Chọn luật áp dụng và cơ quan tài phán trong giải quyết tranh chấp
Nội dung bài viết
- 1- Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài
- [a] Chọn địa điểm trọng tài và hệ quả của chọn địa điểm trọng tài
- [b] Chọn luật áp dụng
- [c] Luật điều chỉnh các nội dung thực chất của tranh chấp (luật nội dung)
- [d] Các nguyên tắc của luật quốc tế và các nguyên tắc chung của pháp luật
- [đ] Lex mercatoria (‘Thương nhân luật’)
- [e] Pháp luật quốc gia của nước không có liên quan đến các bên
- 2- Giải quyết tranh chấp bằng phương thức tranh tụng tại tòa án
1- Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài
[a] Chọn địa điểm trọng tài và hệ quả của chọn địa điểm trọng tài
Địa điểm trọng tài là nơi mà các thủ tục trọng tài được tiến hành. Xét dưới khía cạnh này, có thể so sánh địa điểm trọng tài với trụ sở của tòa án. Trong tố tụng tại tòa án, địa điểm mà thẩm phán kí vào bản án không phải là vấn đề quan trọng, vì bản án này luôn được coi là bản án của tòa án, không phụ thuộc vào địa điểm mà thẩm phán ký vào bản án. Ngược lại, trong tố tụng trọng tài, việc chọn địa điểm trọng tài sẽ làm phát sinh một số hệ quả dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Thứ nhất, các quy phạm mệnh lệnh của ‘lex fori’ (pháp luật của nước nơi địa điểm trọng tài được chọn) sẽ được áp dụng.
Thứ hai, ở một số nước, các trọng tài viên, cũng giống như các thẩm phán, sẽ áp dụng luật nội dung của nước đó trong quá trình tố tụng.
Thứ ba, việc chọn địa điểm trọng tài có thể tác động đến hiệu lực pháp lý của thỏa thuận trọng tài. Tuỳ thuộc vào nước được lựa chọn, việc chọn địa điểm trọng tài có thể dẫn đến việc cho phép hoặc ngăn cản tòa án của nước đó can thiệp vào quá trình tố tụng trọng tài, hoặc can thiệp để hỗ trợ thủ tục tố tụng trọng tài.
Thứ tư, việc chọn địa điểm trọng tài có thể sẽ đem lại lợi thế cho một bên tranh chấp về khía cạnh khoảng cách địa lý, chi phí đi lại và nhu cầu cần thiết trong việc chỉ đạo phối hợp với luật sư sở tại. Một bên có thể tạo cho mình một vị thế có lợi hơn bên đối phương, và việc lựa chọn này có thể tác động đến khả năng cho một bên bảo vệ vụ kiện của mình dễ dàng hơn, hoặc bảo đảm việc có mặt của các nhân chứng của họ tại phiên tòa. Việc công nhận phán quyết trọng tài ở một số nước, nơi các bên cư trú, cũng phụ thuộc vào địa điểm trọng tài, mà vụ Keban là một ví dụ.
Việc chọn địa điểm trọng tài cũng dẫn đến một số hệ quả khác. Trong trường hợp các bên không chọn luật tố tụng, cơ quan chỉ định được lựa chọn sẽ có cơ hội tốt để tác động đến việc chọn luật tố tụng. Thậm chí ngay cả khi không thể tác động đến việc này, luật tố tụng được áp dụng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng của nước nơi địa điểm trọng tài được chọn. Vì tất cả những lý do này, địa điểm trọng tài là một yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất trong tố tụng trọng tài, và việc lựa chọn nó cần phải được quan tâm đặc biệt.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest
[b] Chọn luật áp dụng
- Luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài
Trọng tài là một quá trình tố tụng theo thỏa thuận và nó phụ thuộc vào thỏa thuận trọng tài, với tư cách là một thỏa thuận có hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên. Các thỏa thuận trọng tài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Rô-ma về các nghĩa vụ theo hợp đồng (khoản 2(d) Điều 1). Như vậy, hiệu lực và nội dung của thỏa thuận trọng tài được điều chỉnh bằng luật riêng của nó, được xác định bằng nguyên tắc chung của pháp luật. Luật riêng về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài có thể khác với luật điều chỉnh tranh chấp thực chất giữa các bên. Nếu hợp đồng có quy định rõ ràng về việc chọn luật, thì luật được chọn cũng điều chỉnh điều khoản trọng tài.
Nếu hợp đồng không quy định việc chọn luật, thì luật điều chỉnh hợp đồng (và thỏa thuận trọng tài) thông thường được hiểu ngầm là luật của nước là nơi có địa điểm trọng tài. Ví dụ, nếu các bên thỏa thuận địa điểm trọng tài là nước Anh nhưng không quy định rõ ràng về luật điều chỉnh hợp đồng, thì luật riêng để điều chỉnh thỏa thuận trọng tài thông thường sẽ được xác định là luật của nước Anh. Nếu các bên không quy định rõ ràng về việc chọn luật và không chỉ định địa điểm trọng tài, thì luật riêng điều chỉnh thỏa thuận trọng tài, theo nguyên tắc chung của pháp luật, là luật của nước có mối liên hệ chặt chẽ nhất với hợp đồng. Chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, thì luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài có thể khác với luật điều chỉnh thực chất hợp đồng .
Trong bối cảnh thi hành phán quyết trọng tài theo Công ước Niu Y- oóc, có thể phản đối phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ theo đó thỏa thuận trọng tài không có hiệu lực (khoản 2(a) Điều V Công ước Niu Y-oóc).
- Luật điều chỉnh tố tụng trọng tài:
Luật điều chỉnh tố tụng trọng tài (‘lex arbitri’), thông thường là luật của nước nơi địa điểm trọng tài được chọn. Trên thực tế, ‘lex arbitri’ chủ yếu là luật tố tụng nhưng đôi lúc cũng có những yếu tố thuộc luật nội dung. Tuy nhiên, không phải lúc nào ranh giới giữa các yếu tố luật nội dung và luật tố tụng cũng thực sự rõ ràng. Quan trọng là phải hiểu được loại vấn đề nào được điều chỉnh bởi ‘lex arbitri’, và luật này tương tác như thế nào với các quy phạm do các bên lựa chọn và luật nội dung điều chỉnh hợp đồng chính.
Tố tụng trọng tài bao gồm hai yếu tố: Thứ nhất, trọng tài phải tuân thủ thủ tục tố tụng và quyền hạn của trọng tài được quy định trong thủ tục này (thủ tục nội bộ); và thứ hai, quyền hạn của tòa án trong việc hỗ trợ và giám sát hoạt động trọng tài (thủ tục bên ngoài). Quyền hạn hỗ trợ của tòa án bao gồm: ví dụ, quyền chỉ định trọng tài viên và ban hành lệnh tạm thời, ví dụ: phong tòa tài sản của bị đơn.
Quyền hạn giám sát quan trọng nhất của tòa án là quyền không cho thi hành phán quyết trọng tài, trong trường hợp trọng tài viên đã vượt quá thẩm quyền xét xử của mình, hoặc đã có những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động trọng tài hoặc phán quyết trọng tài. Phạm vi mà tòa án thực hiện quyền giám sát đối với trọng tài không giống nhau ở mỗi nước.
Các quy phạm xác định luật điều chỉnh tố tụng trọng tài cố gắng đáp ứng hai mục tiêu mà bản thân chúng có thể mâu thuẫn nhau. Một mặt, nước mà địa điểm trọng tài được lựa chọn có lợi ích chính đáng trong việc thực hiện biện pháp kiểm soát đối với quá trình trọng tài, nhằm bảo đảm rằng quá trình tố tụng trọng tài đáp ứng các tiêu chí tối thiểu về tính công bằng. Mặt khác, trọng tài là một quá trình thỏa thuận, và như một nguyên tắc chung của pháp luật, các bên có quyền tự do xác định việc giải quyết tranh chấp của họ theo cách nào.
Luật trọng tài năm 1996 của Anh có những điều khoản nhằm dung hoà hai mục tiêu mâu thuẫn nêu trên. Theo nguyên tắc chung của pháp luật, các quy định của Luật này sẽ mặc nhiên được ưu tiên áp dụng, nếu nước Anh là địa điểm trọng tài. Như vậy, nếu hai công ty nước ngoài thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Anh, thì tòa án Anh sẽ có quyền loại bỏ trọng tài viên trên cơ sở nghi ngờ về tính khách quan của người này, hoặc không cho thi hành phán quyết trọng tài, nếu một bên đã lừa dối để có được phán quyết này.
Phần lớn các quyền hạn của tòa án mà Luật này quy định có tính chất tuỳ thuộc vào sự xem xét của tòa án, và tòa án sẽ căn cứ vào mối liên hệ của các bên với nước Anh khi xem xét liệu có phải thực hiện hay không thực hiện các quyền hạn của tòa án theo quy định của Luật nêu trên? Trong trường hợp địa điểm trọng tài ở bên ngoài nước Anh, thì luật của Anh sẽ không phù hợp để áp dụng đối với phần lớn các vấn đề về tố tụng.
Tuy nhiên, một vài điều khoản của Luật nêu trên vẫn được áp dụng mà không phụ thuộc vào địa điểm trọng tài. Ví dụ, các quy định liên quan đến việc tạm hoãn xét xử do vi phạm điều khoản trọng tài. Nhưng sẽ không có chuyện không công nhận phán quyết trọng tài nếu địa điểm trọng tài ở ngoài nước Anh, ngay cả khi các bên thỏa thuận rõ ràng là luật Anh sẽ áp dụng đối với tố tụng trọng tài.
Quy trình pháp luật theo Luật trọng tài năm 1996 của Anh được điều chỉnh bởi Bộ quy tắc tố tụng dân sự (‘CPR’). Để tòa án có quyền tài phán, đơn kiện trọng tài phải được tống đạt cho bị đơn phù hợp với các thủ tục tố tụng có liên quan. Trong trường hợp thích hợp, tòa án sẽ cho phép việc tống đạt được thực hiện bên ngoài phạm vi tài phán của nước Anh.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
[c] Luật điều chỉnh các nội dung thực chất của tranh chấp (luật nội dung)
Các tranh chấp được đưa ra giải quyết bằng trọng tài thường là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng các quy định nào để giải quyết tranh chấp? Hội đồng trọng tài sẽ phải áp dụng các quy phạm về chọn luật theo luật của nước nơi đặt địa điểm trọng tài. Trong common law, các trọng tài viên của Anh được giả định là phải áp dụng các quy phạm về chọn luật của các tòa án Anh.
Quy tắc này là hệ quả của cách tiếp cận truyền thống của Anh, theo đó phán quyết trọng tài có thể bị tòa án xem xét lại về mặt pháp lý, bao gồm cả các vấn đề chọn luật. Một số nước khác có cách tiếp cận khác và luật về trọng tài nước ngoài quy định các nguyên tắc đặc biệt điều chỉnh vấn đề chọn luật áp dụng cho trọng tài. Luật trọng tài năm 1996 của Anh nêu trên đã từ bỏ cách tiếp cận truyền thống của Anh, bằng cách đưa vào luật Anh các quy định mới.
Các quy định về chọn luật ở Mục 46 đề cập đến tình huống: Thứ nhất, các bên đưa ra lựa chọn; thứ hai, các bên lựa chọn ‘các căn cứ khác’; và thứ ba, các bên không đưa ra lựa chọn.
Theo nguyên tắc thứ nhất, hội đồng trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp ‘phù hợp với luật được các bên lựa chọn, với tư cách là luật áp dụng cho nội dung của tranh chấp’. Học thuyết ‘dẫn chiếu ngược’ (‘renvoi’) bị loại bỏ.
Đôi khi, trọng tài được xem như là cơ chế để tránh những chuẩn mực riêng của pháp luật quốc gia. Vậy thì tại sao các bên không cho phép hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trên cơ sở tham chiếu các chuẩn mực khác? Có nhiều lựa chọn khác nhau để các bên có thể xem xét. Thứ nhất, nếu một bên thuộc Anh và một bên thuộc Pháp, các bên có thể thỏa thuận rằng hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi các nguyên tắc chung áp dụng cho cả pháp luật của Anh và của Pháp, hoặc các bên có thể thỏa thuận áp dụng các nguyên tắc chung áp dụng cho cả pháp luật nước X nào đó và công pháp quốc tế. Thứ hai, các bên có thể chọn các quy định không gắn với một hệ thống pháp luật riêng biệt nào.
Điều khoản chọn luật có thể quy định, ví dụ: ‘các nguyên tắc pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được chấp nhận ở phạm vi quốc tế’ (ví dụ: lex mercatoria), hoặc một bộ phận các quy tắc phi quốc gia (ví dụ: PICC của UNIDROIT - xem Mục 3 - Chương 5 của Giáo trình), hoặc luật tôn giáo (ví dụ, luật Do thái hoặc luật Sharia Hồi giáo). Thứ ba, các bên có thể mong muốn hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trên cơ sở tham chiếu các nguyên tắc công bằng hoặc ‘lẽ phải’, hơn là các quy phạm pháp luật nghiêm ngặt.
Điều khoản cho phép hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trên cơ sở ‘công bằng’ được thể hiện bằng thuật ngữ La-tinh là ‘arbitration ex aequo et bono’, hoặc trong tiếng Pháp là ‘amiable composition’. Luật năm 1996 của Anh nêu trên cho phép các bên được lựa chọn bất kì phương án nào. Ngoài ra, Luật này cũng quy định rằng nếu các bên đồng ý, hội đồng trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp ‘phù hợp với các căn cứ khác, theo thỏa thuận của các bên, hoặc theo sự ấn định của hội đồng trọng tài’.
Nếu các bên không chọn luật áp dụng, Luật trọng tài năm 1996 của Anh quy định rằng ‘hội đồng trọng tài sẽ áp dụng luật được xác định trên cơ sở các quy phạm xung đột mà tòa cho rằng có thể áp dụng’. Không có gì không bình thường khi các bên, dù không có hoặc có ít liên hệ với nước Anh, nhưng lại chọn nước Anh làm địa điểm trọng tài. Trên thực tế, các bên có thể chọn Luân-đôn làm địa điểm trọng tài, vì đây là địa điểm trung lập. Trong trường hợp này, các trọng tài viên có thể sẽ chọn các quy phạm xung đột được áp dụng chung trong luật quốc gia của các bên. Ví dụ, khi nguyên đơn Xinh-ga- po và bị đơn Niu Di-lân chọn nước Anh làm địa điểm trọng tài, hội đồng trọng tài có thể quyết định rằng luật điều chỉnh sẽ được xác định bởi học thuyết ‘luật thích hợp’ (‘proper law’) trong common law, chứ không áp dụng các quy định về chọn luật trong Công ước Rô-ma, bởi vì học thuyết ‘luật thích hợp’ là học thuyết được áp dụng chung ở cả Xinh-ga-po và Niu Di-lân.
Ưu điểm của cách tiếp cận này là: nó sẽ giúp giảm thiểu khả năng theo đó kết quả giải quyết tranh chấp sẽ đơn giản chỉ phụ thuộc vào địa điểm nơi diễn ra quá trình trọng tài. Khi không được sự cho phép của các bên, hội đồng trọng tài không có quyền bỏ qua các quy định về chọn luật và giải quyết tranh chấp phù hợp với lex mercatoria hoặc dẫn chiếu đến quan điểm riêng của các trọng tài viên về sự công bằng; hội đồng trọng tài phải áp dụng ‘luật’, một phạm trù không thích hợp để diễn tả các nguyên tắc công bằng hay lex mercatoria.
Nếu các bên không lựa chọn luật áp dụng, và các trọng tài viên có quyền tự do lựa chọn các quy phạm xung đột để xác định luật áp dụng theo ý của họ, thì sẽ có nguy cơ là các bên sẽ được phép lẩn tránh các quy phạm mệnh lệnh được áp đặt vì lợi ích công cộng. Trong khi đó, nếu các bên lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp, thì tòa án chắc chắn sẽ áp dụng quy phạm mệnh lệnh. Giới hạn mà các trọng tài viên phải tuân thủ các quy phạm mệnh lệnh là vấn đề gây tranh cãi.
Thực tế là, nếu các trọng tài viên bỏ qua các quy phạm mệnh lệnh trong luật quốc gia của nước có mối liên hệ chặt chẽ với trọng tài (nước là địa điểm trọng tài, hoặc nước nơi thi hành phán quyết trọng tài), thì sẽ có nhiều khả năng là phán quyết trọng tài sẽ không có hiệu lực pháp luật. Nếu nước Anh là địa điểm trọng tài, thì một bên có thể phản đối hiệu lực của phán quyết trọng tài trên cơ sở có vi phạm nghiêm trọng. Ví dụ, tòa án có thể không thừa nhận hiệu lực của phán quyết trọng tài, nếu phán quyết này đi ngược lại trật tự công cộng.
Một phán quyết trọng tài không được thừa nhận hiệu lực, bởi quyết định của tòa án của nước nơi phán quyết trọng tài được tuyên, sẽ vô hiệu, và việc thi hành phán quyết trọng tài này có thể bị từ chối ở bất kì nước nào là thành viên Công ước Niu Y-oóc. Công ước Niu Y-oóc cũng quy định rằng việc thi hành phán quyết trọng tài có thể bị từ chối, nếu phán quyết này vi phạm trật tự công cộng của nước nơi phán quyết này được yêu cầu thi hành.
Ví dụ sau đây sẽ minh hoạ về tác động có thể xảy ra của bảo lưu trật tự công cộng. Hình dung là có hai công ty của Hoa Kỳ kí thỏa thuận hạn chế cạnh tranh để thực hiện hợp đồng đặc quyền ở châu Âu. thỏa thuận này vô hiệu theo Điều 81 Hiệp định EC (TEC) (Điều 101 TFEU) (xem Mục 2 - Chương 3 Giáo trình), nhưng lại có hiệu lực theo luật của bang Niu Y-oóc, là luật áp dụng theo sự lựa chọn của các bên. Khi xảy ra tranh chấp, các bên đưa ra giải quyết tại trọng tài ở Anh.
Kết quả trọng tài sẽ như thế nào, nếu trọng tài Anh công nhận hiệu lực của thỏa thuận này dựa trên cơ sở rằng thỏa thuận này có hiệu lực theo luật của bang Niu Y-oóc? Câu trả lời sẽ là: bên thua kiện được phép hi vọng rằng hiệu lực của phán quyết trọng tài sẽ không được thừa nhận, vì thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này vi phạm trật tự công cộng của nước Anh (bao gồm cả trật tự công cộng của châu Âu).
Trên cơ sở phân tích này, các trọng tài viên sẽ phải cân nhắc các quy phạm mệnh lệnh mà các bên có thể phải áp dụng, nếu không muốn tòan bộ quá trình tố tụng trọng tài trở lên vô ích về thời gian và tiền bạc, khi mà cuối cùng, phán quyết trọng tài lại không được thi hành (vì phán quyết này vi phạm trật tự công cộng của nước là địa điểm trọng tài).
Khi các bên không chọn luật áp dụng, thì việc chọn luật áp dụng trong trọng tài quốc tế thường xuyên là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà các trọng tài viên phải quyết định. Thay thế cho pháp luật quốc gia, các trọng tài viên có thể áp dụng các nguyên tắc của luật quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật quốc gia (‘in foro domestico’), hoặc lex mercatoria.
[d] Các nguyên tắc của luật quốc tế và các nguyên tắc chung của pháp luật
Cần phải đề cập đến những trường hợp, mặc dù không thường xuyên xảy ra, khi các bên dẫn chiếu đến các nguyên tắc của luật quốc tế hoặc các nguyên tắc chung của pháp luật. Các nguồn luật này được sử dụng nhằm giới hạn phạm vi áp dụng hệ thống pháp luật quốc gia, hoặc để bổ sung những nội dung chưa được pháp luật quốc gia điều chỉnh.
Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân
[đ] Lex mercatoria (‘Thương nhân luật’)
Lex mercatoria có thể hiểu là hệ thống các nguyên tắc, quy phạm và chuẩn mực của pháp luật xuyên quốc gia, được hình thành từ tập quán và thực tiễn thương mại quốc tế, hoặc nói cách khác, từ luật tập quán thương mại. Lex mercatoria không dựa trên bất kì hệ thống pháp luật nào, mà là tập hợp các quy định thương mại quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật, các chuẩn mực và tập quán thương mại. Một ví dụ về lex mercatoria hiện đại là PICC của UNIDROIT (xem Mục 3 - Chương 5 Giáo trình).
Các nguyên tắc này không phải là ‘luật’ theo đúng nghĩa của nó, bởi vì chúng không được bất kì nước nào thông qua như là luật. Nhưng trên thực tế, những nguyên tắc này là quy tắc điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế. Lex mercatoria cũng bao gồm các quy tắc khác, ví dụ, UCP 600 của ICC (xem Mục 4 - Chương 5 của Giáo trình), là những quy tắc điều chỉnh gần như tòan bộ tín dụng thư; và INCOTERMS của ICC là những điều kiện giao hàng cơ sở trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, ví dụ, điều kiện FOB và điều kiện CIF (xem Mục 2 - Chương 5 của Giáo trình). Một số nhà bình luận còn đưa vào phạm vi của lex mercatoria các phán quyết trọng tài quốc tế cũng như các nguyên tắc phái sinh từ các công ước quốc tế hoặc công pháp quốc tế.
Mặc dù lex mercatoria không phải là ‘luật’, nhưng nó sẽ được chấp nhận để điều chỉnh tố tụng trọng tài nếu các bên thỏa thuận lựa chọn nó. Tuy nhiên, cũng cần phải ghi nhận rằng nhiều luật sư kiên quyết chống lại việc dẫn chiếu lex mercatoria khi họ soạn thảo các hợp đồng thương mại quốc tế giữa các bên tư nhân, bởi vì thông thường, các bên muốn luật áp dụng phải là luật có thể tiếp cận được, rõ ràng và xác định được, để có thể cung cấp cho các bên một khuôn khổ pháp luật chắc chắn. Chính các trọng tài viên, khi sử dụng một số quy định xuyên quốc gia, cũng ngần ngại khi dựa trên lex mercatoria. Tuy nhiên, cũng có những tình huống, mà lex mercatoria được thể hiện là rất hữu ích.
[e] Pháp luật quốc gia của nước không có liên quan đến các bên
Nếu các bên không thỏa thuận được về việc chọn luật quốc gia của một trong các bên, và nếu họ không muốn chọn các nguyên tắc chung của pháp luật, thì có thể có một sự lựa chọn khác - đó là chọn pháp luật của một nước trung lập, là nước không có mối liên hệ đặc biệt nào với bất kì bên nào. Các bên có thể muốn chọn luật của nước nào đó rất phát triển ở lĩnh vực nhất định, hoặc đơn giản là muốn chọn luật của nước mà ở đó có nhiều giao dịch quốc tế diễn ra. Một số công ước quốc tế ủng hộ quyền tự do của các bên trong việc lựa chọn luật áp dụng đối với trọng tài. Tuy nhiên, quyền tự do của các bên bị giới hạn bởi các quy phạm mệnh lệnh (các quy phạm mà các bên không thể không tuân thủ) và chính sách công cộng của một quốc gia.
Ở Hoa Kỳ, các bên không có quyền tự do lựa chọn luật áp dụng bất kì. Cần thiết phải có mối quan hệ thực chất giữa một bên hoặc giao dịch với luật được chọn, hoặc cần phải có cơ sở hợp lý cho sự lựa chọn của các bên (xem The Restatements (Second) of Conflict of Laws). Như vậy, tòa án sẽ không công nhận luật của bang Phờ-lo-ri-đa là luật áp dụng để điều chỉnh giao dịch giữa một công ty Đức và một công ty Nhật, nếu giao dịch này không có liên hệ nào với bang Phờ-lo-ri-đa.
Nhưng luật của bang Niu Y-oóc lại là trường hợp đặc biệt. tòa án bang Niu Y-oóc sẽ chấp nhận sự lựa chọn luật Niu Y-oóc bởi các bên trong những điều kiện nhất định, ngay cả khi không có mối liên hệ hợp lý nào với bang này. Hợp đồng (mà tòa án bang Niu Y-oóc xem xét) không được liên quan đến nhân sự hoặc dịch vụ tại nhà, hoặc lao động, và trị giá hợp đồng phải ít nhất là 250.000 USD.
Hơn nữa, nếu luật bang Niu Y-oóc là luật điều chỉnh hợp đồng, thì tòa án bang Niu Y- oóc sẽ có thẩm quyền xét xử đối với cá nhân, và không thể từ chối thụ lý vì lý do ‘tòa án không thích hợp’ (‘forum non conveniens’), nếu trị giá hợp đồng ít nhất là 1.000.000 USD. Bằng việc tạo thuận lợi cho các bên có những giao dịch hợp đồng trị giá lớn có thể tiếp cận hệ thống pháp luật và tòa án của mình, Niu Y-oóc rõ ràng là muốn cố gắng bảo tòan và tăng cường uy tín của mình như là một trung tâm kinh doanh toàn cầu.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
2- Giải quyết tranh chấp bằng phương thức tranh tụng tại tòa án
‘Quyền tài phán’ (thẩm quyền xét xử) ở nghĩa rộng nhất, đó là vấn đề liệu một tòa án có thể có thẩm quyền xét xử và quyết định một vấn đề tranh chấp trong bản án/quyết định của mình hay không.
[a] Lựa chọn quyền tài phán
Ban đầu, quyền lựa chọn tòa án có quyền tài phán thuộc về nguyên đơn. Nguyên đơn sẽ bắt đầu vụ kiện tại tòa án của nước mà nguyên đơn tin rằng có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Tuy nhiên, cũng có công ty, khi được thông báo là sẽ phải đối mặt với vụ kiện quan trọng, đã quyết định khởi xướng trước vụ kiện (ví dụ: để đạt được bản án/quyết định của tòa án tuyên rằng công ty không có liên quan trong vụ này). Hệ quả của việc này là: công ty sẽ cố gắng bảo đảm sao cho các bước tố tụng tại tòa án (có quyền tài phán) mang lại lợi ích tốt nhất cho mình.
- Cơ sở pháp lý quốc tế cho việc lựa chọn quyền tài phán:
Vấn đề liệu tòa án của một nước có quyền tài phán đối với vụ kiện hay không, sẽ được xác định phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước này tham gia, hoặc quy tắc tư pháp quốc tế của nước đó (nói cách khác là các quy phạm xung đột).
- Lựa chọn tòa án có quyền tài phán theo Quy định Brúc-xen:
Trong khuôn khổ EU, có nhiều điều ước có liên quan đến vấn đề này. Quy định Brúc-xen số 44/2001 về công nhận và thi hành các bản án dân sự và thương mại đã được ban hành ngày 22/12/2000. Quy định này áp dụng đối với các vụ kiện chống lại các bị đơn cư trú trên lãnh thổ EU, hoặc đối với các vụ kiện được tiến hành tại các nước thành viên EU. Quy định Brúc- xen có những quy định chi tiết về quyền tài phán trong khuôn khổ EU và xác định nước nào có quyền tài phán đối với vụ kiện cụ thể. Quy định này giúp làm giảm thiểu khả năng theo đó nguyên đơn có thể lựa chọn một hoặc nhiều tòa án để tiến hành vụ kiện.
- Lựa chọn tòa án có quyền tài phán theo Công ước Lu-ga-nô:
Ngày 16/9/1988, tại Lu-ga-nô, các nước thành viên EFTA (Hiệp hội thương mại tự do châu Âu), bao gồm Áo, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na Uy, Thuỵ Điển và Thuỵ Sĩ đã kí kết Công ước Lu-ga-nô về quyền tài phán và thi hành các bản án dân sự và thương mại với các nước thành viên EC. Công ước Lu-ga-nô cũng có những quy định tương tự như Quy định Brúc-xen và phần lớn đã bị Quy định này thay thế. Công ước Lu-ga-nô hiện nay vẫn có hiệu lực ở Na Uy và Thuỵ Sĩ, với tư cách là thành viên còn lại của EFTA, cùng với Pháp, Ý, Luých-xăm-bua, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh với tư cách là thành viên EU.
Ngoài EU, trên thế giới, hầu như hiện nay không có điều ước quốc tế quan trọng nào về vấn đề này. Điều đó có nghĩa là không có một sự hài hoà pháp luật nào. Các quy định của mỗi nước và sự tương tác giữa chúng là điều cần phải được xem xét khi lựa chọn tòa án của nước nào có quyền tài phán. Hiện nay đề xuất về Công ước La Hay về quyền tài phán quốc tế và các bản án dân sự và thương mại có thể sẽ đem lại mức độ hài hoà hoá pháp luật ở tầm tòan cầu.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest
[b] Chọn luật áp dụng
Vấn đề tòa án sẽ áp dụng luật nào để giải quyết tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng quốc tế được điều chỉnh bởi các điều ước quốc tế có liên quan (ví dụ: các quy định và chỉ thị của EU), và/hoặc các quy định pháp luật quốc gia có liên quan (ví dụ như các quy định tư pháp quốc tế của các nước có liên quan). Câu hỏi theo đó luật nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp không phải lúc nào cũng có những câu trả lời giống nhau.
- Chọn luật theo CISG:
Không có công ước tòan cầu nào đề cập đến vấn đề chọn luật áp dụng cho các hợp đồng thương mại quốc tế. Công ước quan trọng nhất ngoài khuôn khổ EU và đề cập thực chất đến vấn đề chọn luật trong các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là CISG (xem Mục 3 - Chương 5 của Giáo trình).
- Chọn luật theo Quy định Rô-ma:
Ở Anh, theo các quy định truyền thống, ‘luật thích hợp’ (‘luật riêng’) của hợp đồng được xác định trước hết trên cơ sở tham chiếu đến thỏa thuận rõ ràng về lựa chọn luật trong hợp đồng kí kết giữa các bên. Chỉ trong trường hợp không có sự lựa chọn rõ ràng hoặc có lựa chọn nhưng sự lựa chọn không có giá trị, khi đó sẽ dựa trên khái niệm ‘luật được lựa chọn ngầm’ hoặc ‘luật có mối liên hệ chặt chẽ nhất’. Ví dụ, Quy định Rô-ma I quy định rằng hợp đồng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn và việc lựa chọn này có thể được thể hiện rõ ràng trong các điều khoản của hợp đồng.
Nếu các bên không đặt điều kiện theo đó việc lựa chọn rõ ràng luật áp dụng phải được thực hiện bằng văn bản hay bằng một hình thức khác, thì một thỏa thuận miệng về luật áp dụng, đạt được trong khuôn khổ đàm phán để đi đến kí kết một hợp đồng bằng văn bản, cũng được công nhận là có hiệu lực. Bất kì sự lựa chọn luật rõ ràng nào, thông thường, cũng sẽ được ghi nhận trong một điều khoản của hợp đồng. Khoản 2 Điều 3 của bản Quy định này cho phép thỏa thuận một sự lựa chọn rõ ràng giữa các bên sau khi đã kí kết hợp đồng. Có thể một sự lựa chọn sau khi đã kí kết hợp đồng, thông thường, sẽ có hiệu lực hồi tố, trừ khi các bên thể hiện ý định khác.
Trong trường hợp các bên không có sự lựa chọn rõ ràng, Điều 3 Quy định Rô-ma I quy định theo đó tòa án sẽ xem xét khả năng có thể chấp nhận một sự lựa chọn ngầm giữa các bên hay không? Theo Điều 3, sự lựa chọn ngầm của các bên chỉ cần ‘được thể hiện rõ ràng trong các điều khoản của hợp đồng hoặc bối cảnh đi đến kí kết hợp đồng’ là đủ.
Quy định Rô-ma I phù hợp với các quy định truyền thống của pháp luật Anh sau Chiến tranh thế giới thứ II, và đưa ra cách tiếp cận hạn chế khi xác định có hay không có một sự lựa chọn ngầm giữa các bên về luật điều chỉnh hợp đồng. Trong trường hợp không có sự lựa chọn rõ ràng hay lựa chọn ngầm có hiệu lực giữa các bên, ‘luật thích hợp’ để điều chỉnh hợp đồng sẽ được xác định phù hợp với các quy định dự kiến tại Điều 4 và Điều 5 Quy định Rô-ma I. Những quy định này ưu tiên áp dụng luật của ‘nước có mối liên hệ chặt chẽ nhất’ với việc thực hiện hợp đồng.
- Luật áp dụng trong trường hợp các bên không lựa chọn:
Phù hợp với khoản 1 Điều 4 Quy định Rô-ma I, trong trường hợp các bên không lựa chọn rõ ràng hay lựa chọn ngầm, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật của ‘nước có mối liên hệ chặt chẽ nhất’ với hợp đồng. Với điều kiện không trái với quy định tại khoản 5 Điều này, hợp đồng được suy đoán là có mối liên hệ chặt chẽ nhất với nước mà vào thời điểm kí kết hợp đồng, bên thụ hưởng việc thực hiện hợp đồng có nơi thường trú (nếu là thể nhân), hoặc nơi mà bên đó có trụ sở chính (nếu là pháp nhân).
Tuy nhiên, nếu hợp đồng được kí kết trong quá trình hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp của bên đó, thì ‘nước có mối liên hệ chặt chẽ nhất’ là nước mà ở đó bên thụ hưởng từ việc thực hiện hợp đồng có hoạt động kinh doanh chính, hoặc nơi mà bên đó có hoạt động kinh doanh mà việc thực hiện hợp đồng được thực hiện thông qua nơi có hoạt động kinh doanh này, chứ không phải nơi có địa điểm kinh doanh chính. Các quy định có phần mập mờ này được đưa ra để điều chỉnh một số tình huống đặc thù. Ví dụ, trong tranh chấp liên quan đến bất động sản, thông thường luật của nước nơi có bất động sản sẽ được áp dụng. Nếu một bên ở vị thế yếu hơn, luật áp dụng sẽ là luật nào có khả năng bảo vệ bên đó nhiều nhất. Tương tự trong trường hợp người tiêu dùng, luật của nước mà người tiêu dùng có nơi thường trú sẽ là luật áp dụng.
Suy đoán chung tại khoản 2 Điều 4 không áp dụng đối với các hợp đồng liên quan đến quyền về bất động sản, cũng không áp dụng đối với các hợp đồng vận chuyển hàng hoá. Các suy đoán đặc biệt được quy định tại các khoản 3 và 4:
Hợp đồng liên quan đến các quyền về bất động sản. Khoản 3 Điều 4 quy định: Trong phạm vi theo đó đối tượng điều chỉnh của hợp đồng là quyền về bất động sản hoặc quyền sử dụng bất động sản, thì ‘nước có mối liên hệ chặt chẽ nhất’ được suy đoán là nước nơi có bất động sản.
Hợp đồng vận chuyển hàng hoá: Hợp đồng vận chuyển hàng hoá được suy đoán là có mối liên hệ chặt chẽ nhất với nước mà bên vận chuyển có trụ sở kinh doanh chính vào thời điểm kí kết hợp đồng, nếu nước đó cũng là nơi có địa điểm bốc hàng hoặc dỡ hàng, hoặc nơi có trụ sở kinh doanh chính của bên thuê vận chuyển. Nếu nước mà bên vận chuyển có trụ sở kinh doanh chính không phải là một trong những nước có một trong ba yếu tố này, thì suy đoán theo khoản 4 sẽ không được áp dụng.
[c] Đề xuất giải quyết tranh chấp
- Đề xuất về tống đạt tài liệu tố tụng:
Nếu bị đơn không thường trú trên lãnh thổ của nước thực hiện quyền tài phán, thì trát hầu tòa (giấy triệu tập tham gia phiên tòa) có thể được tống đạt bên ngoài lãnh thổ nước đó. Nếu công ty kí kết hợp đồng thương mại với một bên nước ngoài, thì cần thiết phải có điều khoản về ‘đại diện tiếp nhận tài liệu tố tụng’ (‘agent for service’).
Điều khoản này có nghĩa là bên kia sẽ chỉ định bên thứ ba, thường trú trên lãnh thổ bên kia, thay mặt mình tiếp nhận các tài liệu tố tụng. Sự chỉ định này sẽ loại bỏ sự cần thiết phải tống đạt lệnh triệu tập của tòa án bên ngoài lãnh thổ. Điều khoản mẫu về ‘đại diện tố tụng’ có nội dung như sau: ‘X chỉ định không huỷ ngang Y làm đại diện tố tụng cho mình, vì mục đích thay mặt mình tiếp nhận tất cả các giấy tờ và tài liệu tố tụng’. Điều khoản này có lợi cho các công ty Việt Nam khi kí kết hợp đồng thương mại quốc tế với các đối tác nước ngoài. Điều khoản này cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tránh được những phức tạp và yếu kém trong nhiều vụ việc.
- Điều khoản về quyền tài phán:
Trong các hợp đồng thương mại quốc tế, thường sẽ có tình trạng tòa án của nhiều nước đều có quyền tài phán. Để tránh những tranh cãi về việc tòa án nào có quyền tài phán đối với vụ kiện, các bên tốt nhất là nên đưa vào hợp đồng điều khoản về tòa án có quyền tài phán. Ví dụ: ‘Các bên đồng ý không huỷ ngang rằng tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với tất cả các tranh chấp liên quan đến hợp đồng này’. Điều khoản về quyền tài phán sẽ bảo đảm rằng tòa án được các bên lựa chọn sẽ giải quyết vụ kiện. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng có những nước đặt ra những quy phạm mệnh lệnh về quyền tài phán của tòa án nước này.
Nếu một bên bắt đầu khởi kiện ở một nước và bên kia không cho rằng nước đó là sự lựa chọn thích hợp để thực hiện quyền tài phán, thì thông thường, bên đó sẽ phải phản bác quyền tài phán trước khi đi vào biện hộ về nội dung. Bên phản bác cần thiết phải chứng minh tại tòa án đầu tiên rằng tòa án của nước khác mới là tòa án thích hợp nhất để giải quyết vụ kiện.
Chỉ khi tòa án đầu tiên quyết định rằng tòa án của nước khác là thích hợp hơn, thì đơn khởi kiện ban đầu sẽ bị huỷ bỏ và trình tự tố tụng sẽ được khuyến nghị thực hiện ở tòa án nước thứ hai. Nếu bên phản bác muốn tiến hành các hành vi tố tụng ở tòa án nước thứ hai, trong khi chờ tòa án thứ nhất ra quyết định, thì các hành vi này sẽ bị tạm hoãn. Bên tranh chấp kia sẽ có khả năng thành công trong việc yêu cầu tạm hoãn các hành vi tố tụng tại tòa án thứ hai, với lập luận rằng có vụ kiện khác đang được giải quyết tại tòa án nước khác.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Chọn luật áp dụng và cơ quan tài phán trong giải quyết tranh chấp được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Chọn luật áp dụng và cơ quan tài phán trong giải quyết tranh chấp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm