..

Ngoài các dấu hiệu trên đây, điều luật còn quy định dấu hiệu “... nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 Bộ luật này...”. Tuy nhiên, dấu hiệu này là không cần thiết.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, từ 07 năm đến 15 năm và từ 12 năm đến 20 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng chủ yếu là các dấu hiệu thiệt hại về tài sản, về số lượng thẻ giả.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

7- Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là một trong năm hành vi khác nhau nhưng có chung đối tượng tác động là thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác. Năm hành vi liên quan đến thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác được Điều luật xác định có thể là hành vi khách quan của tội phạm này là:

- Thu thập trái phép...;

- Tàng trữ trái phép...;

- Trao đổi trái phép...;

- Mua bán trái phép... và

- Công khai hóa trái phép…

Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm: Hành vi được quy định trên đây cấu thành tội phạm trong các trường hợp sau:

- Số lượng tài khoản là đối tượng của các hành vi khách quan ít nhất là 20 tài khoản (các tài khoản này có thể cùng liên quan đến một loại hành vi nhưng cũng có thể liên quan đến nhiều loại hành vi).

- Chủ thể đã thu lợi được ít nhất 20 triệu đồng (số tiền thu lợi này có thể từ một loại hành vi nhưng cũng có thể từ nhiều loại hành vi).

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng chủ yếu là các dấu hiệu về mức độ thu lợi bất chính, về số lượng tài khoản bị thu thập.(1)

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

8- Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cửu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi sử dụng trái phép các tần số đặc biệt. Đó là các tần số được ấn định dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định là thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên. Như vậy, hành vi khách quan được quy định trên cấu thành tội phạm khi hành vi này đã gây trở ngại cho việc sử dụng tần số đặc biệt đúng mục đích và qua đó đã gây ra thiệt hại ít nhất là 200 triệu đồng.

Hậu quả trên đây cổ thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này và chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội trong trường hợp gây hậu quả thiệt hại được quy định là lỗi vô ý. Chủ thể không mong muốn hậu quả thiệt hại mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả. Trong trường hợp dấu hiệu nhân thân được thay thế cho dấu hiệu hậu quả, lỗi của chủ thể là lỗi cố ý đối với hành vi sử dụng trái phép tần số đặc biệt.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là “có tổ chức”, “tái phạm nguy hiểm” và “gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên”.

Xem thêm: Hướng dẫn về hợp đồng dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest

9- Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294 Bộ luật hình sự)

[a] Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi gây nhiễu có hại, cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện.

Đây là hành vi tạo ra nhiễu có hại có khả năng cản trở, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện đang khai thác hợp pháp. Để tạo ra nhiễu có hại, chủ thể có thể sử dụng thiết bị gây nhiễu hoặc cũng có thể chỉ sử dụng thiết bị vô tuyến điện (đài vô tuyến điện, thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện) nhưng thực hiện không đúng quy định của giấy phép, không thực hiện các biện pháp hạn chế nhiễu có hại.

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định là thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên. Như vậy, hành vi khách quan được quy định trên cấu thành tội phạm khi hành vi này đã cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến đang khai thác hợp pháp và qua đó đã gây ra thiệt hại ít nhất là 200 triệu đồng.

Hậu quả trên đây có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này và chưa được xoá án tích.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội trong trường hợp gây hậu quả thiệt hại được quy định là lỗi vô ý. Chủ thể không mong muốn hậu quả thiệt hại mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả. Trong trường hợp dấu hiệu nhân thân được thay thế cho dấu hiệu hậu quả, lỗi của chủ thể là lỗi cố ý đối với hành vi gây nhiễu có hại.

[b] Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là “có tổ chức”, “tái phạm nguy hiểm” và “gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên”.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

0 bình luận, đánh giá về Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.92582 sec| 1128.867 kb