Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng

22/02/2023
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng bao gồm có 8 vai trò chính: Một là, Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Hai là, Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Ba là, Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Bốn là, Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Năm là, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Sáu là, Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ quản lí và duy trì trật tự cho các hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế; Bảy là, Nhà nước thành lập và sử dụng hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân; Tám là, Nhà nước kích thích sự phát triển của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. 

1- Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. 

Chính sách tiền tệ quốc gia là chính sách sử dụng tiền tệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định nhằm thực hiện mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong từng giai đoạn cụ thể. Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 quy định:

2- Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

3- Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

4- Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

5- Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ, và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

6- Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ quản lí và duy trì trật tự cho các hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế.

Trong thời đại ngày nay sự ổn định và phát triển của nền kinh tế ở mỗi quốc gia gắn liền với vai trò tác động tích cực của nhà nước. Lĩnh vực ngân hàng là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế và sự vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Bởi vì, lĩnh vực ngân hàng là nơi diễn ra quá trình tích tụ, điều hoà nhiều nguồn vốn, là nơi thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Mặt khác, các quan hệ kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng phần lớn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao và liên quan đến lợi ích của nhiều loại chủ thể trong nền kinh tế.

Sự phát triển ở các quốc gia đã chỉ ra rằng, sự ổn định và phát triển của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng là một trong những điều kiện cơ bản của sự phát triển. Để tạo lập hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và phát huy vai trò tích cực đối với nền kinh tế và đời sống xã hội đòi hỏi nhà nước phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp sử dụng pháp luật.

Pháp luật được nhà nước sử dụng làm công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng, tạo lập những chuẩn mực cho việc tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Điều đó thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nền kinh tế. Để quản lí nhà nước đối với các hoạt động này, trong các văn bản pháp luật nhà nước quy định các điều kiện hoạt động ngân hàng; điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng và giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; quy định nhiệm vụ, quyền hạn quản lí nhà nước của Ngân hàng nhà nước Việt Nam v.v..

Thứ hai, nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ để xây dựng hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Do tính phức tạp của nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng và những tác động của các hoạt động kinh doanh ngân hàng đối với nền kinh tế và đời sống xã hội nên phương thức tổ chức kinh doanh ngân hàng không thể hình thành và tồn tại theo kiểu tự phát. Thực tiễn ở nhiều nước đã chỉ ra rằng, bằng công cụ pháp luật nhà nước phải định hình mô hình tổ chức của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, ở đây cần thấy rằng, pháp luật với khả năng sáng tạo, dẫn đường có khả năng định hình mô hình tổ chức cho hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Chẳng hạn, ở nước ta chỉ sau khi nhà nước ban hành

Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990, mô hình ngân hàng cổ phần mới được thành lập.

Ở mỗi quốc gia, sự ghi nhận bằng pháp luật các hình thức tổ chức của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng do nhu cầu của đời sống xã hội và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nhà nước quyết định.

Ở nước ta, chính sách của Nhà nước về xây dựng các loại hình tổ chức tín dụng được ghi nhận ở Điều 6 Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

Thứ ba, Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nền kinh tế.

Do sự tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và sự tác động có tính dây chuyền của các hoạt động kinh doanh ngân hàng nên đòi hỏi nhà nước phải sử dụng pháp luật làm công cụ kích thích những tác động tích cực, ngăn ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực, bảo đảm an toàn cho loại hình hoạt động này trong nền kinh tế.

Để bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nền kinh tế, nhà nước sử dụng pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này theo phương thức riêng. Điều đó thể hiện ở chỗ, ngoài các quy định bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh ngân hàng, nhà nước còn ban hành các quy định mang tính hạn chế và tính kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các loại chủ thể này. Chẳng hạn, Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Thứ tư, Nhà nước sử dụng pháp luật làm công cụ ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng.

Hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể dẫn tới các tranh chấp phát sinh giữa các tổ chức này với nhau hoặc với khách hàng hoặc với các cơ quan nhà nước.

Các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp v.v.. góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia các quan hệ xã hội trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần duy trì trật tự cho các hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế.

7- Nhà nước thành lập và sử dụng hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Để thực hiện chính sách kinh tế-xã hội về ngân hàng, nhà nước sử dụng nhiều công cụ và biện pháp, trong đó có việc thành lập các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao. Các tổ chức này gồm có: Ngân hàng nhà nước Việt Nam (ngân hàng trung ương), các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách và các loại hình tổ chức tín dụng nhà nước khác. Hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao nên các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhà nước đóng vai trò là công cụ của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của Nhà nước và giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vai trò chủ đạo này thể hiện ở chỗ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng nhà nước hoạt động trên tất cả các lĩnh vực ngân hàng với quy mô hoạt động rộng nên có ảnh hưởng sâu sắc đối với nền kinh tế và có tác động chi phối đối với các hoạt động ngân hàng cửa các thành phần kinh tế khác.

8- Nhà nước kích thích sự phát triển của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Sự phát triển của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó các tác động mang tính khuyến khích của nhà nước có ảnh hưởng rất lớn. Các tác động mang tính khuyến khích của nhà nước thể hiện trên nhiều phương diện đối với quá trình hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng như tạo môi trường kinh tế, môi trường pháp lý; thực hiện các tác động trực tiếp bằng chính sách thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi thuế V.V..

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam - Đại hoc Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.32112 sec| 959.758 kb