Các hiệp định hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam Và Hoa Kỳ

03/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, những thành công trong hội nhập toàn cầu và khu vực đã thực sự là cơ hội để Việt Nam đưa những mối quan hệ thương mại song phương với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, với việc ký kết ngày càng nhiều các hiệp định hợp tác thương mại song phương với cá quốc gia và các khu vực trên thế giới. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có những hiệp định chung về nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả hiệp định về hợp tác thương mại.

1- Khái quát về hợp tác và các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu phát triển từ những năm 1990. Hai bên đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả vào năm 1997. Mốc quan trọng trong quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ là việc ký kết Hiệp định thương mại song phương (viết tắt là BTA) năm 2000 điều chỉnh tất cả các lĩnh vực chính trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Theo Hiệp định này, Hoa Kỳ dành cho Việt Nam đối xử MFN có điều kiện, còn gọi là ‘Quy chế quan hệ thương mại bình thường’ (viết tắt là ‘NTR’).

Năm 2003, hai nước ký kết Hiệp định dệt may Việt Nam-Hoa Kỳ. Quan hệ kinh tế và thương mại của giữa hai nước được tăng cường hơn nữa khi Hoa Kỳ trao cho Việt Nam ‘Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn’ (viết tắt là ‘PNTR’) vào ngày 29/12/2006, là một phần của quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Việt Nam chính thức yêu cầu được tham gia vào chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của Hoa Kỳ (viết tắt là ‘GSP’) với tư cách là ‘nước đang phát triển được thụ hưởng’ (viết tắt là ‘BDC’) từ tháng 5/2008, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức về đơn tham gia GSP của Việt Nam.

Hai nước đã ký kết Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (viết tắt là ‘TIFA’) vào năm 2007. Hiện nay, hai nước đang đàm phán để cùng tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là ‘TPP’), cũng như Hiệp định đầu tư song phương (viết tắt là ‘BITs’). Với những nỗ lực như vậy, thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng từ khoảng 220 triệu USD năm 1994 lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2011. Mục này sẽ tập trung vào khuôn khổ pháp luật về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

2- Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả năm 1997

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả được ký kết vào ngày 27/6/1997. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 23/12/1998. Hiệp định bảo hộ mọi loại tác phẩm và bản ghi âm có thể được bảo hộ quyền tác giả, bất kể hình thức định hình của chúng, bao gồm cả hình thức điện tử. Các tác phẩm được bảo hộ được định nghĩa là:

Tác phẩm mà một công dân hoặc người thường trú của một trong các bên ký kết có những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại lãnh thổ của bên kia, hoặc khi những quyền nói trên thuộc về pháp nhân do bất ký công dân hoặc người thường trú nào của bên kia kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân, miễn là quyền sở hữu nói trên phát sinh trong vòng một năm, kể từ ngày công bố lần đầu các tác phẩm đó tại một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả mà một trong các bên ký kết là thành viên tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực.

Hiệp định yêu cầu các bên đảm bảo đối xử NT, theo đó, mỗi bên, theo pháp luật và thủ tục của nước mình, sẽ dành cho các tác phẩm của những tác giả, nhà sáng tạo và nghệ sĩ là công dân hoặc người thường trú của bên ký kết kia và cho các tác phẩm công bố lần đầu tại lãnh thổ của bên ký kết kia, sự bảo hộ quyền tác giả không kém thuận lợi hơn sự bảo hộ mà bên đó dành cho công dân nước mình. Hiệp định cũng nêu rõ những quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm tại Điều 5, theo đó người này sẽ có quyền độc quyền cho phép hoặc cấm:

- Việc sao chép tác phẩm, sáng tạo tác phẩm khác dựa trên tác phẩm đó và phân phối bản sao của các tác phẩm đó;

- Việc trình diễn tác phẩm trước công chúng, trong trường hợp đó là những tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch và múa, kịch câm, phim và tác phẩm nghe nhìn; và

- Việc trình bày các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trước công chúng, trong trường hợp đó là tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch, múa, kịch câm, hội họa, đồ hoạ, tạo hình, bao gồm cả các ảnh đơn lẻ của một bộ phim hoặc tác phẩm nghe nhìn khác.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest

3- Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000

Vào ngày 13/7/2000, Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (viết tắt là ‘BTA’) đã được ký kết. Hiệp định đã đưa quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước lên tầm cao mới. Hiệp định đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các thị trường lớn tại Hoa Kỳ và khuyến khích Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh. BTA có hiệu lực từ ngày 10/12/2001. BTA đặt nền tảng cho việc tiến hành và tăng cường các quan hệ thương mại và đầu tư. Với hơn 100 trang và bảng biểu, BTA quy định các nghĩa vụ chi tiết trong các lĩnh vực hợp tác thương mại chủ yếu của hai bên, như: thương mại hàng hoá, bảo hộ IPRs, thương mại dịch vụ, đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh doanh, tính minh bạch và giải quyết tranh chấp.

Các chương và phụ lục của BTA bao gồm:

- Chương I: Thương mại hàng hoá

- Chương II: Quyền sở hữu trí tuệ

- Chương III: Thương mại dịch vụ

- Chương IV: Phát triển quan hệ đầu tư

- Chương V: Tạo thuận lợi cho kinh doanh

- Chương VI: Các quy định liên quan tới tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện

- Chương VII: Những điều khoản chung

Các phụ lục bao gồm:

- Phụ lục A: Việt Nam: Ngoại lệ đối xử quốc gia

- Phụ lục B: Việt Nam: Thời ký chuyển tiếp (Hạn chế số lượng)

+ Phụ lục B1: Hạn chế số lượng nhập khẩu - sản phẩm nông nghiệp

+ Phụ lục B1: Hạn chế số lượng nhập khẩu - sản phẩm công nghiệp

+ Phụ lục B2: Hạn chế số lượng xuất khẩu

+ Phụ lục B3: Hàng hóa cấm nhập khẩu

+ Phụ lục B4: Hàng hóa cấm xuất khẩu

- Phụ lục C: Việt Nam: Thời kỳ chuyển tiếp (Thương mại nhà nước)

+ Phụ lục C1: Hàng hoá nhập khẩu thuộc diện điều chỉnh của các quy định về thương mại nhà nước và lịch trình loại bỏ

+ Phụ lục C2: Hàng hoá xuất khẩu thuộc diện điều chỉnh của các quy định về thương mại nhà nước và lịch trình loại bỏ

- Phụ lục D: Việt Nam: Thời kỳ chuyển tiếp (Quyền kinh doanh nhập khẩu và quyền phân phối)

+ Phụ lục D1: Lịch   trình loại bỏ  hạn chế về quyền  kinh doanh  nhập khẩu và quyền phân phối - Sản phẩm công nghiệp

+ Phụ lục D2: Lịch trình loại bỏ hạn chế về quyền kinh doanh xuất khẩu

- Phụ lục E: Việt Nam: Thuế nhập khẩu nông nghiệp, thuế xuất khẩu sản phẩm công nghiệp

- Phụ lục F: Phụ lục về dịch vụ tài chính, dịch chuyển thể nhân, viễn thông và tài liệu tham chiếu về viễn thông

- Phụ lục G: Hoa Kỳ: Danh sách các trường hợp miễn trừ theo Điều 2 và Biểu cam kết thương mại dịch vụ cụ thể

- Phụ lục H - Việt Nam, Hoa Kỳ - Các ngoại lệ

- Phụ lục I - Danh mục minh họa các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs).

Các quy định chính của BTA được tóm tắt dưới đây.

[a] Các quy định về thương mại hàng hoá

Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí dành cho nhau MFN, theo đó các bên sẽ dành cho hàng hoá của nhau sự đối xử tương tự như hàng hóa tương tự sản xuất ở các nước khác. Ngoại lệ của nguyên tắc MFN bao gồm đối xử đặc biệt dành cho các nước trong cùng một FTA như AFTA hay NAFTA, và các thủ tục đặc biệt đối với thương mại ở biên giới. Hơn nữa, BTA yêu cầu Việt Nam và Hoa Kỳ dành NT cho hàng nhập khẩu của nhau. Hai nước có nghĩa vụ đối xử với hàng nhập khẩu của nhau không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hóa do công dân của mình sản xuất. Các bên phải loại bỏ tất cả NTBs, bao gồm cả hạn chế nhập khẩu và xuất khẩu, hạn ngạch, yêu cầu cấp phép, và kiểm soát đối với tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ, trong thời gian từ 3 đến 7 năm, tuỳ thuộc vào từng loại sản phẩm. Cơ quan hải quan hay cơ quan có thẩm quyền khác của các bên không được phép áp bất cứ loại phí hay phụ phí hành chính nào liên quan đến việc nhập khẩu hay xuất khẩu hàng hóa vượt quá chi phí thực của dịch vụ được tiến hành bởi cơ quan đó. Việt Nam áp thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ từ lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ theo cam kết tại Phụ lục E của Hiệp định.

Về các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, Các bên nhất trí tham vấn nhanh chóng theo yêu cầu của bên kia, khi việc nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ lãnh thổ của bên ký kết kia, tại thời điểm hiện tại hay tương lai, gây ra hay đe dọa gây ra, hay góp phần đáng kể làm rối loạn thị trường.

Sự ‘rối loạn thị trường’ (‘Market disruptions’) xảy ra khi việc tăng nhanh lượng nhập khẩu hàng hóa tương tự của nước khác là nguyên nhân đáng kể gây ra, hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành kinh tế nội địa đó. Trong trường hợp các bên không thể đưa ra biện pháp khắc phục thông qua tham vấn, Hiệp định cho phép một bên bảo hộ ngành kinh tế nội địa của mình bằng cách áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, dưới hình thức hạn chế số lượng, tăng thuế hoặc những hạn chế khác để chống lại sự ‘rối loạn thị trường’. Về giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thương nhân, BTA quy định nguyên tắc NT trong việc giải quyết tranh chấp tại các toà án và cơ quan hành chính trên lãnh thổ của các bên ký kết, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo những quy tắc đã được công nhận ở tầm quốc tế và quy định việc thực thi các phán quyết trọng tài.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

[b] Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (IPRs)

Chương II về IPRs của BTA được xây dựng theo mô hình của Hiệp định TRIPS của WTO, theo đó yêu cầu các bên tuân thủ những quy định cơ bản của Công ước Pa-ri về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Công ước Béc-nơ về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật. Ngoài ra, các bên cũng phải tuân thủ những quy định kinh tế cơ bản của Công ước Giơ-ne-vơ về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống lại sự sao chép trái phép, Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới (Công ước UPOV) và Công ước liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (Công ước Brúc-xen). BTA quy định NT trong việc việc xác lập, bảo hộ, hưởng và thực thi IPRs, trừ một số trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, khác với Hiệp định TRIPS, BTA không yêu cầu các bên áp dụng MFN cho các nghĩa vụ trong chương này. Chương II quy định những tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc bảo hộ và thực thi IPRs, bao gồm quyền tác giả và các quyền liên quan, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật (bí mật thương mại) và kiểu dáng công nghiệp. Chương này cũng yêu cầu có các biện pháp bảo đảm thực thi để đưa ra các chế tài kịp thời nhằm ngăn chặn vi phạm, và các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa các vi phạm có thể tái diễn trong tương lai.

[c] Các quy định về thương mại dịch vụ

Chương III về thương mại dịch vụ được xây dựng theo mô hình của Hiệp định GATS của WTO. Hiệp định này định nghĩa thương mại dịch vụ theo bốn phương thức cung ứng:

(i) Cung ứng dịch vụ qua biên giới (cung ứng dịch vụ từ lãnh thổ của bên này vào lãnh thổ của bên kia);

(ii) Tiêu dùng ở nước ngoài (cung ứng dịch vụ tại lãnh thổ của một bên cho người sử dụng dịch vụ của bên kia);

(iii) Hiện diện thương mại (một nhà cung ứng dịch vụ của một bên cung ứng một dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bên kia); và

(iv) Hiện diện của thể nhân (một nhà cung ứng dịch vụ của một bên cung ứng một dịch vụ bằng sự hiện diện của thể nhân trên lãnh thổ của bên kia).

Các bên nhất trí dành MFN cho dịch vụ và các nhà cung ứng dịch vụ của nhau. Mỗi bên phải đảm bảo sự tiếp cận thị trường cho dịch vụ và các nhà cung ứng dịch vụ của bên kia theo đúng quy định trong biểu cam kết của mình. BTA cấm sáu loại hạn chế tiếp cận thị trường trong các ngành dịch vụ đã được quy định trong biểu cam kết, trong đó có: hạn chế số lượng nhà cung ứng dịch vụ; hạn chế tổng giá trị các giao dịch dịch vụ; hạn chế về tổng số lượng đầu ra của dịch vụ; và hạn chế về loại hình pháp nhân hay liên doanh thông qua đó dịch vụ được cung ứng. Ngoài ra, các bên đã đưa vào Phụ lục về dịch vụ tài chính, Phụ lục về dịch chuyển của thể nhân, và Phụ lục về viễn thông của Hiệp định GATS và các tài liệu tham chiếu viễn thông của WTO.

[d] Các quy định về đầu tư

Chương IV của BTA đặt ra các quy tắc nhằm khuyến khích đầu tư giữa hai nước. Các tiêu chuẩn chính về bảo hộ và khuyến khích đầu tư trong chương này là:

(i) MFN;

(ii) NT;

(iii) Cấm trưng thu mà không bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả;

(iv) Quyền lựa chọn các nhân viên quản lý cấp cao;

(v) Chuyển vốn về nước;

(vi) Đảm bảo đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo vệ và an ninh đầy đủ, đối xử phù hợp với luật tập quán quốc tế, và không áp dụng các biện pháp tùy tiện và phân biệt đối xử; và

(vii) Cấm áp dụng các yêu cầu bị cấm về chuyển giao công nghệ và các TRIMs bị cấm.

Về việc giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, chương này đưa ra nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư, bao gồm tòa án hoặc cơ quan tài phán hành chính có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư, hoặc bất ký thủ tục giải quyết tranh chấp nào đã được thỏa thuận trước đó và giải quyết bằng trọng tài.

[d] Tạo thuận lợi cho kinh doanh

Cả hai bên cam kết phát triển quan hệ đầu tư và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh liên quan tới thương mại hàng hoá và dịch vụ. Mỗi bên đồng ý:[26]

- Cho phép các công dân và công ty của bên kia được nhập khẩu và sử dụng, phù hợp với các thực tiễn thương mại thông thường, thiết bị văn phòng và các thiết bị khác, như máy chữ, máy photocopy, máy tính, máy fax liên quan đến việc tiến hành các hoạt động của họ trên lãnh thổ của mình;

- Tùy thuộc vào pháp luật và thủ tục của mình về nhập cảnh và các cơ quan đại diện nước ngoài, cho phép các công dân và các công ty của bên kia được tiếp cận và sử dụng nơi làm việc và nơi ở trên cơ sở không phân biệt đối xử và theo giá thị trường;

-  Tùy thuộc vào pháp luật, quy định và thủ tục của mình về nhập cảnh và các cơ quan đại diện nước ngoài, cho phép các công dân và công ty của bên kia thuê các đại lí, nhà tư vấn và nhà phân phối của một trong hai bên cho hoạt động sản xuất và đầu tư của họ, theo giá cả và điều kiện được thỏa thuận giữa các bên.

- Cho phép các công dân và công ty của bên kia quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ của họ (i) bằng cách thỏa thuận trực tiếp với các tổ chức thông tin quảng cáo, bao gồm đài truyền hình, đài phát thanh, đơn vị kinh doanh in ấn và bảng hiệu; và (ii) bằng cách gửi thư trực tiếp, bao gồm cả việc sử dụng các phong bì thư và bưu thiếp được ghi sẵn địa chỉ đến công dân hoặc công ty đó;

- Khuyến khích sự tiếp xúc và cho phép mua bán hàng hoá và dịch vụ trực tiếp giữa các công dân và công ty của bên kia với người sử dụng cuối cùng và các khách hàng khác, và khuyến khích liên hệ trực tiếp với các cơ quan, tổ chức mà quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến khả năng bán hàng;

- Cho phép các công dân và các công ty của bên kia tiến hành nghiên cứu thị trường trên lãnh thổ của mình một cách trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng;

- Cho phép các công dân và công tỷ của bên kia được dự trữ đầy đủ hàng mẫu và phụ tùng thay thế phục vụ dịch vụ sau bán hàng đối với các sản phẩm của đầu tư; và

- Cho phép các công dân và công ty của bên kia tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ do chính phủ cung cấp, bao gồm các tiện ích công cộng, trên cơ sở không phân biệt đối xử và theo giá cả công bằng và thỏa đáng (và trong mọi trường hợp, không cao hơn giá áp cho các công dân và công ty của các nước thứ ba, khi các giá đó được quy định hoặc kiểm soát bởi chính phủ liên quan đến hoạt động của các hiện diện thương mại của họ).

[e] Các quy định liên quan đến tính minh bạch và quyền khiếu kiện

Các bên có nghĩa vụ công bố định ký và kịp thời tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung, liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được quy định trong BTA. Ở mức độ có thể, mỗi bên cho phép bên kia và các công dân của bên kia cơ hội đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng pháp luật, quy định và thủ tục hành chính đó. Mỗi bên cũng cho phép các công dân và công ty của bên kia được tiếp cận dữ liệu về nền kinh tế quốc dân và từng ngành kinh tế, kể cả những thông tin về ngoại thương. Mỗi bên giao cho một tạp chí chính thức đăng tất cả các biện pháp có tính áp dụng chung và sẽ điều hành một cách thống nhất, vô tư và hợp lí các biện pháp đó. Hai bên sẽ duy trì các cơ quan tài phán hành chính và tư pháp, nhằm xem xét và sửa đổi nhanh chóng các quyết định hành chính liên quan đến các vấn đề được quy định tại Hiệp định này, và sẽ cho phép người bị tác động bởi quyết định có liên quan được quyền khiếu kiện mà không bị trừng phạt. Cuối cùng, các bên đảm bảo rằng các thủ tục cấp phép nhập khẩu, tự động và không tự động, được thực hiện theo cách thức minh bạch và có thể dự đoán trước được, và phù hợp với các tiêu chuẩn của Hiệp định của WTO về thủ tục cấp phép nhập khẩu (Hiệp định ILP).

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

4- Hiệp định dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2003

Trong khuôn khổ BTA, ngày 25/4/2003, sau ba tuần đàm phán, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định dệt may song phương. Hiệp định này đặt ra hạn ngạch cho 38 loại sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Việt Nam. Cả hai bên nhất trí hợp tác trong việc thực thi, bao gồm chia sẻ thông tin và tạo thuận lợi cho các chuyến thăm nhà máy, điều tra và phạt vi phạm.

Hiệp định dệt may Việt Nam-Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 1/5/2003 tới ngày 31/12/2004. Hiệp định có thể gia hạn hàng năm và đã được gia hạn hai lần vào năm 2004 và năm 2005. Điều 20 của Hiệp định quy định rằng khi Việt Nam gia nhập WTO, các quy định của WTO sẽ thay thế các quy định trong thỏa thuận song phương. Hiệp định này đã hết hiệu lực khi Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1/2007.

5- Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2007 

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vào tháng 6/2007, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (viết tắt là TIFA) đã được ký kết nhằm thúc đẩy ‘môi trường đầu tư hấp dẫn’ và ‘mở rộng và đa dạng hoá thương mại hàng hoá và dịch vụ’. TIFA thành lập Hội đồng thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ, cơ quan xem xét rất nhiều vấn đề về quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên, bao gồm:

- Thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp định WTO và BTA;

- Bảo hộ IPRs;

- Các vấn đề chính sách gây tác động tới thương mại và đầu tư;

- Thương mại dịch vụ;

- Các vấn đề TBT;

- Các vấn đề SPS;

- Các vấn đề về quyền của người lao động  được công nhận ở tầm quốc tế;

- Các biện pháp khắc phục thương mại, bao gồm cả vấn đề coi Việt Nam là một nền kinh tế thị trường;

- GSP;

- Phối hợp trong các vấn đề về WTO và APEC mà hai bên cùng quan tâm;

- Hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực; và

- Các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế giữa các bên.

Theo TIFA, Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành các cuộc họp và đối thoại thường xuyên để rà soát việc thực thi các cam kết WTO của Việt Nam, và xem xét các sáng kiến khác nhằm cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư của hai bên. Hiệp định TIFA cùng với cơ chế mà Hiệp định thiết lập đã đặt nền tảng cho việc đàm phán các hiệp định toàn diện về thương mại và đầu tư giữa hai nước.

6- Các đàm phán đang tiến hành giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các hiệp định thương mại và đầu tư 

Vào tháng 6/2008, Việt Nam và Hoa Kỳ khởi động đàm phán một hiệp định đầu tư song phương (viết tắt là ‘BIT’) nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư của hai bên. Hiệp định này nhằm thiết lập các thủ tục giải quyết tranh chấp chi tiết và bảo hộ nhà đầu tư của hai bên, để các nhà đầu tư không bị áp đặt các yêu cầu thực hiện các biện pháp đầu tư bị cấm (‘Performance Requirements’), hạn chế chuyển tiền về nước và bị trưng thu tuỳ tiện trên lãnh thổ của bên kia. Nhìn chung, các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ về BITs dựa trên Hiệp định BIT mẫu năm 2004 của Hoa Kỳ. Hơn nữa, BTA hiện có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bao gồm một chương quy định về đầu tư và đàm phán trong tương lai một BIT. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã ký kết vài điều ước mới về đầu tư hay hiệp định thương mại có chương về đầu tư. Các tài liệu này chắc chắn sẽ được tham khảo trong các cuộc đàm phán BIT giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, hai bên đang đàm phán để trở thành thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là ‘TPP’), nhằm tăng cường hội nhập kinh tế của hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

7- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Hiệp định hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Hiệp định hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Các hiệp định hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam Và Hoa Kỳ

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20262 sec| 1071.805 kb