Quy chế nhân sự Công ty Luật TNHH Everest

"Kiếm một ekip gắn bó với nhau, không đủ. Phải kiếm một ekip có thể tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau"

- Shark. Lê Đăng Khoa

Quy chế nhân sự Công ty Luật TNHH Everest

Quy chế nhân sự là những quy định, chính sách mà Công ty Luật TNHH Everest đưa ra để tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và khen thưởng cho các nhân viên của công ty. 

Thông qua quy chế này, sự minh bạch và chặt chẽ trong công tác tuyển dụng nhân sự, đào tạo năng cao trình độ chuyên môn, quản lý nhân sự sẽ là sự đảm bảo pháp lý cho sự ổn định và phát triển của Everest.

Liên hệ

I- Khái niệm quy chế quản lý nhân sự 

Quy chế quản lý nhân sự được hiểu là những quy định, chính sách mà một doanh nghiệp đưa ra để tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và khen thưởng cho các nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp đó. Khi xây dựng, soạn thảo và ban hành quy chế quản lý nhân sự cần chú ý nội dung sao cho rõ ràng, dễ hiểu, tránh gây hiểu lầm giữa người lao động và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của họ tại doanh nghiệp.

II- Vai trò của quy chế quản lý nhân sự trong doanh nghiệp

- Quy chế quản lý nhân sự trong doanh nghiệp có những vai trò chính như sau:

+ Tạo điều kiện để thu hút, tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân tài đến làm việc tại công ty, tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động để gắn bó với công việc tại doanh nghiệp;

+ Quy chế quản lý nhân sự trở thành căn cứ để giải quyết quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động khi có tranh chấp xảy ra, tránh rủi ro cho các doanh nghiệp;

+ Giúp nâng cao văn hóa ứng xử, tăng tính văn minh, lịch sử, kỷ cương trong môi trường làm việc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp.

III- Nội dung của quy chế quản lý nhân sự

Nội dung của quy chế quản lý nhân sự bao gồm tuyển dụng và đào tạo nhân sự: 

a) Quy chế quản lý nhân sự về tuyển dụng lao động

Đây là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong quy trình quản lý nhân sự của doanh nghiệp. Phụ thuộc vào từng vị trí tuyển dụng, yêu cầu công việc, quy mô và cơ cấu của công ty mà quy trình này có thể khác nhau giữa các công ty và không có một khuôn mẫu thống nhất. Quy trình tuyển dụng nhân viên bao gồm các bước như:

+ Lập kế hoạch tuyển dụng;

+ Thông báo tuyển dụng;

+ Thu nhận và chọn lọc hồ sơ;

+ Phỏng vấn sơ bộ;

+ Kiểm tra trình độ chuyên môn của ứng viên;

+ Phỏng vấn tuyển chọn;

+ Tập sự thử việc;

+ Quyết định tuyển dụng.

b) Quy chế quản lý nhân sự về đào tạo nhân sự

Sau hoạt động tuyển dụng nhân sự, vấn đề đào tạo nhân sự cũng được xem là một hoạt động quan trọng nhằm phát triển đúng khả năng, thế mạnh, tiềm lực của nhân viên, đóng góp cho sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp đó. Đây được xem là một chiến lược đầu tư dài hạn và được thực hiện một cách có kế hoạch, thống nhất. có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và tổ chức. Bên cạnh đó, thông qua quá trình đào tạo, nhân viên có cơ hội được tìm hiểu rõ hơn về tính chất công việc, cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới cần thiết phục vụ cho vị trí làm việc của mình. Đồng thời, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng khả năng thích ứng với môi trường của từng nhân viên.

- Các nội dung cơ bản về đào tạo nhân sự bao gồm:

+ Quy chế quản lý nhân sự đưa ra chính sách đào tạo;

- Quy chế quản lý nhân sự đưa ra những quy định chung, bao gồm các hình thức đào tạo như:

+ Đào tạo nội bộ, đào tạo bên ngoài, tự đào tạo;

+ Quy chế quản lý nhân sự quy định tổ chức các chương trình đào tạo;

+ Quy chế quản lý nhân sự quy định trách nhiệm, xử lý vi phạm trong quá trình đào tạo và các điều khoản thi hành.

c) Chính sách đãi ngộ và tiền lương

Đây cũng là một chính sách quan trọng thúc đẩy động lực làm việc, đảm bảo sự gắn bó lâu dài của người lao động với doanh nghiệp đó. Đồng thời, việc tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về các vấn đề lao động trước khi xây dựng cơ chế trả lương là việc làm bắt buộc. Chính sách đã ngộ và tiền lương bao gồm:

Chính sách lương thưởng (phúc lợi cho nhân viên, hình thức thanh toán, chu kỳ trả lương,…)

Số ngày lễ

Số ngày nghỉ phép

Chế độ du lịch, nghỉ dưỡng.

IV- QUY CHẾ NHÂN SỰ CÔNG TY LUẬT TNHH EVEREST

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về chế độ làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ đối với nhân viên tại Công ty Luật TNHH Everest.

Điều 2. Đối tượng

Nhân viên làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest bao gồm 4 nhóm như sau:

- Nhóm 1: Thành viên công ty

- Nhóm 2: Cộng sự (bao gồm: Luật sư, Luật sư tập sự, chuyên viên chính, chuyên viên)

- Nhóm 3: Học nghề, tập nghề, thực tập sinh

- Nhóm 4: Cộng tác viên

Điều 3. Chế độ làm việc

3.1. Nhân viên Công ty Luật TNHH Everest làm việc theo Hợp đồng lao động đã ký và phải tuân thủ Nội quy lao động mà công ty đã đề ra.

3.2. Làm việc theo thời giờ làm việc Toàn thời gian cố định

3.3. Được cấp phát những dụng cụ làm việc gồm: Sử dụng trang thiết bị chung (máy tính, điện thoại, Fax, Internet, thiết bị điện, điện tử) của công ty

Điều 4. Quyền lợi của nhân viên

4.1. Được hưởng lương, phụ cấp theo quy chế tiền lương – thù lao của công ty. Công tác phí, phụ cấp khác, tiền thưởng theo quy chế nội bộ của công ty.

4.2. Chế độ nghỉ ngơi: Nghỉ chiều thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định của Bộ luật Lao động và quy chế nội bộ của công ty.

4.3. Được đào tạo theo quy định nội bộ của công ty;

Điều 5. Nghĩa vụ của nhân viên

5.1. Hoàn thành những công việc đã cam kết theo Hợp đồng lao động đã ký.

5.2. Chấp hành lệnh điều hành sản xuất - kinh doanh, nội quy kỷ luật lao động, an toàn lao động;

5.3. Bồi thường vi phạm và vật chất theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Điều khoản khác

Quy chế này bao gồm các phụ lục cụ thể về phân bổ thời gian làm việc của các nhóm nhân viên; quy chế học nghề, tập nghề; quy chế cộng tác viên.

PHỤ LỤC 01

BẢNG PHÂN BỔ THỜI GIAN CỦA CÁC NHÓM NHÂN VIÊN

A- NHÓM LUẬT SƯ

Chuyên môn (50%)

Kinh doanh (25%)

Quản lý (25%)

Công việc cụ thể:

1- Chuyên môn: Xử lý các hồ sơ vụ việc

2- Kinh doanh: Tìm kiếm khách hàng, đàm phán và chốt hợp đồng

3- Quản lý: quản lý, đánh giá nhân sự tại các phòng ban trực thuộc; lên kế hoạch kinh doanh và đào tạo nhân sự theo tuần, tháng, quý, năm.

B- NHÓM CHUYÊN VIÊN CHÍNH

 

Chuyên môn (50%)

Hành chính (25%)

Kinh doanh (25%)

Công việc cụ thể:

1- Chuyên môn: Xử lý các hồ sơ vụ việc theo phân công của Luật sư

2- Kinh doanh: Tìm kiếm khách hàng, đàm phán và chốt hợp đồng

3- Hành chính: được phân công theo Bảng phân công công việc hành chính.

C- NHÓM THỰC TẬP SINH, HỌC VIỆC, TẬP VIỆC VÀ CHUYÊN VIÊN

Chăm sóc khách hàng (25%)

Thư ký (25%)

Hành chính (25%)

Marketing (25%)

Công việc cụ thể:

1- Hành chính: được phân công theo Bảng phân công công việc hành chính

2- Thư ký: Hỗ trợ công việc chuyên môn cho các phòng ban (Phòng Tranh tụng, Phòng cá nhân, Phòng doanh nghiệp): theo sự phân công của người hướng dẫn.

3- Chăm sóc khách hàng

+ Thu thập thông tin khách hàng (tên, địa chỉ, số điện thoại, nội dung vụ việc – đối với khách hàng cá nhân; tên, địa chỉ, số điện thoại, ngành nghề kinh doanh, vướng mắc trong quá trình hoạt động,… - đối với khách hàng doanh nghiệp);

+ Liên hệ khách hàng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ;

+ Chăm sóc khách hàng cũ.

4- Marketing

+ Viết bài tư vấn pháp luật trên trang web của công ty;

+ Hỗ trợ Ban đào tạo thực hiện việc quay, dựng clip đào tạo;

PHỤ LỤC 02

QUY CHẾ TẬP VIỆC

1- Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định: mục tiêu đào tạo, đối tượng đào tạo, phạm vi đào tạo, tiêu chuẩn, công việc và thù lao đối với Người tập nghề tại Công ty Luật TNHH Everest (sau đây gọi tắt là: “Công ty”).

2- Mục tiêu đào tạo

+ Chương trình đào tạo nhằm: chuẩn hóa kiến thức pháp lý cơ bản, hướng dẫn thực hành công việc của Chuyên viên pháp lý, tạo nguồn nhân lực Chuyên viên pháp lý có chất lượng cho Công ty (sau đây gọi tắt là: “Chương trình tập nghề”).

+ Chương trình tập nghề là hoạt động không tách rời với Chiến lược nhân sự của Công ty: thu hút, duy trì, phát triển đội ngũ Luật sư tử tế (nhân ái, kỷ luật, lý tưởng, chuyên nghiệp, uy tín).

3- Đối tượng tham gia

+ Cử nhân luật hoặc những người đã hoàn thành chương trình đào tạo ngành luật (hệ đại học), có đạo đức tốt, tính kỷ luật cao, phù hợp với văn hóa, có định hướng trở thành Chuyên viên pháp lý của Công ty, có thể đăng ký tham gia Chương trình tập nghề (sau đây gọi là: “Người tập nghề”).

+ Người đã hoàn thành Khóa đào tạo nghề luật sư không thuộc đối tượng tham gia Chương trình tập nghề.

+ Trước khi tham gia Chương trình tập nghề, người tập nghề phải hoàn thành Chương trình đào tạo hội nhập bắt buộc (thời hạn tối đa 15 ngày) và đạt tiêu chuẩn sát hạch kiến thức chuyên môn (có thể cập nhật, hoàn thành trong thời hạn tối đa 60 ngày).

4- Thời gian tập nghề

+ Thời hạn tập nghề tiêu chuẩn: 3 tháng; thời lượng tập nghề tiêu chuẩn: 150 buổi.

+ Để đảm bảo người tập nghề đã tham gia đủ thời lượng tập nghề (150 buổi), tổng thời gian tập nghề có thể kéo dài, nhưng không quá 06 tháng.

+ Người tập nghề đã tham gia từ trên 50% thời gian Khóa đào tạo nghề luật sư được xét giảm, miễn thời gian tham gia Chương trình tập nghề.

+ Trường hợp đặc biệt khác, theo đề xuất của Luật sư hướng dẫn, Người tập nghề có thể được giảm thời gian tập nghề (tối đa 50%).

+ Người thực tập (là sinh viên) đã tham gia Chương trình thực tập (tối thiểu 50 buổi) tại Công ty, khi đăng ký tham gia Chương trình tập nghề, được xét giảm thời lượng tập nghề như sau: 03 buổi thực tập được xác định là 01 buổi tập nghề.

5- Nội dung tập nghề

+ Học tập và thực hành quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

+ Thực hành công việc chuyên môn theo hướng dẫn của luật sư: 03 buổi/tuần, tối đa 45 buổi/150 buổi của toàn bộ chương trình (30%).

+ Thực hành công việc theo vụ việc tự chọn: người tập nghề đăng ký 02 buổi/tuần, tối đa 30 buổi/150 buổi của toàn bộ chương trình (20%).

+ Công việc khác: hỗ trợ đào tạo, tổ chức sự kiện, truyền thông, chăm sóc khách hàng, hành chính… theo phân công của Luật sư hướng dẫn.

+ Người tập nghề hoàn thiện các kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết phục vụ (phụ lục chi tiết). Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo tập việc (chiếm 30% tổng số điểm).

6- Thù lao

+ Thời gian thực hiện công việc ngoài chuyên môn như: hỗ trợ đào tạo, tổ chức sự kiện, công việc hành chính, chăm sóc khác hàng… được trả thù lao. Mức thù lao tiêu chuẩn: 100.000 đồng/buổi làm việc. (mức thù lao tiêu chuẩn nêu trên được tính căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng: 4.420.000 đồng/tháng, nhân với hệ số 1.1, thời gian làm việc 50 buổi/tháng, không tính khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).

+ Người tập việc thực hành công việc chuyên môn mà hiệu quả có thể đo lường được được trả thù lao. Mức thù lao cụ thể do luật sư hướng dẫn quyết định căn cứ mức thù lao tiêu chuẩn và hiệu quả công việc đạt được.

+ Người tập việc làm việc theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn có phát sinh công tác phí, được hưởng mức công tác phí bằng mức của Chuyên viên pháp lý.

+ Thời gian Người tập nghề tham gia các Chương trình đào tạo (chuyên môn, kỹ năng) của Công ty là thực hiện công việc không tạo ra kết quả (hoặc không đo lường được), thì không được trả thù lao.

+ Người tập việc tham gia lao động hiệu quả, có tổng mức thù lao đạt từ: 6.000.000 đồng/tháng được xét giảm thời gian tập nghề.

7- Đánh giá, tiếp nhận Người tập nghề vào làm việc

+ Người tập nghề hoàn thành Chương trình tập nghề được cấp xác nhận hoàn thành Chương trình tập nghề.

+ Người tập nghề hoàn thành Chương trình tập nghề, đạt tiêu chuẩn Chuyên viên pháp lý của Công ty và có nguyện vọng làm việc tại Công ty được ký hợp đồng thử việc (thời hạn hợp đồng từ 30 đến 60 ngày) sau đó được cân nhắc ký kết hợp đồng lao động (thời hạn hợp đồng lao động tối thiểu 03 tháng).

+ Người tập nghề không đạt yêu cầu sau thời gian tập nghề có thể được gia hạn thời gian tập nghề không quá 02 tháng.

+ Người tập nghề không đạt yêu cầu sau thời gian tập nghề có thể đăng ký cộng tác với Công ty theo chế độ Cộng tác viên thường xuyên. Hợp đồng cộng tác viên có thời hạn 30 ngày, có thể gia hạn tối đa 02 lần. Cộng tác viên thường xuyên được hỗ trợ trang thiết bị làm việc, có quyền lợi học tập như Người tập nghề

+ Sau thời gian này, luật sư hướng dẫn sẽ đánh giá năng lực và mức độ phù hợp để đề xuất ký hợp đồng lao động.

+ Luật sư hướng dẫn đánh giá, đề xuất tiếp nhận, đào tạo, ký hợp đồng lao động đối với người tập nghề sau khi kết thúc chương trình tập nghề dựa trên các tiêu chí: đạo đức, sự tuân thủ kỷ luật, định hướng nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ năng, sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

8- Một số quy định khác

+ Chương trình tập nghề khác với Chương trình thực tập (từ 01 đến 06 tháng, dành cho sinh viên hoàn thành dưới 80% Chương trình đào tạo ngành Luật), khác với Chương trình tập sự (12 tháng, dành cho người đã được đào tạo nghề Luật sư).

+ Người tập nghề tham gia Chương trình tham quan và Chương trình đào tạo (bắt buộc, thời lượng: 05 buổi) về: Lịch sử Công ty, Văn hóa, Cơ cấu tổ chức và hoạt động, Chiến lược định hướng, Quy chế quan trọng của Công ty.

+ Trước khi tham gia Chương trình tập nghề, Người tập nghề phải cập nhật và đảm bảo đã đạt Chuẩn kiến thức pháp lý cơ bản (Công ty sẽ kiểm tra, đánh giá), thời hạn để hoàn thành nội dung này tối đa 90 ngày.

+ Người tập nghề không nhằm mục tiêu trở thành Chuyên viên pháp lý của Công ty (như để trải nghiệm, bổ sung kiến thức, kỹ năng…) nhưng cam kết tuân thủ quy định của Chương trình tập việc, nội quy Công ty, có trách nhiệm thông báo mục tiêu học tập. Trường hợp này, Người tập nghề không phải đóng học phí, nhưng không được trả thù lao.

+ Luật sư hướng dẫn đánh giá thái độ, tuân thủ kỷ luật, năng lực, khả năng phát triển của Người tập nghề định kỳ 15 ngày/lần, nhằm sàng lọc và định hướng Người tập nghề chính xác nhất.

+ Trường hợp Luật sự hướng dẫn đánh giá Người tập nghề: ý thức chấp hành kỷ luật kém, hoặc ứng xử thể hiện sự không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp (đề cao chia sẻ, tin tưởng, hợp tác) thì Ban giám đốc Công ty xem xét chấm dứt hợp đồng tập nghề trước hạn mà không kèm theo trách nhiệm bồi hoàn.

+ Công ty ban hành các Hướng dẫn chi tiết của Chương trình tập nghề, phù hợp với từng giai đoạn hoạt động mà không dẫn đến sửa đổi Quy chế tập việc này.

PHỤ LỤC 03

QUY CHẾ CỘNG TÁC VIÊN

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Quy chế này áp dụng để thanh toán thù lao, hoa hồng môi giới, công tác phí cho cộng tác viên (không giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn) làm việc, cộng tác với Công ty Luật TNHH Everest.

1.2. “Cộng tác viên” làm việc, hợp tác với Công ty theo các hình thức hợp đồng (bằng văn bản hoặc bằng miệng), gồm: hợp đồng hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng thuê khoán, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng hợp đồng tập sự, hợp đồng thực tập, hợp đồng lao động không trọn thời gian.

Điều 2. Một số quy định cụ thể

2.1. Thù lao chi trả cho bài viết trên trang web công ty;

2.2. Thù lao chi trả cho bài viết được đăng tải trên các báo (hoạt động theo luật báo chí), mức:

a) 50.000 đồng/bài tư vấn pháp luật;

b) 100.000 đồng/bài viết.

2.3. Mức hoa hồng môi giới (trả cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng cho Công ty):

a) Hợp đồng hưởng 20%/doanh thu thuần thu được trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, nhưng không thấp hơn 10%/tổng doanh thu thuần của toàn bộ hợp đồng.

b) Cộng tác viên giới thiệu (môi giới) khách hàng cho Công ty nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên tham gia cung cấp dịch vụ với luật sư, chuyên gia của Công ty.

2.4. Cộng tác viên trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ pháp lý có thể được áp dụng quy định về xác định “Doanh thu cung cấp dịch vụ” (doanh thu thuần)

2.5. Thù lao trả theo thời gian làm việc của cộng tác viên làm các công việc do trưởng, phó bộ phận phân công (không có mức thù lao cụ thể tại khoản 2.1, 2.2, 2.3 và 2.4 của Điều này), mức hưởng:

a) 35.000 đồng/buổi làm việc (02 giờ);

b) 70.000 đồng/buổi làm việc (04 giờ);

c) 140.000 đồng/ngày làm việc (08 giờ);

d) Công tác phí: 2.500 đồng/km đối với quãng đường từ 10km trở lên;

e) Lưu trú: 200.000 đồng/người/đêm.

Điều 3. Điều khoản thực hiện

3.1. Quy định tại uy chế này có lợi cho cộng tác viên có thể được áp dụng để giải quyết quyền lợi cho cộng tác viên trước khi ban hành Quy chế.

3.2. Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký, áp dụng tới hết ngày ...

 

 

CÔNG TY LUẬT TNHH EVEREST

 

PHỤ LỤC 04

QUY CHẾ THỰC TẬP SINH

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định: mục tiêu đào tạo, đối tượng đào tạo, phạm vi đào tạo, tiêu chuẩn, công việc và thù lao đối với Thực tập sinh tại Công ty Luật TNHH Everest (sau đây gọi tắt là: “Công ty”).

2. Mục tiêu đào tạo

2.1. Chương trình đào tạo nhằm: chuẩn hóa kiến thức pháp lý cơ bản, thực hành kỹ năng tư vấn pháp luật (cơ bản), tiếp cận hồ sơ pháp lý, tạo thói quen với những công việc thực tế (sau đây gọi tắt là: “Chương trình thực tập”).

2.2. Chương trình thực tập là hoạt động không tách rời với Chiến lược nhân sự của Công ty: thu hút, tìm ra nhân tố phù hợp đào tạo thành một chuyên viên pháp lý (nhân ái, kỷ luật, lý tưởng, chuyên nghiệp, uy tín).

3. Đối tượng tham gia

3.1. Đối tượng: Là sinh viên năm thứ hai, thứ ba, thứ tư hoặc mới ra trường ngành luật các trường đại học của Việt Nam, có đạo đức tốt, tính kỷ luật cao, mong muốn thực tập ở công ty tiếp cận trực tiếp với những công việc thực tế, có thể đăng ký tham gia Chương trình thực tập (sau đây gọi là: “Thực tập sinh”).

3.2. Trước khi tham gia Chương trình thực tập, thực tập sinh phải hoàn thành Chương trình đào tạo thực tập sinh bắt buộc: Chương trình tham quan và Chương trình đào tạo (bắt buộc, thời lượng: 03 buổi) về: Lịch sử Công ty, Văn hóa, Cơ cấu tổ chức và hoạt động, Chiến lược định hướng, Quy chế quan trọng của Công ty

4. Thời gian thực tập

4.1. Thời hạn thực tập tiêu chuẩn (tối đa): 03 (ba) tháng, thời gian thực tập (toàn khóa): 200 giờ/ khóa. Thời gian thực tập tối thiểu: 20 giờ/tuần

4.2. Thực tập sinh có thể lựa chọn việc thực tập toàn thời gian, bán thời gian theo giờ hành chính (làm buổi sáng hoặc buổi chiều).

4.3. Người thực tập (là sinh viên) đã tham gia Chương trình thực tập (tối thiểu 50 buổi) tại Công ty, nếu có năng lực làm việc tốt sẽ được đăng ký tham gia Chương trình tập nghề chuyên viên pháp lý, tiếp nhận vào làm việc (hợp đồng Cộng tác viên, Hợp đồng lao động bán thời gian, Hợp đồng lao động xác định thời hạn) tại Công ty sau khi kết thúc chương trình thực tập nếu đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của Công ty.

5. Nội dung thực tập sinh

5.1. Học tập và thực hành quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.

5.2. Thực hành nghiên cứu hồ sơ và đưa ra hướng giải quyết (cơ bản) theo hướng dẫn của luật sư: 02 buổi/tuần (25% toàn khóa).

5.3. Tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh: Khóa đào tạo kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng mềm do Công ty tổ chức (kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm khách hàng, kỹ năng nghe điện thoại;...)

5.4. Công việc khác: hỗ trợ đào tạo, tổ chức sự kiện, truyền thông, chăm sóc khách hàng, hành chính… theo phân công, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban giám đốc hoặc/và người hướng dẫn trực tiếp. 

5.5. Viết các bài tư vấn (tình huống giả định) và nhập nội dung bài tư vấn vào website của Công ty.

5.6. Thực tập sinh hoàn thiện các kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết phục vụ (phụ lục chi tiết). Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành chương trình thực tập (chiếm 30% tổng số điểm).

5.7. Một số nội dung thực tập khác theo yêu cầu của Ban giám đốc Công ty.

6. Thù lao

6.1. Thực tập sinh thực hành công việc chuyên môn mà hiệu quả có thể đo lường được được trả thù lao. Mức thù lao cụ thể do luật sư hướng dẫn quyết định căn cứ mức thù lao tiêu chuẩn và hiệu quả công việc đạt được.

6.2. Trường hợp tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được trả thù lao, phụ cấp theo Quy chế cộng tác viên của Công ty.

6.3. Thực tập sinh làm việc theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn có phát sinh công tác phí, được hưởng mức công tác phí bằng mức của Chuyên viên pháp lý.

6.4. Thời gian Thực tập sinh tham gia các Chương trình đào tạo (chuyên môn, kỹ năng) của Công ty là thực hiện công việc không tạo ra kết quả (hoặc không đo lường được), thì không được trả thù lao.

6.5. Người tập việc tham gia lao động tốt, hiệu quả sẽ được nhận hỗ trợ từ công ty.

7. Đánh giá, tiếp nhận Thực tập sinh vào làm việc

7.1. Thực tập sinh hoàn thành Chương trình thực tập được cấp xác nhận hoàn thành thành Chương trình thực tập.

7.2. Thực tập sinh hoàn thành Chương trình thực tập đúng thời hạn, đạt tiêu chuẩn của Công ty và có nguyện vọng làm việc tại Công ty được đăng ký tham gia Chương trình tập nghề, tiếp nhận vào làm việc (hợp đồng Cộng tác viên, Hợp đồng lao động bán thời gian, Hợp đồng lao động xác định thời hạn) tại Công ty.

7.3. Thực tập sinh không đạt yêu cầu sau thời gian thực tập có thể đăng ký cộng tác với Công ty theo chế độ Cộng tác viên thường xuyên. Hợp đồng cộng tác viên có thời hạn 30 ngày, có thể gia hạn tối đa 02 lần. Cộng tác viên thường xuyên được hỗ trợ trang thiết bị làm việc, có quyền lợi học tập như Thực tâp sinh.

7.4. Sau thời gian này, luật sư hướng dẫn sẽ đánh giá năng lực và mức độ phù hợp để đề xuất tham gia chương trình tập nghề.

7.5. Luật sư hướng dẫn đánh giá, đề xuất tiếp nhận, đào tạo đối với thực tập sinh sau khi kết thúc chương trình thực tập dựa trên các tiêu chí: đạo đức, sự tuân thủ kỷ luật, định hướng nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ năng, sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

8. Một số quy định khác

8.1. Chương trình thực tập khác với Chương trình tập nghề (từ 01 đến 06 tháng, dành cho sinh viên hoàn thành dưới 80% Chương trình đào tạo ngành Luật), khác với Chương trình tập sự (12 tháng, dành cho người đã được đào tạo nghề Luật sư).

8.2. Thực tập sinh tham gia Chương trình tham quan và Chương trình đào tạo (bắt buộc, thời lượng: 03 buổi) về: Lịch sử Công ty, Văn hóa, Cơ cấu tổ chức và hoạt động, Chiến lược định hướng, Quy chế quan trọng của Công ty.

8.3. Trước khi tham gia Chương trình thực tập, Thực tập sinh phải cập nhật và đảm bảo đã đạt Chuẩn kiến thức pháp lý cơ bản (Công ty sẽ kiểm tra, đánh giá), thời hạn để hoàn thành nội dung này tối đa 90 ngày.

8.4. Thực tập sinh không nhằm mục tiêu trở thành Chuyên viên pháp lý của Công ty (như để trải nghiệm, bổ sung kiến thức, kỹ năng…) nhưng cam kết tuân thủ quy định của Chương trình thực tập, nội quy Công ty, có trách nhiệm thông báo mục tiêu học tập. Trường hợp này, Thực tập sinh không phải đóng học phí, nhưng không được trả thù lao.

8.5. Luật sư hướng dẫn đánh giá thái độ, tuân thủ kỷ luật, năng lực, khả năng phát triển của Thực tập sinh định kỳ 15 ngày/lần, nhằm sàng lọc và định hướng Thực tập sinh chính xác nhất.

a) Trường hợp Luật sư hướng dẫn đánh giá Thực tập sinh: ý thức chấp hành kỷ luật kém, hoặc ứng xử thể hiện sự không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp (đề cao chia sẻ, tin tưởng, hợp tác) thì Ban giám đốc Công ty xem xét chấm dứt hợp đồng thực tập trước hạn theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và nội quy lao động của công ty.

8.6. Công ty ban hành các Hướng dẫn chi tiết của Chương trình thực tập, phù hợp với từng giai đoạn hoạt động mà không dẫn đến sửa đổi Quy chế thực tập này.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Quy chế nhân sự Công ty Luật TNHH Everest

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.25434 sec| 1230.977 kb